Nạn nhân là những người nghèo
QUẢNG NAM - Trong những ngày giáp Tết, người dân nghèo đi bán vé số bắt đầu tăng, một phần do nạn thất nghiệp, một phần do hàng hóa tăng giá, và một phần nữa do nhu cầu gạo chợ nước sông thúc bách... Nhưng, những người đã nghèo đi bán vé số lại méo miệng kêu trời cho “kiếp nạn vé số lừa.”
Người bị lừa thường là dân nghèo, chân ướt chân ráo đi bán vé số.
Cô Sáu, 63 tuổi, nhà ở Hòa Khánh, Ðà Nẵng, bị quỵt hụi, mất trắng, vào Quảng Nam thuê một phòng trọ ở cùng ba đứa cháu để đi bán vé số. Mỗi ngày bốn bà cháu cô kiếm được chừng mỗi người 50 ngàn đồng. Trong những ngày gần Tết, cô bán đắt hơn chút đỉnh, kiếm được chừng 70 ngàn đồng.
Dành dụm được ba triệu đồng, cô nghĩ đến việc mang theo tiền để mua những tờ vé số trúng các giải nhỏ với giá có khấu trừ đại lý, nghĩa là khi mua một tấm vé trúng một triệu đồng chẳng hạn, thì cô trả người ta 970 ngàn đồng, có lãi 30 ngàn đồng trong tờ vé đó.
Sáng hôm qua, ra đường, chưa bán mở hàng, cô gặp hai người đàn ông ăn mặc lịch sự, gọi cô đến, nói là đổi vé số trúng. Nói xong, họ dắt cô đến quán cà phê gần trước công đồn công an để ngồi đếm tiền. Thấy họ lịch sự, hơn nữa dắt cô đến gần đồn công an, cô tin tưởng và đổi tấm vé trúng với giá hai triệu bốn trăm ngàn đồng cho vé trúng giải 2.5 triệu đồng. Hai người đàn ông đưa thêm đến 5 vé trúng thưởng, nhưng cô không đủ tiền. Nghĩ một lúc, họ bảo thôi đổi vé trúng lấy vé chưa xổ và cho cô 50 ngàn đồng. Cô đồng ý.
Ðổi xong, hai người đàn ông lên xe và nói vói lại: “Hôm nay cô may mắn lắm đó nghe, chúc mừng cô!” Cô Sáu vui vẻ mang tờ vé trúng lại chi nhánh công ty xổ số kiến thiết. Người của công ty kiểm tra vé lần cuối thì ra vé giả, vậy là cô Sáu mất tiền đền nguyên một xấp vé số. Nhưng cũng may vì nếu đổi tiền thì cô mất nhiều hơn một chút và phải đi vay nặng lãi để mua, thêm lâm nợ. “Hèn gì tụi nó bảo là tui may mắn!” Cô Sáu chép miệng than thở.
Hùng, năm nay 15 tuổi, quê ở Ðiện Phong, Ðiện Bàn, Quảng Nam, mồ côi mẹ lúc ba tuổi, không biết cha là ai, sống với bà ngoại già bị bệnh tim. Em vừa đi học vừa đi bán vé số, vừa làm ruộng nuôi bà. Bán vé được 5 năm nay, dành dụm được hơn hai triệu đồng (tương đương $100). Em nghĩ tới chuyện làm “nở” số tiền ấy bằng cách đổi số trúng.
Cũng chiều hôm qua, em gặp hai người đàn ông đến hỏi đổi vé, em mua một vé với giá 1 triệu một trăm bảy mươi ngàn đồng (giải tưởng một triệu hai trăm năm mươi ngàn đồng) và đổi một tấm vé khác bằng bốn trăm tấm vé số chưa xổ.
Chưa kịp hết mừng vì vừa bán hết vé số, có lãi, vừa lãi được 80 ngàn đồng trong tấm vé mua, vị chi ngày hôm đó em lãi được hơn hai trăm ngàn đồng. Nhưng khi kiểm tra vé lần cuối trước khi nhập công ty thì nhân viên công ty cho em biết đó là hai vé giả, em ngất xỉu. Mọi người thấy tội nghiệp, đã góp mỗi người vài chục ngàn tặng em. Em từ chối không nhận. Em thề sẽ làm lại từ đầu và tìm cho ra kẻ lừa mình để... báo công an.
Nhìn thấy em ốm yếu, đen đúa và xanh lét vì khủng hoảng, mọi người chỉ biết lắc đầu thương xót em.
Và còn rất nhiều người khác bị lừa vé trúng đủ loại hình: vé bóc, vé cào, vé lô tô, vé sê-ri năm số...
Các kiểu lừa vé số
Trường hợp bị lừa của cô Sáu và em Hùng là người ta dùng vé đã xổ của sê-ri năm số. Kẻ gian lấy những tấm vé này, “đục” bỏ ba, bốn số cuối và dán vào những con số trúng thưởng của giải từ 1.2 triệu đồng lên đến 5 triệu đồng.
Thường thì mức thưởng như vậy những người bán vé số có thể mua lại được hoặc đổi lấy bằng vé số. Và trong lúc trao đổi người ta dễ chủ quan hơn.
Cô Sáu hú hồn sau cú lừa vé số. (Hình: Liêu Thái/Người Việt) |
Hơn nữa, với mức tiền đó, nếu bị phát giác, bị bắt thì mức hình phạt cũng thấp, không đến nỗi ngồi tù.
Trường hợp vé cào, đây là loại vé dễ bị lừa nhất, có rất nhiều người bán vé số bị dở khóc dở cười vì loại vé này.
Vé cào làm bằng chất liệu giấy phủ một lớp polymer, cứng, ít thấm nước và dày hơn hẳn các loại vé khác nên kẻ gian không cần phải dùng đến clo, axit loãng hoặc nước đái mèo để “đục” (tẩy, nói theo dân chơi số đề, số lô tô), mà chỉ cần dùng lưỡi lam cào rất nhẹ những con số và in lên đó những con số trúng thưởng, lãnh tiền...
Có thể nói vé cào là loại vé rất dễ kiểm tra kẻ gian nhưng nghiệt nỗi chính những qui định của công ty xổ số kiến thiết đã tạo điều kiện cho kẻ gian qua mặt người bán vé số.
Còn một loại vé nữa là vé bóc, vé bóc thì khó bị lừa hơn, vì trong lúc bóc, người bán thường ngồi quan sát. Tuy vậy, vẫn có nhiều người bị lừa 300, 400 ngàn đồng là bình thường. Ở đây, kẻ gian chơi chiêu “thế vé,” họ thủ sẵn những tấm vé bóc cùng mã số của ngày hôm đó đã được “đục” và thay số, xong, lại vào quán cà phê bóc một loạt vé, vẫn dò bình thường và thả vé đã bóc thành một đống vài chục tờ. Ðợi lúc người bán vé lơ là, kẻ gian sẽ bỏ tấm vé “trúng” vào đó và nhận thưởng.
Ðương nhiên là kẻ gian cũng lấy luôn một tấm vé đã bóc khác giấu đi. Nếu người bán vé số có phát hiện ra đó là vé giả thì kẻ gian sẽ nổi cơn sừng sộ, quát mắng người bán vé số. Thậm chí đòi đưa người bán vé số đến công an vì “tội bán vé giả.”
Ðã có nhiều người bị mất tiền mà khóc tức tưởi vì chuyện này.
Ngoài Quảng Nam, các tỉnh Quảng Trị, Quảng Binh, Thừa Thiên, Huế, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa và Ðà Nẵng có rất nhiều người trở thành nạn nhân của bọn lừa vé số.
Quảng Bình có 11 trường hợp người bán vé số bị lừa, tổng số tiền lừa lên đến hơn ba chục triệu đồng.
Quảng Trị có 16 trường hợp bị lừa nhưng số tiền thấp hơn, 23 triệu đồng.
Quảng Ngãi có 5 người bị lừa mất vé và mất tiền, số thiệt hại chừng 10 tiệu đồng.
Bình Ðịnh, 3 người bị lừa, nhưng theo thông tin của những người bán vé số thì con số không phải chừng ấy mà nhiều hơn nhiều.
Quảng Nam có 6 người bị lừa, số tiền lên đến 20 triệu đồng.
Phú Yên, Khánh Hòa và Ðà Nẵng thì hầu như chưa nghe chuyện lừa đảo vé số này.
Nhưng người bán vé số ở ba tỉnh, thành này chưa chắc đã được bình yên!
Những trường hợp lừa đảo vé số trúng diễn ra cũng hơn một tháng nay, nhưng hầu như vẫn chưa có kẻ gian nào bị bắt, mặc dù công an chìm ở Việt Nam có số lượng không ít một chút nào. Ðiều này do đâu? Do kẻ gian quá tinh vi, quỉ quyệt? Do công an không đủ khả năng theo dõi, điều tra? Hay do thiếu trách nhiệm?
Mà hầu như nghề bán vé số là lựa chọn cuối cùng của những người lao động phổ thông, vì quá nghèo, vì ít chữ, vì lo cho con cái ăn học... Họ phải đi bán vé số. Và khi bị lừa thì họ lãnh đủ!
No comments:
Post a Comment