Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, January 13, 2011

Ai giao cho đảng cầm quyền?

Sáng 12 tháng 1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của các lãnh đạo đảng và nhà nước, cùng với gần 1.400 đại biểu, đại diện cho khoảng 3,6 triệu đảng viên Đảng CSVN.
Nhân dịp này, thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu thêm tính hợp pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN hiện nay.

Dân tin tưởng giao phó?

Phát biểu khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc hôm 12 tháng 1 vừa qua, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư BCH Trung ương Đảng, đã tuyên bố lý do như sau:
“Theo quy định của Điều lệ Đảng, hôm nay chúng ta tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI để thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quyết định Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2020; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, bàn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011-2015; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Đây là những nhiệm vụ rất trọng đại và cũng hết sức vẻ vang mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tin tưởng giao phó cho Đại hội. Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và dân tộc, Đại hội chúng ta sẽ hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”.
Mặc dù ông Trương Tấn Sang nói rằng, những trọng trách của đất nước mà Đảng CSVN đang gánh vác là do người dân tin tưởng giao phó, thế nhưng trên thực tế người dân Việt Nam chưa bao giờ được hỏi ý kiến xem họ có giao cho đảng những trọng trách này hay không. 
Blogger Tô Hải, một người đã gần trọn cuộc đời theo đảng, cho biết như sau:“Cái gì mấy ông đó nói mà chả hợp với lòng dân? Mấy ổng nói đảng lãnh đạo toàn diện theo Điều 4 Hiến pháp là do yêu cầu của nhân dân, thế mà họ có yêu cầu đâu để nhân dân được nói?
Ai có ý kiến gì khác bị cho là ‘thành phần xấu’, ‘lực lượng thù địch’, và sẵn sàng chuẩn bị vào hai cái còng – tức luật 88 – đưa vào tù. Cho nên họ không cần gì hết, họ nói là lãnh đạo theo yêu cầu toàn dân họ lãnh đạo toàn dân, trong khi toàn dân nào ai biết cái gì đâu. Còn nếu họ hỏi tôi thì tôi sẽ trả lời là ‘KHÔNG’, nhưng họ có hỏi tôi đâu. Tôi 85 tuổi rồi nên họ chẳng bắt tôi làm gì, nhưng mấy anh còn trẻ mà nói thẳng là không đồng ý đảng lãnh đạo thì vào tù. Thế thôi, ở cái nước này người ta có cần gì đâu”.

Đảng không hề lắng nghe dân

 Lãnh đạo Đảng CSVN luôn cho rằng, những việc đảng làm đều thể theo nguyện vọng của nhân dân, thế nhưng đa số người dân Việt Nam không hề có một chút quyền hành nào tham gia vào công việc của đảng. Đôi khi người dân còn bị lợi dụng để hợp thức hóa tính chính danh của đảng, qua việc kêu gọi góp các dự thảo văn kiện đại hội đảng, mỗi năm năm một lần, bởi vì hầu hết các ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, đều không được đảng lắng nghe.

Hơn ba tháng trước, trong một buổi hội thảo “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng”, GS Đào Xuân Sâm, nguyên trưởng khoa quản lý kinh tế Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, hiện là chuyên gia tư vấn Ban nghiên cứu Thủ tướng, đã phát biểu về việc góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng như sau:
“Chúng ta nói đây là nói với nhau thôi chứ biết rằng những người biên tập, làm văn kiện không nghe đâu, mà có nghe cũng không sửa được đâu. Biết cái đó cũng rất là đau, mà cũng phải nói. Cái thứ hai là, phải nói với nhau vậy, tâm sự với nhau vậy, chúng ta còn mất quyền nói to hơn nữa, nói với quốc dân. Không được lên tiếng với quốc dân.
Cấm! Tức là Ban Bí thư cấm, Ban Tuyên huấn cũng ra thông tin cấm. Thế thì ghê gớm quá. Thôi nhưng mà biết vậy, cho nên có khi là chúng ta phải nói với nhau và như tôi nghĩ đó là chúng ta phải nói để người sau, lớp sau trẻ hơn chúng ta, gửi gắm lại cho đời sau”.
GS Nguyễn Đăng Hưng, một người đã nhiều lần được đảng mời gọi góp ý, viết trên blog của ông như sau: “Bắt đầu từ Đại Hội X, tôi quyết định không gởi văn thư đóng góp ý kiến nữa, tuy tôi đã từng được trực tiếp nhắc nhở từ một vài nhân vật quen thân có mặt trong Mặt Trận Tổ Quốc TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, Đà Nẵng…
Lý do đơn giản là tôi nhiều lần trong dịp Đại hội Đảng trước đây, từ Bỉ gởi thư góp ý kiến thông qua Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, khi thì cấp Trung Ương Hà Nội khi thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không lần nào tôi có được hồi âm! Một tín hiệu nhỏ cho hay ‘đã nhận được thư góp ý’ của cơ quan chức năng cũng không có, chứ đừng nói đến việc ý kiến tâm huyết của mình đã đi đến đâu, đã được xem xét ra sao. Mỗi lần tôi có cảm giác là ý kiến của mình bị rơi vào không gian trống không, vô tận”.

Ai giao cho đảng cầm quyền ?

Trong khi Đảng CSVN luôn cho rằng, vai trò lãnh đạo của đảng hiện nay là hợp pháp, thế nhưng trên thực tế, người dân Việt Nam chưa bao giờ có được cái quyền đi bầu những người lãnh đạo mình. 
Cũng tại hội thảo góp ý văn kiện đại hội đảng, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã đặt vấn đề về vai trò lãnh đạo của đảng. Ông Vũ Quốc Tuấn phát biểu: “Một là xác định cho rõ hơn nữa vai trò lãnh đạo của đảng. Và chúng ta nói rằng đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền là thế nào? Cầm quyền của ai? Ai giao cho anh cầm cái quyền đó mà anh cầm quyền”?  Ai đã giao cho đảng CSVN cái quyền mà họ đang cầm? Qua các trang hồi ký của các chứng nhân lịch sử để lại như “Một cơn gió bụi” của sử gia Trần Trọng Kim, “Hồi ký Phạm Duy” của nhạc sĩ Phạm Duy, “Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, cũng như hồi ký của nhiều nhân chứng lịch sử khác, đã cho thấy, tháng 8 năm 1945, đảng CSVN cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim. Kể từ đó, đảng đã giành quyền lãnh đạo đất nước, giành quyền lãnh đạo người dân một cách bất hợp pháp, bởi không do đại đa số người dân Việt Nam bầu lên.
GS Trần Phương đã cho biết như sau: “Cuối cùng là Đảng làm hết, mà Đảng không chịu trách nhiệm. Ông quyết đủ mọi thứ nhưng ông có chịu trách nhiệm trước dân đâu, mà dân có bầu ông ra đâu nhỉ”?
Mới đây, khi bị đặt vấn đề về chia sẻ quyền lực thông qua đa đảng, lãnh đạo Đảng CSVN đã tự khẳng định rằng, Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng.
Ông Hà Văn Thịnh, giảng viên trường ĐH Huế đã nói:“Tôi nghĩ rằng điều đó không đúng, bởi vì nếu muốn khẳng định rằng đó là tâm nguyện của nhân dân Việt Nam thì phải trưng cầu dân ý thì mới biết được. Nếu không thì tôi không biết, mà đảng cũng không biết, và chẳng ai biết rằng nhân dân thích gì cả. Vậy  nếu muốn nói một cách sòng phẳng, khoa học và thực tế, thì phải trưng cầu dân ý”.
Đảng CSVN luôn khẳng định, đảng là đại diện hợp pháp cho quyền lợi của dân, nhưng trên thực tế, rất nhiều chủ trương, chính sách của đảng không thể hiện ý nguyện của người dân.
Một trong những chủ trương đi ngược lại ý nguyện của đa số người dân Việt Nam là dự án khai thác boxit ở Tây Nguyên. Trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam nói rằng, đây là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”, thế nhưng, dự án này đã bị mọi tầng lớp nhân dân phản đối, thông qua các tranh luận, kiến nghị, góp ý liên tục từ khi dự án này ra đời cho đến nay.
Vậy thì, Đảng CSVN vẫn tiếp tục giành lấy quyền lãnh đạo đất nước, liệu đây có phải là ý nguyện của người dân hay không? Đảng vẫn chưa muốn từ bỏ quyền lãnh đạo, có phải để phục vụ nhân dân? Có lẽ đa số người dân Việt Nam đều có câu trả lời chính xác.

No comments:

Post a Comment