Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, February 26, 2011

VN ban hành Bộ quy chuẩn mới cho ngành thủy sản

Để không gặp phải một vụ việc tương tự như vụ cá tra Việt Nam đã bị đưa vào danh mục đỏ trong Cẩm nang Tiêu dùng Thủy sản ở các nước châu Âu hồi năm ngoái, ngành thủy sản Việt Nam sắp áp dụng một bộ quy chuẩn mới, được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO).
Khánh An phỏng vấn ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hội nghề cá, nguyên Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm ngư nghiệp, về bộ quy chuẩn sắp được áp dụng này. Trước hết, ông Nguyễn Tử Cương cho biết về quy trình kiểm tra chất lượng thủy hải sản hiện nay tại Việt Nam như sau:

Dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO)

Ông Nguyễn Tử Cương: Để đảm bảo thực phẩm nói chung, thủy sản nói riêng, đạt tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi thực hiện kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất. Nếu là sản phẩm đánh bắt tự nhiên, từ khâu sau khi đánh bắt trên tàu, bảo quản, chế biến đến xuất khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ. Còn nếu là sản phẩm nuôi thì từ khâu sản xuất thức ăn, sản xuất con giống, phòng trị bệnh, cho đến thu hoạch và chế biến cũng đều kiểm soát rất chặt chẽ.
Những tiêu chí mà Việt Nam tuân thủ, nếu là nuôi thì tuân thủ theo Code of Conduct for Responsible Fisheries, tức là nuôi bền vững của FAO. Đối với từng đối tượng nuôi, chúng tôi áp dụng GAP (Good Agricultural Practices) cho từng đối tượng nuôi, cũng theo tiêu chí của FAO. Còn từng mặt hàng thì có quy định kiểm soát 3 nhóm mối nguy.
Thứ nhất là những mối nguy vật lý, tức những vật cứng, sắt, nhọn, có thể gây thương tích cho người tiêu dùng. Nhóm mối nguy thứ hai là các loại hóa chất độc hại, bao gồm cả kháng sinh. Danh mục này chúng tôi dựa trên các tổ chức của FAO và những quy định của các thị trường, đặc biệt là thị trường EU và Mỹ. Tỷ lệ hàng Việt Nam có thể bị phát hiện là chưa đảm bảo an toàn thực phẩm không vượt quá 0,2%/năm. Tỷ lệ rất thấp.
Khánh An: Ông có thể cho biết hàng thủy sản của Việt Nam bị trả về với số lượng rất ít như ông nói thì nguyên nhân chính là tại sao?
Ông Nguyễn Tử Cương: Như chị biết, mặc dù mình đã kiểm soát toàn bộ quá trình và làm rất nghiêm túc, nhưng tỷ lệ bị lọt lưới vẫn không phải là không có, tức là đang khoảng 2/1000 (0,2%). Nếu theo quy định chung của thế giới, trong đó có cả EU và FDA, số sai lỗi dưới 5/1000 (0,5%) thì không gọi là sai lỗi hệ thống, tức là gặp sai sót đột xuất thôi. Việt Nam đang ở mức 2/1000 (0,2%), tức là đang rất tốt.
Khánh An: Vâng, như vậy Bộ quy chuẩn mới sắp được đưa ra là như thế nào? Tại sao cần phải xây dựng một bộ quy chuẩn mới?
Ông Nguyễn Tử Cương: Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có một bộ quy chuẩn được ban hành từ trước năm 2000 và mỗi năm được cập nhật bổ sung đối với hàng thủy sản xuất khẩu, hàng thủy sản nhập khẩu và hàng sản xuất tiêu dùng nội địa. Ba mặt hàng này được đánh giá mức chất lượng ngang nhau.
Bộ quy chuẩn chị vừa mới nghe là “Xây dựng quy chuẩn thực hành nuôi tốt và quy chuẩn thực hành nuôi bền vững” theo tiêu chí của FAO. Bộ quy chuẩn này trước đây đã có, nhưng trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp, mà trực tiếp là Tổng cục Thủy sản xây dựng, nhằm mục đích nghiên cứu tất cả các quy định của các tổ chức phi chính phủ quy định về nuôi trồng bền vững ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi bổ sung những nội dung của các tổ chức khác mà chúng tôi cho rằng họ quy định những nét mới và tốt. Mục đích của mình là nâng cấp lên và áp dụng để thỏa mãn tất cả yêu cầu của các thị trường.
Khánh An: Vâng thưa ông, trong vấn đề tham khảo để xây dựng Bộ quy chuẩn riêng cho Việt Nam, cụ thể thì những quy định ở các thị trường nào được tham khảo?


Ông Nguyễn Tử Cương: Chúng tôi căn cứ vào quy định của FAO, COC và GAP, bởi vì đây là những bộ tiêu chí mà tất cả các nước thành viên cùng tham gia xây dựng, trong đó bao gồm cả những tổ chức phi chính phủ. Do vậy nếu tuân thủ được những tiêu chuẩn này, có nghĩa là đã thỏa mãn yêu cầu của tất cả các thị trường, kể cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn luôn quan tâm đến yêu cầu của hai khối quốc gia EU và Mỹ là những nước luôn đi tiên phong và thường xuyên tuân thủ rất đúng những quy định của Tổ chức thương mại thế giới. Do vậy, chúng tôi rất quan tâm đến những quy định của hai thị trường này.
Khánh An: Vâng thưa ông, khi nào thì bộ quy chuẩn mới được áp dụng?
Ông Nguyễn Tử Cương: Chúng tôi đang nâng cấp rất tích cực và theo đúng kế hoạch. Nếu đúng theo kế hoạch thì cuối tháng 3, bộ quy chuẩn này sẽ được ban hành, sau đó là một loạt khóa đào tạo cho dân và kèm theo những hướng dẫn. Chúng tôi mong muốn trong năm nay sẽ có rất nhiều đầm nuôi đã gần đạt yêu cầu, họ làm thêm một chút nữa thì mình sẽ chứng nhận đạt được COC và GAP của FAO.
Khánh An: Khi áp dụng quy chuẩn mới thì có chính sách nào hỗ trợ cho người dân để người ta thực hiện theo quy chuẩn không?
Ông Nguyễn Tử Cương: Chính phủ chỉ hỗ trợ tài liệu và giảng viên. Còn người dân phải thực hiện, ví dụ như cải tạo ao đầm, chính phủ có thể có một hướng dẫn cho ngân hàng ưu tiên cho vay vốn, chứ không có một hỗ trợ về mặt tài chính nào khác. Nhưng người nuôi họ sẵn sàng làm theo.
Khánh An: Vâng, cám ơn ông đã dành thời gian cho Đài.

No comments:

Post a Comment