Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, January 30, 2011

Tiễn ‘Hổ’ rước ‘Mèo’ trong tình thế ngổn ngang

Chỉ còn vài ngày nữa là năm Canh Dần 2010 kết thúc, chuyển sang năm Tân Mão 2011. Nếu nhìn lại tình hình Việt Nam 2010, bên cạnh thành công đáng ghi nhận của nhà nước CSVN trong lĩnh vực ngoại giao với nỗ lực “đa phương hóa, quốc tế hóa” vấn đề biển Ðông và việc Việt Nam đã làm hết sức mình để “khuyến khích” Mỹ trở lại khu vực Ðông Nam Á; là sự điều hành quản lý kinh tế kém cỏi, sự thụt lùi về các mặt từ chỉ số tự do, dân chủ, tình trạng nhân quyền...

Một bà hàng nước chè vừa nấu nước vừa sưởi bằng củi ngay trên lề đường Hà Nội ngày 26 tháng 1, 2011. Mùa Ðông năm nay, ít nhất đã có 5 người chết vì sưởi than củi và ít nhất 32,000 trâu bò và gia súc chết lạnh tại Việt Nam. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Và sự thất vọng lớn nhất là đại hội đảng lần thứ XI, dù mọi người cũng đã dự đoán từ trước.
Một cái đại hội được chuẩn bị công phu hàng năm trời, tiêu tốn bao nhiêu tiền thuế của nhân dân, cho đến sát ngày không khí còn cực kỳ căng thẳng, nội bộ thì đấu đá nhau đến giờ chót, nhưng hoàn toàn không có gì mới từ nhân sự cho đến đường lối, chính sách. Và khi đại hội vừa diễn ra xong thì... chả có gì để nói nữa, người dân lập tức quên ngay cái đại hội ấy để còn lo “chạy” Tết, lo miếng cơm manh áo đời thường.
Những cái ghế đã chia xong. Thắng lợi lớn nhất cuối cùng lại thuộc về ông Nguyễn Tấn Dũng bởi “ngôi” tổng bí thư tiếng là to nhất song chức thủ tướng mới là có nhiều thực quyền nhất. Ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn chỉ đóng một vai trò mờ nhạt như Nông Ðức Mạnh. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng lần này vừa giữ được ghế, vừa đưa được cậu con trai vào ủy viên dự khuyết trung ương đảng, vừa có thêm “vây cánh” nếu ông Nguyễn Sinh Hùng trúng vào chủ tịch Quốc Hội. Coi như Quốc Hội và chính phủ nhiệm kỳ này sẽ nhất trí đoàn kết cao trong mọi chủ trương, quyết sách. Sẽ tiếp tục khai thác bauxite và đường sắt cao tốc, không lôi thôi gì nữa. Còn nhớ trước kia ông Nguyễn Sinh Hùng đã mạnh miệng như thế nào khi lên tiếng bảo vệ dự án đường sắt cao tốc trước Quốc Hội: “Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm. Yên tâm cùng chính phủ xin Quốc Hội chủ trương để làm. Yên tâm là Quốc Hội và chính phủ tính được bài để làm”.
Và đúng là cái “bóng ma” đường sắt cao tốc đã trở lại. Trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 3 tháng 1 năm 2011, ông Bộ Trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã khẳng định sẽ trình lại dự án và chính phủ vẫn dứt khoát làm đường sắt cao tốc, lúc đầu vẫn nói đến đối tác Nhật Bản nhưng lại có một câu trả lời khiến người đọc phân vân:
“Nếu làm ÐSCT, có nối mạng với đường sắt cao tốc trong khu vực không thưa bộ trưởng?
“Có chứ. Sẽ nối mạng ASEAN, nối đường sắt Singapore, Côn Minh (Trung Quốc). Mạng ÐSCT của Việt Nam nằm trong dự án ÐSCT ASEAN, Côn Minh. Nói chung là phải làm, còn làm thế nào, thời điểm nào, cân nhắc nguồn lực ra sao thì sẽ tùy điều kiện thực tế để thực hiện...” Ngay sau đó, một số tờ báo trong và ngoài nước đã đưa tin về việc Trung Quốc sẽ xây đường sắt cao tốc qua Việt Nam. Báo VNEconomy ngày 21 tháng 1 năm 2011: “Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền khu tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc với Singapore, tờ China Daily cho hay. Tuyến đường này sẽ băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam.” Báo SGTT ngày 29 tháng 1,2011 nói rõ “Ðó là hai tuyến từ TP. HCM-Lộc Ninh và tuyến Vũng Áng-Mụ Giạ (Hà Tĩnh).”
Như vậy là con bài tẩy đã được lật ngửa như cách nói của tác giả Nguyễn Trung trong bài “Ðường sắt cao tốc-bài tẩy đã ngửa” đăng trên trang Bauxite Vietnam. Lại vẫn là ông bạn láng giềng Trung Quốc dính dáng vào đây! Tham vọng của Trung Quốc thì đã quá rõ, họ muốn kết nối chặt chẽ hơn nữa khu vực Ðông Nam Á với Trung Quốc, xây đường sắt cao tốc rõ ràng là có lợi cho mục đích chính trị của Trung Quốc, nhưng còn Việt Nam, lợi hại như thế nào thì các nhà chuyên môn, giới kinh tế, trí thức đã phân tích quá nhiều rồi. Ngay chính Trung Quốc cũng đang trả giá cho đường sắt cao tốc khi các chuyến tàu thường xuyên ế ẩm, “Ðược cấp vốn gần như toàn bộ bởi các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh, hàng trăm tỷ Nhân dân tệ đang bị kẹt trong các khoản vay nợ đường sắt. Cho đến giờ, chưa một tuyến cao tốc nào hòa vốn.” (Báo SGTT ngày 21 tháng 1, 2011)
Vậy mà họ, những người lãnh đạo Việt Nam vẫn cố làm cho bằng được, vì quyền lợi của... nước khác!
Suốt một nhiệm kỳ vừa qua ông Nguyễn Tấn Dũng đã chứng tỏ khả năng điều hành quản lý kinh tế hết sức kém cỏi, nạn lạm phát, tín dụng tăng quá cao, mức thâm hụt thương mại 7% tổng sản lượng GDP, đồng tiền bị mất giá, cuối năm nhà nước vừa công bố số nợ nước ngoài của Việt Nam là hơn 29 tỷ đô la Mỹ trong khi dự trữ ngoại tệ chỉ còn trên dưới 14 tỷ đô la, hàng loạt vụ làm ăn thua lỗ của các tập đoàn kinh tế nhà nước mà nổi cộm là sự phá sản của tập đoàn Vinashin suýt nữa làm lung lay cái ghế của ông Dũng. Một đặc điểm khác của ông Dũng là sự bảo thủ về mặt chính trị, sử dụng chế độ công an trị đối với người dân. Không ai quên chính Nguyễn Tấn Dũng là người đã ký hàng loạt những nghị định hết sức phản động như nghị định 11 và 12 năm 2008 cấm công nhân đình công, nghị định số 136/2006/NÐ-CP cấm khiếu nại tập thể, quyết định 97/2009/QÐ-TTg về việc ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) dẫn đến việc Viện Nghiên Cứu Phát Triên (IDS), cơ quan nghiên cứu xây dựng theo mô hình think-tank đầu tiền ở Việt Nam, phải quyết định tự giải thể để phản đối. Gần đây nhất là Nghị định 02/2011/ NÐ-CP (NÐ-02) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí-xuất bản nhằm siết chặt tối đa các thao tác quản lý trong lĩnh vực báo chí-xuất bản... Có nghĩa là ông Nguyễn Tấn Dũng đã trói tay, bịt miệng từ giới công nhân, nông dân, trí thức cho đến báo chí.
Con người ấy lại tiếp tục giữ chức thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa thì đất nước này quả thật là “hồng phúc”!!
Những dấu hiệu rất rõ khác về một dàn lãnh đạo “bình mới rượu cũ” tiếp tục con đường, chính sách không thay đổi là sự tăng cường đàn áp đối với mọi biểu hiện, lời nói chỉ trích chính phủ cho dù ôn hòa. Phiên tòa xử các giáo dân Cồn Dầu -thực chất là vụ cướp đất trắng trợn của chính quyền Ðà Nẵng đối với người dân Cồn Dầu- đã giữ y án với phiên xử sơ thẩm. Ba nhà dân chủ trẻ Ðỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðoàn Huy Chương ra tòa trong phiên xử phúc thẩm mà không được tiếp xúc hay thuê luật sư bào chữa. Nhà bất đồng chính kiến Vi Ðức Hồi bị tuyên 8 năm tù, 5 năm quản chế chỉ vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước XHCN”. Những lá đơn khiếu nại của gia đình Luật Sư Cù Huy Hà Vũ như rơi vào khoảng không, còn blogger Ðiếu Cày thì từ tháng 8 năm 2010 đến nay gia đình không được gửi đồ thăm nuôi. Hàng loạt các vụ đàn áp tôn giáo tiếp tục diễn ra từ Hội Thánh Chuồng Bò, đạo Cao Ðài, người Khmer đạo Phật ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long... Những trang báo của người Việt ở hải ngoại, các diễn đàn độc lập, blog cá nhân tiếp tục bị đánh phá, mạng xã hội facebook bị chặn...
Trong khi đó, nhìn ra thế giới, chỉ sau một tháng biểu tình, người dân Tunisia đã lật đổ thành công chế độ độc tài tồn tại suốt 23 năm của Tổng Thống Zine al-Abidine Ben Ali. Sau Tunisia là Ai Cập. Người ta đang nói đến khả năng lan rộng của cuộc cách mạng hoa nhài khởi đầu từ Tusinia sang các nước Bắc Phi, Trung Ðông, như cách mạng màu ở các nước Ðông Âu trước kia. Những người lãnh đạo Việt Nam hãy nhìn vào đó mà nghĩ đến tương lai của chính mình.
Một sự kiện đáng lưu ý khác nữa là cuộc gặp gỡ giữa Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào với Tổng Thống Mỹ Barack Obama vừa qua. Ngày nay, cả thế giới chăm chú theo dõi từng động thái, nhiệt độ nóng lạnh trong mối quan hệ Mỹ-Trung để kịp thời điều chỉnh đường lối, chính sách, nhất là những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mối quan hệ này. Các nước trong khu vực Châu Á cũng đã phải tự điều chỉnh vì sợ bị làm con tốt thí trên bàn cờ của các “ông lớn”. Bắc Hàn đã phải xuống nước với Nam Hàn. Miến Ðiện cũng bớt hà khắc với người dân của họ. Việt Nam, nếu khôn ra thì có thể tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ, còn nếu không, Mỹ cũng sẵn sàng “thả” Việt Nam, Lào, CPC cho ông Trung Quốc để đổi lấy những cái lợi khác. Những bài học thương đau từ trong quá khứ, cả miền Nam lẫn miền Bắc Việt Nam trước kia đã từng bị chính đồng minh hoặc phe mình bán đứng, bị xúi dại anh em một nhà lao vào giết nhau như thế nào, hy vọng rằng những ông lãnh đạo Việt Nam bây giờ chưa đến nỗi quên.
Trước thềm năm mới, với các nhà cầm quyền Việt Nam, quả là có quá nhiều khó khăn từ trong ra ngoài, từ kinh tế, chính trị cho đến ngoại giao. Âu cũng là hệ quả của một đường lối sai lầm, cố lội ngược dòng nước mà đi vậy!

No comments:

Post a Comment