Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, January 30, 2011

Người Việt tại Houston sửa soạn đón Tết

Trong cái lạnh bất thường của mùa Đông nước Mỹ năm nay, Houston mưa nhiều hơn nắng.
Hình chụp từ youtube trên trang mạng Hào Khí Diên Hồng
Trung tâm Việt Mỹ tại Houston làm bánh chưng mừng năm mới Canh Dần 2010. (Hình có tính minh họa).
Thời tiết khác thường cộng thêm những mâu thuẫn đang xảy ra trong cộng đồng người Việt tha hương tại đây làm không khí Tết như có vị cay của mứt Gừng, có vị chua của mứt Quất. Dù vậy hầu như mọi người vẫn đang sửa soạn đón Xuân Tân Mão.

Gói bánh

Tại Trung Tâm Việt Mỹ vùng Tây Bắc Houston, trong khi một số vị cao niên đang tập dợt những bản nhạc Xuân thì các vị khác đang gói bánh chưng, bánh tét. Công việc gói bánh chưng tại đây chia ra từng khâu, như rửa và lau lá, gói bánh, rồi cột dây ... Chị Việt đang lau lá cho biết vì không biết gói bánh nên chị chỉ lo việc rửa và lau lá:
"Tôi lau lá làm bánh chưng, gói là do mấy bác bàn bên kia gói, người ta rành, người ta gói được còn tôi thì không rành nên không dám gói. Thời nhỏ tôi sống dưới quê thì ba mẹ tôi gần Tết thì gói bánh ít với bánh tét."
Còn cô Ngọc thì chia sẻ là phụ giúp các bác lớn tuổi gói bánh chưng làm cô nhớ lại những ngày Tết ở quê nhà:
"Rất vui vì hương vị Tết trở lại với mình. Nhớ những kỷ niệm như cúng Giao Thừa, rồi ngày mùng một Tết, con cái mừng tuổi cha mẹ rồi được lì xì."
Bàn bên cạnh các bác lớn tuổi đang gói bánh giải thích cách gói:
"Tôi gói bánh chưng, một lớp gạo nếp, lớp đậu, rồi thịt, rồi đậu, rồi gạo nếp..."
Và khâu cuối của việc gói bánh là phần cột giây, bà Hương chia sẻ là bà đã làm việc này từ mấy năm nay tại trung tâm này:
"Tôi không biết gói nhưng mà chuyên môn cột bánh chưng. Người gói người cột thì mau."
Bà Ngọc Hương thì nói bánh Tét không có khuôn nên khó gói hơn bánh chưng và theo bà bánh ở đây rất ngon nhưng hơi tiếc là không có lá dong:"Người miền Nam thì gói bánh tét nhiều hơn bánh chưng. Bánh tét hơi khó gói, bánh chưng thì có khuôn nhưng bánh tét thì phải người nào biết gói mới gói được. Bánh ở đây ngon hơn vì vật liệu đầy đủ hơn chỉ tiếc là không có lá dong, Cái cảnh ở đây rất là vui, có tính cách dân tộc, nghĩa là còn nhớ lại hình ảnh ngày xưa ở Việt Nam mình."

Giám đốc của trung tâm Việt Mỹ là ông Thúy, cho biết là những năm trước còn có cuộc thi gói bánh chưng cho giới trẻ, nhưng năm nay vì gói bánh vào ngày thường nên các em bận đi học, không tham gia được:
"Năm nào cũng phải làm vì đó là tập tục của mình. Lúc đầu chỉ có một, hai người biết gói thôi, sau đó thì họ chỉ cho nhau. Thấy cũng hay cũng vui. Mấy năm trước thì trung tâm còn tổ chức thi gói bánh chưng có thưởng cho các em nữa, nhưng năm nay mình gói bánh vào ngày thường nên các em bận đi học."

Dựng Nêu

Trong khi đó, ở phòng bên cạnh ông Phan Bang đang sửa soạn cây Nêu cho kịp ngày 23 tháng chạp để dựng lên:
"Cây nêu đầu tiên mình phải kiếm một cây tre thẳng cao chừng 20 mét. Mình chỉ chừa lá trên đọt thôi còn phần dưới thì phải lóc hết lá. Thời đại bây giờ tiến bộ hơn nên mình hơi chế biến một chút cho đẹp. Hồi xưa trên cây nêu người ta treo cái giỏ "mồm bò", trong đó họ để trầu cau đã têm rồi, một quả trứng luộc, một miếng thịt. Mục đích như là bữa tiệc để mời thần linh về chứng kiến. Ở đây mình dùng màu ngũ sắc cho đẹp, ngày xưa họ dùng chỉ ngũ sắc, nhưng chỉ thì nhỏ quá nên tôi phải dùng vải để thế ..."

Đi Hội Chợ Tết


tetcali1-250.jpg
Biểu diễn tại Hội chợ Xuân hàng năm tại Cali. Photo courtesy nuocviet.info.
Tại vùng Tây Nam Houston, nơi có rất đông người Việt cư ngụ không khí Tết cũng không kém phần nhộn nhịp. Nhiều nơi tổ chức Hội Chợ Tết để đồng hương đón Xuân với ca nhạc, múa lân, chợ Hoa, trò chơi ... Ông Vinh đang đưa gia đình đi Hội Chợ Tết do Tịnh xá Ngọc Nhẫn tổ chức cho biết lý do ông tham dự:

"Đem con cháu đi chợ Tết cho mấy đứa nhỏ biết không khí Tết của Việt Nam, chứ bên Mỹ này tụi nó không biết cái không khí đó thì cũng tội cho tụi nó. Văn hóa của mình thì mình phải giữ..."
Con gái của ông mới 6 tuổi cho biết là thích coi múa lân còn cháu của ông 8 tuổi thì thích chơi games.

Sửa soạn mâm cỗ

Trong khi đó tại Liễu Gia Trang, cũng trong vùng Tây Nam của thành phố, nơi bán thịt gia súc gia cầm theo sự chọn lựa của khách hàng, thì người ra vào tấp nập. Ông Thư, quản lý Liễu Gia Trang cho biết gà bán ở đây là "gà đi bộ":
"Gà đi bộ là gà nuôi thả dưới đất. Cũng nuôi trong những nhà lớn, nhưng không nuôi trong chuồng cao, tức là nó đi đi lại lại nhiều và cách nuôi là khoảng 5 tháng trời mới thành ra 1 con gà đi bộ nên thịt nó dai và ngọt."
Và thú vật bán tại đây được Sở Y Tế kiểm soát rất chặt chẽ:
"Mỗi con gà trước khi mang về đây đều được kiểm tra. Sở Y Tế đến kiểm soát rất gắt gao. Thú vật bán ở đây phải đúng theo tiêu chuẩn vệ sinh, không bệnh hoạn..."
Bác Nghi đang mua gà về ăn Tết, tâm sự là dù sống ở hải ngoại nhưng không thể quên tục lệ Tết của Việt Nam:
"Tôi mua con gà mái tơ và trứng, gà ở đây ngon hơn chợ vì họ mới làm. Ở đây có không khí Việt Nam, thì mỗi một năm truyền thống ăn Tết Việt Nam không có bỏ được, con cái về tập họp với cha mẹ, nói chuyện vui vẻ trong gia đình. Mỗi năm có một lần, mình không thể bỏ tục lệ Việt Nam được ..."
Còn ông Thu, đến từ Galveston thì nói mua gà ở Liễu Gia Trang để cúng Tết:
"Cuối năm đi chợ Mỹ thì không cảm nhận có không khí Tết. Tôi vẫn thích đến đây mua hơn. Mình đến đây thì mua được tất cả những gì mà mình muốn mua như hồi còn ở Việt Nam.
Thịt bán ở đây ngon hơn ngoài chợ, mình đem về ăn thì cảm thấy như đang ở Việt Nam. Nói chung thì Tết chỉ đặc biệt có gà vì còn nguyên đầu, mình luộc lên mình cúng được, còn ở chợ Mỹ thì không có."

mamcotet250.jpg
Mâm cỗ ngày Tết. Photo courtesy of hisa.vn.
Để nhớ lại không khí quê nhà ngày xưa, lúc mà trong làng xã chung nhau mua heo bò ăn Tết, thì theo ông Thư, một cặp gà đi bộ làm quà cho gia đình và bằng hữu có lẽ là món quà quí nhất trong dịp Tết Nguyên Đán tại Hoa Kỳ:

"Không có gì tốt hơn bằng một cặp gà, bây giờ quí mến nhau, tết nhau, biếu nhau một cặp gà thì theo ý tôi thích hơn, ngon hơn là mua những món quà mà không dùng được."
Bánh chưng của người Việt ở Mỹ. Photo courtesy ifood.tv

Hiền Vy, tường trình từ Houston.

No comments:

Post a Comment