Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, February 26, 2011

Liệu pháp domino “cách mạng hoa nhài” đang cận kề khu vực?

NDĐT - Ngày 11-02-2011, thông báo từ chức của TTh Mubarak đã khiến cho nhiều người dân Ai Cập tưng bừng trong niềm vui sướng. Hàng trăm nghìn người biểu tình ở Quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo, đã hô vang: “Ai Cập tự do”. Dưới bầu trời thủ đô rực sáng vì pháo hoa, người thì hò reo ca múa, người thì khóc và cầu nguyện vì sung sướng.

Không khí ở trung tâm thủ đô Ai Cập thực sự náo nhiệt. Những người biểu tình đã công kênh các binh lính trên vai họ. Các gia đình đua nhau chụp ảnh trước những chiếc xe tăng đang nằm dài trên đường phố. Biển người thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng hò reo. Niềm vui sướng tột độ đã khiến cho những người chưa từng quen nhau vẫn ôm nhau thắm thiết. Một số người còn nằm xuống hôn đất... Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đang đặt ra là “TTh Ai Cập ra đi: liệu pháp domino “cách mạng Hoa Nhài” đang cận kề khu vực Bắc Phi và Trung Đông?

Tổng thống ra đi, đói nghèo, mất dân chủ liệu có theo gót

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Ảrập tuyên bố (26.01.2011) “Công dân các nước Arập đang thịnh nộ và thất vọng hơn bao giờ hết”: Trong số 300 triệu dân của thế giới Arab, đã có 50 triệu người không có công ăn việc làm. Vấn đề xã hội này đã đẩy một thanh niên Tunisia vào tuyệt vọng và việc anh này tự thiêu đã là tia lửa điện làm bùng lên cuộc 'cách mạng Hoa Nhài'. Các nhóm biểu tình ở Trung Đông và Bắc Phi, đa phần là thanh thiếu niên, đã tỏ thái độ không còn chấp nhận sự lãnh đạo của chính phủ đương nhiệm.
Tại Yemen, quốc gia còn nghèo hơn Ai Cập, với thu nhập bình quân chỉ bằng một nửa và dân số 34 triệu người, TTh Ali Abdullah Saleh cũng đang bị phản đối, đòi từ chức sau gần 32 năm tại vị.
Ở Libya, nhờ có thu nhập trung bình cao (12.000 USD) cho một xã hội khá nhỏ (6,5 triệu), Libya có thể chưa phải chịu sức ép trực tiếp từ biểu tình theo kiểu “cách mạng Hoa Nhài” ở Tunisia.
Vùng Trung Đông và Bắc Phi còn hai vương quốc cũng đang có phong trào đấu tranh chống tăng giá, chống thất nghiệp. ở Morocco, nước có 32 triệu dân, thu nhập bình quân gần 3.000 USD, tầng lớp cầm quyền, gồm cả những người thân cận với hoàng gia bị người biểu tình tố cáo là tham nhũng.
Người Ai Cập cũng kêu ca về giá cả tăng cao, tình trạng thiếu việc làm. Giới trẻ ở Ai Cập ngày càng tỏ ra bất mãn và lớn tiếng đòi thay đổi chế độ. Trong số 80 triệu dân của nước này, 2/3 ở độ tuổi dưới 30 và chiếm 90% số người thất nghiệp. Khoảng 40% sống với mức thu nhập chưa tới 2 USD/ngày và 1/3 dân số mù chữ.
Ai Cập hiện đang nợ nước ngoài 88 tỷ USD, nhưng tổng số tài sản của gia đình TTh Mubarak ước tính vào khoảng 50-70 tỷ USD, hầu hết gia tài của TTh Ai Cập hiện cất giữ tại các ngân hàng Thụy Sĩ, hoặc bất động sản ở New York, Los Angeles (Mỹ) và London (Anh), chưa tính tới những bất động sản tại quốc gia Ai Cập.
Sự phản ứng của thế giới
Các nhà lãnh đạo thế giới coi việc TTh Ai Cập Hosni Mubarak từ chức là chiến thắng của quyền lực nhân dân và mở đường cho dân chủ.
Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki-moon ca ngợi quyết định của TTh Mubarak bởi “ông đã đáp ứng nguyện vọng của người dân, còn người biểu tình đã thực thi các quyền của họ theo cách hòa bình, dũng cảm, trật tự”. Tuy nhiên, Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi thực hiện một cuộc chuyển đổi chính trị hòa bình và trật tự tại quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab.
TTh Mỹ Barack Obama tuyên bố người dân Ai Cập đã lên tiếng, họ sẽ không chấp nhận bất kỳ điều gì ngoài 'dân chủ thực sự' và đất nước này giờ hoàn toàn khác, người đứng đầu chính phủ Mỹ còn cho rằng lực lượng vũ trang Ai Cập sẽ phải đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra êm ả. Ông Obama cũng cảnh báo rằng những ngày khó khăn nhất còn đang ở phía trước.
TTh Pháp Nicolas Sarkozy hoanh nghênh quyết định từ chức của Mubarak là 'dũng cảm và cần thiết'. Ông cũng nói thêm rằng nước Pháp kêu gọi mọi người dân Ai Cập tiếp tục hành trình đến tự do.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sự ra đi của Mubarak đánh dấu 'bước thay đổi lịch sử'. Bà hy vọng chính phủ Ai Cập trong tương lai tiếp tục duy trì hòa bình tại Trung Đông, các thỏa thuận với Israel được tôn trọng.
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng sau khi Mubarak ra đi, Ai Cập giờ đây có cơ hội vô cùng quý giá để có một chính phủ mới có khả năng gắn kết người dân. 'Những người điều hành Ai Cập có nhiệm vụ phản ánh mong ước của người dân'.
Nga và Italy tỏ ra thận trọng hơn khi bình luận về sự kiện này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng ông hy vọng quá trình chuyển giao quyền lực sẽ giúp phục hồi sự ổn định. Italy trước đó ủng hộ Mubarak, thì nay Bộ trưởng Ngoại giao Franco Frattini cho biết đây là 'bước phát triển quan trọng cho người dân Ai Cập và là khát vọng dân chủ hợp pháp'.
Tại Brussels, người phụ trách các vấn đề ngoại giao của EU Catherine Ashton cho rằng Mubarak đã lắng nghe nhân dân Ai Cập.
Tây Ban Nha kêu gọi Ai Cập cải cách nhanh chóng, trong khi Ấn Độ hối thúc các chỉ huy quân sự Ai Cập chuyển giao quyền lực để thiết lập cơ chế quản lý dân chủ và cởi mở.
Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh rằng Ai Cập cần có các cuộc bầu cử công bằng và tự do đồng thời cần tôn trọng nhân quyền.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ca ngợi Mubarak vì đã suy nghĩ như một nhà lãnh đạo và đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.
Israel phản ứng thận trọng: 'Chúng tôi hy vọng quá trình chuyển tiếp đến dân chủ cho người dân Ai Cập và các nước láng giềng, sẽ diễn ra êm đẹp'. Tuy nhiên, nước này cần tôn trọng hiệp ước hòa bình ký năm 1979 giữa Ai Cập và Israel.
Không chỉ có Israel mà cả Palestine (quốc gia láng giềng của Ai Cập) đều dõi theo một cách sát sao mọi biến động trên chính trường nước này. Chính phủ Jordan, Iraq và Sudan tuyên bố, kính trọng ý chí của người dân Ai Cập. Vì cái tên ElShaheed (tiếng Arab có nghĩa là tử vì đạo) đóng vai trò quan trọng trong việc vận động giới trẻ biểu tình chống chính phủ thông qua mạng Facebook nên với cụm từ “Congrats Egypt” là những lời chúc phổ biến nhất đã và đang xuất hiện tràn ngập trên các mạng xã hội Facebook và Twitter.
Hiệu ứng domino đang cận kề?
Cuộc nổi dậy của người Ai Cập xảy ra sau sự kiện tương tự tại nước láng giềng Tunisia hai tuần trước đó, dẫn đến sự sụp đổ của TTh Abidine Ben Ali sau 23 năm cầm quyền. Biến cố Tunisia bắt đầu từ sự bất mãn của người dân vì giá lương thực leo thang, tỷ lệ thất nghiệp cao và nạn tham nhũng. Nhiều người Ai Cập cũng có mối bức xúc tương tự và họ xuống đường đòi TTh Mubarak từ chức để bày tỏ thái độ
Ai Cập có vị thế và ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với Tunisia, nay kịch bản sụp đổ lặp lại tại nước này sẽ gây ra những tác động rất lớn đối với khu vực và thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tuy không kéo tụt Ai Cập, nhưng thất nghiệp, giá lương thực cũng ngày càng gia tăng.
Marina Fedorova, một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng: “Người dân không muốn sống theo luật cũ. Nếu họ thấy rằng, giới thượng lưu đang giàu lên bất hợp pháp, trong khi sự chênh lệch giàu nghèo tăng nhanh thì nhất định sẽ có phản ứng gay gắt. Đây là vấn đề của nhiều nước… không chỉ ở Ai Cập.”
Tại Tunisia, nơi cuộc “cách mạng Hoa Nhài” đã truyền cảm hứng sang Ai Cập, người dân reo hò và nhảy múa trên đường phố. Sinh viên ourredine, 23 tuổi nói: 'Thật tuyệt! Hai nhà độc tài ra đi trong chưa đầy một tháng'. Niềm vui đang ngập tràn thế giới Hồi giáo.
Tại Gaza, Sami Abu Zuhri, phát ngôn viên của Hamas, tuyên bố đây là sự khởi nguồn chiến thắng của cách mạng Ai Cập. Tại Yemen, hàng nghìn người đổ ra phố. Một số hô vang 'Hôm qua Tuninis, hôm nay Ai Cập, và ngày mai người dân Yemen sẽ tháo xiềng xích'.
Nhà lãnh đạo đối lập Mohamed ElBaradei cho biết: 'Đây là ngày vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi. Bạn không thể tượng tưởng được mức độ sung sướng và hạnh phúc của tất cả người dân Ai Cập khi họ giành được tự do”. Tất cả người dân ở thành phố rộng lớn Cairo đã đổ ra các đường phố để ăn mừng chiến thắng của họ.
Ayman Nour, đối thủ của ông Mubarak trong cuộc bầu cử TTh năm 2005, miêu tả ngày hôm qua là ngày vĩ đại trong lịch sử đất nước Ai Cập. “Đất nước này đã được sinh ra một lần nữa… và đây là một Ai Cập mới'.
Một người dân Ai Cập 51 tuổi có tên là Tareq Saad cũng bày tỏ: 'Chúng tôi đã làm được một điều chưa từng có trong 7.000 năm nay. Chúng tôi đã đánh đổ nhà vua. Ai Cập tự do và sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ cũ. Chúng tôi sẽ không để cho điều đó xảy ra'.
Ai Cập tuy là một đồng minh thân thiết của Mỹ ở thế giới Arab và từng tài trợ mỗi năm 1,5 tỉ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho đất nước này trong nhiều năm trở lại đây. Trong thời gian 5 năm, Ngân hàng thế giới đã 4 lần xếp Ai Cập vào nhóm 10 nước đi đầu về cải cách. Trong 3 năm đầu cải cách, thị trường chứng khoán Ai Cập tăng xấp xỉ 350%, kinh tế tăng trưởng trên 7%, vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chảy mạnh vào đất nước này.
Mặc dù vậy, ở Ai Cập, người dân vẫn thiếu tiếng nói dân chủ, và mất đi nhiều cơ hội phát triển nên không đủ sức để tránh sự phản kháng của dân chúng và điều đó đã xẩy ra. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hiệu ứng “domino” về cuộc “cách mạng Hoa Nhài” đang cận kề đối với khu vực Bắc Phi và Trung Đông, gây lo ngại cho an ninh khu vực và thế giới là có cơ sở.

No comments:

Post a Comment