Như vậy bây giờ người dân trong nước đón Tết ra sao, Tết có còn là một sinh hoạt mang giá trị phong tục cổ truyền hay chỉ đơn thuần là những ngày nghỉ kéo dài?
Quỳnh Như có cuộc trò chuyện với nhà sử học, Giáo sư Lê Văn Lan về vấn đề này.
Ăn Tết, chơi Tết
Giáo sư Lê Văn Lan là một chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc tại Hà Nội, đồng thời ông cũng là một trong những người sáng lập Viện Sử học Việt Nam. Đề cập đến ngày Tết cổ truyền của người Việt, Giáo sư cho biết:“Để chỉ việc đón Tết, ở Việt Nam lâu nay đều dùng từ ngữ là ăn Tết, chơi Tết. Việt Nam có hai chữ ăn, chơi. Bây giờ người ta ăn Tết, chơi Tết cũng giống như ngày xưa. Nhưng việc lễ Tết cũng là một bộ phận của việc ăn Tết, chơi Tết, thì bây giờ chữ lễ đã bị quên đi rất nhiều, và người ta tập trung vào việc ăn. Đặc biệt là chuyện chơi, ví dụ trong những ngày này thì các tour du lịch đi chơi nước ngoài đều đã cháy hết rồi. Trong khi đó cái Tết cổ truyền là người ta tập trung về gặp gỡ, hội tụ gia đình. Còn bây giờ người ta bỏ gia đình, bỏ quê hương đi chơi. Thì đó là một cái khác của chuyện ăn, chơi ngày Tết mà quên mất chữ lễ Tết.”
Theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa này, hiện nay người ta đang quên dần các phong tục ngày Tết và không hiểu được hết các ý nghiã tinh thần của việc đón Tết. Giáo sư giải thích:
“Đặc biệt cái chữ lễ Tết ngày xưa nó làm cho ngày Tết trở nên linh thiêng. Thì bây giờ người ta gần như quên hết. Hỏi sự tích về ông Công, ông Táo thì chẳng mấy người bây giờ biết nữa. Thậm chí họ còn biết lệch đi, biết những biến tướng.
Ví dụ, cái gốc của ông Công, ông Táo thì vốn là tục thờ Thần Bếp, Thần Nhà trong các gia đình người Việt xưa, thì bây giờ thành ra là chuyện sắm sửa để cho ông Công, ông Táo – hai ông, một bà lên chầu Giời. Và trước đây người ta dùng con cá chép làm lễ để ông Công, ông Táo làm phương tiện đi chầu Giời, thì bây giờ người ta lại dùng con rùa tai đỏ thả nó xuống nứơc để làm lễ phóng sinh vào ngày đó. Ví dụ bây giờ người ta đem rùa tai đỏ thả xuống Hồ Gươm. Và như thế là làm hại môi trường và làm hại cho cả Cụ Rùa linh thiêng đang sống ở đấy.”
Sử gia Lê Văn Lan cũng đưa ra những ví dụ cụ thể để minh chứng cho điều ông vừa nói:
“Nếu hỏi về đêm Giao thừa. Thế nào là Giao thừa, thế nào là Trừ tịch. Cũng chẳng mấy ai biết nữa. Hỏi về việc vì sao phải bắc cây mía, mà phải là miá tím, ở hai bên bàn thờ để cho ông bà, tổ tiên dùng những nấc thang của các đốt miá, mà về ngự ở bàn thờ. Thì bây giờ cũng chẳng mấy ai biết vì sao lại làm như thế.”
Ông Nguyễn Hồng Phúc một nhà giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nói lên suy nghĩ về phong tục ăn Tết của người Việt xưa như sau:
“Cái Tết cổ truyền của Việt Nam ngày xưa thì thiên về những nghi thức, những tính cách gia đình đối với ông bà. Chẳng hạn như bắt đầu từ ngày 23 Tết mình tiễn ông Táo về Trời. Đến đêm Giao Thừa mình phải có mâm cúng ông bà, rước ông bà về đón Tết. Xong rồi sau Tết lại tiễn ông bà đi, chẳng hạn như vậy. Trong những ngày Tết, dù ở xa xôi đến đâu thì mọi người cũng đều về thăm gia đình của mình, xum họp trong đại gia đình lớn của mình, về thăm cha mẹ, xong rồi tất cả anh em quay quần với nhau bên mâm cơm.”
Quan niệm mới
Quan sát cách đón Tết hiện nay của bà con trong nước, Giáo sư Lê Văn Lan nhận định:“Theo hướng bây giờ đó là một cái biến tướng thiên về vật chất. Ví dụ lì-xì, là tiếng du nhập từ ngôn ngữ Quảng Đông vào miền Nam, bây giờ thì nó lan ra khắp nước.
Chẳng ai biết lì-xì là cái quái gì, nhưng vẫn dùng rất phổ biến. Và điều quan trọng là lì-xì bây giờ, từ trẻ con đến người lớn đều rất thích được lì-xì vào dịp Tết. Trong khi đó nguồn gốc lì-xì chính là tục mừng tuổi – người ta tặng cho nhau một chút ít tiền, có giá trị tượng trưng thôi, để mừng cho anh năm mới này được thêm một tuổi.
Con cháu thì mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Ông bà thì mừng tuổi cho trẻ nhỏ trong nhà, nhưng bây giờ thì nó biến thành những phong bì dầy cộp. Trẻ con thì hết sức háo hức, rất thích được lì-xì để nhận càng nhiều tiền càng tốt. Như vậy việc ăn, chơi, và lễ Tết ở Việt Nam năm nay và những năm gần đây đang biến hóa, biến tướng và thiên về văn hoá vật chất hưởng thụ, mà quên mất những ý nghiã thiêng liêng sâu xa, những giá trị tinh thần của ngày Tết gói lại trong chữ Lễ ngày xưa.”
Ông Hồng Phúc cũng đưa ra nhận xét về cách đón Xuân “cách tân” hiện nay. Ông này nói:
“Đặc biệt, từ xa xưa đêm Giao thừa thông thường ngoài đường rất vắng, bởi vì mọi người ở nhà – đêm Giao thừa không phải là đêm để đi chơi, mà là cái đêm để tập trung tất cả ai nấy đều về nhà mình. Nhưng bây giờ nó mang tính cách thực dụng hơn nhiều, và ngược lại những nghi thức rườm rà ngày xưa – những cây nêu thì bây giờ gần như chẳng nơi nào có nữa.
Thậm chí về đến vùng quê cũng không còn cây nêu nữa. Rồi những thức ăn cho ngày Tết thì có bánh chưng. Ngày xưa thường mỗi gia đình tự nấu nồi bánh chưng.
Vào những đêm trước ngày Tết ngồi canh nồi bánh chưng rất vui. Còn bây giờ thì người ta coi những việc đó là cực khổ. Không còn niềm vui nấu bánh chưng nữa. Thực tế là ra các cửa hàng có sẳn bánh chưng, mua về nhà ăn, và thậm chí chưa chắc thanh niên bây giờ họ thích ăn bánh chưng nữa.
Ngày xưa Tết người ta thường hay ăn mứt, bây giờ thì có những cái mới thuận tiện hơn. Còn trong chuyện tiếp khách thì nhiều khi có những loại bánh, chứ không phải những loại mứt cổ truyền như ngày xưa.”
Và vấn đề vật chất hiện đang được coi trọng hơn những giá trị tinh thần. Ông Phúc chia sẻ:
“Ngày xưa Mùng Một Tết đi ra đường rất vắng, vì mọi người đều về nhà, nhưng bây giờ ngày Mùng Một Tết nếu đến các chỗ vui chơi giải trí công cộng thì thấy rất đông đảo. Mấy ngày Tết trở thành những ngày nghỉ ngơi vui chơi, chứ không còn mang tính cách nghi thức như ngày xưa nữa. Dần dần, lớp trẻ mới lớn lên không còn chú trọng nhiều đến các giá trị ăn hoá cổ truyền ngày xưa nữa, và Tết chỉ còn mang tính cách của những ngày vui chơi. Chỉ có mỗi phong tục lì-xì thì hình như là vẫn còn hơi nhiều. Người ta không bỏ qua – đi đâu cũng có phong tục lì xì cho con cháu.”
Như vậy, làm thế nào để duy trì và gìn giữ những giá trị tôn vinh đang bị xao lãng. Nhà Sử học Lê Văn Lan băn khoăn trước hiện trạng này. Ông nói:
“Tôi thấy đây không chỉ là điều bất lực, mà là sự xao nhãng của những người cầm cân nẩy mực cho tình hình văn hóa của đất nước Việt Nam hiện nay. Chính họ cũng đang bị lôi cuốn theo trào lưu hưởng thụ vật chất của những ngày nghỉ, mà bây giờ được lồng vào cho dịp Tết. Chính họ cũng đã đua nhau đi du lịch, đi ăn chơi. Cho nên không trông mong gì vào họ trong việc giáo dục, dạy dỗ, chỉnh sửa lại các ý nghĩa, giá trị của ngày Tết cổ truyền mà bây giờ đang bị biến tướng.”
Quan niệm ăn Tết ngày một trôi theo với đời sống và phương tiện hiện đại, chính những thay đổi này góp phần thay đổi diện mạo những cái Tết cổ truyền và không ai dám đoan chắc rằng, bao lâu nữa thì những cái Tết năm xưa còn ở lại với những tấm lòng luôn trăn trở với những ngày Tết truyền thống Việt Nam.
No comments:
Post a Comment