Ðang điều đình vay TQ gần nửa tỉ đô la
HÀ NỘI (TH) - Thêm một ngày, người ta thấy tin tức về xây dựng đường sắt cao tốc của Việt Nam ngày được tiết lộ thêm một số chi tiết của một dự án sẽ “nhất định phải làm” dù Quốc Hội Hà Nội đã bỏ phiếu bác ở khóa họp đầu năm ngoái. “Việt Nam đã chính thức ký kết tham gia mạng đường sắt ASEAN-Trung Quốc với 4 đường liên vận nối mạng.”
Báo điện tử Tầm Nhìn (tamnhin.net) ngày Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011 viết rằng: “Ông Nguyễn Văn Doanh, phó cục trưởng Cục Ðường Sắt Việt Nam xác nhận thông tin trên và nhấn mạnh mạng đường sắt ASEAN-Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam tách khỏi vùng biệt lập giao thông đường sắt với các nước trong khu vực Ðông Nam Á.”
Ngày 28 tháng 1, 2011, báo điện tử Sài Gòn Tiếp Thị thuật lời một “lãnh đạo” của Cục Ðường Sắt Việt Nam mà không nêu tên nói rằng “không phải do Trung Quốc bỏ tiền làm cho ta mà tự phía Việt Nam phải bỏ tiền ra xây dựng.”
Bốn đường xe lửa sẽ nối mạng với ASEAN là bốn cửa khẩu qua ba nước láng giềng. Theo Tầm Nhìn, đó là “cửa khẩu Lạng Sơn, Yên Bái (qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc); đoạn từ Sài Gòn qua cửa khẩu Lộc Ninh sang Campuchia; đoạn Vũng Áng-Mụ Gia (Hà Tĩnh) với Lào.”
Sau khi có tin Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối nước này với ASEAN mà Việt Nam cũng nằm trọng mạng này, viên chức được trích dẫn là ở cấp “lãnh đạo” Cục Ðường Sắt Việt Nam nói: “Ðó là hai tuyến từ Sài Gòn-Lộc Ninh và tuyến Vũng Áng-Mụ Gia (Hà Tĩnh) nói với phần đường sắt cao tốc băng qua nước Lào do Trung Quốc xây dựng.”
Viên chức này còn cho hay thêm rằng: “Ðây là hai tuyến được đưa vào qui hoạch giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020 đã được thủ tướng phê duyệt.”
Viên chức không nêu tên cho biết “theo báo cáo nghiên cứu khả thi,” tuyến Sài Gòn (khởi đầu là ga Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến điểm cuối là ga biên giới tỉnh Bình Phước chiều dài 128 km có 12 ga. Tốn phí đầu tư xây dựng khoảng $438 triệu USD. Ðoạn Vũng Áng-Mụ Gia cũng dài 119km phải đầu tư “4500 tỉ đồng.”
Trên bản tin của Tầm Nhìn, ông Nguyễn Văn Doanh nói: “Hiện mạng lưới đường sắt xuyên quốc gia này vẫn chưa đồng nhất về khái niệm đường sắt cao tốc, nhưng theo thỏa thuận ASEAN-Trung Quốc coi đây là một dự án mở, tuyến đường sắt đi qua nước nào thì nước đó phải bỏ tiền xây.”
Ông nói thêm là “hiện tại khó khăn lớn nhất là vấn đề huy động vốn, Việt Nam đang vận động vay vốn của Trung Quốc để thực thi mạng đường sắt qua cửa khẩu Lộc Ninh.”
Cho đến cuối năm ngoái, người ta vẫn chỉ biết dự án đường sắt cao tốc ở Việt Nam chỉ là đường sắt Bắc Nam, nối Hà Nội và Sài Gòn. Nhiều người tranh cãi cho rằng dự án tốn có thể lên hàng trăm tỉ đô la lại không có giá trị kinh tế. Tốn phí đầu tư cao, giá vé đắt, dân ít sử dụng dẫn đến lỗ vốn và cũng lại chính người dân phải è cổ gánh cái gánh nợ khổng lồ này (qua tiền đóng thuế).
Cho đến nay, người ta cũng chỉ được biết có dự án nghiên cứu khả thi đường sắt cao tốc Bắc Nam của các chuyên viên Nhật Bản rồi sẽ sử dụng công nghệ Nhật Bản, vay vốn Nhật Bản.
Nhưng những tiết lộ mới đây đối chiếu với các lời nói úp mở của Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Hồ Nghĩa Dũng với bản tin của Trung Quốc nhật báo bản tiếng Anh (China Daily) cho người ta cái cảm giác, rồi đây, Việt Nam “hòa mạng” đường sắt cao tốc với ASEAN chứ không phải chỉ là cao tốc Bắc-Nam, và với tiền vay của Trung Quốc.
Ngày 25 tháng, 2011, ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, viết rằng “bài tẩy đã ngửa” trong chuyện đường sắt cao tốc.
Ông dẫn chứng những lời tuyên bố của của ông Hồ Nghĩa Dũng ngày 10 tháng 6, 2010 “vẫn đang bỏ ngỏ cho bất kỳ nước nào có vốn tương thích, công nghệ hợp lý...”
Rồi đến ngày 16 tháng 6, 2010 trước khi Quốc Hội Hà Nội bỏ phiếu bác bỏ, ông Hồ Nghĩa Dũng úp mở “không loại trừ Trung Quốc tham gia.”
Ngày 3 tháng 1, 2011, trên báo Sài Gòn Giải Phóng, khi được hỏi “nếu làm đường sắt cao tốc, có nối mạng với đường sát cao tốc trong khu vực hay không?” Ông trả lời là “có chứ. Sẽ nối mạng ASEAN, nối đường sắt Singapore, Côn Minh (Trung Quốc). Mạng đường sắt cao tốc của Việt Nam nằm trong dự án đường sắt cao tốc ASEAN-Côn Minh. Nói chung là phải làm...”
Ngày 28 tháng 1, 2011, ông Nguyễn Trung đặt 6 câu hỏi cho thấy, người dân Việt Nam không hề biết gì về một dự án vĩ đại lại nhìn thấy không hiệu quả kinh tế.
Một số những câu hỏi được ông Trung nêu ra là: “Những quốc gia nào trong ASEAN đã thương thảo với chính phủ Việt Nam và Trung Cộng để đồng ý xây dựng dự án ÐSCT ASEAN và thương thảo vào lúc nào? Chính phủ Việt Nam đã thương thảo với các quốc gia trong ASEAN cũng như với Trung Cộng dự án ÐSCT ASEAN-Côn Minh vào lúc nào? Ai là người đại diện chính phủ Việt Nam (có thẩm quyền và chịu trách nhiệm) trong các cuộc thương thảo dự án ÐSCT ASEAN-Côn Minh với các quốc gia trong ASEAN và Trung Cộng trong dự án ÐSCT ASEAN-Côn Minh này? Có ai đã hứa ‘Việt Nam sẽ làm dự án ÐSCT’ hay không? Người đó là ai?”
Ông hỏi: “Tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc Hội, hay là thủ tướng chính phủ?” Vì chúng tôi dám chắc ngoài bốn người đứng đầu trên đây thì không có ai dám “hứa sẽ làm” một dự án giá trị cả hàng trăm tỉ đô la!!! Nói một cách khác là lãnh đạo từ cấp phó thủ tướng và bộ trưởng không có khả năng, hay dám hứa “sẽ làm” dự án quan trọng này.”
Theo các báo điện tử của Báo Ðường Sắt và VnEconomy loan tin ngày 21 tháng 1, 2011 và được báo điện tử Dân Trí (4) đưa tin lại ngày 23 tháng 1 năm 2011 theo China Daily thì “Trung Quốc công bố tuyến ÐS tốc độ cao tới Việt Nam.”
Ông Trung hỏi: “Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho dự án ÐSCT của Trung Cộng ‘băng ngang’ qua lãnh thổ của Việt Nam lúc nào?”
Ngày 21 tháng 1, 2011, báo Sài Gòn Tiếp Thị có một bài dài cho thấy chủ trương đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang phải “trả giá” vì giá vé quá đắt dân chúng ít sử dụng, quá khả năng chịu đựng của họ như từ Thành Ðô tới Thượng Hải giá vé “gấp đôi vé máy bay.”
No comments:
Post a Comment