Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, February 24, 2011

Nội bộ Liên Hiệp Châu Âu chia rẽ trước mối đe dọa của làn sóng di tản đến từ Libya

Vào hôm nay, 24/02/2011, nước Ý đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu tích cực giúp đỡ để đối phó với nguy cơ một ‘’thảm họa’’ về mặt nhân đạo đến từ Libya. Họ sợ rằng không thể một mình đối phó với hàng trăm ngàn người tỵ nạn vượt biển chạy sang Ý. Thế nhưng, yêu cầu của Ý đã bị nhiều đối tác Châu Âu bác bỏ.
Vừa đặt chân đến Bruxelles tham gia cuộc họp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ý Roberto Maroni đã xác định ngay là ông kêu gọi châu Âu áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đối phó với một thảm họa nhân đạo khẩn cấp. Theo ông, « Liên Hiệp không có quyền để cho chúng tôi phải đối phó một mình ». 
Theo ước tính của Frontex, cơ quan giám sát biên giới Liên Hiệp Châu Âu, hiện có từ 500.000 đến 1,5 triệu người nước ngoài, chủ yếu là người gốc Bắc Phi đang cư ngụ ở Libya. Theo ông Maroni, đó là những người tỵ nạn tiềm tàng có khả năng tràn vào Ý và, từ đó, tỏa ra phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu. 
Cho đến nay, Ý luôn luôn tự cho mình là một bức tường thành chống lại nạn nhập cư của hàng triệu người đến từ vùng Bắc Phi, và chế độ Libya của ông Kadhafi là một yếu tố quan trọng trong hàng rào này. Theo các giới chức Ý, một hiệp ước ký kết năm 2008 giữa Ý và Libya đã giúp giảm 94% lượng người nhập cư trái phép đổ bộ lên đất Ý, với các biện pháp như : trục xuất ngay lập tức về Libya. 
Vào hôm nay, Bộ trưởng Ý đã lưu ý các đồng nhiệm Châu Âu là : « Làn sóng xâm lăng của 1 triệu hay 1 triệu rưỡi người tị nạn có thể đánh gục bất kỳ một nhà nước nào. Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu thể hiện sự liên đới ». 
Cụ thể, Roma kêu gọi thành lập một quỹ đoàn kết để giúp các nước phải tiếp nhận người tị nạn, cụ thể là các quốc gia Nam Âu như : Ý, Hy Lạp, Malta … và chấp nhận nguyên tắc chia sẻ gánh nặng. Tuy nhiên, bộ trưởng Ý cũng xác định rằng ông không có ảo tưởng là đề nghị của nước ông sẽ được chấp nhận. 
Và đúng như vây. Các phản ứng đầu tiên từ các đồng nhiệm vùng Bắc Âu của ông Maroni đều rất lạnh nhạt. Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển, Billström, và Đức, Thomas de Maizière, đã tố cáo giới lãnh đạo Ý là đã "vẽ đường cho hươu chạy". khi thổi phồng nguy cơ bị người tị nạn từ Libya tràn ngập. 
Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Billström tuyên bố : « Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy làn sóng người tị nạn từ Libya ập vào Châu Âu. Libya có thể rơi vào nội chiến và khi đó chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc di cư hàng loạt, nhưng điều này chưa xảy ra và chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ không xảy ra. » 
Về phần mình, bộ trưởng Đức Thomas de Maizière thì khuyên Ý : « Không nên tạo ra một làn sóng di tản bằng cách gợi lên khả năng này ». Bộ trưởng Bỉ Melchior Wathelet cũng cùng một lập luận. Theo ông : « Chúng ta không tự nhát mình bằng những con số khùng điên. » 
Tuy nhiên không phải nước nào cũng bác bỏ đề nghị của Ý, cụ thể là các nước Nam Âu. Bộ trưởng bộ Nội vụ Tây Ban Nha Alfredo Rubalcaba chẳng hạn, đã cho rằng : « Những người tị nạn không đến Ý mà đến châu Âu thông qua nước Ý. Vì lý do này, Liên Hiệp Châu Âu phải có chịu trách nhiệm cưu mang số người này. » 
Bộ trưởng Nội vụ Bỉ cũng thấy rằng Liên Hiệp Châu Âu phải sẵn sàng thể hiện tình đoàn kết với các nước sẽ phải đối mặt với các nguy cơ bị người tị nạn tràn ngập. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng muốn chia sẻ gánh năng. Pháp là là một ví dụ. Paris đã tỏ ý rất dè dặt trước việc phải chia sẻ gánh nặng của việc chăm sóc người tị nạn và di dân kinh tế. 
Tóm lại, Liên Hiệp Châu Âu một lần nữa đã thể hiện sự chia rẽ trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, giữa một bên là các quốc gia phương Bắc, và bên kia là các nước Nam Âu.

No comments:

Post a Comment