Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, February 23, 2011

Chuyện ‘ngọn đuốc Phạm Thành Sơn’

Vụ tai nạn hay 'tự thiêu' trước trụ sở Ủy Ban TP Ðà Nẵng?

ÐÀ NẴNG - Chuyện anh Phạm Thành Sơn, kỹ sư công ty cao su Ðà Nẵng chết cháy trước cổng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng, số 42 Bạch Ðằng, thành phố Ðà Nẵng vào giờ chính ngọ, ngày 17 tháng 2 năm 2011, là một câu chuyện đau lòng, gây xôn xao dư luận khắp nơi.
Nhiều giả thiết được đặt ra về cái chết của anh như chết vì tai nạn, cháy xe (như các báo trong nước đã đưa tin) hay chết do tự thiêu?

Câu trả lời, có lẽ chỉ do chính anh Sơn trả lời là chính xác nhất. Và thứ đến là những người thân của anh, những người chứng kiến lúc anh bị cháy, những người đã trò chuyện với anh trước lúc anh thành “ngọn đuốc Phạm Thành Sơn” sẽ rõ được ít nhiều.

Những người dân Ðà Nẵng, qua báo chí trong nước vốn chẳng biết được gì hơn ngoài chuyện anh Sơn đã chết cháy, năm nay anh 31 tuổi, anh là một kỹ sư tin học...

Nhưng, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm một số tin tức khác, trên mặt dư luận, trên tâm tư, tình cảm của hàng xóm về quá khứ và thân thế, sự nghiệp của anh Sơn.

Ðương nhiên những thông tin này cũng không “chính lề,” đó là những thông tin có được qua những buổi cà phê tình cờ với một số người hàng xóm của anh Sơn.

Anh Phạm Thành Sơn bốc cháy trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng, trưa 17 tháng 2, trước sự thờ ơ của công an và người qua đường. (Hình: Chụp lại từ youtube)

Anh Sơn từng là giáo viên


Theo lời kể của một cụ ông gần nhà anh Sơn: “Chú ấy (Phạm Thành Sơn) có ba chị em, một chị cả, tới chú Sơn và còn đứa em út. Trước đây chú Sơn học Ðại Học Sư Phạm, hình như ngành toán tin học thì phải. Sau khi tốt nghiệp, chú về dạy trường Ngô Quyền-Ðà Nẵng. Và dạy một thời gian, chú xin nghỉ việc vì một vụ đụng độ với học trò...”

Về “vụ đụng độ học trò,” cụ ông kể tiếp: “Học trò trường Ngô Quyền có nhiều đứa rất quậy, thuộc hạng siêu quậy kia, chú ấy bực, thấy học trò quậy quá, kêu lên la nó, không may kêu đụng phải con ‘cớm,’ nó mắng lại chú ấy. Vậy là chú ấy tát tai răn đe, nó đánh lại. Kết quả là chú ấy thất vọng, xin nghỉ việc. Sau này làm qua công ty cao su Ðà Nẵng...”

Ông cho biết thêm: “Mẹ chú ấy là người rất tốt, bà nội của chú là mẹ Việt Nam anh hùng, bác của chú là cán bộ ở Hội An, chú của chú ấy là công an quận Hải Châu, Ðà Nẵng, cha chú ấy là thương binh loại 3, chú ấy làm ăn rất thành công, chú ấy mới mua chiếc xe bốn chỗ ngồi, nghe đâu tám trăm triệu thì phải, chiếc xe vẫn còn để bên nhà đó!”
Nhà anh Phạm Thành Sơn (màu xanh, bên trái), nơi đang thờ anh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

 Anh Sơn có bị thần kinh?


Chúng tôi hỏi một người khác, cùng ngồi chung bàn, “Nghe nói anh Sơn bị khùng phải không chú?”

Người đàn ông này trả lời: “Ai nói anh là chú ấy bị khùng? Có mà thiên hạ này khùng thì có, vì nếu khùng thì sao làm kỹ sư, ăn lương nhà nước, hóa ra nhà nước này bị khùng à? Vả lại tôi cũng từng tiếp xúc chú ấy nhiều, chẳng thấy dấu hiệu nào là bị khùng cả! À, mà sao nhất thiết phải khùng mới bị ‘nổ bình xăng’... Thì báo (trong nước) nói là tai nạn, rồi có tin là bị khùng... Nghe có mâu thuẫn không?”

Ông cho biết thêm: “Có lẽ do có quá nhiều đồn đoán về cái chết của chú Sơn, nên bên ngành an ninh phải chặn lại, hôm đám tang của chú Sơn, công an ngồi dày đặc khắp xóm, riêng các quán cà phê gần nhà chú Sơn thì họ trực từ 3 giờ sáng cho đến mười hai giờ đêm. Họ ngồi khắp...”

Chúng tôi hỏi ông: “Chuyện lời đồn anh Sơn bị khùng có liên quan gì đến công an ngồi trực, vì sao chú có sự liên tưởng kỳ cục vậy?”

Người đàn ông lắc đầu, không trả lời gì. Chúng tôi hỏi tiếp: “Cháu nghe đồn là anh Sơn tự thiêu?”

Nghe nói đến chữ “tự thiêu,” người đàn ông này tái mặt, không nói năng gì nữa. Một lúc sau ông trả lời: “Theo các báo nói thì anh ấy bị tai nạn xe, cháy xe, chết cháy, tôi không biết đúng sai ra sao! Tôi chỉ khẳng định là anh ấy không khùng, rất thông minh và điềm đạm, thế thôi!”

Về sau, hỏi gì thêm, hai người đàn ông này cũng lắc đầu, nói không biết. Ông nhìn chúng tôi có vẻ nghi ngờ, người đàn bà ngồi trong quán nói nhỏ với người còn lại, “Chắc là công an đi điều tra!” Nói xong, bà ta gọi hai người này đi chỗ khác nhằm tách họ ra khỏi chúng tôi.


Những người bạn nhận xét về anh Sơn



Một nhà thơ, nhà ở gần nhà anh Sơn cho biết: “Cái chết của anh Sơn rất ‘ngầu,’ có thể nói là tỏa sáng, vì một thanh niên còn trẻ, thông minh, sự nghiệp và tương lai rộng mở như vậy mà biến thành ngọn đuốc thì nhất định ngọn đuốc đó phải rất sáng, nhất là đuốc được thắp ngay trước cổng Ủy Ban Nhân Dân thành phố nữa, quá sang trọng!”

Một sinh viên năm cuối đại học Bách Khoa Ðà Nẵng nói: “Nhà anh Sơn đang trong diện giải tỏa, đầu phía Ðông cầu Rồng đi qua bên hông nhà anh. Nghe nói khu vực này đền bù chưa được thỏa đáng cho mấy. Vì cái nhà Tân Tuệ, rộng hơn nhà anh Sơn nhiều, vậy mà nhà nước đền bù giải tỏa có một tỷ ba trăm triệu đồng (tương đương $65,000). Ðất mặt tiền đắt lắm, mua lại giống vậy sẽ không còn đủ tiền để xây nhà như cũ...”

Chúng tôi hỏi anh chàng sinh viên: “Chuyện đất đai, đền bù thì có liên can gì đến cái chết của anh Sơn?”

Sinh viên này trả lời: “Mọi việc đều có mối quan hệ nhân quả cả! Không thể không đặt nghi vấn. Nhưng đó chỉ là nghi vấn, vì nghe đâu anh ấy từng kiện tụng đất đai gì đó, từng năm lần bảy lượt đội đơn lên văn phòng ủy ban thành phố Ðà Nẵng khiếu nại nhưng không được.”

“Theo chỗ tôi biết thì đầu Ðông của cầu rồng không rộng vậy, nhưng nhà nước lại cho giải tỏa thêm bốn căn nhà nữa, trong đó có nhà anh Sơn. Vì sao lại giải tỏa rộng ra như vậy? Vì trước đây, những căn nhà kia xoay mặt về đường Ngô Quyền, bây giờ sẽ lấy đất những căn nhà này, chia lô dọc theo đường Nguyễn Tri Phương (cầu đi qua), lấy bề hông chia thành mặt tiền...”

“Như vậy sẽ bán được một số lô đất mới, ít nhất là bảy lô, mà giá đất mới sẽ đắt hơn nhiều giá đất cũ. Theo tôi biết thì chủ nhà cũ không mua lại được những lô đất ngay tại nền cũ của mình. Họ phải dời đi nơi khác. Trong khi đó họ rất muốn nhận đất đổi mặt dọc thành ngang và xây dựng lại ngay vị trí nhà của mình! Nhưng hình như đất mới đã có chủ...”

“Biết đâu đó cũng là những bức xúc?! Nhưng đây chỉ là giả thiết, vì tui không phải là anh Sơn nên chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra với anh. Có điều theo tôi biết thì anh Sơn là một trí thức...”

Một cô nữ sinh khác nói: “Tám cái bình xịt chữa cháy (theo các báo trong nước viết) mà không chữa nổi ngọn lửa của mấy lít xăng văng ra từ chiếc xe gắn máy là chuyện hài hước, khó mà tin được. Hơn nữa em coi trên youtube thì thấy trong lúc cháy, các công an đứng coi chứ có chữa gì đâu! Lại có chuyện người ta bị cháy mà kêu nhảy xuống sông! Làm sao mà ngô nghê thế? Có ai đang bị cháy, lửa vây tứ bề còn nghe được không hè?!”
Những người như thế này rất đông trong các quán cà phê gần nhà Phạm Thành Sơn. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nơi cầu Rồng đi qua


Chúng tôi dạo một vòng về phía cầu Rồng đang xây dựng và giải tỏa mặt bằng. Khu vực sát bên hông nhà anh Sơn đang ngổn ngang đất đá, xe ủi và có vài công an mặc đồng phục đứng trước nhà, đi lòng vòng quanh khu vực này.

Chúng tôi đi tiếp, khi quay lại thì không nhìn thấy họ nữa.

Mùi khói nhang từ căn nhà đóng kín cửa của anh Sơn vẫn còn phảng phất trong nắng gió và bụi đường.

Cầu Rồng là chiếc cầu nối dài đường Nguyễn Tri Phương, giao với đường Phạm Văn Ðồng (con đường dọc bờ biển chạy từ Ðà Nẵng vào Hội An, trên con đường này có khu China beach làm xôn xao dư luận một thời gian).

Và khi xây dựng cầu Rồng, chính quyền đã cho đập phá trường trung học Trần Phú (tức trường trung học Sao Mai trước năm 1975) và một số nhà cửa của người dân. Theo như lời một số bà con Ðà Nẵng thì đáng tiếc nhất trong kiến trúc Ðà Nẵng có lẽ là Cầu Vồng và trường Sao Mai đã bị đập phá. Ðó là những kiến trúc đẹp, đã ăn sâu vào ký ức người dân Ðà Nẵng.

Thậm chí, nghe đâu, người ta còn có dự định đập phá thư viện Ðà Nẵng để xây dựng lại. Chuyện này không biết thực hư ra sao. Nhưng chuyện đập bỏ trường Trần Phú (Sao Mai) để lấy mặt bằng gần cầu Rồng là chuyện có thật.

Và chuyện anh Phạm Thành Sơn đã thành ngọn đuốc giữa ngọ, ngay trước cổng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Ðà Nẵng cũng là chuyện có thật!

No comments:

Post a Comment