Lạm phát lên hơn 12% trong Tháng Giêng, 2011. Dù vậy, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn tổ chức tới 40 khu chợ hoa Tết, theo tin báo Dân Trí. (Hình: Dân Trí) |
Theo thông lệ, mãi lực ngày Tết cao vọt. Một năm, người bán hàng chỉ trông mong vào ngày Tết có thể kiếm gấp mấy lần tháng bình thường, thậm chí nhiều người nhờ lộc tháng Tết mà sống đến nửa năm. Mỗi sạp hàng đóng thuế đều đặn, năm nay đóng cao hơn năm trước, hàng bán được hay không đều thuế má đầy đủ nên ai nấy lo nơm nớp. Xem chừng Tết năm nay dân chúng tiết kiệm hơn mọi năm. Ða số bạn hàng kêu ế ẩm, hàng Tết tuy vẫn phải bày nhưng vừa lấy hàng vừa trông chừng chỉ sợ tồn.
Ðể chi cho bao nhiêu thứ cần tiêu pha vào dịp Tết, người đi làm trông mong vào tiền Tết. Ðó là tiền thưởng, lương tháng mười ba... nhiều tên gọi khác nhau cho món tiền được lãnh vào lúc này.
Anh Trực làm trong ngành Bưu Ðiện. Ngành này nổi tiếng thu nhập cao, thu nhập chứ không phải lương vì tiền lãnh mỗi tháng ký từ bảng lương chính thức không cao lắm, chủ yếu từ những nguồn khác: Từ tiền thưởng, từ làm thêm... Vì khấm khá như vậy nên một tháng ba mươi ngày, anh nhậu hết hai mươi chín ngày, ngày nào tan sở xong cùng tụ tập với bạn bè ở các quán nhậu bình dân ven kênh Nhiêu Lộc, Thành Thái, Hiệp Bình Phước... tới mười giờ tối mới lảo đảo xe về tới nhà. Nhưng dạo này, sâm sẩm tối đã thấy anh ra trước nhà ngồi tán gẫu với hàng xóm.
Anh cho biết:
“Những năm trước, công nhân quèn như tôi đã được thưởng Tết hơn hai chục triệu đủ biết những người khác lãnh còn cao hơn thế nào. Bây giờ Bưu Ðiện hết độc quyền rồi, nào là Viettel, Postel, EVN... tranh nhau giành khách, khuyến mãi thường xuyên để chiêu khách. Không còn cảnh nộp đơn chờ duyệt, nhờ người quen xin đường dây... Bây giờ hễ khách hàng kêu một tiếng là có công ty chạy tới tặng ngay điện thoại. Họ len lỏi vào tận các vùng xa xôi nhét điện thoại vào tay người dân. Mọi năm, tôi kêu ngoài tiệm mang vào nhà ít nhất năm thùng bia và ba két nước ngọt. Năm nay, tất cả Tết của cả gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con, duy nhất lương tháng thứ mười ba là ba triệu rưỡi, chỉ có nước sắm hũ mắm ruốc xào lên với mấy trăm gam thịt ba chỉ để đó ăn hết Tết. Thời buổi này, cầm năm trăm ngàn trong tay thử hỏi mua sắm được gì?
Cô Linh vẫn đến trường. Thời buổi khó khăn, đáng lẽ lớp học thêm tại gia vẫn hoạt động đến ngày 27, chỉ nghỉ một tuần thôi nhưng phụ huynh tính toán kỹ bằng cách đóng tiền học nửa tháng rồi lặn, như vậy tiết kiệm được nửa tháng học phí đồng thời tránh được phần... biếu Tết giáo viên! Dân công chức vốn từ xưa không sống bằng lương lậu mà dựa vào “bổng lộc.” Loại này ở chức sắc cao cấp là cành đào hàng chục triệu, vé tour đi du lịch Úc Châu, Âu Châu... cô Linh chỉ là giáo viên quèn, dù sao nhờ học trò biếu hộp bánh, xấp vải, túi trái cây, bịch bánh tráng... cũng thêm phần nào cho Tết.
Năm nay giáo viên đỡ hơn công nhân là không bị thất nghiệp nhưng ngang với công nhân là không có tiền Tết. Một số trường có tiền Tết nhưng càng xa nội thành, đi ra vùng ven hay ngoại thành, tiền Tết ít dần đi hoặc không có.
Cô Lan được lãnh năm trăm ngàn từ quỹ của quận, một trăm từ quỹ trường và một trăm nữa của hội Phụ Huynh Học Sinh. Tuy nhiên cô phải góp lại một trăm để cả tổ tặng Tết chung cho hiệu trưởng, ba trăm ngàn khác là phần Tết riêng của mình cho hiệu trưởng và ba trăm ngàn nữa Tết hiệu phó.
Chồng của cô làm kế toán cho nhà máy Ðài Loan chuyên sản xuất bàn ghế giả cổ đi Tây Âu bị thất nghiệp mấy tháng nay. Hãng không có hợp đồng nên đóng cửa, dẹp tiệm, cho mỗi người lãnh nửa tháng lương. Cuối năm chạy khắp nơi chưa kiếm được việc làm, chỗ nào cũng sa thải công nhân. Báo đăng tin lãnh Tết năm, ba trăm triệu là những ai ở đâu không biết. Cô chỉ mua bộ quần áo mới và ít bánh kẹo VN cho lũ trẻ, không dám mua hàng ngoại quốc Thái Lan hay Mã Lai vì mắc tiền hơn. Cũng như đa số dân trong xóm nghèo, Tết của gia đình họ chỉ là hũ kiệu, nồi thịt kho và cặp bánh tét là đủ...
Ở khu nhà trọ, dân nhập cư bấn lên vì ngày Tết. Anh Hoàng quê miền Bắc đẩy xe bán rong cây kiểng, vợ bán dạo túi xách ở mấy chợ cóc chẳng ai sắm sửa Tết nhất, lại thêm cận Tết giá vé xe đò sẽ tăng đến sáu mươi phần trăm nên từ hai mươi ta, họ đã thu xếp hành lý rời nhà trọ để về quê. Thợ xây dựng mấy bữa nay cũng nằm chèo queo, mọi năm giờ này việc làm không hết, quét vôi, sơn cửa, thông cống... nay thấy bó gối nhìn nhau, về quê ngoài tiền xe cộ, xa nhà suốt năm chẳng lẽ không có chút quà cho cha mẹ, anh em nên chi đành ở lại thành phố mong cho mau qua Tết.
Tiệm may trong ngõ thông thường từ đầu Tháng Chạp đã hết nhận hàng thế nhưng năm nay khách lưa thưa nên đến hăm vẫn nhận may. Chủ tiệm lôi cành mai nhựa cũ ra cọ xà bông bày lại góc nhà, treo lên đó vài cánh thiệp cho có vẻ mùa Xuân. Nhiều cửa hàng mặt tiền giàu có mà cũng không dám mua hoa tươi, chỉ lên Hiệp Bình Phước thuê chậu mai về chưng một tháng.
Riêng anh Sơn, nhà ở quận 1, ngoài nghề chạy xe ôm, còn kiếm được chút đỉnh từ việc lau chùi, đánh bóng lư đồng. Dịp Tết, anh chỉ làm trong xóm cũng được khoảng hai mươi lăm bộ lư. Mỗi ngày chùi từ bốn đến năm bộ với giá thấp nhất là hai chục ngàn đồng cho một cặp chân nến, tới khoảng hơn một trăm ngàn cho bộ lư hạng nhất. Anh Sơn cảm thấy hơi kỳ khi có mỗi mình anh kiếm ăn lai rai trong tình hình chung khó khăn. Dù vậy, cũng như mọi người, anh quyết định triệt để tiết kiệm chứ không phung phí cho Tết nhất. Số tiền chùi lư cân nhắc để dành mua gạo mắm. Bao giờ ra Giêng việc mua bán cũng trầm lại. Khách xe ôm bớt hẳn, người ta chịu khó lội bộ ra trạm đón xe buýt, thời gian đi lâu hơn, mệt hơn nhưng rẻ hơn xe ôm.
Các siêu thị và trung tâm thương mại ra sức khuyến mãi hàng Tết. Bột giặt và nước xả giảm từ mười đến mười lăm phần trăm, hàng kim khí điện máy giảm ba mươi phần trăm, quần áo Trung Quốc giảm đến sáu mươi phần trăm... Siêu thị bán hàng theo “giá bình ổn” của nhà nước nhằm ổn định thị trường. Vì thế siêu thị đông khách hơn ngoài chợ vì giá chênh lệch khá cao. Nhiều người nhân cơ hội đã mua nhiều hàng hóa, thực phẩm thiết yếu để tích trữ dùng dần.
Tuy nhiên hàng rẻ cũng có mặt trái của nó. Khuyến mãi càng hời càng “có vấn đề.” Ðôi dép hạ giá bảy chục phần trăm, mới đi có ba ngày bong keo, đứt chỉ... Một khách hàng kiện mua bếp điện từ được khuyến mãi thêm sáu món hàng, té ra đó là ba cái nồi với ba cái nắp cộng lại thành sáu món chứ không phải sáu món hàng riêng rẽ. Hàng tiêu dùng, điện tử, trang trí... giảm giá khuyến mãi chứ lương thực thực phẩm nhờ chính sách “bình ổn” kềm lại, không biết lúc nào vọt lên
Năm nay, Việt kiều về có phần ít hơn. Một số Việt kiều thất nghiệp ở ngoại quốc đã quay về VN tìm việc. Chuyện này không dễ vì những nghề chuyên môn sâu đương nhiên khó tìm chỗ, chuyên môn bình thường lại khó đương đầu với giới trẻ khắp nước cũng đang đổ xô về thành phố lùng sục cơ hội.
Thành thử tình hình chung, mọi người bảo nhau ăn Tết tiết kiệm. Ông thợ sửa xe đầu đường Nguyễn Trãi nói:
“Con trai tôi làm vệ sĩ cho công ty bảo vệ đang lo không biết bị nghỉ việc lúc nào. Tính toán sít sao cái gì cần thiết lắm mới sắm. Ðại gia họ mua xe hơi tặng thêm laptop... Còn đại đa số dân chúng đừng có ham mua đồ khuyến mãi, cứ mua thùng nước ngọt tặng xấp bao lì xì, mua hai cái áo khuyến mãi cái quần, mua điện thoại di động tặng cái USB... là thủng sạch túi đấy. Suy thoái kinh tế toàn cầu mà. Chẳng biết năm mới có gì thay đổi không.”
Một cái Tết sẽ mau chóng trôi qua cho một năm mới hy vọng phấp phỏng...
No comments:
Post a Comment