Thanh Trúc ghi nhận ý kiến của một số người trong nước về vấn đề vẫn gây tranh cãi trong dư luận trong và ngoài nước.
Việt Nam không cần đa đảng là lời khẳng định của ủy viên trung ương đảng Đinh Thế Huynh trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, tức một ngày trước khi diễn ra đại hội đảng lần thứ XI.
Vẫn theo lời ủy viên trung ương Đinh Thế Huynh, Việt Nam từng có thể chế đa đảng từ cuộc bầu cử đầu tiên năm 1946, thế nhưng khi đất nước rơi vào vòng đô hộ của người Pháp thì chỉ có đảng cộng sản cùng toàn dân hợp lực chống lại ách thống trị đó.
Chính vì vậy, ông Huynh khẳng định, đến giờ này đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục lãnh đạo, đưa nhân dân qua nhiều thắng lợi trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Báo đài trong nước hôm thứ Hai lập đi lập lại quan điểm một đảng lãnh đạo kèm theo những lời nhận định hàm ý công kích chính sách đa đảng.
Những quan niệm khác nhau
Từ Hà Nội, nhà giáo Nguyễn Thượng Long, từng là phó biên tập bán nguyệt san Tổ Quốc, tờ báo chui chuyên cổ võ cho dân chủ và tự do ngôn luận, nhận định đây là một lời phát ngôn quá chủ quan:"Lời phát ngôn Việt Nam không cần đa đảng mà chỉ cần một đảng thì chỉ có giá trị khi mà Việt Nam thực sự có một cuộc trưng cầu ý dân, mà cái đấy thì Việt Nam chưa hề có.
Thế bây giờ một tuyên ngôn của lãnh tụ A hay lãnh tụ B, hoặc là ông A ông B nói như vậy, thì tôi nghĩ không thể đại diện cho nhân dân Việt Nam được. Đó là suy nghĩ thứ nhất của tôi."
Suy nghĩ thứ hai, ông Nguyễn Thượng Long nói tiếp, nếu phân tích giữa đa đảng và một đảng là bên nào hơn bên nào kém, thì điều này nhiều nhà trí thức và nhiều người có tấm lòng với đất nước đã tranh luận điều này nhiều năm tháng nay rồi:
"Nhưng nếu căn cứ theo cái lôgic hình thức, thế giới hiện nay có khoảng hơn hai trăm nhà nước, hơn hai trăm quốc gia, tỷ lệ nhà nước chấp nhận một đảng rất ít.
Nếu Việt Nam cứ khăng khăng một con đường như vậy và có những tuyên ngôn cứng rắn như thế thì về phương diện logic hình thức chúng ta thấy Việt Nam quá đặc biệt, mà nhân dân Việt Nam cũng phải chấp nhận một hình thức rất không bình thường như thế."
Nhà văn Vũ Hạnh, nguyên tổng thư ký Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng ông không ở trong đảng nhưng điều ông có thể nói là:
"Tình hình sau giải phóng có nhiều cái lộn xộn thật, nhưng tôi nghĩ hồi trước khi đất nước bị nô lệ thì chính cái đảng này lãnh đạo nhân dân, rồi chiến tranh hơn ba mươi năm, bây giờ nhường lại cho ai thì đảng này sẽ gặp khó khăn, hủy hoại con đường đi dở dang bởi thực sự ra nói rằng xây dựng xã hội chủ nghĩa chứ đã đạt được cái gì đâu, mới giai đoạn đầu là giai đoạn độc lập thôi. Thành tôi nghĩ con đường còn dài còn gian nan lắm, nếu nhiều đảng thì lý tưởng còn giữ được không? Thực ra vấn đề rất khó.
Tôi là một người không đảng nhưng tôi mong xây dựng cải cách cái đảng này cho hoàn thiện hơn. Chứ còn đa đảng thì nhiều nước trên thế giới không phải xã hội chủ nghĩa mà họ cũng chỉ có một đảng và họ vẫn thành công. Tôi nghĩ với hoàn cảnh hiện nay và với lý do thực tế như thế này mà đa đảng thì lộn xộn lắm."
Theo ông mặc dầu độc đảng như hiện tại cũng có nhiều cái độc tài và chưa hoàn toàn gọi là dân chủ:
"Nhiều khi tôi cũng khó chịu về điều đó nhưng tôi nghĩ nếu xảy ra một sự lộn xộn nữa thì đất nước này không thể yên bình được. Đó là ý riêng của tôi chứ không phải tôi nô lệ đảng hay là đảng viên nòng cốt gì."
Quan điểm của ông Ngô Quang Xuân, đại biểu quốc hội khóa XII, phó chủ nhiệm ủy ban đối ngọai, có phần khác hơn:
"Đảng cộng sản Việt Nam đã giữ được sự ổn định trong nước, quan hệ với thế giới thì Việt Nam đang có uy tín, tốc độ tăng trưởng kinh tế thì tốt, chính trị và xã hội ổn định. Cái đấy chứng tỏ năng lực của đảng mà nhân dân ủng hộ, thế thì chẳng có lý do gì mà phải có nhiều đảng bởi vì người ta thấy mọi việc đang ổn cả. Một đảng hay nhiều đảng thì vẫn phải làm cho xã hội ngày càng dân chủ ngày càng minh bạch ngày càng phát triển ngày càng ổn định hơn. Mà chỉ có hòa bình và ổn định thì Việt Nam mới phát triển tốt được."
Trong lúc ông Ngô Quang Xuân tin tưởng rằng xã hội Việt Nam đang tiến theo chiều hướng như vậy, thì tiến sĩ luật Phạm Duy Nghĩa phân tích sâu xa hơn:
"Những tuyên bố đó của chính phủ Việt Nam theo tôi thì họ cũng dè dặt thôi. Tôi nghĩ họ sẽ làm cuộc cải cách quản trị quốc gia ngày càng tốt hơn. Luật pháp Việt Nam cũng không có chỗ nào cấm các đảng phái hay tổ chức khác họat động, chỉ có điều vào thời điểm hiện tại theo tôi cảm nhận thì đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo cũng như lực lượng chính trị xã hội có thế lực cũng như có cơ sở và lịch sử hoạt động lớn nhất. Tôi nghĩ mọi cải cách nên bắt đầu từ đảng cộng sản là đúng."
Ông cho rằng bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào cũng cần được giám sát, và càng được giám sát chặt chẽ chừng nào thì càng tốt cho lợi ích của nhân dân chừng đó. Điều tiên quyết trong hiện tại, tiến sĩ luật Phạm Duy Nghĩa nói tiếp, là phải giáo dục tinh thần công dân, cho phép người dân giám sát chính quyền tốt hơn:
"Rồi phải tạo tranh luận trong nội bộ đảng cộng sản, phải tạo điều kiện cho xã hội và báo chí tham gia giám sát chính quyền, rồi sau đó mới có một khuôn khổ pháp luật tương đối bình đẳng về hoạt động của đảng phái. Tôi nghĩ một chiến lược cải cách như thế cần thời gian và sự thận trọng hơn là đòi hỏi đa đảng ngay lập tức."
Phải hợp lòng dân
Trong tinh thần tôn trọng quyền tự do phát biểu thì những lời phát ngôn của nhà nước cũng phải được tôn trọng. Đó là ý kiến của cựu lãnh đạo quân đội nhân dân, trung tá Vũ Minh Trí:"Có thể từng người dân từng công dân trong nước có quan điểm thực sự không trùng khít, hoặc thậm chí trái ngược lại, thì đấy cũng là điều bình thường. Tôi nghĩ đa đảng hay không đa đảng đều là nhu cầu khách quan của xã hội. Có lẽ tốt nhất nên chờ những diễn biến tiếp theo xem thật sự Việt Nam cần hay không cần. Tóm lại ý của tôi là không ai có thể đi ngược lại cái xu thế khách quan, đi ngược lại cái diễn biến của tình hình. Ai nói cũng đều có lý riêng của người ta. Cùng một vấn đề nếu ta muốn làm thì ta cố tìm một nghìn lý do để làm. Không muốn làm thì cũng một nghìn lý do để không làm. Tôi nghĩ ta cứ nên so sánh mô hình của Việt Nam với mô hình của các nước trên thế giới. Tôi nghĩ có lẽ số đông bao giờ cũng hợp lý hơn. Toàn bộ ý tôi muốn nói là cái gì phù hợp với thực tiễn khách quan, với nhu cầu của nhân dân thì nó sẽ tồn tại sẽ phát triển. Ngược lại thì nó sẽ không tồn tại và sẽ bị đào thải."
Dưới mắt nhà văn Nguyễn Viện, có lẽ lời tuyên bố của ủy viên trung ương Đinh Thế Huynh phù hợp với hoàn cảnh chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ XI:
"Tuy nhiên trong bối cảnh chung của xã hội và xu hướng chung của thế giới thì tôi nghĩ bất cứ một tổ chức xã hội nào hay một nhóm sinh hoạt nào, nếu có được nhiều ý kiến khác nhau, những cách biểu lộ khác nhau và những phát biểu khác nhau thì nó sẽ tốt hơn là chỉ có một loại ý kiến duy nhất hay là một đường lối duy nhất."
Nhà văn Nguyễn Viện cho rằng xét về phương diện tổ chức, các ý kiến về một đảng cũng tiêu biểu cho một loại ý kiến trong xã hội, suy ra nếu có nhiều đảng thì có nhiều ý kiến hơn và xã hội sẽ tốt hơn:
"Tôi nghĩ không những người ta cần có một đối trọng mà người ta cần rất nhiều đối trọng khác nhau. Tại vì trong sinh hoạt tự nhiên của xã hội thì không bao giờ chỉ có một đối trọng duy nhất trước một vấn đề hay trước một đối thủ. Chính vì vậy tôi nghĩ sự đối trọng phải được diễn ra một cách rộng rãi, nhiều mặt nhiều phía, thì sự cân bằng giữa các xung lực đối với nhau sẽ vững chãi hơn."
Sau cùng, một người trong nước không muốn nêu danh tánh và yêu cầu chỉ trích dẫn phát biểu của ông, nói rằng đảng cộng sản Việt Nam chỉ khéo vẽ vời, có nghĩa là thay vì lâu lâu đưa vấn đề độc đảng hay đa nguyên ra thì tại sao không lập ngay một hoặc hai đảng đối lập trên danh nghĩa đi, để khỏi mang tiếng độc tài độc đảng hoặc khỏi phải mất công khẳng định giải thích cho mất thì giờ.
No comments:
Post a Comment