Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định trên VnExpress: “Ẩn số lớn của lạm phát 2011 là giá thực phẩm’.
Theo thông tin này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc thực hiện giá điện, than và xăng dầu theo định hướng thị trường sẽ chỉ tác động một phần đến tỷ lệ lạm phát 2011. Tuy vậy, chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI sẽ bị chi phối rất lớn bởi giá nông sản, thực phẩm.
Nhập khẩu lạm phát của thế giới
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Đạt Chí Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đồng thuận về việc giá điện than xăng dầu không phải là yếu tố mạnh ảnh hưởng lạm phát. TS Lê Đạt Chí nhận định:“Tác động lạm phát của Việt Nam năm nay 2011 là nhập khẩu lạm phát. Bởi vì tác nhân của Việt Nam là tình trạng nhập siêu rất là lớn, mà trong đó các yếu tố về hàng hóa nguyên liệu cơ bản trên thế giới dự kiến gia tăng trong năm nay. Điều đó sẽ góp phần gia tăng lạm phát của Việt Nam.
Nhóm ngành thứ hai tác động nữa là thực phẩm, bởi vì cơ cấu chi tiêu cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, người dân dành phần lớn chi tiêu cho nhóm lương thực thực phẩm. Cho nên sự biến động của giá lương thực thực phẩm trong nước cũng như thế giới sẽ là một yếu tố tác động lớn thứ hai.”
TS Lê Đạt Chí phân tích, nếu nhập khẩu lạm phát từ hàng hóa nguyên liệu cơ bản, thì nhóm này còn chịu tác động kép là điều chỉnh tỷ giá ở Việt Nam làm gia tăng mức nhập khẩu lạm phát của nước ngoài. Cộng với nhóm thứ hai là cơ cấu chi tiêu trong những nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam, lương thực thực phẩm chiếm một tỷ trọng lớn, sẽ làm duy trì trạng thái lạm phát của Việt Nam trong năm 2011.
Trên VnExpress, TS Lê Xuân Nghĩa ước tính mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI năm nay riêng về ảnh hưởng tăng giảm giá xăng dầu chỉ vào khoảng 1,1-1,4%, trong điều kiện cơ quan quản lý điều chỉnh giá nhiên liệu tương tự như năm ngoái, tức là 3 lần điều chỉnh tăng, 2 lần điều chỉnh giảm.
Cùng với cách tính toán này, nếu giá lương thực thực phẩm tăng 10% thì mức tăng CPI sẽ vào khoảng 2,6%. Nhóm nghiên cứu của TS Lê Xuân Nghĩa nhận định rằng, mức tác động vừa nêu là rất đáng quan tâm bởi tỷ trọng trong tổng chi tiêu dùng của nhóm lương thực thực phẩm trong công thức tính CPI là khá lớn. Hơn nữa việc tăng giá thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống đại đa số người dân Việt Nam vốn là tầng lớp nghèo.
Theo lời vị Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: thống kê chính thức thể hiện mức tăng giá lương thực thực phẩm năm ngoái khoảng 16%, nhưng trên thực tế người tiêu dùng đã chịu đựng nhiều hơn. Hơn nữa, đợt lũ lụt tại miền Trung hai tháng cuối năm ngoái cũng gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương.
Đồng tiền mất giá
Một bà nội trợ ở TP.HCM nói với chúng tôi, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng trong năm ngoái tiếp tục tăng trong thời gian gần đây.“Cái gì cũng lên hết nhưng mà đường sữa dầu ăn là lên nhiều nhất…Tôi vẫn ăn gạo mười bốn mười lăm ngàn thì bây giờ lên mười sáu ngàn/kg. Rau trứng cũng lên, đại loại mọi khi mua một ngàn đồng hành ngò khá nhiều bây giờ chỉ còn một phần ba thôi…mứt món thì lên lắm vì đường đắt, gas nấu ăn bây giờ ba trăm mấy chục nghìn càng ngày càng lên. Nói tóm lại cái gì cũng lên, ít thì 20% có thứ 30%, thí dụ hồi trước mình có một trăm đồng, bây giờ giá trị chỉ còn sáu bảy chục đồng thôi mà chỉ trong vòng có mấy tháng.”Đáp câu hỏi của chúng tôi là có quá nhiều ẩn số liên quan tới tỷ lệ lạm phát, vậy dự báo lạm phát năm nay sẽ có tồi tệ như năm 2008 hay không. TS Lê Đạt Chí phát biểu:
“Nhiều tổ chức tài chính ở nước ngoài dự báo lạm phát Việt Nam 2011 quanh mức 10%. Tuy nhiên các dự báo cho thấy có yếu tố tùy thuộc vào biến động diễn biến giá thế giới là chính yếu. Kịch bản ở đây lệ thuộc vào kinh tế thế giới chứ không phụ thuộc vào nền kinh tế Việt Nam nữa. Cho nên mục tiêu lúc này vấn đề đặt ra là đề phòng thích ứng nguy cơ biến động giá thế giới chứ không phải là yếu tố trong nội tại nền kinh tế là yếu tố chính.”
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và nhóm nghiên cứu của ông có đầy đủ dữ kiện để đưa ra nhận định ‘Ẩn số lớn của lạm phát 2011 là giá thực phẩm’.
Các chuyên gia nói với chúng tôi, Việt Nam có thể kiểm soát giá lương thực thực phẩm như chính phủ đã làm trong quá khứ. Chỉ một quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo cũng có thể chặn đứng đà tăng giá lương thực. Tuy vậy sản xuất nông nghiệp trong nước bao gồm trồng trọt, nuôi thủy sản và chăn nuôi bị lệ thuộc vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với tỷ lệ khá lớn. Giá lương thực thực phẩm dù được kềm chặt cũng không thể tạo ra một thị trường giá rẻ.
Nhận định về giá vật tư nông nghiệp đầu vào đang tăng cao, Cục trưởng Cục Trồng Trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nhận định:
“Giá hiện nay theo mặt bằng chung, theo tình hình hiện nay. Tuy nhiên điều này bất lợi cho người nông dân vì giá đầu vào sẽ làm tăng chi phí sản xuất của nhà nông.”
Nông dân ở vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long, những người đã đóng góp vào tổng lượng 6,8 triệu tấn gạo xuất khẩu năm ngoái với trị giá kỷ lục hơn 3 tỷ USD, mong muốn được hưởng phần lợi nhuận tương ứng. Một nông dân nói:
“Vật giá tất cả đều tăng, giá lúa cũng tăng so với năm rồi và các năm trước, nhưng tôi thấy thu nhập của mình vẫn vậy. Bán lúa được nhiều tiền hơn nhưng khi mua lại các thứ cũng cao hơn. Cụ thể phân bón tăng khoảng gần 30%, có một số loại phân tăng trên 30%, thuốc sâu thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20% đến 30%.
Cuộc sống bây giờ khó khăn vật giá cái gì cũng lên hết kể cả con cái đi học, tiền học phí tiền mua sách, tất cả mọi thứ linh tinh đều tăng. ”
Ngay từ đầu tháng Giêng, báo chí trong đó có Tuổi Trẻ, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam đưa tin giá lương thực thế giới đã chạm mức kỷ lục mới trong tháng 12 năm ngoái, vượt qua những kỷ lục cũ thiết lập trong thời kỳ khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007-2008. Theo đó Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO) công bố chỉ số giá lương thực cuối năm 2010 là 214,7 điểm vượt qua mức 213,5 điểm thời gian khủng hoảng lương thực 2008. Giá ngũ cốc toàn cầu tăng nhanh, ngoại trừ giá gạo vẫn đứng thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục. Giá đường tăng cao nhất trong vòng 30 năm gần đây, giá các loại hạt có dầu và thịt cùng leo thang.
Lạm phát được đẩy lên cao vì giá lương thực tăng, đây là mối quan ngại lớn lao của những nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam. Trong tình hình biến động giá thế giới như vậy, rõ ràng ‘ẩn số lớn của lạm phát Việt Nam 2011 là giá thực phẩm.’
No comments:
Post a Comment