HÀ NỘI (TH) - Vết thương trên mai cụ rùa Hồ Gươm đang lở loét, đây là lời báo động trên một số báo ở Việt Nam về một biểu tượng đặc biệt của Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội.
Hồi tháng 12, hình ảnh chụp được khi cụ rùa nổi lên mặt nước thấy có vết thương trên mai mà có người nghi rằng có thể cụ đã bị các con rùa tai đỏ gặm hay tấn công khi tranh giành đồ ăn.
Cụ rùa Hồ Gươm tên khoa học là Pelochelys bibronii, là một loại rùa nước ngọt lớn. Nếu cụ rùa chết đi, coi như tuyệt chủng. Hiện ngoài cụ rùa, trong hồ còn rất nhiều mà không biết đích xác có thể hàng trăm con rùa tai đỏ do người ta mang đến thả phóng sinh vào mỗi dịp Rằm Tháng Bảy.
Rùa tai đỏ ăn tạp, không phải gốc ở Việt Nam, được nhập cảng vô tội vạ từ Mỹ, như một loại thú vật nuôi tiêu khiển trong nhà, nay có thể tìm thấy trên cả nước vì người ta mua về rồi thả phóng sinh.
Theo báo điện tử Bee.net, ngày 15 tháng 2, 2011 tới đây, tại Hà Nội “sẽ có hội thảo giữa các đơn bị chức năng và nhà khoa học để bàn cách chữa trị vết thương cho Rùa Hồ Gươm.”
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về cách trị thương cho cụ rùa, nên mang lên bờ hay để cụ dưới nước. Mà bắt cụ thế nào, bắt được cụ cũng không phải dễ.
“Phương án đưa cụ rùa lên bờ được hầu hết các nhà khoa học ủng hộ,” theo bài viết trên Bee.net.
Chỉ cần nửa ngày để trị thương
Bài báo của Bee.net thuật lời PGS.TS Hà Ðình Ðức, một người đã dày công nghiên cứu về rùa Hồ Gươm cho rằng: “Sức khỏe cụ bây giờ là vấn đề trên hết, do đó cần đưa cụ rùa lên khu đất cạnh Tháp Rùa để chữa chạy các vết thương trên mình.”
Theo ông, với tình trạng rùa tai đỏ xâm lấn, môi trường ô nhiễm, va chạm, tác động với những vật khác dưới Hồ Gươm, vết thương trên mình cụ ngày càng nặng hơn. Cứ như vậy, đến 4-5 năm nữa vết thương cũng chưa chắc đã lành lại.
Vết thương trên mai cụ có xu hướng bị lở loét, nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ cần đưa cụ lên bờ nửa ngày để chữa trị vết thương là được.
“Cụ rùa lâu nay vẫn là vật báu thiêng liêng của người dân Hà Nội, nên khi đưa vụ lên bờ có thể sẽ gây dư luận không tốt. Nhưng việc làm này là cần thiết vì tình trạng sức khỏe cụ đang rất nguy cấp.” Ông Ðức nói.
Lấy mẫu ADN của cụ rùa
Bee.net cũng dẫn lời GS.TSKH Ðặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Ðộng Vật Học Việt Nam cho rằng: “Việc đưa cụ rùa lên bờ có thể lấy được mẫu ADN, từ đó biết cụ rùa thuộc nhóm nào, rồi đưa ra cách trị tốt nhất. Nhưng cũng nên lưu ý, hiện chưa có ai biết cụ bị thương nặng hay nhẹ. Thêm vào đó, với thời tiết hiện tại, đưa cụ lên bờ có thể nguy hiểm hơn ở dưới nước (dưới nước có lớp bùn ấm). Mặt khác, cách bắt cụ như thế nào thì cũng chưa ai có kinh nghiệm.”
Cũng theo ông Huỳnh: “Cách tốt nhất là gắn chip theo dõi quá trình vận động của cụ. Nếu thấy cần thiết phải đưa cụ lên bờ cần có biện pháp giữ ấm cho cụ không bị rét, sau đó các bác sĩ có thể tiến hành, chăm sóc, chữa trị vết thương cho cụ.”
No comments:
Post a Comment