Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, January 28, 2011

Vòng lửa chính trị Ai cập

Sau những biến chuyển đến chóng mặt về chính trị tại Tunisia, Ai Cập lại một lần nữa gây chấn động toàn vùng Trung Đông khi quốc gia này cũng đang trong vòng lửa chính trị.
Khoa Diễm có buổi tiếp chuyện với ông Ilan Berman, Phó Chủ tịch Chiến lược cho Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược Ngoại Giao Hoa Kỳ về những gì đang xảy ra tại Ai Cập và tương lai của Trung Đông.

Sau Tunisia là Ai Cập

Khoa Diễm: Thưa ông Berman, cám ơn ông đã dành cho RFA buổi nói chuyện hôm nay. Nếu có thể xin ông tóm lược những gì đang xảy ra trong khu vực các quốc gia Trung Đông sau biến cố Tunisia để quý thính giả của chúng tôi tiện theo dõi.
Berman: Tunisia là nguyên nhân xúc tác cho những biến loạn đang xảy ra trong khu vực. Những gì xảy ra tại Tunisia có thể nói là đã biến dạng quá nhanh trong một thời gian rất ngắn. Chỉ trong vòng 3 tuần chúng ta thấy có rất nhiều những cuộc biểu tình, những người nổi dậy để chống lại chính quyền Ben Ali vì các lý do như kinh tế tồi tệ, người dân không có công ăn việc làm và những luật lệ không thỏa đáng của chính phủ.
Những thay đổi này cũng giống như là một mặt hồ đang yên lặng bổng nhiên bị khuấy động và ảnh hưởng đến cả khu vực. Chúng ta có thể thấy Yemen, Jordan và Ai Cập cũng đang có những hành động tương tự.
Khoa Diễm: Nhưng liệu chính quyền Ai Cập sẽ lập lại cách giải quyết của chế độ Ben Ali?
Berman: Hiện chúng ta không thấy được cụ thể chính quyền Yemen, Jordan hay Ai Cập sẽ có hành động như thế nào, liệu họ có theo bước chân của Tunisia hay không, đồng thời chúng ta cũng không biết được là liệu những quốc gia này có chọn cách giải quyết giống Ben Ali hay không. Tại Ai Cập chúng ta thấy rằng chính quyền có nhiều hành động kiềm chế các cuộc biểu tình này bằng cách dùng internet và cho quân lính xuống đường ngăn cản người dân. Điều này không có nghĩa là những cuộc biểu tình sẽ dãn ra, nhưng đây là một thí dụ cho thấy chính quyền Ai Cập không dễ dàng như Tunisia.
Khoa Diễm: Thưa ông, vai trò của quân đội quan trọng như thế nào đối với những gì đang xảy ra tại Ai Cập?
Berman: Quân đội tại Ai Cập nắm vai trò chủ chốt tại đây. Bạn cũng nên nhớ rằng tổng thống hiện thời của Ai Cập là một quân nhân và quyền lực mà ông ta đang nắm giữ được sự ủng hộ rất lớn từ quân đội. Do đó, tôi nghĩ rằng quân đội sẽ trung thành với Tổng thống và sẽ thi hành những chỉ thị của ông dù điều đó có thể là chĩa súng vào những người dân Ai Cập đi biểu tình. Đây là một chỉ dấu cho thấy việc này sẽ trở thành một cuộc chiến đẫm máu. Lý do là vì bối cảnh chính trị của Ai Cập đang rất phân cực. Chính quyền Mubarack đã hiện diện trong chính trường Ai Cập hơn 30 năm qua cho nên chúng ta có thể thấy rằng đất nước này không có nhiều lựa chọn khác. Tôi cũng xin được nói về phía bên kia của chính trị Ai Cập, đó là Hội Huynh Đệ Hồi giáo, là tổ chức Hồi giáo lớn nhất trong khu vực các quốc gia Trung Đông. Nhưng nếu như tổ chức này trở thành kẻ đối đầu lớn nhất với chế độ chính quyền hiện tại thì chúng ta sẽ thấy một cuộc đụng độ còn lớn và khủng khiếp hơn nữa.
Khoa Diễm: Theo ý ông thì hình hình Ai Cập sẽ ra sao trong thời gian sắp tới?
Berman: Theo tôi thấy thì lối đi của Cairo rất đơn giản, họ sẽ không chọn cách lưu đày như Ben Ali, và rất có thể họ chọn chấp nhận những tin tức xấu trong một vài tuần lễ hơn là bị đẩy vào tình trạng lưu vong hay bị kết án bởi chính quyền tương lai. Theo tôi thì chính quyền Mubarak biết họ đang ở trong một hoàn cảnh không được tốt lắm nhưng họ sẽ “cố đấm ăn xôi”.

Vai trò của Hoa Kỳ

Khoa Diễm: Khi chúng ta đang trò chuyện thì chính phủ Hoa Kỳ đã lên tiếng về tình hình của Ai Cập, ông có suy nghĩ gì về điều này?
Berma: Thế đứng của Hoa Kỳ là một điều quan trọng trong cục diện này. Như chúng ta đã biết, Hoa Kỳ và Ai Cập là những đồng minh tốt của nhau. Hoa Kỳ giúp đỡ Ai Cập rất nhiều trong các chương trình trợ giúp quân sự cũng như những vấn đề khác. Do đó, những nhà làm luật tại Washington đang theo dõi việc này rất kỹ vì họ e sẽ có một cuộc cách mạng mà các tổ chức Hồi giáo sẽ lên cầm quyền. Tuy nhiên, chúng ta cũng không muốn thấy cuộc chiến tranh đẫm máu như chúng ta đã từng thấy tại Iran khoảng 18 tháng trước khi chính quyền dẹp tan “Chiến dịch Xanh” tại đó. Chính phủ Obama đang ở trong thế kẹt vì họ không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Khoa Diễm: Nhân ông nhắc đến chính quyền Obama, tôi có câu hỏi cuối cho ông: liệu sự ra đi hay ở lại của Tổng thống Obama sẽ có tầm ảnh hưởng như thế nào đối với Ai Cập?
Berman: Tôi nghĩ là việc gì xảy ra tại Ai Cập sẽ được giải quyết trước khi cuộc bầu cử Tồng thống vào năm tới. Tiếng nói của chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề chế độ dân chủ, là đối tác của chính quyền đương nhiệm tác động rất lớn với những gì đang xảy ra tại Ai Cập. Quốc gia này có tiếp tục là đối tác của Hoa Kỳ hay không thì đó là trách nhiệm của Tổng thống Obama hay là vị Tổng thống tiếp theo. Những gì đang xảy ra có thể thay đổi cương vị của Ai Cập trong chương trình đối ngoại của Hoa Kỳ.
Khoa Diễm: Cám ơn ông rất nhiều.

No comments:

Post a Comment