Một năm đầy biến động
Những ngày đầu năm mới 2011 cũng là những ngày đáng nhớ của người công giáo tại Việt Nam bởi lễ bế mạc năm thánh được nhiều người trông đợi và cũng bởi đó là kết thúc của một năm đầy những biến động đối với người công giáo ở Việt Nam.
Cách đây khoảng hơn một năm, vào tháng 12 năm 2009, giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức lễ khai mạc năm thánh với hàng ngàn người tham dự. Thông điệp mà giáo hội đưa ra lúc đó là hòa giải và hy vọng giữa lúc những tranh chấp về đất đai, căng thẳng giữa giáo hội và chính quyền Việt Nam vẫn còn đang âm ỉ. Bài giảng khai mạc năm thánh của Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh do Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đọc có đoạn:
“Đã đến lúc người Việt Nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và quyền lợi. Phải khép lại quá khứ tị hiềm, ngờ vực để thế hệ mai sau không quy trách thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau chia xẻ một giấc mơ chung về đất nước, quê hương, dân tộc, xã hội để giới trẻ của chúng ta an lòng tin tưởng tương lai.”
Thông điệp hòa giải và hy vọng đưa ra chưa được bao lâu thì vào ngày 6 tháng 1 năm 2010, đã xảy ra tranh chấp giữa chính quyền và giáo dân thuộc thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà nội. Hàng trăm cảnh sát cơ động đã đến để triệt hạ cây thánh giá trên Núi chẻ tại xứ Đồng Chiêm. Những giáo dân phản đối hành động này từ phía chính quyền đã bị trấn áp và đánh đập. Nguyên nhân cũng từ việc tranh chấp đất đai giữa giáo dân và chính quyền. Giáo dân thì cho rằng thánh giá được dựng trên vùng đất hợp pháp của giáo xứ còn chính quyền thì cho rằng thánh giá được dựng trái phép. Hành động đập phá cây thánh giá từ phía chính quyền đã làm người công giáo đau lòng cho đến tận bây giờ. Anh Lê Quang Vinh, một giáo dân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Dĩ nhiên là người công giáo thì chúng tôi rất đau lòng, và đặc biệt là đau lòng đến chết đi được khi thấy thánh giá bị đập phá nhưng mà tiếc một cái là người ta vẫn không giải quyết chuyện đó cho xong. Cho đến giờ chuyện thánh giá bị đập phá là một nỗi nhức nhối lớn cho người công giáo Việt Nam.”
Cũng không lâu sau đó, khi sự việc Đồng Chiêm vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, thì vào tháng 5 năm 2010 lại bùng lên sự việc ở Cồn Dầu khi chính quyền thành phố Đà Nẵng ngăn cản đám tang của một giáo dân tại nghĩa trang của giáo xứ Cồn Dầu. Hàng chục người bị bắt tại chỗ, một giáo dân thiệt mạng trong vụ xô xát. Sau đó một số giáo dân đã được thả nhưng vẫn còn 6 người hiện vẫn bị cầm tù và bị tòa án địa phương tuyên án tù vì tội gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Nguyên nhân cũng lại do tranh chấp đất đai giữa giáo dân và chính quyền địa phương không được giải quyết ổn thỏa. Sự việc Cồn Dầu đến giờ cũng vẫn chưa được giải quyết. Hàng chục giáo dân Cồn Dầu đã phải bỏ nước đi lánh nạn. Thân nhân và gia đình họ tại địa phương ngày ngày vẫn lo lắng sợ bị chính quyền truy bức.
Đó chỉ là hai sự kiện được báo chí trong và ngoài nước nói đến nhiều nhất về quan hệ giữa giáo hội công giáo Việt nam và chính quyền trong suốt năm 2010. Ngoài ra còn hàng loạt các sự kiện khác mà chủ yếu cũng liên quan đến tranh chấp đất đai như vụ việc đất của dòng Chúa Cứu Thế tại Đà Lạt bị chính quyền địa phương chiếm dụng và quy hoạch làm Viện Sinh học Tây Nguyên, đi ngược lại mong muốn của giáo dân.
Linh mục PHan Văn Lợi thuôc giáo phận Bắc Ninh, hiện đang bị quản thúc tại Huế nói lên nhận xét của mình về mối quan hệ giữa giáo hội công giáo Việt Nam với chính quyền trong suốt năm 2010 như sau:
“Tôi thấy là trong năm qua giữa công giáo và chính phủ đã có nhiều sự cố rất đáng chú ý. Thứ nhất là vào ngày mùng 5 tháng giêng đúng 1 năm tức năm 2010 thì đã xảy ra sự cố Đồng Chiêm là nhà cầm quyền đã đánh gẫy cây thánh giá ở Đồng Chiêm. Rồi tại Cồn dầu, nơi đó đã gây ra cái chết của giáo dân và nhiều giáo dân bị ở tù. Vừa mới đây nhà nước tiếp tục lấy đất đai của các dòng tu ví dụ như lấy đất của dòng chúa cứu thế ở Đà lạt, dòng chúa Quan phòng tại Sóc Trăng. Cho nên trong năm qua mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội chẳng tốt đẹp chút gì, biểu hiện qua rất nhiều vụ đàn áp giáo dân, linh mục, tu sĩ. Thậm chí nhà nước tìm cách trục xuất đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi vị trí tổng giám mục giáo phận Hà Nội, bây giờ ngài đang phải về hưu trong một tu viện ở Ninh Bình. Tôi không hoàn toàn hài lòng vì giáo hội của chúng tôi vẫn không hoàn toàn tự do."
Anh Lê Quang Vinh thì nói người công giáo rất buồn về những sự việc đã xảy ra cho giáo hội công giáo Việt Nam trong suốt năm 2010, Anh cho biết:
“Dĩ nhiên cảm thấy buồn vì mình thấy các cha thế này thế kia, có vị gặp phải hoàn cảnh này hoàn cảnh kia thì người công giáo nào cũng thấy buồn chứ, không phải chỉ có tôi. Tôi nghĩ 8 triệu người công giáo thì tệ ra cũng 7 triệu 9 trăm ngàn người cảm thấy buồn rồi.”
Quốc tế chỉ trích
Ngay trước lễ bế mạc năm thánh tại thánh địa La Vang, Huế, chính quyền Việt Nam đã chịu sự chỉ trích của quốc tế, và đặc biệt là Hoa Kỳ khi ngăn cản chuyến đi của một nhân viên ngoại giao Mỹ đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý đang bị quản thúc tại gia ở Huế vào ngày 5 tháng 1 năm 2011. Nhân viên ngoại giao Mỹ này thậm chí còn bị công an địa phương hành hung khi cố gắng tiếp cận linh mục Nguyễn Văn Lý. Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ sau đó đã phải ra thông cáo phản đối hành động này của Việt Nam.
Ngày 25 tháng 1 năm 2011, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt nam trở lại danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tôn giáo vì cho rằng Việt nam vẫn tiếp tục đàn áp và bắt bớ những cá nhân và cộng đồng tôn giáo không được chính quyền công nhận.
Mặc cho những căng thẳng giữa chính quyền và người công giáo, vào ngày 6 tháng 1 năm 2011, lễ bế mạc năm thánh 2010 vẫn diễn ra khá suôn sẻ với sự có tham dự của hàng ngàn giáo dân, của Đức Hồng Y Ivan Dias, đặc sứ của tòa thánh Vatican, và thậm chí của đại diện chính quyền là Phó thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của chính quyền. Bài diễn văn có đoạn viết:
“Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân và khẳng định đó là một chính sách nhất quán nhằm đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các tín đồ các tôn giáo khác nhau.”
Ngay trong bài phát biểu của đức Hồng Y Ivan Dias, đặc sứ của Đức Giáo Hội, trong lễ bế mạc cũng có đoạn bày tỏ sự tin tưởng vào sự tôn trọng tự do tín ngưỡng ở Việt nam như sau:
“Tôi tin và hiểu rằng sẽ không thiếu dảm bảo tự do tôn giáo hoàn toàn, tạo điều kiện thuận tiện cho mọi tổ chức tôn giáo, cũng như cho mọi người tuyên xưng và thực hành niềm tin của mình cách công khai, dù họ thuộc bất cứ tín ngưỡng nào.”
Nhưng linh mục Phan Văn Lợi thì cho rằng lời phát biểu này của đức hồng y Ivan Dias chỉ là bày tỏ sự mong đợi chứ không phải là nhìn nhận một thực tế tại Việt Nam.
Nhưng có lẽ điều đáng chú nhất đối với người công giáo Việt Nam trong những ngày đầu năm 2011 là thông báo của Vatican bổ nhiệm đại diện không thường trú đầu tiên tại Việt Nam hôm 13 tháng 1 năm 2011. Và phía chính quyền Việt Nam cũng đã chấp nhận bổ nhiệm này từ phía tòa thánh.
Những biến động trong suốt năm 2010 và những sự kiện đáng ghi nhớ trong đầu năm 2011 đã mang đến cho người công giáo Việt Nam nhiều điều, vui cũng có mà lo lắng, trăn trở thì cũng rất nhiều. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, họ vẫn chỉ luôn mong muốn một điều mà chính Đức Hồng Y Ivan Dias đã nói trong bài diễn văn bế mạc năm thánh của mình. Đó là người công giáo Việt Nam không cần xin ân huệ mà chỉ cần xin được sống và giữ đạo tự do.
No comments:
Post a Comment