Thùy Dung, tay vợt nữ đầu tiên của Việt Nam có tên trên bảng xếp hạng quần vợt thế giới, đang theo đuổi các ý tưởng phát triển một trường đào tạo tennis tiêu chuẩn quốc tế. Trong cuộc trao đổi mới đây với đài VOA, ngôi sao quần vợt này của Việt Nam nói rằng nếu các kế hoạch đúng hướng được thực hiện, thì cũng phải mất ít nhất hơn một thập niên các tên tuổi của quần vợt Việt Nam mới có thể xuất hiện ở các giải đấu thế giới.
VOA: Truyền thông trong nước thời gian qua nói nhiều về thành tích của Thùy Dung, và có nhắc thành tích rất cao tại giải USTA năm 2010. Xin Thùy Dung cho biết thêm về giải USTA này; làm sao để vận động viên các nước có thể tham dự giải này?THÙY DUNG: Giải này hầu như là mở rộng cho tất cả các vận động viên đều có thể tham gia. Giải được tổ chức tại bang California.
VOA: Để tham gia giải này, mình phải đạt những tiêu chuẩn gì trước khi đăng ký tham dự?
THÙY DUNG: Tất cả các vận động viên khi đăng ký là thành viên của USTA thì đều có thể được tham gia.
Giải này là một trong các giải nằm trong hệ thống cộng điểm của USTA – là Liên đoàn Quần vợt của Mỹ. Giải này để xếp hạng bên trong nước Mỹ thôi, chứ không phải như WTA, hay ITF. ITF là Liên đoàn Quần vợt Thế giới, trong đó có WTA dành cho nữ -- là bảng xếp hạng thế giới.
VOA: Truyền thông trong nước gần đây nói rằng Thùy Dung bày tỏ mong muốn có được một trung tâm đào tạo quần vợt chuyên nghiệp?
THÙY DUNG: Hiện nay tôi vẫn đang suy nghĩ xem mình sẽ tự phát triển hay nên sẽ kết nối với một câu lạc bộ hoặc một học viện nào đó nào đó ở bên Mỹ, theo kiểu làm franchise (đại lý độc quyền). Tôi đang suy nghĩ xem nên làm cách nào đơn giản hơn.
VOA: Hiện nay khó khăn lớn nhất của tennis Việt Nam là gì mà hầu như không thấy có các tay vợt Việt Nam tiến vào các sân đấu của khu vực, và của quốc tế, ngoài những trường hợp rất hiếm như của Thùy Dung và của Hoàng Thiên?
THÙY DUNG: Vì chi phí đi tập huấn và thi đấu quá lớn. Nên nếu gia đình không chịu đầu tư thì sẽ rất khó có vận động viên giỏi. Nếu mình có được một học viện có quy mô và có được những vận động viên hay ở tại Việt Nam, thì sẽ đỡ tốn một phần chi phí cho vận động viên khi đi thi đấu và đi tập huấn. Và như vậy mình có thể kiếm được nhiều vận động viên hay.
Sắp tới nếu tôi làm học viện, thì tôi sẽ thành lập một công ty để xin tài trợ cho các vận động viên đi thi đấu – những vận động viên có khá năng nhưng không kham nổi về kinh tế.
VOA: Như vậy đầu tư vào tennis đòi hỏi kinh phí rất lớn, việc này nên do chính phủ đứng ra thực hiện, hay nên do tư nhân. Và như Thùy Dung vừa nói 'xin tài trợ' thì mình sẽ nhắm vào những nguồn nào để xin tài trợ?
THÙY DUNG: Theo tôi, chính phủ thì không thể nào chỉ chú trọng vào một môn, mà phải đầu tư đồng đều cho tất cả các môn, và mỗi môn thì có vài vận động viên, thành ra chi phí sẽ khá là lớn. Tôi nghĩ mình phải hiện đại hóa, giống như các câu lạc bộ bóng đá hiện nay đều do các công ty tư nhân, chẳng hạn như công ty dầu khí tài trợ. Như thế thì mới có đủ khả năng.
VOA: Thùy Dung đã có thời gian tập luyện ở Thái Lan – cái điều kiện tập luyện của Thái Lan có khác với Việt Nam nhiều hay không, và Thái Lan có đi đúng hướng cho việc đào tạo môn tennis hay không?
THÙY DUNG: Bên Thái Lan, người ta rất chịu đầu tư cho tennis. Ngoài việc nhà nước đầu tư còn có các hãng lớn đầu tư, chẳng hạn như hãng hàng không Thai Airways, hay công ty bia lớn như là Singha. Người ta rất chịu đầu tư cho vận động viên. Đó là nguồn tài trợ riêng cho Liên đoàn quần vợt của Thái. Do đó chi phí dành cho vận động viên bên đó rất lớn.
Ở Thái Lan, vận động viên hầu như được đi thi đấu quanh năm, và số vận động viên rất nhiều. Do đó người ta có nhiều kinh nghiệm trận mạc, kinh nghiệm thi đấu, và được đi tập huấn nhiều hơn Việt Nam mình rất nhiều.
Và hiện nay lứa trẻ ở Thái Lan rất khá. Do đó theo tôi thì họ đang đi đúng hướng.
VOA: Nếu Việt Nam có kế hoạch đúng hướng được thực hiện, theo Thùy Dung thì bao giờ tennis Việt Nam mới góp mặt được ở các giải đấu khu vực -- như giành được chiến thắng ở SEA Games, Asiad, hay ở các giải thế giới?
THÙY DUNG: Nếu như mình làm đúng hướng, thì có thể trong vòng 15 đến 20 năm nữa. Tức là bây giờ mình phải đầu tư cho một lớp trẻ hoàn toàn, phát triển một lớp trẻ mới. Mình sẽ đài thọ cho lớp trẻ đó, thì tôi nghĩ trong vòng từ 15 đến 20 năm nữa, Việt Nam mình mới vươn được ra đến Asian Games.
VOA: Việt Nam đã giành được danh hiệu nào ở SEA Games chưa?
THÙY DUNG: Ở SEA Games mình mới chỉ toàn giành được giải đôi thôi. Huy chương cao nhất của SEA Games mà mình giành được là huy chương bạc đôi nam nữ.
VOA: Trong khu vực Đông Nam Á thì nước nào hiện nay mạnh nhất về quần vợt?
THÙY DUNG: Nước mạnh nhất về quần vợt là Thái Lan, kế đến là Indonesia, rồi Philippines.
VOA: Theo Thùy Dung thì trong những năm sắp tới đây tay vợt trẻ nào của Việt Nam có triển vọng đạt thành tích cao?
THÙY DUNG: Tôi nghĩ trong vài năm sắp tới thì chỉ có Hoàng Thiên là có khả năng nhất thôi.
VOA: Thùy Dung có thể chia sẻ với người hâm mộ về kế hoạch, mục tiêu thi đấu sắp tới của Thùy Dung?
THÙY DUNG: Trong thời gian vừa rồi bị chấn thương nên tôi bị rớt khỏi bảng xếp hạng, cho nên năm nay tôi sẽ cố gắng quay trở lại để có tên trong bảng xếp hạng của thế giới.
Tháng 5 tới tôi sẽ đi tập huấn ở Thái Lan.
Cách đây một năm rưởi, thứ hạng của tôi trên bảng xếp hạng là [trong hạng] 600.
VOA: Trong tương lai Thùy Dung có dự tính khi nào thì thôi thi đấu để chuyển sang làm huấn luyện hoặc thực hiện các kế hoạch khác không?
THÙY DUNG: Hiện tôi vẫn làm kinh doanh nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Sắp tới tôi sẽ vừa đi thi đấu vừa đi tập huấn để mở rộng quan hệ với các câu lạc bộ ở Mỹ. Để nếu có cơ hội mình có thể mang những câu lạc bộ, hoặc làm đại lý độc quyền cho các học viện lớn của Mỹ tại Việt Nam.
VOA: Cám ơn Thùy Dung đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn.
No comments:
Post a Comment