Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, February 27, 2011

John Thune không có mặt trên đường đến White House (Nguyễn Văn Khanh)

Nhân vật ‘Obama của đảng Cộng Hòa’


1. Hãy thử tưởng tượng bạn đang ngồi nghe cuộc tranh luận của những chiến lược gia Cộng Hòa. Mặc dù còn tới 21 tháng nữa cử tri Hoa Kỳ mới đến phòng phiếu chọn người lãnh đạo quốc gia nhưng những cuộc tranh luận nhiều sôi nổi đã và đang xảy ra, đặc biệt giữa những người giúp đảng Cộng Hòa hoạch định sách lược tranh cử và có thể cũng là những người sẽ được mời tham gia vào Ủy Ban Vận Ðộng cho một ứng viên nào đó đang nuôi mộng trở thành chủ nhân mới của Tòa Bạch Ốc.


Từ những ngày đầu tháng 2, phe Cộng Hòa bắt đầu ồn ào về chuyện ai sẽ đại diện cho đảng sau cuộc bầu cử sơ bộ khởi đầu vào năm tới. Bên đảng Dân Chủ đã quá rõ ràng: Tổng Thống Barack Obama sẽ tái ứng cử, uy thế chính trị của ông đang lên và Ủy Ban Vận Ðộng đã được thành lập, đặt hẳn mục tiêu phải quyên được 1 tỷ dollars cho cuộc đua năm tới.

Bên phía Cộng Hòa có rất nhiều người được nói đến trong danh sách những nhân vật nổi bật có thể đánh bại vị tổng thống Dân Chủ đang tại chức, chẳng hạn như ông Thống Ðốc Tim Pawlenty của Minnesota, ông cỳu Chủ Tịch Hỳ Viện Newt Gringrich, hay ông Thống Ðốc Mitch Daniels của tiểu bang Indiana. Tất cả những chính trị gia có tên vừa nêu đều thông báo “sẽ sớm có quyết định” dự hay không dự cuộc đua.

Trong danh sách và đứng ngay ở hàng đầu, có tên Thượng Nghị Sĩ John Thune của South Dakota.

Ông John Thune (hình: Chip Somodevilla/Getty Images)
2. Hầu hết các chiến lược gia chính trị Hoa Kỳ đều coi ông Thune là “Obama của đảng Cộng Hòa” hay “the golden boy” vì ông là người trẻ, ăn nói hoạt bát, chưa thật sự là nhân vật nổi bật của chính trường quốc gia, tức có đủ mọi điều kiện y hệt như ông Obama khi mới loan báo tranh cử tổng thống hồi năm 2007.

Năm nay mới 50 -hơn nhau đúng 7 tháng, ông và Obama đắc cử thượng nghị sĩ cùng một năm, tuyên thệ nhậm chức cùng một ngày. Vóc dáng 2 ông cũng tựa như nhau: Khuôn mặt vuông vức, cao, không to cũng chẳng gầy, cách nói chuyện chẳng khác gì nhau mấy: Vừa nói vừa giơ tay ra như để phân trần, ngón tay dài gấp rưỡi ngón tay của những người bình thường. Gia cảnh của 2 ông cũng giống nhau: Mỗi ông có 2 cô con gái, chỉ khác ở chỗ vị Tổng Thống Dân Chủ con còn nhỏ, ông nghị sĩ Cộng Hòa con đã trưởng thành; bà vợ của 2 ông cũng có ý tưởng khá giống nhau: Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle lưỡng lự khi nghe chồng hỏi ý kiến có nên tranh cử tổng thống hay không, bà Kimberly Thune lắc đầu nói sẽ không tham gia cuộc vận động “ngoại trừ trường hợp Chúa hiện ra, gõ cửa bảo với em là anh phải tranh cử”.

Với một số cử tri Cộng Hòa, sự xuất hiện của ông Thune đáng chú ý vì những người thường được nhắc tới không đủ “nặng ký” để đương đầu với ứng cử viên Dân Chủ đang được hơn 50% dân chúng ủng hộ. Ông Mitt Romney từng dự cuộc tranh cử sơ bộ năm 2008, từ đó tới giờ chưa đưa ra điều gì mới mẻ cả; bà Sarah Palin chưa phải là người có thể tạo được đoàn kết trong đảng. Những ông bà khác thì không mấy đặc sắc, ngay ông Ron Paul dù được cử tri bảo thủ ủng hộ nhưng đã lớn tuổi, lại khó có thể lôi kéo được thành phần trẻ ôn hòa hay cấp tiến.

Chính vì những điều nêu trên nên ông mới trở thành nhân vật nổi bật nhất trong số những chính trị gia được giới truyền thông dự đoán có thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2012. Cũng chính vì thế nên khi được mời nói chuyện trước Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa Toàn Quốc (CPAP) hồi tháng trước, ông không ngần ngại đưa ra những lời chỉ trích nhắm thẳng vào Tổng Thống Obama.

Ông bảo “với những gì tôi được dạy dỗ từ khi mới lớn, tôi biết thế nào là một chính phủ có trách nhiệm, thế nào là một chính phủ biết cân bằng ngân sách và thế nào là một nhà lãnh đạo biết nhiệm vụ của mình với dân”. Không ngừng ở đó, ông đánh mạnh hơn: “Tôi tin tưởng vào sự sáng suốt của những tổ phụ đã xây dựng quốc gia này, tôi tin tưởng vào sự trong sáng của bản hiến pháp mà chúng ta đang có. Tôi cũng tin tưởng rằng muốn cho đời sống thật sự có ý nghĩa, có giá trị thì lời nói phải đi đôi với việc làm. Nếu may mắn được phục vụ dân chúng thì đừng đem danh dự cá nhân ra để đánh đổi lấy ước vọng của chính mình, mà nên làm những gì để tăng thêm giá trị cho chính mình và cho những người mình hãnh diện được phục vụ họ”.

Bài phát biểu đọc tại CPAC được mọi người dự đoán là bài diễn văn dọn đường tranh cử, chính ông cũng nói với một đài truyền hình ở tiểu bang nhà “trong một ngày rất gần sẽ loan báo quyết định có ra tranh cử hay không”. Hai đồng viện là Chủ Tịch Khối Thiểu Số Mitch McConnell và Nghị Sĩ Saxby Chambliss đều nói là “big fan” “không có lý do gì để ông ta không ra tranh cử cả”.

3. Bốn ngày trước đây, ông bất ngờ loan báo quyết định không dự cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc.

Trong thư gửi qua e-mail gửi cho mọi người trước khi phổ biến trên trang web riêng, ông cho hay quốc gia đang ở trong một cuộc chiến chính trị để xem “chúng ta có thể để lại những gì con con cháu”, cuộc chiến này “đang xảy ra ở Washington chứ không phải ở năm 2012”. Vì thế, ông tin rằng “cách hay nhất là tôi tiếp tục tranh đấu cho tương lai của quốc gia trong cương vị của một vị thượng nghị sĩ”.

Quyết định của ông gây ngạc nhiên cho mọi người, đặc biệt là những ai ông nhiều lần tham khảo ý kiến và những người ông nói chuyện để bắt đầu cuộc vận động quyên tiền tranh cử. Ngay chính các nhân viên dưới quyền ông cũng ngạc nhiên khi được thông báo tin này, dù ông chánh văn phòng nhất định bảo “quyết định của sếp tôi là quyết định rất sáng suốt”.

Tại sao ông không ra tranh cử? Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích.

Trước hết, các cố vấn thân cận với ông nói rằng dù có ý định ra tranh cử nhưng ông không sửa soạn cho cuộc đua ở tầm mức quốc gia như các ứng viên khác. Chính ông cũng xác nhận “chưa từng đặt chân đến New Hampshire, cũng chưa hề ghé qua tiểu bang láng giềng Iowa” dù biết đó là những tiểu bang đầu tiên mở cuộc bầu cử sơ bộ.

Ðiểm thứ nhì là ông không có khoản tiền khổng lồ như những chính trị gia khác: Trong quỹ vận động chỉ có 7 triệu dollars, một khoản tiền quá nhỏ để một người chưa được cử tri biết đến như ông có thể lập đường dây vận động tranh cử toàn quốc. Ðiểm thứ ba là -dường như- ông hài lòng với công việc đang làm, trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ POLOTICO ông bảo “Tôi thích công việc của một nghị sĩ và tôi bằng lòng với công việc của một nghị sĩ”.

Theo tờ The Washington Post, chuyện hồi 2008 ông đồng ý bỏ phiếu ủng hộ khoản tiền cả ngàn tỷ bạc để chính phủ liên bang cứu các đại ngân hàng và những công ty đầu tư là trở ngại chính trị lớn nhất ông phải trả lời trước cử tri Cộng Hòa -cho dù ông làm điều này theo yêu cầu của Tổng Thống George W. Bush, đồng thời các chính trị gia ở thủ đô cho rằng trong 7 năm phục vụ ở Quốc Hội, ông chưa để lại “dấu ấn chính trị” nào cả, ý muốn nói ông chưa hề đệ nạp một dự luật nào quan trọng về chính sách quốc gia. Ông “chỉ phục vụ tốt”, và các nhà quan sát tin rằng “điều đó chưa đủ để một người như ông có thể trở thành ứng cử viên tranh chức tổng thống”.

Ký giả Michael Crowley của tờ TIME cho rằng ông ngần ngại “vì uy thế của Tổng Thống Obama đang lên”, có nghĩa là trước đây vị tổng thống Dân Chủ có thể gặp khó khăn nhưng bây giờ trông đã vững vàng trở lại, khiến ông Thune e ngại đánh bại ông Obama không phải là chuyện dễ như vài tháng trước.

Không biết những lý do nêu trên có phải là những lý do đã đẩy ông đến chỗ không tranh cử tổng thống hay không, chỉ biết đến bây giờ ông là vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa duy nhất từng nói có thể sẽ dự cuộc đua 2012 và cũng là vị thượng nghị sĩ Cộng Hòa duy nhất nói chưa vội nghĩ đến việc dọn nhà vào Tòa Bạch Ốc.

No comments:

Post a Comment