Đó là khi chính TGM Phê rô Nguyễn Văn Nhơn thực sự là người biết “không chỉ đồng cảm, đồng thuận mà còn là đồng sinh, đồng tử với anh chị em giáo dân nữa” như lời của Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt tiền nhiệm đã truyền lại cho ngài.
Tối 26/1/2011, trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam phát bản tin thời sự làm nhiều người ngỡ ngàng khi đưa tin Tổng Giáo phận Hà Nội chúc tết Ban dân vận Trung ương.
Sẽ không có gì đáng nói nhiều, vì chuyện TGM Nguyễn Văn Nhơn vốn thích cởi áo tu hành, ăn vận bảnh bao đi chúc mừng, gặp gỡ thân mật các cấp chính quyền, tổ chức mặt trận, dân vận… là chuyện thường ngày.
Điều đáng nói là trên bản tin Truyền hình Trung ương phát đi cho toàn thế giới, phát thanh viên hết sức xách mé rằng: “Đoàn đại biểu HĐGMVN do Phêrô Nguyễn Văn Nhơn dẫn đầu đến thăm Ủy ban dân vận trung ương”. Tiếp đó, cũng với danh xưng xách mé như vậy, phát thanh viên THVN nói tiếp: “thay mặt cho TGP Hà Nội, Phê rô Nguyễn Văn Nhơn bày tỏ”…
Lần đầu tiên, trên VTV, một phát thanh viên dám gọi một Tổng Giám mục công giáo, đương kim Chủ tịch HĐGMVN cách hết sức miệt thị và xách mé rằng “do Phêrô Nguyễn Văn Nhơn dẫn đầu… Phê rô Nguyễn Văn Nhơn bày tỏ…” mà không có bất cứ một chức vụ, danh xưng cần thiết một cách trân trọng như thường có với các chức sắc các tôn giáo khác.
Nhiều người xem bản tin đã hết sức bất bình và ngạc nhiên.
Thông thường với các chức sắc tôn giáo bao giờ đi trước tên gọi cũng là một chức danh, chức vụ hoặc ít nhất cũng là một danh xưng trân trọng. Đó là lẽ thường trong văn hóa Việt Nam đối với các bậc tu hành, chưa nói đến một đài TH nhà nước với một phát thanh viên mặt mũi non choẹt dám gọi thẳng tên một Tổng Giám mục đã 73 tuổi, đương kim Chủ tịch HĐGMVN một cách hết sức xách mé như vậy.
Sau phút ngỡ ngàng, nhiều người giải thích rằng: “Thói đời là thế, chơi với chó có ngày nó liếm mặt” là chuyện thường.
Nguyên nhân nào để TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn bị coi thường như vậy?
Kể từ ngày đổ bộ ra Hà Nội bất chấp mọi lời can ngăn của đủ mọi thành phần từ giáo dân, tu sĩ, linh mục… và lời kêu gọi từ chức. TGM Phê rô Nguyễn Văn Nhơn sau một thời gian im ắng nghe ngóng và khi đã thông thạo địa hình, đã bắt đầu phát huy công năng của mình khi được giao phó nhiệm vụ ra Hà Nội.
Trong khi với vai trò Chủ tịch HĐGMVN, ngài đã không hề hành động và có bất cứ ý kiến nào trước sự đau khổ, những vấn nạn của Giáo hội Công giáo dưới sự đàn áp từ tinh vi đến tàn bạo của nhà cầm quyền Cộng sản.
Trái lại ngài luôn thề ước sẽ “đồng hành với dân tộc” – theo cách hiểu hiện nay là đồng hành với đảng cộng sản – một phế phẩm của thời đại đang đè đầu cưỡi cổ nhân dân Việt Nam, đưa cả dân tộc đi đến lầm than và bán nước.
Trở lại buổi chúc tết Ban dân vận Trung ương, TGM Phê rô Nguyễn Văn Nhơn đã “bày tỏ sự quyết tâm của người Công giáo trong năm mới sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nghĩa là theo cách hiểu của TGM Nguyễn Văn Nhơn, những năm qua, người công giáo Việt Nam đã không củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc cho đủ hoặc đã từng phá hoại điều đó nên bây giờ ngài phải thề hứa lại quyết tâm?
Xin thưa là ngài đã nhầm, chính những người cộng sản vô thần đã cố tình chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc này, thi hành chính sách chia để trị, ngu dân tối đa bằng cách chặn các thông tin cần thiết đến với người dân nhằm áp đặt cái ách quái gở cộng sản lên toàn dân tộc. Lẽ ra, ngài phải nhìn thẳng vào sự thật đó.
Vì thế lời thề hứa đồng hành cùng dân tộc, quyết tâm củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết là chuyện vớ vẩn. Những lời kêu gọi đó, trước hết phải dành cho đảng cộng sản.
Một ví dụ đơn giản như sau: Sáng 26/1/2011, khi TGM Nguyễn Văn Nhơn quày quả ôm hoa đến Ủy ban Dân vận Trung ương chúc tết để bị gọi hết sức xách mé và xấc xược đó, thì ngài không biết rằng tại Đà Nẵng, các nạn nhân Cồn Dầu đang đứng trước một phiên tòa đầy bất công của cái chế độ mà ngài thề nguyện đồng hành.
Dù cho giáo dân Cồn Dầu đã bao lần viết thư thỉnh cầu ngài để ngài nhớ đến họ đang đau khổ trong trách nhiệm của mình.
Chính thái độ đó của ngài đã bị chính nhà cầm quyền cộng sản bắt giò và coi thường là vì vậy.
Vấn nạn của TGM Phê rô Nguyễn Văn Nhơn và của Giáo hội là gì?
Theo quan sát của nhiều người, thì việc ĐC Nguyễn Văn Nhơn ra Hà Nội có thể bằng suy nghĩ đơn giản, đời thường và sự đạo đức nào đó… từ phía cá nhân ngài ban đầu.
Tuy nhiên, lực hấp dẫn của chiếc ghế TGM Hà Nội khá lớn, cộng với sức ép làm người tiên phong cho đàn em trong bộ ba của mình là GM Nguyễn Văn Đọc, Võ Đức Minh… có cơ hội tiến bước vào những vị trí kiểm soát Giáo hội Công giáo đã đưa ngài vào những sai lầm khó có lối thoát.
Giáo dân Hà Nội có gần 60 năm dưới sự cai trị của cộng sản nên đã hiểu rất rõ những âm mưu, bản chất của cộng sản vô thần. Vì thế họ không ngây thơ và dù niềm tin, lòng sùng kính đối với Thiên Chúa, với giáo hội rất mạnh mẽ thì họ cũng có đủ kinh nghiệm đối phó với những vị chăn chiên thuê.
Kể từ ngày TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn ra HN, ngài đã nhận được sự lạnh lùng dễ thấy từ phía giáo dân. Nhà thờ Lớn Hà Nội số người dự lễ ngày càng giảm trông thấy. Những cuộc lễ đông đúc vốn có xưa nay khi được Đức TGM dâng lễ đã không xảy ra.
Mỗi khi TGM đi đâu ra khỏi nhà chung, điều lo lắng nhất là rừng băng rôn, biểu ngữ luôn bám theo sát gót. Nhiều biện pháp đối phó đã không hiệu quả từ ngăn chặn, che giấu, lẩn trốn đến dùng một số “quần chúng tự phát” kết hợp với công an cũng dần dần bị vô hiệu hóa trước sự kiên trì của giáo dân khi họ đã thề sẽ biểu tình suốt 3 năm đến ngày ngài nghỉ hưu.
Đó là sự khó của ngài phải chấp nhận khi chấp nhận ngồi lên ghế nóng để cố đấm ăn xôi.
Kể từ ngày TGM Nguyễn Văn Nhơn xuất hiện tại tòa TGM Hà Nội, Tòa TGMHN luôn trong tình trạng vắng vẻ và yên tĩnh đầy bí mật. Phòng tiếp khách của TGM từ tầng 1 thời Đức Tổng Kiệt đã bị bãi bỏ đưa lên tầng 2, mọi tiếp xúc với TGM là một quy trình khó khăn.
Những năm trước cứ vào dịp cuối năm, Noel hoặc các ngày lễ trọng của Giáo hội giáo dân tấp nập về Tòa TGM như về chính ngôi nhà của mình với bao háo hức, phấn khởi. Những hàng giáo dân, tu sĩ… xếp lượt chờ Đức TGM tiếp để được chào, được đón, được chúc mừng và hoan hỉ đã đi vào ấn tượng khó quên của mọi người.
Nay, kể cả những dịp Noel, Tết hoặc bất cứ dịp nào, Tòa TGM Hà Nội luôn vắng lặng và đầy uẩn khuất.
TGM đến đâu, cũng chỉ giảng những lời kinh kệ đạo đức mà không bao giờ đề cập đến những công việc thuộc trách nhiệm của mình.
Nhiều người cho rằng ngài muốn bịt tai, chỉ thể hiện rằng mình là người đạo đức chỉ chuyên lo rao giảng lời Chúa.
Nhưng có nhiều người phản đối ý kiến đó. Họ nói rằng người đạo đức, trước hết phải là người lo chu toàn bổn phận của mình đã lãnh nhận trước mặt Chúa và mặt giáo hội.
Một bài giảng đạo đức là rất cần thiết, nhưng đó là việc của một linh mục, một tu sĩ, một người thuyết giảng… còn một TGM thì phải thực hiện, phải nói và làm những việc của một TGM được giao phó. Không ai bắt một Tổng giám đốc công ty cơ khí phải đi hàn những đường hàn, dù đó là đường hàn bậc cao đi nữa dù đó cũng là nghề nghiệp xuất thân của ông ta.
Giáo dân cần nhiều linh mục thánh thiện và đạo đức, nhưng rất cần một Chủ tịch HĐGM biết lãnh đạo hàng Giám mục đi đúng sứ vụ của mình và một TGM là người lãnh đạo họ đi đúng đường lối của Hội Thánh Chúa.
Đặc biệt với chức Chủ tịch HĐGMVN mà ngài đã bươn bả chấp nhận “tái đắc cử” vừa qua khi người ta đã chỉ ra rằng ngài đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trong nhiệm kỳ trước đó.
Thái độ bỏ ngoài tai, không nhìn, không nghĩ và không nghe thấy tiếng kêu, nỗi lòng của giáo dân và thời cuộc, sẽ dẫn ngài đi đến sự cô đơn trong tâm hồn, sự lạnh lẽo trong đời sống giáo phận và giáo hội… Dù có thể rồi đây, bạn bè của ngài ngày càng đông và chỉ toàn là những quan chức cao cấp như Chủ tịch UBND Hà Nội, Chủ tịch mặt Trận, lãnh đạo đảng, chính quyền… mà ngài hay thăm viếng.
Thảm trạng này của Đức TGM Hà Nội nói riêng kéo theo hệ lụy cho cả TGP Hà Nội và GHCGVN nói chung sẽ chỉ chấm dứt với một điều kiện hết sức đơn giản.
Đó là khi chính TGM Phê rô Nguyễn Văn Nhơn thực sự là người biết “không chỉ đồng cảm, đồng thuận mà còn là đồng sinh, đồng tử với anh chị em giáo dân nữa” như lời của Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt tiền nhiệm đã truyền lại cho ngài.
Ngoài ra, mọi lời nói, mọi biểu hiện đạo đức, phe nhóm hay âm mưu đều không thể là cứu cánh của ngài, nếu ngài là người còn có lòng tự trọng.
Cuối năm âm lịch Canh Dần 2010
Hà Minh Tâm
No comments:
Post a Comment