Nỗi buồn ngày Tết nơi xứ lạ quê người
Mùa Xuân là mùa của niềm vui, của rộn rã tiếng cười. Mọi người hân hoan mua sắm để chuẩn bị cho 1 năm mới bên những người thân yêu. Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui đó có ai còn nhớ đến nổi buồn lẫn khuất của những người công nhân tha hương, phải đón Xuân nơi xứ người. Tết đến đem cho họ nhiều buồn hơn vui. Mục sư Nguyễn Thới Lai, phụ trách hội thánh Tin Lành tại Melaka kể lại tâm trạng của các công nhân ở đây :Tất cả các anh em công nhân đợt mới qua đều là cái Xuân đầu tiên của họ. Đặc biệt là một số đống các em gái, lần đầu tiên họ rời gia đình qua đây làm việc. Có nhiều em vô làm việc, nghe nói Tết thì khóc sướt mướt trong lúc đang làm việc. Nhiều người trong công ty bối rối, họ tưởng là có chuyện gì, hỏi ra thì các em nhớ nhà. Có khi đi làm về nhà, các em ngồi trong phòng các em khóc sướt mướt, khóc lóc thấy tội nghiệp lắm, các cô khác tới hỏi thăm thì nói là nhớ nhà.
Buồn, nhớ nhà là tâm trạng của hầu hết các công nhân mỗi khi Tết đến. Quỳnh, một cô gái mới qua Mã lai được 9 tháng chia sẻ nỗi buồn của mình :
Con mới qua bên đây còn 15 ngày nữa là chín tháng. Lần đầu tiên xa nhà không có người thân, không có bạn bè ai cũng buồn cả. Cứ nghĩ đến ngày Tết, đến Giao thừa là nước mắt ai cũng rớt cả.
Cùng qua Mã lai một lượt với Quỳnh là Hiền, sau hai tháng làm việc tại đây, Hiền khám phá ra mình bị ung thư, nhờ sự giúp đỡ của hội thánh Tin lành và Ủy ban Bảo vệ Người lao động tại Ba lan, sau 6 lần trị hóa liệu Hiền đã dần dần bình phục. Năm
đầu tiên xa nhà, nhìn những người dân bản xứ tấp nập sắm Tết, Hiền, lại càng buồn thêm. Bạn Hiền là Khuyên mới qua được hai tháng, chưa quen với cảnh xa nhà, nhìn cảnh đồng không mông quạnh, nhớ đến Tết ngày nào còn bên cạnh gia đình, Khuyên đã khóc đến ngất đi. Hiền kể lại :
Con nhớ nhà, con nhìn mọi người ở bên này Tết của Tàu cũng giống như Tết của mình. Nhìn các đồ nó bán cũng như ở Việt Nam mình. Con điện về nhà con khóc. Nhớ nhà lắm! Mấy chị em cứ khóc suốt thôi. Có người khóc ngất đi ở trong công ty. Chị ấy mới qua có mấy tháng thôi, chổ làm việc nhìn ra là đồng ruộng, nhìn mọi người sắm Tết, thế là nhớ Cha, nhớ Mẹ nên khóc, ngất ở trong phòng làm việc luôn !
Một cô gái bất hạnh khác là Thanh, đang làm việc ở công ty làm găng tay y tế ở Klang. Thanh bị chủ sách nhiểu tình dục, khi cô chống đối lại thì Thanh bị chủ đuổi. Hiện giờ Thanh không có việc làm. Tết đến với cô năm nay không có một ý nghĩa gì cả. Chúc Tết gia đình qua điệnt thoại, cô nghẹn ngào rơi lệ khi nghe đứa con hai tuổi nói : « Mẹ ơi con không cần tiền, con cần Mẹ về với con »
Ở bên này thì các công ty đi mua đồ Tết. Nói thật, Tết chỉ có ý nghĩa khi con ở Việt Nam thôi, chứ ở bên này chỉ có cảm tưởng buồn, cảm thấy chán. Như hôm nay, Bố Mẹ gọi điện sang bảo con còn mấy ngày nữa là Tết mà không có con ở nhà thì Bố Mẹ cũng buồn. Ở bên này con cố gắng vui vẽ ăn Tết như mọi người bình thường. Nhưng con cảm thấy con buồn là vì công việc của con như thế Thứ hai nữa là vấn đề khó khăn vì công việc làm nên con cũng chán. Nhiều lúc nghĩ muốn buông xuôi, về Việt Nam với gia đình mình thôi. Con có đứa con gái hai tuổi hôm nay nó cũng nói chuyện với con « Con cần Mẹ về chứ con không cần Mẹ kiếm tiền cho em ! » Nghe nói thế thì tâm trạng của con buồn nhiều lắm !
Vì là lần đầu tiên xa nhà nên con cũng ngỡ ngàng lắm. Họ đi chơi, đi đây, đi đó họ vui vẽ vì họ quen rồi còn con thì con thấy bỡ ngỡ lắm. Bạn bè thì không có nhiều, con thấy chán ! Chỉ biết là con thấy buồn thôi ! Buồn nhiều lắm !
Các cô gái thì dùng nước mắt để xóa đi phần nào nỗi buồn, nỗi nhớ nhà. Các công nhân nam thì dùng rượu để giải sầu, để quên đi nỗi buồn xa xứ. Trọng, một công nhân ở Melaka, đêm giao thừa cũng cùng anh em nhậu cho quên đời, quên buồn khi Tết đến
Một chỗ dựa tinh thần: Hội thánh Tin lành
Con qua đây được 3 năm, bắt đầu năm thứ tư. Trước Tết thì buồn và nhớ nhà lắm, nhớ Bố Mẹ, anh chị em. Hai năm trước, khi con chưa tin Chúa thì ăn Tết đâu có gì đâu, mua một số đồ ăn, thịt lợn, thịt gà về anh em nhậu cho đến khi say xỉn. Anh em buồn chán, nhớ nhà, nhớ gia đình ăn uống cho đến say cho đỡ buồn.Đối với công nhân A Dip thì Tết này buồn lắm vì anh bị chủ đuổi khi anh đình công để phản đối chủ trả lương thấp. Tết năm nay, anh lang thang, không việc làm, không bạn bè, không một người thân Chủ trả lương có 200 trăm thôi, không đúng với hợp đồng trước đây. Con đình công thì chủ nó đuổi. Nó chở tới nhà môi giới, ở đó 1 tuần rồi đi lang thang. Bây giờ con ở có một mình. Ở một mình thì lấy gì mà ăn ? Chẳng biết làm sao ?
Gọi điện thoại về thì chỉ nói bằng lời chứ chẳng thấy mặt mũi người thân. Phai chấp nhận thôi !
May mắn thay, bên cạnh những thiếu thốn về tinh thần, các hội thánh Tin lành hoạt động ở Mã lại cũng tìm cách bù đắp lại cho các em phần nào những thiếu thốn đó. Mục sư Nguyễn Thới Lai ở Mã lai đã gần 6 năm. Mỗi năm, Mục sư tổ chức Tết cho công nhân với đầy đủ những món ăn cổ truyền hầu cho các em quên đi phần nào nỗi nhớ nhà. Mục sư Lai kể lại những chuẩn bị nhộn nhịp cho ngày Tết :
Chúng tôi là những người lo về mặt tinh thần cho các em. Chúng tôi tổ chúc Tết cho các em ngày hôm nay. Họ cho nghĩ ngày nào, giờ nào thì mình tổ chức theo họ. Mình làm là làm vì công nhân chứ không phải vì ngày Tết.
Một hai tuần nay chúng tôi đã chuẩn bị dữ dội lắm. Đi vô rừng cắt lá chuối, lá dong, đi kiếm măng tre gọt, rồi đem ra phơi. Cắt cà rốt, củ cải để làm những món ăn thuần tùy Việt Nam cho mấy em. Dự trù là hôm nay các em sẽ được ăn bánh chưng, giò thủ, canh giò heo nấu măng khô, thịt kho dưa giá cải chua… Nói chung là rất nhiều món thuần túy Việt Nam thôi !
Bên cạnh món ngon ngày Tết còn những món ăn tinh thần như những bài truyền giảng, văn nghệ, kịch…v.v…
Tết là dịp mà chúng tôi làm truyền giảng. Họ đến đây, họ tìm được tình thương của Chúa ở đây. Sau đó thì chúng tôi có những bản nhạc Xuân. Đầu Xuân cầu cho gia đình. Sau đó có những bài múa, rồi sau đó có những vỡ kịch về bước ngoặt của cuộc đời do những em ở dưới Krupong trình diễn. Sau đó tôi có 1 bài truyền giảng về Phước Lộc Thọ : tại sao có Phước thật, có Lộc thật, có Thọ thật.
Làm thế nào để có Phước, Lộc từ nơi Thiên Chúa ban cho. Và để thế nào được sống lâu.
Mục sư Lai còn có những món quà lì xì rất ý nghĩa dành cho những công nhân xa nhà. Phong bì lì xì đầu năm của các em không phải là tiền bạc mà là những câu kinh thánh, là thẻ điện thoại để các em có thể gọi về chúc Tết gia đình :
Tôi ra rừng đốn 1 cái cây. Chúng tôi mua bông mai gắn đầy trên đó rồi treo những gói là xì trên đó. Chúng tôi dùng những câu gốc kinh thánh in ra những câu về khuyên lơn được phước của Thiên Chúa ban cho. Tôi bỏ ra 400 Ringit mua những cái phone card, mỗi miếng 10 Ringit bỏ vào những phong bì đó để khi các em hái lộc thì các em có những lời khuyên bằng những câu kinh thánh. Mỗi người có 1 cái phone card. Tôi khuyên các em dùng phone card đó gọi về chúc Tết gia đình, thăm viếng Cha Mẹ của mình để cảm thấy ấm lòng lại chút xíu.
Có xa quê hương trong những ngày Xuân mới cảm nhận được không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết có ý nghĩa sâu đậm, ấm áp như thế nào. Miếng bánh chưng trên quê người vẫn không ngon như miếng bánh chưng bên bếp ấm gia đình. Tết càng gần kề càng gợi thêm nỗi nhớ nhà đến nao lòng như nhà thơ Bùi văn Bống diễn tả trong bài « Nhớ Tết quê nhà » :
Đi xa nhớ Tết quê nhà
Gió thơm hương khói thắm hoa trước thềm
Xôn xao cánh nhạn trên đồng
Đi xa nhớ đến nao lòng Tết quê
No comments:
Post a Comment