Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, February 23, 2011

Dân quyền bùng nổ ở Bắc Phi và Trung Ðông

Diễn đàn nhân quyền

Mở đường cho tiến trình phổ-quát-hóa nhân quyền trên khắp thế giới


LS Trần Thanh Hiệp

Sự đột xuất, hình thành và phát triển của nhân quyền đã trải qua một quá trình diễn biến, tiệm tiến và bột phát, dài mấy ngàn năm.


Những dấu mốc quan trọng trong quá trình đó là những khi con người rời bỏ được thần quyền, tự mình khám phá ra mình để tự đưa mình lên hàng chủ thể của cá nhân cũng như của xã hội. Hay khi, bằng hai cuộc cách mạng dân quyền ở Mỹ và ở Pháp, cuối thế kỷ thứ 18, thiết lập chế độ dân chủ, mở ra một chân trời mới cho loài người. Hay khi cuộc Ðệ Nhị Thế Chiến giữa thế kỷ trước, đẩy lui được Phát Xít, Quốc Xã ra khỏi vũ đài lịch sử, chấm dứt họa thực dân đồng thời hệ thống hóa và qui chế hóa nhân quyền và tuyên cáo các nhân quyền ấy dưới hình thức Tuyên Ngôn và Công Ước quốc tế về nhân quyền với hiệu lực cưỡng hành đối với tất cả mọi người (erga omnès). Thành tích đáng kể và gần đây nhất là vào đầu thập niên 1990 các cơ cấu tranh đấu cho nhân quyền đã loại trừ được gần như toàn bộ thế lực toàn trị phi-nhân-quyền để giải phóng cho một bộ phận lớn của nhân loại khỏi kiếp người không còn nhân phẩm.

Một dấu mốc mới, trước mắt, vừa mới được dựng lên trên con đường thiên lý nhân quyền. Ðó là dân chúng hai quốc gia ở Bắc Phi và Trung Ðông, Tunisia và Ai Cập, đã đứng lên, bằng hành động, đánh đổ bạo quyền độc tài, đòi lại chủ quyền quốc gia cho toàn dân. Tại Tunisia, cuộc cách mạng “Hoa Nhài” đã buộc tổng thống độc tài Ben Ali phải bỏ chạy ra tị nạn ở nước ngoài. Và chính quyền của ông đã bị lật đổ để mở đường cho việc dân-chủ-hóa chế độ chính trị Tunisia. Tại Ai Cập, sau 18 ngày tự động nổi dậy trực tiếp nhằm thanh toán bộ máy cầm quyền độc tài, dân chúng nước Kim Tự Tháp, từng bị chê là những “đà điểu ngủ”, tuy không đạt được những kết quả ngoạn mục và mau lẹ ngay từ đầu như ở Tunisia, nhưng đã tạo ra những điều kiện thiết yếu để sau cùng giành được thắng lợi cơ bản, truất phế lãnh tụ độc tài Hosni Mubarack và mở ra được tiến trình, theo một kịch bản có lớp lang, ôn hòa dân chủ hóa thật sự đất nước, không phải dùng tới vũ lực.

Hai cuộc cách mạng trong vùng - cách mạng “Hoa Nhài” của Tunisia và cách mạng “Hoa sen” của Ai Cập - kể như đã đạt được những thành công khởi đầu.

Trong thực chất, nói chung, những biến cố lịch sử vừa xảy ra tại Tunisia và Ai Cập - và hiện đang diễn ra trong nhiều quốc gia như Algeria, Moroco, Libya, Barhein, Iran, Yemen ở Bắc Phi và Trung Ðông - chỉ là những tái diễn của những lần nổi dậy của quần chúng trước đây ở những nơi khác, từ cách mạng bạo động đến cách mạng nhung.

Tuy nhiên cuộc tranh đấu của dân chúng Bắc Phi-Trung Ðông, trong tình huống mới của thời đại, đã mang lại cho cuộc nổi dậy lần này những ý nghĩa pháp-lý-chính-trị đặc biệt.

Trên bình diện lý thuyết, về mặt pháp lý, sự kiện dân chúng bất chấp luật pháp của chế độ, không lùi bước trước đàn áp hung bạo, tự động đứng lên tại thủ đô và mấy thành phố lớn để hành sử dụng quyền bãi miễn bộ máy cầm quyền tại chức chứng tỏ rằng nhân quyền đang bước một bước phat triển mới.

Trước hết, nhờ khoa học, đã mang lại cho kỹ thuật truyền tin những phát minh kỳ diệu. Do đó, quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với quốc gia và giữa quốc gia và quốc gia đã thay đổi đến mức có thể nói là đảo lộn. Người đân bây giờ đã có hẳn trong tay mình phương tiện vật chất để tự mình hành xử nhân quyền mà không phải thông qua nhà nước. Họ sử dụng những kỹ thuật tân tiến để tổ chức những cuộc hội họp công cộng dù nhà nước tìm đủ cách, kể cả bạo lực, để ngăn cản. Ðứng về mặt thuần túy pháp lý, người dân, qua những chính biến hiện nay tại Bắc Phi và Trung Ðông đã xử sự như những chủ thể của luật quốc tế, cũng như quốc nội trên địa hạt nhân quyền. Nhờ vậy mà đã đột xuất một cách tự phát một ý chí chung được cụ thể hóa bằng những khẩu hiệu thể hiện những nhân quyền liệt kê trong các văn kiện quốc tế và quốc nội về nhân quyền. Cho đến nay các bộ máy cầm quyền độc tài đã tước đoạt hết, bằng gian trá và bạo lực, những khả thế hành động đó để áp đặt quyền lực phi-nhân-quyền. Tình thế bất cân xứng này đã đột nhiên thay đổi và đã giúp cho nhân dân lấy lại chủ quyền quốc gia.

Thứ đến, những cuộc nổi dậy ở Bắc Phi và Trung Ðông đã đưa lại cho nhân quyền những kích thước, những quyền uy mới. Nhân quyền là khả thế cho con người được thật sự tư do, và bình đẳng trước pháp luật, giữa con người với con người và nhất là giữa đa số bị trị và thiểu số thống trị. Nhà nước không thể lạm dụng quyền lực nhờ được phép sử dụng bạo lực để phá bỏ quyền tự do và quyền được đối xử bình đẳng. Các chế độ ở Tunisia và Ai Cập đã không những không tôn trọng mà còn dày xéo thô bạo lên nhân quyền nên đã bị sụp đổ. Cũng cần nhấn mạnh rằng ở bất cứ nơi nào trên hoàn vũ hễ có con người là phải có nhân quyền và nhân quyền phải được tôn trọng và thực hiện. Nhân quyền không phải chỉ là những đặc sản của một số nhỏ các nước tân tiến và giầu mạnh như lập luận sai trái của những bộ máy tuyên truyền huyễn hoặc của các thế lực độc tài phi-nhân-quyền. Theo tinh thần cơ bản của luật quốc tế thì nhân quyền là “tất cả quyền của một con người và quyền của tất cả mọi người”.

Sau hết, những cuộc nổi dậy ở Bắc Phi và Trung Ðông là cuộc thức tỉnh của loài người để đem lại công lý cho mỗi con người, cho từng dân tộc và cho cả nhân loại. Những tác nhân tại chỗ trong những cuộc nổi dậy ấy đã không đòi gì khác hơn là công lý, quốc tế, luật quốc gia về nhân quyền phải được các bộ máy nhà nước tôn trọng triệt để. Nếu những kẻ được phép cầm quyền mà không tôn trọng luật pháp thì người dân cũng được phép đứng lên đòi lại chủ quyền quốc gia để bảo vệ luật pháp chân chính - nghĩa là không phải là thứ luật pháp công cụ của độc tài - và quyền sống có nhân phẩm của người dân. Hai thứ này, luật pháp và nhân quyền là hai thành tố của Công Lý. Vào thời điểm “toàn cầu hóa” hiện nay, cá nhân và dân tộc không đơn độc trong cuộc tranh đấu thực hiện và bảo vệ Công Lý. Vì vậy mà Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Châu Âu đã công khai lên án độc tài xâm phạm nhân quyền và đã không ngần ngại vượt qua những lề thói ngoại giao cổ điển và ích kỷ để đứng về phía những người nổi loạn. Người ta có thể rút ra kết luận rằng quy luật của nhân quyền là những hiện tượng phi-nhân-quyền sớm muộn đều bị tiêu diệt.

Trước khi có thể thay đổi sâu rộng được tình trạng phi-nhân-quyền kinh niên ở Bắc Phi và Trung Ðông, ít ra thì những cuộc nổi dậy chống độc tài, đã và đang diễn ra, của dân chúng ở vùng này cũng mang lại cho nhân loại một ý thức nhân quyền mới cả về qui mô lẫn thực chất. Nhân quyền ở khắp nơi. Tất cả mọi nhân quyền cho từng người và cho tất cả mọi người. Ðó là tín điều mới cho nhân loại để xây dựng hòa bình và hạnh phúc nơi trần thế.

Nước Việt Nam không phải là của riêng của đảng Cộng Sản Việt Nam, của những người cầm quyền cộng sản tiếm vị. Tổ chức gian nhân hiệp đảng này trước thực tế đất nước và dưới ánh sáng của luật quốc tế chỉ là những những thủ phạm giết người cướp của quả tang. Không thể để cho tình trạng phi-công-lý kéo dài lâu thêm nữa. Giờ của Công Lý nhân quyền sẽ điểm và phải điểm. Chuyến tàu lịch sử nhân quyền, tự do dân chủ đã chuyển bánh từ Bắc Phi và Trung Ðông. Xin đừng lỡ chuyến tàu này một lần nữa. Như cuối thập niên 1989 và đầu thập niên 1990 ở Ðông Âu và Liên Xô cũ.

No comments:

Post a Comment