Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, January 3, 2011

Hoạt động nghiên cứu Khoa học của Giảng viên Đại học Việt Nam (Phần 2)

Trong phần trước Vũ Hoàng đã trình bày về thực trạng công việc nghiên cứu khoa học của các giảng viên đại học ở Việt Nam. Trong phần 2, Vũ Hoàng trình bày tiếp cùng quí vị những góc nhìn khác về thực trạng này và những giải pháp khả thi trong vấn đề quản lý nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học và tham nhũng khoa học

Các số liệu về hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường Đại học cho thấy hiện nay chỉ có 28,4% các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Nếu chỉ nhìn vào con số thì rõ ràng nó phản ánh tỷ lệ giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học còn quá thấp. Theo con số báo cáo tại hội thảo “Giải pháp tạo động lực cho giảng viên đại học tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” thì trong số 34 trường đại học, từ năm 2006 – 2009, các trường chỉ thực hiện được có 248 đề tài cấp nhà nước, 1.832 đề tài cấp Bộ và 5.505 đề tài cấp trường. Trong đó, khối kỹ thuật công nghệ có số lượng cấp đề tài cấp Nhà nước nhiều nhất, còn khối nông-lâm-ngư-y có kinh phí nghiên cứu từ nhà nước ít nhất.
Với những số liệu thống kê vừa kể, trong từng đó những người tham gia làm khoa học và trong từng đó những đề tài nghiên cứu, sẽ có tỷ lệ bao nhiêu phần trăm công trình khoa học được đem ra ứng dụng thực tế và bao nhiêu phần trăm lại tiếp tục nằm “đắp chiếu” vì thiếu tính khả thi? Một thí dụ cụ thể là các công trình nghiên cứu của khối các trường kinh tế, quản trị kinh doanh vẫn tập trung nhiều vào vấn đề lý luận, chính sách vĩ mô, những vấn đề được đánh giá là dễ làm, dễ nghiên cứu. Theo nhận xét của giáo sư Phùng Xuân Nhạ, hiệu trưởng trường đại học Kinh tế (đại học QG Hà Nội) thì nghiên cứu khoa học của nhóm các trường kinh tế, quản trị kinh doanh vẫn nằm ngoài cơ chế thị trường. Các công trình nghiên cứu xong tốn kém hàng tỷ đồng nhưng chỉ để vào ngăn kéo tủ, các trường vẫn chưa chịu tìm đầu ra cho mình.
Theo T.S Lê Thị Tuyết Hạnh (thuộc Học viện quản lý Giáo dục) thì cần phải nhìn vào chất lượng của các công trình nghiên cứu khoa học chứ không chỉ đơn thuần dựa vào con số 28,4% để đánh giá hiện trạng nghiên cứu khoa học của các giáo viên đại học:
Có một vấn đề cần phải suy nghĩ, đó là làm thế nào để có những đề tài khoa học đích thực chứ không phải là có ítđề tài, mà trong đó bao nhiêu phần trăm góp phần cho quốc kế dân sinh.
Như vậy, vấn đề cốt lõi không phải chỉ là số lượng đề tài hay bao nhiêu tiền cho mỗi đề tài, mà chính là làm thế nào để sử dụng hiệu quả những đồng tiền nghiên cứu đó và làm thế nào để biến những công trình nghiên cứu đó thành những công trình thực tế và được ứng dụng thực tế, đem lại lợi ích cho xã hội.
Nhà nước mỗi năm chi hàng trăm tỉ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học, nhưng xét về tính hiệu quả thì rất thấp. Hội đồng nghiệm thu qua loa, chiếu lệ vì tiền đề tài đã phân bổ rồi, không nghiệm thu không được. Trong một bài báo mới đăng tải gần đây trên báo Lao Động, tác giả Lê Thanh Phong gọi đó là “tham nhũng khoa học” vì cách làm khoa học giả dối để lấy tiền nhà nước.

Phương cách “quy đổi giờ giảng” hay “nâng lương”

Quay sang vấn đề quản lý, phân bổ đề tài nghiên cứu khoa học, T.S Hạnh đề xuất cần chấm dứt tình trạng phân bổ đề tài, kinh phí nghiên cứu khoa học bình quân, cũng không nên để tồn tại các hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học không cùng chuyên ngành.
Nếu ở các trường đại học nước ngoài, để có thể đứng lớp thành công, mỗi năm người giáo viên phải có ít nhất một bài nghiên cứu khoa học đăng tải trên tạp chí chuyên ngành, hoặc có các đóng góp cập nhật cho bài giảng. Ngoài ra họ còn phải tham gia vào các khoá tập huấn nâng cao chất lượng giảng dạy, chứ không chỉ “dạy chay” hay lấy bài giảng của năm trước “xào xáo” và sử dụng cho năm nay như nhiều giáo viên Việt Nam vẫn làm. Theo quy định về chế độ làm việc tại đại học ở Việt Nam, mỗi năm giáo viên đại học phải dành 500 giờ cho nghiên cứu khoa học. Đây là hoạt động bắt buộc đối với giảng viên, nhưng xem ra con số này đối với họ là quá xa vời và không thể thực hiện đươc. Tuy thế, Bộ Giáo dục đào tạo, mà cụ thể là Vụ Pháp chế, vụ Khoa học Công nghệ hay vụ Kế hoạch tài chính lại chưa có một chế tài cụ thể nào đối với những người không có nghiên cứu. Nhiều giảng viên đại học hiện nay không có công trình nghiên cứu nào trong một thời gian dài nhưng vẫn được giảng dạy.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Minh Tiến cho rằng các trường đại học cần cho phép giảng viên được quy đổi giờ nghiên cứu khoa học thành giờ giảng. Với việc quy đổi này sẽ cho phép giảng viên có thể chuyên tâm nhiều đến công việc nghiên cứu hơn là chịu sức ép của yêu cầu về thời lượng đứng trên giảng đường. Cách quy đổi giờ nghiên cứu sang giờ giảng dạy cũng được xem là một sự động viên cho giáo viên, đó không phải là một phần thưởng quá cao siêu mà chỉ là một chế độ rất bình thường và hợp lý.
Ngoài ra, T.S Hạnh gợi ý rằng Việt Nam có thể linh hoạt áp dụng chế độ nâng bậc lương hoặc chế độ tăng lương trước thời hạn đối với những người có đóng góp nhiều trong hoạt động nghiên cứu, T.S cho biết thêm:
Tôi nghĩ cái đó giống như một phần thưởng về cả mặt vật chất lẫn tinh thần, vì thông thường, như chế độ hiện nay thì công chức 3 năm, nếu không có sai sót, sơ suất sẽ được tăng lương một bậc lương hoặc tăng lương trước thời hạn nếu là chiến sĩ thi đua 2 năm liền.
Ví dụ, trường hợp có đề tài nghiên cứu khoa học hoặc có mấy bài báo đăng tạp chí chuyên ngành, tôi nghĩ có thể như thế, tăng lương trước thời hạn sẽ làm các giảng viên trẻ cảm thấy hăng hái hơn. Trước hết, là họ có tinh thần, để người ta hướng đến thái độ, nghiêm túc hơn, muốn làm hơn thì nó sẽ gắn với những quyền lợi thiết thực 
Có thể phương cách “quy đổi giờ giảng” hay “nâng lương” chỉ là những giải pháp nhỏ, nhưng dễ dàng nằm trong tầm tay để thực hiện. Hi vọng rằng những biện pháp khuyến khích cả về mặt tinh thần lẫn vật chất này, có thể mang thêm nhiều động lực hơn cho các giảng viên đại học làm nghiên cứu khoa học. Cũng hi vọng rằng những động động lực đó sẽ phần nào xoá bỏ được tình trạng “chạy sô” giảng dạy, chảy máu chất xám và người làm khoa học có thể tập trung thời gian nhiều hơn cho công tác nghiên cứu khoa học với những kết quả chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giáo dục của Việt Nam.

No comments:

Post a Comment