Dân chúng Yemen biểu tình chống Tổng Thống Ali Abullah Saleh tại thủ đô Sanaa hôm Thứ Năm, 27 tháng 1, 2010. (Hình: Ahmed al-Haj/AP) |
Ở Yemen hôm Thứ Năm đoàn biểu tình 16,000 người đi từ trường đại học đến trung tâm thành phố Sanaa. Giống như Tunisia hay Ai Cập, mục tiêu tranh đấu là nhà lãnh đạo Ali Abullah Saleh đã nắm giữ chính quyền từ hơn 30 năm ở quốc gia 23 triệu dân và nghèo nhất trong thế giới Á Rập. Tuy nhiên đã không xảy ra bạo động hoặc va chạm với lực lượng an ninh và những người biểu tình phân tán thành nhiều nhóm nhỏ giải tán ôn hòa vào buổi chiều.
Trong khi đó thì tình hình biến động ở Ai Cập càng ngày càng nặng nề. Ông Mohammed ElBaradei trở về Ai Cập vào tối ngày Thứ Năm và tuyên bố sẵn sàng đứng ra lãnh đạo phong trào chống chính phủ. Ông là cựu giám đốc cơ quan Nguyên Tử Lực Liên Hiệp Quốc (IAEA) và cũng là người đoạt giải Nobel Hòa Bình cùng với cơ quan này. Sau khi rời khỏi IAEA ông ElBaradei đã dành nhiều thời giờ cho việc đòi hỏi dân chủ tự do ở Ai Cập.
Muslim Brotherhood, đảng đối lập lớn nhất Ai Cập và đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho người dân xuống đường biểu tình.
Tại thành phố Ismailia bên bờ kênh Suez, phía Ðông Cairo, dân chúng bạo loạn đeo khẩu trang chống hơi cay, ném bom xăng vào một trạm cứu hỏa và những lính chữa lửa phải nhảy qua cửa sổ tẩu thoát. Tại Sheik Zuweid phía Bắc bán đảo Sinai hàng trăm dân Bedouins nổ súng giao tranh với cảnh sát. Khoảng 300 dân biểu tình từ trên nóc các căn nhà bao quanh một đồn cảnh sát dùng 2 khẩu súng phóng lựu đạn (RPG) bắn xuống.
Ngoài ra cũng có những cuộc biểu tình ôn hòa ở thành phố cảng Alexandria và Toukh vùng châu thổ sông Nile.
Ðảng cầm quyền ở Ai Cập hôm Thứ Năm nói rằng sẵn sàng thảo luận với phía đối lập nhưng không đưa ra sự nhượng bộ nào trước đòi hỏi phải có biện pháp giải quyết tình trạng nghèo đói và thay đổi chính trị được đưa ra trong những cuộc biểu tình bạo động chống chính phủ được coi là lớn nhất từ nhiều năm qua.
Các cuộc biểu tình và bạo loạn bùng nổ sang đến ngày thứ ba liên tiếp và trên các trang mạng xã hội người ta thấy có nhiều phát biểu cho rằng các cuộc biểu tình dự trù diễn ra ngày Thứ Sáu sẽ là lớn nhất từ trước đến nay để đòi hỏi Tổng Thống Hosni Mubarak phải từ chức sau 30 năm cầm quyền.
Hàng triệu người dân Ai Cập tụ tập ở các đền Hồi Giáo trên toàn quốc vào mỗi ngày Thứ Sáu để tham dự các buổi cầu nguyện, cho phía tổ chức biểu tình có điều kiện để huy động một số người khổng lồ tham gia các hoạt động phản kháng.
Safwat El-Sherif, tổng thư ký đảng Dân Chủ Quốc Gia (National Democratic Party NDP) và là người thân tín của ông Mubarak, tỏ ra không quan tâm về người biểu tình trong cuộc họp báo đầu tiên của một viên chức cao cấp đảng cầm quyền kể từ khi có các cuộc xuống đường biểu tình.
“Chúng tôi tự tin về khả năng lắng nghe quần chúng. Ðảng NDP sẵn sàng đối thoại với công chúng, với giới trẻ và với các đảng phái hợp pháp,” ông cho hay. “Nhưng dân chủ cũng có những quy luật và tiến trình của nó. Phía thiểu số không thể áp đặt ý muốn của mình lên phía đa số.”
Tổng Thống Mubarak, năm nay 82 tuổi, không thấy xuất hiện trước công chúng kể từ khi các cuộc biểu tình bùng nổ hôm Thứ Ba với hàng chục ngàn người tuần hành tại Cairo và các thành phố khác.
Ông Mubarak hiện chưa cho biết có tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa trong cuộc bầu cử năm nay hay không. Có nhiều tin đồn nói rằng ông chuẩn bị để đưa con trai mình là Gamal lên kế vị nhưng các công điện ngoại giao mật của Hoa Kỳ bị tiết lộ thời gian gần đây cho thấy phía quân đội Ai Cập không ủng hộ điều này.
No comments:
Post a Comment