Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có công văn đề nghị cơ quan chủ quản báo Lao Động “kiểm điểm, xử lý” người sai phạm khi cho đăng bài viết “Thác nước Detian - thiên đường chốn hạ giới.”
Detian, hay Đức Thiên gọi theo tiếng Hoa, thực ra là Thác Bản Giốc của Việt Nam.Tuy nhiên bài viết trên báo Lao Động gọi Detian là một trong 10 thác đẹp nhất thế giới, là thắng cảnh hàng đầu của Trung Quốc.
Công văn yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan quản lý báo Lao Động, phải “báo cáo” lại cho Ban Tuyên giáo Trung ương trước ngày 27 tháng 2 năm 2011.
Ngoài Ban Tuyên giáo TƯ, báo Lao Động cũng phải giải trình sự việc cho Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, website của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin.
Bài viết
Bài giới thiệu thác Detian (Đức Thiên) mang tựa đề 'Thác nước Detian - thiên đường chốn hạ giới', dịch từ trang mạng Sina, được đăng trên báo Lao Động điện tử. Tới sáng thứ Tư 23/02 bài viết vẫn còn trên mạng.
Cũng giống bản gốc tiếng Trung, bài báo tiếng Việt ca ngợi dòng thác là một trong những "cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nhất đất nước Trung Hoa", nằm ở "thị trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc".
Bài này nay đã được ban biên tập Lao Động gỡ xuống nhưng cũng đã gây ra phản ứng bất bình trong một số độc giả, những người cho rằng đây là sơ xuất của biên dịch và biên tập tờ báo.
Không chỉ Lao Động, mà trước đó một số báo khác trong nước cũng đăng thông tin về 'thác Detian' mà không biết đây chính là thác Bản Giốc.
Điều này cho thấy sự bất cẩn của một số báo trong khi viết về những chủ đề nhạy cảm như biên giới lãnh thổ.
Hồi tháng 9/2009 báo điện tử Đảng Cộng Sản VN đăng tin Hải quân Trung Quốc diễn tập tại Biển Đông lấy nguồn báo Hoàn Cầu, Phượng Hoàng của Trung Quốc, với nội dung trái với lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau vụ này, Tổng Biên tập báo Đào Duy Quát đã bị khiển trách.
Ngọn thác Bản Giốc từng là một trong các điểm tranh cãi trong quá trình phân định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, trước khi hai bên hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc vào phút chót năm 2008.
No comments:
Post a Comment