Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 22, 2011

Sài Gòn: Vàng, Ðô La 'đuổi nhau' lên giá

Mỹ kim, mua nhiều được 'giá tốt,' bao nhiêu cũng có

SÀI GÒN - Vào ngày 11 tháng 2, 2011, Việt Nam phá giá đồng bạc sau nhiều tháng cầm cự. Giá vàng và giá đô la Mỹ “đuổi theo nhau,” leo thang hàng ngày, có khi từng giờ. Bài viết này chỉ là ghi nhận tình hình trong ngày 20 tháng 2, 2011.

Chỉ trong vòng 1 tuần, từ 11 tới 18 và 19, tháng 2, giá vàng tăng vọt, lập mức kỷ lục mới: 38 triệu 150 ngàn VND mua vào và 38 triệu 350 ngàn VND bán ra, cho mỗi lượng vàng SJC. Như vậy mỗi lượng vàng SJC tăng gần 2 triệu 400 ngàn VND, trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 30 USD/ounce so với giá vào ngày đồng bạc Việt Nam bị phá, ngày 11 tháng 2.

Vàng tăng giá đột biến, khiến tỉ giá đồng đô la cũng phải điều chỉnh linh hoạt theo, tính tới ngày 20 tháng 2, tỉ giá đô la niêm yết tại ngân hàng ngoại thương là 1 USD mua vào 20,785 VND; 1 USD bán ra là 20,885 VND.

Trong khi đó, cũng trong ngày 20 tháng 2, giá đô la Mỹ ngoài thị trường được ghi nhận như sau. Tại quầy thu đổi ngoại tệ của Eximbank (Money Change 59), 1 USD mua vào có giá 22,000 VND; 1 USD bán ra có giá 22,350 VND, chênh lệch giữa giá mua và giá bán là 350 VND/1USD; và chênh lệch giữa tỉ giá niêm yết chính thức của ngân hàng với thị trường chợ đen là 1 ngàn 215 VND/1USD.

Cùng thời điểm trên, vào 5 giờ chiều cùng ngày, khi rảo quanh tìm hiểu thị trường ngoại tệ tự do (tức chợ đen), vào hỏi thăm một tiệm vàng nhỏ vùng ven Sài Gòn, bất ngờ khi chủ tiệm cho giá “tốt” hơn cả quầy thu đổi ngoại tệ ở quận 1, Sài Gòn. Tại đây, họ mua vô với giá 22,100 VND cho 1 USD và bán ra cũng cùng giá với Money Change 59, là 22,350 VND/1USD. Càng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi hỏi thăm chừng là muốn mua... số lượng lớn. Chủ tiệm cười tươi, quả quyết: “Cần mua bao nhiêu có bấy nhiêu.” Chủ tiệm còn nói thêm, giá sẽ được cập nhật từng tiếng một, bảo đảm “giá tốt” cho khách hàng. Cũng với câu hỏi trên, chúng tôi được nhân viên của quầy Money Change 59 khẳng định: “Cần bao nhiêu dollar Mỹ... cũng có.”

Rõ ràng là có sự chênh lệch về giá đô la giữa “thị trường nhà nước” và “thị trường chợ đen.” Người ta giải thích, cơ chế nằm ngoài giá niêm yết của ngân hàng cho phép người dân có nhu cầu và có tiền tham gia, mua hoặc bán, ngoại tệ phục vụ nhu cầu của họ. Còn những cá nhân hoặc doanh nghiệp được mua theo tỉ giá “lý thuyết” của ngân hàng, đó là những doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, có nhu cầu dùng ngoại tệ thanh toán cho đối tác nước ngoài theo từng đơn hàng được các cơ quan chức năng xác nhận. Các cá nhân có nhu cầu sử dụng ngoại tệ như đi du học, đi công tác nước ngoài thì được phép mua ngoại tệ đúng giá niêm yết, vừa đủ để phục vụ nhu cầu. Sự hạn chế cũng như “cơ chế hai giá” dẫn tới việc phải tìm tay ở trong ngân hàng để lại quả. Doanh nghiệp tư nhân, cũng như doanh nghiệp nhỏ, thường nhờ các đại gia trong ngành xuất nhập khẩu mua giùm ngoại tệ, dĩ nhiên là với giá chênh lệch trong khoảng giữa giá chính thức và giá tự do.

Theo đài truyền hình Kinh Tế-Tài Chánh (FBNC) tại Sài Gòn, thì giá cả các mặt hàng thiết yếu hiện nay đã tăng từ 30 tới 40%.

Ngoài giá xăng dầu đang chờ lên, dự kiến đầu tháng 3, giá điện cũng tăng từ 18% tới 20%, giá nước cũng lên theo. Trong khi lương công nhân không tăng, giá thuê nhà, điện, nước tăng, công nhân nhiều người về quê ăn Tết đã không trở lại, với giá cả hiện nay người công nhân bám trụ ở Sài Gòn mà không có thân nhân giúp đỡ chốn ăn ở là bất khả.

Ðược hỏi về tình hình sắp tới, một chủ quán cà-phê bình dân ngao ngán: “Chung quy cũng chỉ chết mấy anh dân nghèo.”

Một thím nội trợ cho hay: “Tiền đi chợ thì ngày càng tăng mà đồ ăn thì ngày càng ít.”

Một trí thức gốc Việt, ở nước ngoài về Việt Nam làm ăn trong lãnh vực kinh tế, nhận xét: “Ðám cổ cồn trắng còn có thể điều chỉnh chi tiêu cho hợp lý, riêng đám cổ xanh chắc hết khả năng nhúc nhích.”

Vợ một họa sĩ cho biết: “Kinh tế khó khăn chắc còn kéo dài, tạm thời cuối tuần không đi ăn tiệm, giải trí tại nhà cũng là một cách để... tiết kiệm.”

Một bác lớn tuổi thì hóm hỉnh: “Xăng lên giá, hy vọng đường sá bớt kẹt xe, tụi nhỏ ít xách xe chạy vòng vòng, nẹt pô, đua xe ban đêm ngoài đường.”

Gọi điện cho một anh Việt Kiều sắp lên xe bông, hỏi đùa: “Anh tháng nào cũng lãnh đô xài, đô lên giá có thấy vui không?” Anh bạn không cười mà trả lời nghiêm túc: “Ðầu tiên thấy lo cho bà con mình, nhất là dân lao động nhập cư, vật giá leo thang từng ngày không biết sống làm sao? Còn đô thì tôi đâu có bao nhiêu, giá lên thì cũng được thêm một chút, nhưng tiền cầm tay này lại ra tay kia, vật giá phi mã như vầy, vui cái nỗi gì!”

No comments:

Post a Comment