Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, January 30, 2011

VN -TQ sẽ họp hội nghị về biển Đông

BẮC KINH 29-1 (TH) - Việt Nam và Trung Quốc sẽ có những cuộc đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo ở biển Ðông năm nay, bản tin China Daily nói như vậy theo lời của Nguyễn Văn Thơ, đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh.

Theo nguồn tin trên, ông Thơ nói với ký giả là hai nước sẽ có những cuộc đàm phán trong năm nay mà không cho biết khi nào sẽ diễn ra.
“Tôi lạc quan về vấn đề này.” Ông Thơ được China Daily news dẫn lời. “Chừng nào hai nước làm theo các sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận, dựa theo nguyên tắc công bằng và cùng có lợi, và dựa vào tình hình chung, vấn đề có thể đạt được thỏa hiệp thỏa đáng.”
Dịp này, China Daily cho hay ông Thơ nói thêm rằng các cuộc đàm phán phải dựa trên các Công Ước của LHQ về Luật Biển và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và tình bạn.
China Daily viết “Tranh chấp biển Ðông gia tăng năm ngoái sau khu Hoa Kỳ tuyên bố ‘có lợi ích quốc gia’ trên biển tại Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực tổ chức ở Việt Nam mà nước này tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với một số đảo trên biển Ðông”.
Ðiều này trái với lập trường của Việt Nam từng được lập lại rất nhiều lần tuyên bố chủ quyền lãnh thổ “không thể tranh cãi” đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển liên quan, không phải chỉ với một số đảo như cơ quan tuyên truyền của Bắc Kinh bẻ quẹo để lừa dư luận.
Thông tấn xã chính thức của Hà Nội ngày 28 tháng 1, 2011 có bản tin “kỷ niệm 61 năm quan hệ Việt Nam và Trung Quốc” mà sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh tổ chức chiêu đãi “Trong không khí hai nước vui mừng chào đón Tết cổ truyền Tân Mão”.
TTXVN thuật lời đại sứ Nguyễn Văn Thơ phát biểu tại buổi tiệc rằng “Ðảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ quý báu và giúp đỡ to lớn mà đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay”.
Bản tin này lập lại các “phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt” cũng như tường thuật lời “Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Trương Chí Quân đánh giá mối tình hữu nghị truyền thống do các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước sáng lập và dày công vun đắp ngày càng đi vào lòng người”.
Cả bản tin dài của TTXVN không có nói gì đến phần tuyên bố với báo chí của ông đại sứ Nguyễn Văn Thơ.
Mặc dù vận động cả Hoa Kỳ và khối ASEAN hậu thuẫn cho chủ trương quốc tế hóa tranh chấp biển Ðông cũng như kêu gọi giải quyết tranh chấp theo các công ước quốc tế về luật biển, Hà Nội đã bí mật đàm phán song phương với Bắc Kinh 4 lần trong năm 2010.
Tại sao vẫn vận động quốc tế hóa tranh chấp để đỡ thế kẹt trong khi vẫn họp ngầm tay đôi chiều theo sự đòi hỏi của Bắc Kinh, không thấy Hà Nội giải thích bao giờ.
Trung tuần tháng 1, khi ASEAN họp cấp ngoại trưởng ở Lombok, Indonesia, ngày 22 tháng 1, 2011 vừa qua hãng tin Kyodo cho hay ngoại trưởng của Việt Nam, Malaysia và Phi Luật Tân (ba nước liên quan đến tranh chấp quần đảo Trường Sa với Trung Quốc) nêu ý quan ngại vì không đạt được sự đồng thuận về lập trường khi đàm phán với Trung Quốc. Ít nhất, Thái Lan, Miến Ðiện và Cam Bốt đã vì quyền lợi riêng mà có quan điểm khác biệt, không muốn làm phật lòng Trung Quốc.
Bởi vậy, một bản Quy Tắc Ứng Xử trên biển Ðông có tính ràng buộc pháp lý được treo lơ lửng từ năm 2002 đến nay sẽ không biết bao giờ sẽ thành hình. Trong khi đó thì Trung Quốc vẫn tiến hành các cuộc đàm phán bí mật tay đôi để tranh thủ ưu thế song song với các cuộc tập trận hải quân quy mô đe dọa.
Lời tuyên bố của ông Thơ ở Bắc Kinh ngày 28 tháng 1, 2011 với báo chí tuyên truyền bên đó có báo hiệu rằng hai bên sắp đi đến thỏa thuận nào đó trong năm nay như ông ngụ ý tin tưởng?
Ít nhất, người ta không tin trong các thỏa hiệp lại có chuyện Trung Quốc chịu lùi về tranh chấp quần đảo và vùng biển Hoàng Sa mà họ đã dùng võ lực xâm lăng đầu năm 1974.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Nguyễn Thái Học Foundation hôm 27 tháng 1 năm 2011, Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc cho rằng “Trung Hoa đã nói rõ (cho Việt Nam) là vấn đề quần đảo Hoàng Sa không nằm trong các cuộc bàn thảo đó”. (Tức các cuộc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc về biển Ðông.)
Vậy Việt Nam, năm nay, vẫn cứ họp song phương với Trung Quốc có cái gì hồ hởi lạc quan như lời ông đại sứ Nguyễn Văn Thơ tuyên bố ở Bắc Kinh?

No comments:

Post a Comment