Giá chính thức rẻ hơn giá chợ đen
PHNOM PENH - Dân Việt Nam hoảng hốt trước tình trạng lạm phát và đồng tiền mất giá trong suốt nhiều năm vừa qua, nay có sáng kiến kiếm lợi nhuận mới, bằng cách qua Cambodia rút tiền dollar theo giá chính thức từ máy ATM, rồi về nước bán lại theo giá chợ đen kiếm lời, theo tin của Financial Times hôm Thứ Sáu.
Nội vụ được phát giác sau khi một số ngân hàng Cambodia như ANZ Royal, có phần hùn với ANZ của Úc, nhận thấy bỗng nhiên có sự rút tiền dollar ồ ạt, đặc biệt từ những máy ATM ở gần biên giới giữa hai nước.
Ngân hàng này nhận thấy khách hàng người Việt sang Cambodia rút tiền mặt bằng dollar theo giá chính thức của đồng bạc Việt Nam, rồi đem bán lại ở thị trường chợ đen đổi lấy bạc Việt ở mức giá cao hơn, có thể lên đến 10%.
Stephen Higgins, tổng giám đốc ngân hàng ANZ Royal nói khách hàng của Techcombank rút khoảng $13 triệu từ các máy lấy tiền của ngân hàng ông, và ít nhất là $30 triệu từ bên phía Cambodia.
ANZ Royal và Acleda, một ngân hàng lớn khác của Cambodia sau đó liền chận không cho người dùng thẻ do Techcombank cấp được tiếp tục rút tiền dollar nữa.
Một nữ phát ngôn viên của Techcombank nói dù rằng hình thức rút tiền như vậy là hợp lệ, nhưng họ quyết định cho tăng lệ phí chuyển ngân ở hải ngoại “để ngừa nạn rút tiền mặt quá nhiều, dẫn đến sự hoạt động mạnh nơi thị trường chợ đen.”
Theo tường thuật của Phnom Penh Post, cách đây nhiều tuần nhân viên điều hành ANZ Royal Bank chú ý đến một khách hàng đặc biệt ở một máy ATM của họ tại Phnom Penh.
Với một người đàn ông đứng ngó chừng phía sau, một phụ nữ người Việt dùng thẻ do Techcombank cấp để rút $2,000, tức số tiền tối đa cho phép rút trong một ngày.
Sau đó bà này lại dùng một thẻ khác để rút thêm $2,000, và cứ thế bà lập lại động tác tương tự đến 11 lần.
Phụ nữ này là một trong số ngày càng nhiều người Việt qua Cambodia vét sạch tiền dollar trong các máy ATM. Lợi dụng lúc giá chính thức với chợ đen có một cách biệt lớn một cách bất thường, để kiếm lời hằng ngàn dollar.
Phó tổng giám đốc ngân hàng ACLEDA, So Phonnary cho biết họ rút khoảng $5 triệu từ các máy rút tiền thuộc ngân hàng mình.
Nói chung, khách hàng của Techcombank đã rút “ít nhất là $20 triệu” từ các máy ATM ở Cambodia trong vài tuần qua. Mưu đồ này hiện đang ăn lan qua Singapore lẫn Trung Quốc, theo lời ông Higgins: “Việc họ làm quả là thật hết sức thông minh.”
Ông Higgins tiếp: “Mới đầu một người nghĩ ra được cách kiếm tiền quá dễ này, truyền miệng lại cho vài người khác, mấy người này lại rỉ tai đến một số khác nữa, thế rồi đột nhiên chúng ta thấy từng chiếc xe buýt chở đầy nhóc người qua biên giới để thử thời vận.”
Ở Việt Nam giá hối đoái chính thức khoảng 19,500 đồng mỗi dollar, trong khi ở thị trường chợ đen có thể đổi được gần 21,000 đồng, một sự cách biệt khoảng 8%.
Theo ông Higgins, mặc dù chuyển ngân ở ATM bị thiệt bớt do ngân hàng trừ lệ phí, tuy nhiên vẫn cứ có lời nhiều. Ví dụ rút được $1 triệu có thể kiếm lời được khoảng $20,000 một cách dễ dàng.
Trong vụ này chỉ có khách hàng của Techcombank là có liên quan. Trong khi mọi ngân hàng ở Việt Nam tính lệ phí chuyển ngân quốc tế để san bằng sai biệt giữa giá chính thức với giá chợ đen, chỉ Techcombank là tính lệ phí thấp một cách bất ngờ.
Tổng giám đốc của một ngân hàng khác xin giấu tên nói, họ chú ý có sự gia tăng rút tiền ở máy ATM trong thời gian gần đây, đặc biệt gần biên giới với Việt Nam. Charles Vann, phó tổng quản trị Canadia Bank cho hay ông cũng chú ý thấy “cả đoàn người Việt” xếp hàng rút tiền trong những tuần gần đây. Ông này nói:
“Việc ấy chẳng có vấn đề gì với chúng tôi cả, miễn là trong đó không có sự giả mạo là được.”
Theo ông Vann, tuy các ngân hàng ở Cambodia không bị mất tiền trong các tiến trình rút tiền này, nhưng những người Việt đó gây phiền toái cho thân chủ thường nhật của ngân hàng vì họ cứ gặp mãi cảnh rút tiền mà máy nào cũng đã bị lấy cạn.
Ðể giảm bớt tình trạng này, theo ông Phonnary, ACLEDA phải nại đến sự can thiệp của công ty cấp thẻ tín dụng quốc tế Visa. Ông Phonnary nói:
“Chúng tôi gửi thông tin đến Visa để nhờ được giúp đỡ. Sau đó họ trả lời là không có sự gian lận nào trong này cả. Những người chủ thẻ ATM đều đúng người đúng thẻ và các thẻ đều không phải giả mạo.”
Mặc dù không thỏa mãn với câu trả lời của Visa, ACLEDA hôm Thứ Tư đi đến quyết định chận khách hàng của Techcombank không được sử dụng máy ATM của họ để rút tiền.
Ông Higgins nói ngân hàng ANZ có hội ý với Visa và nhận được kết luận rằng việc ngăn chận đồng loạt không cho khách hàng rút tiền là hành động vi phạm hợp đồng giữa công ty với công ty. Ngân hàng đành quay sang hạ số tiền rút tối đa mỗi ngày từ $2,000 xuống còn $500, đồng thời chỉ thị nhân viên an ninh để ý không cho phép một người được dùng nhiều thẻ để rút tiền.
Ông Higgins nói: “Chúng tôi dùng mọi biện pháp để ngăn ngừa khách hàng của Techcombank bớt sử dụng máy rút tiền của chúng tôi, hễ phát giác thấy ai dùng nhiều thẻ không mang đúng tên mình thì chúng tôi sẽ nhờ cảnh sát can thiệp.”
Hai người đàn ông bị bắt hôm Thứ Năm tại một máy ATM của ngân hàng ANZ ở quận Dangkor vì giữ nhiều thẻ tên người khác. Ông này nói thêm: “Theo tôi một người sử dụng đến 12 thẻ ATM được coi là rút tiền bất hợp lệ.”
Phóng viên báo Phnom Penh Post nhiều lần tìm cách liên lạc với các viên chức sứ quán Việt Nam ở Cambodia nhưng không có ai trả lời.
Khouy Kry, trưởng trạm kiểm soát biên giới quốc tế Bavet ở tỉnh Svay Rieng cho biết, du khách được phép mang theo tối đa $10,000 qua biên giới, và rằng việc sử dụng máy ATM thì “không thể nào kiểm soát được.”
Ngân hàng ANZ đếm được hơn 500 người dùng thẻ do Techcombank cấp, từng rút tiền trong thời gian vừa qua, mặc dù số người chính thức có vẻ thấp hơn.
Jayant Menon, chuyên viên tiền tệ của Asian Development Bank nói: “Khi chính sách hối đoái được dùng đến để thay thế cho chính sách tiền tệ với chủ định chế ngự mức lạm phát, sai biệt giữa giá chính thức với chợ đen sẽ lớn dần theo thời gian.”
Ông Higgins nói kẻ nào muốn lợi dụng hệ thống ATM của Cambodia thì nay coi như chấm dứt rồi. Techcombank đang làm việc với công ty Visa để áp đặt mức lệ phí mới đối với việc chuyển đổi ngoại tệ, bắt đầu áp dụng vào đầu tháng tới. (T.P.)
No comments:
Post a Comment