Hoàng Duy Hùng
Ngày 17 tháng 12 năm 2010, người trẻ Mohammed Bouazizi 27 tuổi tự thiêu ở Thủ Đô Tunisia để phản đối việc hai nữ cảnh sát thành phố làm nhục anh. Cuộc tự thiêu này châm ngòi cho những cuộc xuống đường vĩ đại ở Tunisia dẫn đến sự sụp đổ chế độ độc tài do Tổng Thống Ben Ali lãnh đạo. Nước Tunisia lấy Hoa Lài làm biểu tượng nên người ta gọi đây là Cách Mạng Hoa Lài.
Cách Mạng Hoa Lài thành công ở Tunisia làm động lực châm ngòi cho cuộc xuống đường ở Ai Cập. Sau 18 ngày dân chúng xuống đường, Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarrack đã phải nhượng bộ trao quyền lại cho quân đội lãnh đạo. Lửa cách mạng đã không ngừng tại Ai Cập, nó được cháy lây sang Đảo Quốc Bahrain, Libyia, Yemen, Jordan, Iran, và còn kích động cho những cuộc xuống đường ở Trung Quốc và Việt Nam.
Những biến động ở Trung Đông đã làm cho giá dầu thô lên vùn vụt ảnh hưởng trên toàn thế giới. Nhiều người cho rằng tư bản Hoa Kỳ nại lý do này để tác động mạnh tăng giá xăng dầu kiếm lợi nhuận cách nhanh chóng, cuối cùng, người tiêu thụ vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.
Câu hỏi được đặt ra đó là những biến chuyển ở Trung Đông có đưa đến sự sụp đổ chế độ Cộng Sản tại Việt Nam hay không? Để có tầm nhìn chính xác, chúng ta cần ôn lại chuyện anh Mohammed Bouazizi tự thiêu và so sánh những sự kiện.
I. Tiểu Sử Mohammed Bouazizi: Mohammed Bouazizi sinh ngày 29/3/1984 tại Thành Phố Sidi Bouzi nước Tunisia . Thân phụ của Mohammed Bouazizi là một công nhân xây cất ở Libya và ông qua đời vì bệnh nhồi tim khi Mohammed mới có 3 tuổi. Sau đó mẹ anh tái giá với người chú và sinh thêm 6 người con. Gia đình của Mohammed Bouazizi sống trong một căn nhà xụp xệ nghèo cách xa thị trấn Sidi Bouzi khoảng 20 phút đi bộ. Mohammed đi học vỡ lòng ở một trường làng tên là Sidi Salah.
Em gái của Mohammed cho biết vì gia đình nghèo nên Mohammed từ lúc 10 tuổi đã đi bán dạo trên đường phố để kiếm thêm tiền cho mẹ. Lúc lên 14 tuổi, vì ông chú hay bệnh hoạn không có khả năng lao động nữa, Mohammed dành toàn thời gian đi bán dạo trái cây kiếm tiền nuôi gia đình. Mỗi tháng Mohammed kiếm được khoảng $140 Mỹ Kim và cả gia đình sống trên số tiền eo hẹp này.
Các viên chức chính phủ ở đây tham ô hối lộ nên cảnh sát hay làm khó dễ với những người bán dạo để tống tiền. Sáng nào cũng vậy, Mohammed tới chỗ người bán sỉ, lấy hàng trước để đem đi bán chiều về thì mới có tiền trả cho người đưa mối. Nếu không đưa tiền hối lộ cho cảnh sát, nhiều khi cảnh sát làm khó dễ hất văng cả chiếc xe bán hàng rong nên có những ngày không những không có lời mà còn phải móc tiền túi trả cho người đưa mối và coi như ngày hôm đó cả nhà phải nhịn ăn. Cuộc sống bán dạo cơ hàn như vậy nên đã nhiều lần Mohammed xin đi lính nhưng không được nhận. Mohammed cũng đã từng đi xin việc nhiều nơi khác nhưng không có việc vì ở Libya tý lệ thất nghiệp là 30%. Nghề bán hàng rong là phương pháp duy nhất để Mohammed kiếm tiền nuôi bản thân và cho cả gia đình.
Sáng ngày 17/12/10, Mohammed lấy hoa trái và còn lấy thêm kiện hàng điện tử khoảng $200 Mỹ Kim để đem bán dạo. Nữ cảnh sát viên Faida Hamdi 45 tuổi chận Mohammed lại hỏi giấy phép. Theo luật Libya những người bán hàng rong phải có giấy phép nhưng những dân nghèo không đủ tiền nên không có. Thường thường thì những người không có giấy phép đút lót đôi chút tiền cho cảnh sát để được yên thân. Hôm đó Mohammed chưa có tiền nên không đóng, thế là anh bị làm nhục. Có người nói nữ cảnh sát viên Faida tát Mohammed, nhưng có người lại nói bà ấy chỉ mang tên cha của anh ra mà làm nhục. Người khác lại nói họ thấy một nữ cảnh sát phụ tá tát Mohammed, nhổ nước miếng vào người anh ấy, và lấy tay hất văng chiếc xe bán hàng rong của anh. Mohammed nổi giận chạy đến văn phòng Thống Đốc để than phiền thì ông từ chối không tiếp Mohammed. Anh hăm dọa sẽ tự thiêu thì các nhân viên cũng chỉ mĩm cười. Thấy thế, khoảng 11:30 trưa, Mohammed đến trước Trung Tâm Trauma, lấy bình xăng tưới lên người và bật quẹt tự thiêu.
Cảnh sát lật đật ập tới tắt lửa và đem xe cứu thương đưa Mohammed vào bệnh viện của Sidi Bouzid. Bệnh viện này không chữa nổi vết bỏng nặng của Mohammed nên họ lại đưa anh sang một bệnh viện ở Thành Phố Sfax cách đó khoảng 100 cây số. Về sau Tổng Thống Ben Ali đích thân ra lệnh chuyển Mohammed tới Bệnh Viện ở Ben Arous và Ben Ali đến thăm Mohammed. Nhưng vết bỏng quá nặng và ngày 4/1/2011, Mohamned qua đời. Đám tang Mohammed có hơn 5000 người tham dự tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngay ngày Mohammed tự thiêu, nhiều người đã bất mãn cách hành xử của chính quyền, đã bắt đấu tuần hành ngay Trung Tâm Trauma. Thật ra đây là giọt nước tràn ly vì dân Tunisia cũng như nhiều dân tộc ở Bắc Phi và Trung Đông đã bất mãn với nhà cầm quyền từ lâu vì hành động độc tài, cha truyền con nối, tham nhũng, hối lộ, v.v., coi dân chúng chỉ là công cụ phục vụ cho quyền lợi riêng của gia đình và phe đảng của họ.
II. Việt Nam Kêu Gọi Xuống Đường: Những biến chuyển ở Trung Đông tạo một tinh thần hưng chấn cho nhiều người Trung Quốc và Việt Nam . Ở Trung Quốc nhà cầm quyền bưng bít thông tin những biến chuyển ở Trung Đông. Ngạc nhiên thay ở Việt Nam báo chí đã không theo gót chân Trung Quốc trong chuyện này mà lại loan tin một cách khá đầy đủ làm nhiều người tự hỏi có phải nhà cầm quyền CSVN quá tự tin sẽ không bị ảnh hưởng cuộc cách mạng ở Trung Đổng?
Ở bên Trung Quốc người dân trao đổi trên mạng hãy đến ở trước Thiên An Môn và nhiều thành phố khác để biểu tình, nhưng công an vây đặc kín để đàn áp cũng như làm những việc phân hóa tinh xảo làm cho cuộc biều tình hầu như không thể lớn mạnh nổi.
Tại Việt Nam , biến cố đầu tiên làm nhiều người quan tâm theo dõi là vụ tự thiêu của kỹ sư Phạm Thành Sơn 31 tuổi ở Đà Nẳng. Theo trang mạng Dân Làm Báo (danlambao1.worpress.com) thì vào ngày 17/2/2011, lúc 12:30 trưa, trước Trụ Sở Nhân Dân Tỉnh Đà Nẳng, kỹ sư Phạm Thanh Sơn tẩm xăng đốt cháy bản thân mình và cả chiếc xe gắn máy của anh để phản đối việc nhà cầm quyền Đà Nẳng đã không bồi thường thoả đáng việc giải tỏa mặt bằng căn nhà của gia đình anh. Bên phía công an Đà Nẳng thì loan tin đây là một vụ tai nạn xe cộ và xe bốc cháy lên cả người anh Phạm Thành Sơn.
Ở trên mạng có một số thông tin trao đổi về vụ tự thiêu của kỹ sư Phạm Thành Sơn như sau:
Bản tin một: Chiếc xe của anh Sơn đang bốc cháy ngay trên sát Vĩa Hè. Anh Sơn không có “điều khiển đang đi TRÊN ĐƯỜNG”. Đây là điểm quan trọng. Nếu một người đang lái xe máy, mà xe “tự nhiên bốc cháy” thì xác xuất sẽ hốt hoảng, cả người lẫn xe chúi ngã xuống lòng đường và cháy. Khó mà có chuyện anh Sơn dừng xe từ lề bên phải tấp qua lề bên trái trước cửa trụ sở UBND T/p để rồi xe thì cháy rụi ở lề đường và anh thì bị cháy trên vỉa hè. Câu tường thuật quan trọng nhất của bài báo “Anh Sơn điều khiển đang đi trên đường thì tự nhiên xe bốc cháy dữ dội khiến anh Sơn chết tại chỗ” và“xác nạn nhân nằm cạnh xe máy” vừa không đúng sự thật, vừa ngô nghê.
Bản tin hai: Được biết anh Phạm Thành Sơn là kỹ sư công nghệ thông tin, làm việc tại Công ty cao su Đà Nẵng. Nhân thân của anh Sơn rất tốt, có bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có 3 liệt sĩ, cha là cựu tù Côn Đảo, thương binh bậc 2/4 (78%), bác ruột nguyên là Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Hội An (Quảng Nam), chú ruột công tác trong ngành công an TP Đà Nẵng.
Theo dõi hình ảnh youtube và những bản tin 2 phía báo chí “lề phải” của nhà nước và “lề trái” của những người đấu tranh thì khách quan ai cũng thấy báo “lề trái” đã trình bày các sự kiện và lý luận thuyết phục hơn làm cho người đọc tin rằng chuyện tự thiêu của kỹ sư Phạm Thành Sơn là có thật. Tuy nhiên, nếu việc tự thiêu này đã xảy ra ở trước Quốc Hội CSVN tại Hà Nội thì đã có tiếng vang và ảnh hưởng hơn nhiều. Việc tự thiêu của kỹ sư Phạm Thành Sơn đã không có được tác động như vụ tự thiêu của Mohammed Bouazizi.
Sau cuộc tự thiêu của kỹ sư Phạm Thành Sơn là lời kêu gọi biểu tình của Bác Sĩ Nguyễn Đan Quê và Nhóm Thanh Niên Dân Chủ.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế kêu gọi như sau:
Giới trẻ Việt Nam, lực lượng phản ứng nhanh, có điện thọai di động dùng di động, có internet dùng internet, có loa dùng loa, có miệng dùng miệng để liên lạc, huy động, tổ chức quần chúng xuống đường biểu tình. Hàng triệu con tim yêu nước, tràn đầy nhiệt huyết, bừng bừng khí thế dời non lấp biển, hạ quyết tâm: - quét sạch độc tài cộng sản - xây dựng Việt Nam Mới Tự Do, Dân Chủ, Nhân Bản và Tiến Bộ.
Nhóm Thanh Niên Dân Chủ Việt Nam hiệu triệu toàn dân:
Chúng tôi thiết tha kêu gọi Sinh viên, Học sinh, và Cô Bác Anh Chị Việt Nam hãy tập họp đi bộ cho quê hương đất nước của chúng ta. Chương trình rất đơn giản như sau:
- Ở Hà Nội: xin đi bộ quanh Hồ Gươm. Đi một mình hay đi từng nhóm nhỏ như đi tập thể dục. Không hô hào, không tỏ thái độ gì, cứ đi bộ và nhìn nhau, hiểu nhau.
- Ở Sài gòn: Đi bộ dọc theo đại lộ Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến tòa nhà Hạ Viện cũ. Cũng đi một mình hay đi từng nhóm nhỏ như đang đi mua sắm. Tập họp đi càng lúc càng đông.
Ở hai khu vực trên, bình thường cũng có nhiều người đi bộ, Việt Nam lẫn ngoại kiều, nên Việt cộng không thể bắt tội gì. Chúng ta cứ im lặng đi bộ, nhìn nhau và hiểu nhau. Khi mổi ngày một đông, quần chúng sẽ có một sức mạnh và tự nhiên chúng ta sẽ có tiếng nói.
- Ở Hải Ngoại: Tuần hành chung quanh các tòa Đại sứ, tòa Tổng lãnh sự Việt cộng với các khẩu hiệu: "Freedom for Vietnam ", "Democracy for Vietnam ", "VC step down", "Tear down communism"... Chỉ cần 2 đến 10 người đi bộ và thay phiên đi liên tục hàng ngày. Sự tuần hành liên tục là một hổ trợ tinh thần mạnh mẽ cho quốc nội, đánh động lương tâm và sự chú ý của toàn thế giới.
Đương nhiên nhà cầm quyền CSVN không để yên cho cao trào Dân Chủ này lớn mạnh được nên lập tức họ đã cho công an bắt giam bác sĩ Nguyễn Đan Quế và những nhà đấu tranh dân chủ khác. Họ cũng cho người theo dõi và giám sát chặt chẽ mọi động tĩnh của nhiều nhân vật đấu tranh dân chủ để họ không thể phát huy được công việc của họ.
Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản khắp nơi trên thế giới hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi này và hầu hết các nơi đều rầm rộ tổ chức những cuộc tuyệt thực biểu tình rầm rộ vào đầu tháng 3 năm 2011 để yểm trợ cho Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Nhóm Thanh Niên Dân Chủ, Khối 8406 và những người đấu tranh cho Dân Chủ ở trong nước.
III. Cách Mạng Hoa Lài Có Đến Việt Nam hay không? Trước tiên, dầu Cách Mạng Hoa Lài không có thành công tại Việt Nam, nó cũng đã có ảnh hưởng tinh thần và là kích thích tố để áp lực nhà cầm quyền thấy cần phải thay đổi cách nhanh chóng hơn nữa để đưa dân tộc Việt Nam sớm hùng mạnh sánh vai với các dân tộc bạn trên thế giới, nếu không, bất kỳ lúc nào qua một cơ duyên cách mạng đó thành công thì sự “trả thù” của quần chúng trên những người chóp bu trong cơ chế Đảng Cộng Sản sẽ sâu đậm vô cùng.
Có những khác biệt giữa Việt Nam và Trung Đông chúng ta cần phải đánh giá để đo lường sự hiệu năng Cách Mạng Hoa Lài tại Việt Nam :
1. Ở Tunisia và Trung Đông cơ chế độc tài là do cá nhân và còn có tính cách thừa tự cha truyền con nối còn ở Việt Nam là do cả một đảng. Ở Tunisia có một Ben Ali, ở Ai Cập có một Mubarrack, ở Libya có một Khadafi, nhưng ở Việt Nam thì có 14 người trong Bộ Chính Trị được phân quyền cho nhau, một người bị chết hoặc bị hạ bệ thì sẽ có người khác đôn lên. Ngoài 14 nhân vật Bộ Chính Trị còn có những thái thượng hoàng và Trung Ương Đảng.
2. Những nước kia những nhà độc tài đã ngồi trên ghế cai trị mậy chục năm còn ở Việt Nam vì cơ chế đảng độc tài nên các cá nhân chỉ ngồi ghế cầm quyền khoảng trên dưới 10 năm.
3. Trong thập niên qua, nhà cầm quyền CSVN đã cho “xì” khá nhiều căng thẳng bằng cách thả lỏng nền kinh tế thị trường và dân chúng không còn đói khổ như những thập niên sau khi CSVN chiếm được Sài Gòn.
4. Văn hóa của Việt Nam cũng khá khác biệt với văn hóa Trung Đông. Người Việt giống người Trung Quốc ở chỗ biết chịu đựng.
5. Việt Nam có truyền thống hay theo gót Trung Quốc nên bao lâu chế độ Cộng Sản Trung Quốc còn vững và những biến động ở Trung Quốc không ồ ạt lên thì Việt Nam cũng khó mà có sự ồ ạt được.
Dầu có những yếu tố khó khăn trên nhưng lịch sử cho thấy những biến động quan trọng của thế giới hầu như được khởi sự bằng tình cờ và không có tính toán trước. Thí dụ, Cách Mạng Hoa Lài tại Tunisia diễn ra trong vòng có 2 tuần, đâu có ai ngờ trước, và cũng chẳng có ai tính toán trước, ngay chính anh Mohammed Bouazizi cũng đâu có dự định tự thiêu cho đến lúc bị làm nhục.
Việt Nam có những yếu tố “búc xúc” có thể bật cháy nhanh chóng cuộc cách mạng:
1. Vụ giải tỏa đất đai không bồi hoàn thỏa đáng mà ở Việt Nam hiện nay gọi là Dân Oan. Chính vụ này đã làm cho kỹ sư Phạm Thành Sơn ở Đà Nẳng tự thiêu ngày 17/02/2011. Nếu có thêm khoảng chục vụ tự thiêu nữa như thế thì biến chuyển trở nên nghiêm trọng.
2. Những xô sát giữa nhà cầm quyền với các tôn giáo như vụ Cồn Dầu, Đồng Chiêm, Thái Hà, Memonite, v.v.
3. Những vụ làm ăn thất thoát quá lớn như Vinashin.
4. Những tai tiếng về vụ Bauxite tại Tây Nguyên, cho Trung Quốc thuê đất biên giới trồng bạch đàn, và những hệ lụy của hai quần đảo Trường Sa & Hoàng Sa mà CSVN đã ký bán cho Trung Cộng từ năm 1958 đã làm cho dân chúng khá “búc xúc” trong thời gian qua.
5. Những bất đồng của những người từng “có công với cách mạng” nay đã công khai đứng lên chống lại chế độ.
6. Bất mãn của nhiều đảng viên khi thấy những ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng đang thi hành chính sách cha truyền con nối trong Đảng.
Lời Kết: Ông Lưu Á Châu, hiện đang là Chủ nhiệm chính trị bộ đội Không quân của Quân khu Bắc Kinh, có viết một bài với tựa đề “Sự Đáng Sợ Của Nước Mỹ” và đã kết luận nước Mỹ mạnh và đáng sợ chỉ vì trình độ dân trí của nước Mỹ cao thấm nhuần và đem ra thực hành nguyên tắc dân chủ: “Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.?” Thật vậy, nước Mỹ giàu mạnh là nhờ dân trí cao và sinh hoạt dân chủ, tại sao Việt Nam lại không bắt chước để đất nước sớm cất cao trên vòm trời của Tự Do & Dân Chủ thật sự ngõ hầu sánh vai cùng với các dân tộc văn minh trên thế giới như Nhật hoặc Nam Hàn? Hỏi tức là trả lời./.
No comments:
Post a Comment