Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, January 20, 2011

Vatican có biết hiện tình Giáo hội Công giáo Việt Nam?


Theo đúng đường lối Đức Giê su Kito đã dạy, Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Khi chúng ta vững vàng bước đi dưới ánh sáng sự thật, bằng niềm tin yêu không bờ bến với Giáo hội Công giáo Việt Nam tông truyền, Thánh thiện, công giáo, hiệp nhất và yêu thương, trang bị cho mình niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa, chúng ta không sợ gì mọi trở ngại.
Những tiếng kêu cầu của cộng đồng dân Chúa cho GHCGVN qua những lời cầu nguyện sẽ không bao giờ uổng phí và vô ích.
Bởi Vatican thì xa và thông tin đến đó có thể bị bóp méo, nhưng Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta và thấu hiểu nỗi lòng con cái của Ngài.
Tòa Thánh và những thông tin về GHCG Việt Nam
Nhiều người nói rằng Tòa Thánh ở xa xôi nên không biết hiện tình Giáo hội Công giáo Việt Nam vì những thông tin đến Tòa Thánh đều do HĐGMVN mà trong đó “dàn đồng ca” đang cầm trịch báo cáo. Cũng có người cho rằng GHCGVN là một giáo hội nhỏ nên Tòa Thánh không đủ sức để phủ sóng sự quan tâm đến v.v…
Có thể những lập luận trên là đúng vì sao bao năm, những thông tin đến Tòa Thánh đã không phản ảnh được sự thật về một GHCGVN thiếu tinh thần hiệp thông, thánh thiện và tông truyền. Nhất là Tòa Thánh đã không nhìn thấy hậu quả sâu xa và nặng nề của việc thỏa thuận với nhà nước CSVN khi bổ nhiệm các Giám mục cho GHCGVN thời gian qua và việc quốc doanh hóa giáo hội công giáo là điều không xa.
Khi ĐHY Bertone gửi lá thư cho Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt vào đầu năm 2008, nhiều giáo dân, giáo sỹ đã biết rằng Tòa Thánh không biết được tình hình GHCGVN.
Qua “Sự kiện Ngô Quang Kiệt” người ta thấy rõ ràng rằng Tòa Thánh đã hoàn toàn thiếu thông tin về những sự thật “thực” – Theo cách nói của ĐHY Phạm Minh Mẫn – về tình hình GHCGVN và đã ra một quyết định sai lầm là đưa Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội dù với một lý do rất thiếu thực tế “sức khỏe” và “tự nguyện”.Việc đưa Đức Cha Phê rô Nguyễn Văn Nhơn – một Giám mục đã 72 tuổi tại thời điểm bổ nhiệm – ra Hà Nội thay thế một TGM mới 58 tuổi đã là một quyết định sẽ đi vào lịch sử GHCGVN như một sự quan liêu và sai lầm của Tòa Thánh Vatican. Quyết định này tương tự việc công nhận Lý Sơn, Phó Chủ tịch Công giáo Yêu nước Bắc Kinh làm Giám mục hợp thức – một sai lầm Vatican khó khắc phục hậu quả.
Cũng trong quá trình đó, việc HĐGMVN đứng đầu là TGM Nguyễn Văn Nhơn tái đắc cử chức vụ Chủ tịch HĐGMVN bỏ qua ý nguyện tín hữu, sự sám hối cá nhân để nhìn nhận trách nhiệm của mình. Ngài đã không hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo giáo hội Công giáo Việt Nam thời gian qua để GHVN đi vào một giai đoạn khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử Giáo hội với 500 năm đón nhận Tin Mừng.
Những biểu hiện khá rõ ràng của hiện tượng lạc giáo, thỏa hiệp với vô thần khá rõ nét như đặt tượng Hồ Chí Minh trong lễ rước Đức Mẹ bằng cờ đỏ sao vàng, cấm cờ Giáo hội, bài ca cộng sản Cùng nhau đi Hồng binh được đưa vào nhà thờ, linh mục có con cái vẫn điềm nhiên quản xứ mấy chục năm không thể xử lý tạo thành một gương xấu trong giáo hội Công giáo. Các linh mục tham gia cái gọi là Ủy ban đoàn kết Công giáo – một tổ chức kiểu giáo hội quốc doanh Trung Quốc – vẫn cứ nhởn nhơ, thậm chí mới đây linh mục Chủ tịch cái gọi là Ủy ban này đến Đại hội Đảng CS để chào mừng Đại hội…
Sự thỏa hiệp với CS vô thần ngày càng lộ rõ ở nhiều nơi, nhiều đấng bậc, nhiều cấp độ trong Giáo hội Công giáo Việt Nam… Giáo hội dần đi xa Sứ vụ phục vụ người nghèo và những công dân đau khổ, bị chèn ép, bị đàn áp dưới chế độ cộng sản vô thần để đổi lấy sự yên thân. Một số giáo sỹ ngày càng sống thiếu sự tu đức cần có, lối sống thực dụng duy vật chất đã dần dần ngấm sâu vào mọi lĩnh vực xã hội và cả tôn giáo.
Vì vậy, nếu nhìn từ bên ngoài, từ những hoạt động và thái độ im lặng là vàng của HĐGMVN cũng như những vấn đề của GHCGVN nổi cộm không được giải quyết và tiếng kêu của Giáo dân Việt Nam đã vang lên nhưng hầu như không tác dụng bằng những quyết định nhanh chóng của Tòa Thánh Vatican đối với Việt Nam, thì những nhận xét trên có vẻ như có cơ sở.
Những thay đổi cách nhìn qua hành động
Nhưng, nếu nhìn sâu hơn những động tác gần đây của Vatican đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, người ta thấy rõ, dù có “chậm như Roma” thì cách nhìn, cách nghĩ và những vấn đề đối với GHCGVN thời gian qua của Vatican đã có những thay đổi lớn.
Những sự thay đổi đó từ đâu, thể hiện như thế nào?
Như mọi người đều rõ, trước “Sự kiện Ngô Quang Kiệt” hầu như các thông tin đến Vatican được cung cấp bởi một đường dây khá chặt chẽ và kín kẽ từ một số Giám mục tại Việt Nam thông qua Đức ông Cao Minh Dung. Vatican đã coi như đó là những thông tin chính thức về tình hình Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tiếc thay, Đức ông Cao Minh Dung lại luôn “giao thiệp” với Đại sứ quán Việt Nam tại Italia và đó cũng là nguồn cung cấp thông tin mà với cộng sản thì cách tuyên truyền mọi người chẳng lạ gì.
Chính vì vậy, khi Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt trong lần đến Roma “chữa bệnh”, sau khi gặp Đức ông Cao Minh Dung và được thông báo việc  từ chức để Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thay thế, quá bất ngờ vì trong danh sách đề cử Giám mục phó, hoàn toàn không có Giám mục Nguyễn Văn Nhơn. Ngài đề nghị được gặp Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thì Đức ông Cao Minh Dung đã nói thẳng: “Để trình bày về vụ Đồng Chiêm chứ gì? Không cần đâu, đây có đủ hồ sơ rồi”.
Chính thái độ đó tại Vatican đã là cú nốc-ao cuối cùng hạ gục người hùng Ngô Quang Kiệt, một con người vững vàng, sắt đá và khảng khái trước bạo quyền, trước súng đạn vô thần, nhưng yếu đuối bởi đã ngấm sự cô đơn quá rõ ràng từ chính những đồng đội của mình.
Điều không thể ngờ là phản ứng dữ dội của giáo dân TGP Hà Nội dữ dội, bền bỉ, dai dẳng như thời gian qua cũng như những biểu hiện rõ nét về sự phân hóa, sự chia rẽ trong lòng GHVN làm lung lay niềm tin của tín hữu.
Đó là cái giá phải trả cho việc bất chấp lòng dân và cũng là một minh chứng cho sự sai lầm của một quyết định quan liêu từ Vatican.
Sự kiện 15.000 chữ ký do Nữ Vương Công Lý phát động trong điều kiện khó khăn nhưng chỉ 8 ngày sau đã đạt được con số kỷ lục gửi đến bàn làm việc của Đức Thánh Cha đã là một hồi chuông cảnh báo về tình hình GHCGVN. Đó cũng là câu trả lời về tính thực tế của quyết định từ Tòa Thánh đưa Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội và nói lên nỗi lòng của giáo dân, nhân dân khắp nơi với một biểu tượng của Lòng Dân – Công Lý – Sự thật.
Rồi những thông tin sau đó từ Việt Nam vang đến Tòa Thánh đã tạo nên sự chú ý dù là bất đắc dĩ.
Đặc biệt, sau những sự kiện nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đáp trả những “thiện chí đối thoại” của Tòa Thánh bằng những hành động thù nghịch và ly khai, đưa GHCG Trung Quốc vào quỹ đạo của đảng CS đã buộc Tòa Thánh Vatican nhìn nhận lại những quyết định của mình về đường lối “Đối thoại” với những chính thể cộng sản.
Với nhà cầm quyền và Giáo hội Việt Nam thì sao?
Sau khi đã đưa được Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội, lời hứa của quan chức cộng sản là sẵn sàng đón tiếp Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam, thậm chí nếu cần ĐTC có thể đi cả ba Giáo tỉnh để bớt con số giáo dân tập trung vất vả và tại Hà Nội. Nhà nước sẵn sàng cho mượn sân vận động Quốc gia Mỹ Đình cho việc đón tiếp… đã nhanh chóng bay đi theo gió.
Trước đó trong cuộc gặp gỡ tại Vatican, theo những nguồn tin nhận được, nhà cầm quyền Việt Nam còn ngang ngược đòi can thiệp vào những công việc thuần túy thuộc quyền hạn của Vatican.
Đó là những bài học mà Vatican đã học được từ chính thực tiễn Việt Nam buộc phải có những kinh nghiệm mới trong quan hệ với một nhà cầm quyền vô thần cộng sản.
Chính vì thế, sau những sự kiện xảy ra tại Việt Nam, những quyết định liên quan đến Việt Nam của Vatican đã có những thay đổi rõ ràng.
Trước hết, đó là việc không chấp nhận nhượng bộ những đòi hỏi vô lý của nhà cầm quyền CSVN trong cuộc làm việc tại Vatican, điều mà trước đây Hà Nội đã tưởng dễ dàng và “thấy bở thì đào mãi”.
Sau đó, dù hai bên đã thống nhất được việc Vatican sẽ bổ nhiệm một đại diện không thường trú tại Việt Nam, thì việc bổ nhiệm đó vẫn phải trì hoãn hơn một năm sau mới được thực hiện. Điều đặc biệt là Vatican đã bổ nhiệm Đức TGM Leopoldo Girelli chứ không phải là Đức ông Cao Minh Dung như dự định sắp đặt trước đó mà nhà cầm quyền Cộng sản rất sẵn sàng.
Có thể khẳng định sự phá sản của kế hoạch đó là một thất bại đau đớn của Hà Nội, vì trước đó, Đức ông Cao Minh Dung đã có kế hoạch tỉ mỉ và chu đáo cho “Sứ vụ” của mình tại chức vụ này. Chính Đức ông Cao Minh Dung đã tuyển người và một vị biết đến 4 ngoại ngữ là người được tuyển chọn làm phó giúp việc cho ngài trong vai Đại diện không thường trú tại Việt Nam. Nếu kế hoạch đó được thực hiện, thì đường dây quyền lực của Giáo hội Việt Nam sẽ vững bước “đồng hành” với nhà cầm quyền cộng sản trên con đường Phúc âm, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Những thay đổi với GHCG Việt Nam từ Tòa Thánh
Trong kỳ “Đại hội Dân Chúa” được tiến hành vào cuối tháng 11/2010 vừa qua tại Sài Gòn sự không có mặt của đại diện Tòa Thánh là một câu hỏi được đặt ra chưa có lời giải đáp, dù kế hoạch được đưa ra công bố trước đó khá lâu. Và tại “Đại hội” không một lời giải thích nào được đưa ra.
Phải chăng, đó cũng là một thông điệp về một “Đại hội” ồn ào nhất, nhưng ít ích lợi nhất và gây chia rẽ nhất?
Còn tại Đại hội La Vang Bế mạc Năm Thánh mới đây thì sao?
Tòa Thánh Vatican đã bổ nhiệm một đặc sứ tới Việt Nam tham dự Bế mạc Năm Thánh trong khi ĐHY Phạm Minh Mẫn lại không có mặt cũng vì “lý do sức khỏe”. Người ta còn nhớ, trong dịp được cử làm Đặc sứ Tòa Thánh dịp lễ tang ĐHY Phạm Đình Tụng, ĐHY Phạm Minh Mẫn đã dùng quyền đặc sứ này yêu cầu các Giám mục không đến Thái Hà để HĐGMVN “đối thoại” với nhà nước.
Tại đại lễ này, ngay trong chiều 5/1/2011, trong bài phát biểu tại buổi đón tiếp, có mặt cả Phó Thủ tướng chính phủ cộng sản Nguyễn Thiện Nhân, ĐHY nói: “Giáo hội không xin đặc ân gì riêng cho mình, nhưng cũng yêu cầu điều kiện tự do chính đáng để hoạt động theo sứ mệnh của mình”.
Qua lời phát biểu trên bằng ngôn ngữ ngoại giao với tư cách một Sứ thần Tòa Thánh trước sự hiện diện của nhà cầm quyền CSVN người ta hiểu ngài muốn nói điều gì. Điều gì đang xảy ra tại Việt Nam buộc ngài nói tiếp: “Tôi rất thích ý tưởng Giáo hội và Nhà Nước như bậc cha và mẹ của một gia đình. Khi họ sống thuận hòa, thì con cái của họ hạnh phúc hơn. Ước gì Thiên Chúa làm như thế giữa Giáo hội và Nhà Nước, ngay trên đất nước Việt Nam nầy”
Với những nhà nước bình thường là thế, cả ông bố và bà mẹ chăm lo cho hạnh phúc gia đình và con cái là lẽ thường. Nhưng ở Việt Nam, có một Nhà nước như bà mẹ tồi không lo lắng đến con cái trong gia đình, chỉ  rình cơ hội bóc lột, trấn áp, đánh đập con cái và luôn tìm cách phản bội đối và hãm hại với người bố là Giáo hội. Do vậy đó chỉ mãi mãi là mơ ước.
Trong bài giảng Thánh lễ Bế mạc Năm Thánh, ĐHY nói: “Đồng thời chúng ta cũng nắm bắt cơ hội đặc biệt mà Năm Thánh cống hiến, để tự vấn lương tâm – trong tư cách cộng đồng Giáo Hội cũng như trong tư cách cá nhân – chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và có thể thực hành khá hơn sứ mệnh chúng ta đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu Chúa chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20)”.
Điều này sẽ rất có ý nghĩa đối với HĐGMVN, việc “tự vấn lương tâm” là điều hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là với trách nhiệm của mình về những vấn nạn của GHVN thời gian qua.
Tại TGP Hà Nội, đặc sứ Tòa Thánh hiểu điều gì?
Tại TGP Hà Nội chuyến ghé thăm ngày 7/1/2011 sẽ có ý nghĩa đặc biệt hơn với ĐHY Ivan Dias. Cũng qua cách nói, cách hành xử của ĐHY tại đây, người ta biết Tòa Thánh mà cụ thể là ĐHY Ivan Dias đã hiểu được những gì đang xảy ra trong lòng Giáo hội Việt Nam, đặc biệt tại TGP Hà Nội.
Có lẽ cuộc đón tiếp và tiễn biệt Đặc sứ Tòa Thánh đến Hà Nội lần này là đặc biệt nhất, kể từ khi thành lập Giáo phận.
Nhà Thờ Lớn Hà Nội chưa bao giờ có một Thánh lễ đón một ĐHY Đặc sứ với lượng người ít ỏi như vậy dù Thánh lễ này đã được TGP thông báo từ trước đó khá lâu. Trong nhà thờ, chỉ có hai hàng ghế giữa là đủ người với 60 hàng ghế chứa được 420 người, trong đó số chủng sinh, linh mục và nữ tu đã chiếm hết 1/3. Phần còn lại bên nữ hầu như không có người, bên nam có khoảng 100 người ngồi ở các hàng ghế và đứng ở các lối đi.
Sau khi ĐHY Đặc sứ đã vào TGM Hà nội, cổng  chính và cổng thông sang Nhà thờ chính toà bị khoá chặt và canh gác nghiêm ngặt, không ai được qua lại. Gần tới giờ lễ, các thầy ĐCV, các cha, các ĐC tự mặc đồ lễ, và tự đi ra nhà thờ chứ không có nghi thức rước đoàn đồng tế, khoảng 15-20 phút sau ĐHY Đặc sứ, Đức ông Nguyễn Văn Phương, ĐC Nguyễn Văn Nhơn mới ra nhà thờ.
Trước khi Thánh lễ bắt đầu các loa trong nhà thờ vang lên lời cấm mọi người không được quay phim chụp ảnh vì TGM đã có người… Đây là một quy đinh rất lạ.
Điều đặc biệt nhất, là trong Thánh lễ, ĐHY Ivan Dias đã nhắc đến Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và cả nhà thờ vang dội những tràng vỗ tay dài không dứt đến hai lần. ĐHY Đặc sứ Tòa Thánh đã nhắc lại điều “xưa như trái đất” rằng là Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt “tự nguyện từ chức mà không có áp lực nào”? Câu nói này đặt ra cho nhiều người là ĐHY đã hiểu gì về những phản ứng của giáo dân Hà Nội và vì sao ngài lại phải nói lên câu nói rất “thừa” đó?
Thậm chí, để trấn an giáo dân Hà Nội trong thái độ với Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn nên khi Thánh lễ đã kết thúc, ĐHY Đặc sứ đã nói như sau: “Nếu anh chị em ủng hộ Đức Tổng Giám mục hiện nay, xin anh chị em vỗ tay. Nếu anh chị em ủng hộ Hội Đồng Giám mục Việt Nam, xin anh chị em vỗ tay”.
Và sau khi vỗ tay ngài nói: “Như vậy, ngày mai tôi về Roma tôi sẽ báo cáo lại với Đức Thánh Cha rằng anh chị em vâng phục Đức TGM và HĐGM của anh chị em”(?)
Nghe câu này, các giáo dân đến xem lễ đã nói: “ĐHY Đặc sứ đang quảng cáo và cò mồi cho ĐC Nhơn và đây cũng là cách để che bớt đi sai lầm của Tòa Thánh trong việc đưa ngài về Hà Nội”.
Nhưng, chỉ mấy phút sau, ĐHY đã thấm ngay sự vâng và phục đối với TGM Nguyễn Văn Nhơn như thế nào của giáo dân Hà Nội.
Thánh lễ kết thúc thì tất cả đèn phía ngoài bên lối về Tòa TGM tắt phụt. Các giám mục vào nhà mặc áo, thay đồ rồi đi từng người một ra về trong bóng tối mà không rước về Tòa TGM như thường lệ. Bên ngoài, một số giáo dân căng băng rôn bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh:“Chiên cần chủ chăn đích thực,  không cần kẻ chăn thuꔓĐức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt mới là chủ chăn đích thực”
Cũng cần nói về những giáo dân cầm băng rôn này. Gần đây một số người được sự hướng dẫn của ai đó đã luôn hung hăng tìm cách tấn công những giáo dân muốn cầm băng rôn tại nhà thờ Lớn Hà Nội. Trong các Thánh lễ, lực lượng công an, an ninh chìm nổi được tăng cường hết sức đông đảo cả trong và ngoài nhà thờ. Khi có ai đó tấn công những người cầm băng rôn, lập tức có người của Tòa GM gọi điện cho công an bắt tất cả về đồn nhốt lại. Có phải đây là một chiêu mới dùng công an để trị giáo dân của Tòa TGM Hà Nội chăng?
Trở lại buổi tối 7/1/2011, Khi Tòa TGM Hà Nội không thể đưa ĐHY ra chứng kiến màn trình diễn của giáo dân Hà Nội “vâng phục ĐC Nhơn” nên cứ để ngài thay áo tại phòng áo rồi ngồi đợi.
Bên ngoài, một động tác giả của Tòa TGM Hà Nội là dàn các chủng sinh như đang chuẩn bị đón ĐHY, một chiếc xe lăn đặt tại bậc cấp, một chiếc ô tô đánh vào tận cửa hậu… còn cửa chính nhà thờ và cửa vào sân bên cạnh thì đóng chặt.
Nhìn cảnh tượng này, một số giáo dân hỏi nhau trong đau đớn: “Tại sao lại phải diễn cái màn nhục nhã này”? Một người khác: “Thì con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng là vậy. Đến bao giờ TGP trở lại ngày xưa”.
Gần đây, theo một chương trình nào đó, Vatican cũng đã có kế hoạch đưa một Giám mục vốn có nhiều vấn đề tại Miền Bắc trở lại Miền Trung để “đánh bùn sang ao”. Việc này đã dự định công bố vào ngày 3/12/2010.
Ngay lập tức Nữ Vương Công Lý đã thông tin về sự việc này và nói rõ: Những vụ việc tại đây  NVCL đã gửi thông tin đến cá nhân vị đó nhiều lần không được trả lời nên đã gửi đến  HĐGMVN. Nếu HĐGMVN đã biết rõ mà không xử lý, để lại hậu quả lâu dài cho GHVN, thì Nữ Vương Công Lý sẽ bạch hóa thông tin về “Chân dung vị mục tử” này.
Khi đó HĐGMVN có phần trách nhiệm lớn về những hậu quả do việc không hoàn thành sứ vụ của mình gây ra. Bởi trong những điều kiện thời điểm hiện tại, việc công bố những thông đó là không có lợi ích cho Giáo hội Công giáo VN và HĐGMVN.
Nhiều người tưởng rằng nhân dịp ĐHY Đặc sứ sang Việt Nam, quyết định đó sẽ được công bố, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Tạm kết
Như vậy, qua những sự việc đã xảy ra thời gian qua liên quan đến Tòa Thánh và giáo hội Việt Nam, điều rất rõ ràng là những phản ứng của cộng đồng dân Chúa đã có tiếng vang mạnh mẽ. Những động thái gần đây từ Vatican đã cho thấy rõ ràng là không phải Vatican không biết được quyết định vừa qua đưa Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội là một sai lầm nghiêm trọng. Nhưng để sửa chữa sai lầm đó sẽ là một quá trình không dễ dàng và nhanh chóng.
Những cách hành động, cách nói, cách làm của Vatican đã có những thay đổi rõ nét và dễ nhìn thấy. Hi vọng rằng những lời nguyện cầu, niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng và sự yêu mến GHCGVN, những người con trung dũng của GHCGVN sẽ góp phần đưa GHCG đi đúng sứ vụ của mình, chống lại việc cộng sản hóa GHCGVN.
Dù Vatican xa xôi thì những tiếng kêu vang đau đớn của cộng đồng dân Chúa qua thời gian, sẽ vượt không gian đến những nơi cần đến để Giáo hội phải “bắt đầu từ Đức Kito” như lời ĐHY Đặc sứ đã nhắc nhở nhân dịp này.
Thật là Thiên Chúa vẫn quan phòng Giáo hội Việt Nam, những sự kiện đau đớn vừa qua, cũng chính là cơ hội để toàn thể cộng đồng dân Chúa, mọi thành phần Giáo hội nhận ra được sự thật và giả dối, trắng và đen để giáo hội có dịp thanh tẩy, sửa mình.
Theo đúng đường lối Đức Giê su Kito đã dạy, Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Khi chúng ta vững vàng bước đi dưới ánh sáng sự thật, bằng niềm tin yêu không bờ bến với Giáo hội Công giáo Việt Nam tông truyền, Thánh thiện, công giáo, hiệp nhất và yêu thương, trang bị cho mình niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa, chúng ta không sợ gì mọi trở ngại.
Những tiếng kêu cầu của cộng đồng dân Chúa cho GHCGVN qua những lời cầu nguyện sẽ không bao giờ uổng phí và vô ích.
Bởi Vatican thì xa và thông tin đến đó có thể bị bóp méo, nhưng Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta và thấu hiểu nỗi lòng con cái của Ngài.

No comments:

Post a Comment