Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, February 17, 2011

Xe tăng tiến vào thủ đô Bahrain

Các nhà lãnh đạo vương quốc Bahrain cấm người dân tụ tập, điều xe tăng vào thành phố, xiết mạnh các biện pháp trấn áp người biểu tình chống chính phủ. Trong khi đó hàng nghìn người tiếp tục biểu tình ở Libya và Yemen.
Quốc gia nhỏ Bahrain có vị trí quan trọng ở Trung Đông bởi đó là nơi đặt tổng hành dinh Hạm đội 5 của Mỹ. Tại đây, căng thẳng đã âm ỉ nhiều năm qua giữa đa số người Hồi giáo Shiite với giới lãnh đạo thiểu số chủ yếu thuộc hệ phái Sunni.

Sáng sớm nay, sau vài ngày cho phép cộng đồng đa số Shiite biểu tình ở thủ đô Manama, giới chức Bahrain đã điều cảnh sát dã chiến tới trấn áp khu trại của người biểu tình ở quảng trường Pearl. Cảnh sát phun hơi cay, đánh đập người biểu tình hoặc bắn họ bằng súng săn. Khoảng 200 người đã bị thương và 5 người chết. Như vậy, kể cả hai người thiệt mạng hôm thứ hai, tổng số người chết trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bahrain lên đến 7.
Việc chính phủ Bahrain sẵn sàng sử dụng bạo lực chống người biểu tình cho thấy mức độ lo ngại sâu sắc của những người cầm quyền, rằng kịch bản lật đổ chính phủ như ở Tunisia và Ai Cập có thể lặp lại.
Trong tuyên bố trước công chúng về vụ trấn áp, ngoại trưởng Bahrain nói ông lấy làm tiếc về tình trạng bạo lực, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải trừng trị những người biểu tình bởi cho rằng họ đang đẩy đất nước đến "bờ vực của sự chia rẽ phe phái".
Nhiều người biểu tình bị tấn công khi họ đang ngủ, bởi lúc đó là 3 giờ sáng. Phẫn nộ, họ tập trung tại một bệnh viện và hô to: "Chế độ này phải sụp đổ"; xé ảnh của nhà vua Hamad bin Isa Al Khalifa. Cha của một người biểu tình thiệt mạng bày tỏ rõ quyết tâm xuống đường. "Chúng tôi giờ đây đầy tức giận. Thời của Al Khalifa đã hết", AP dẫn lời người này nói.
Mỹ bày tỏ sự e ngại trước việc Bahrain trấn áp biểu tình bằng bạo lực. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton kêu gọi Bahrain ghi nhận "sự lo lắng sâu sắc" của Washington và đề nghị kiềm chế. Những lời phê phán việc Bahrain dùng bạo lực cũng bay đến từ Anh, EU và Tổ chức Giám sát nhân quyền quốc tế.
Người biểu tình ở Bahrain, quốc gia có 500.000 dân, có hai yêu cầu cơ bản. Một là hoàng gia và chính phủ từ bỏ đặc quyền dành cho người Sunni kiểm soát tất cả các vị trí trọng yếu. Hai là cải thiện tình trạng nghèo khổ của đa số người Shiite - chiếm đến 70% dân số, xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử chống người Shiite, để người Shiite được tự so ứng cử vào các cơ quan công quyền và quân đội. Ngoài ra, họ đòi chính phủ tạo thêm việc làm, thả các tù nhân chính trị, bỏ hệ thống công nhận quyền công dân Bahrain cho tất cả người Hồi giáo Sunni ở Trung Đông.
Người Sunni đã trị vì ở quốc gia này liên tục khoảng 200 năm nay và nhận được sự hậu thuẫn của nhiều chính phủ ở vùng Vịnh Persian.
Với sự mạnh tay của chính phủ, toàn bộ thủ đô Manama tê liệt. Lần đầu tiên kể từ khi biểu tình nổ ra, xe tăng và xe bọc thép được điều vào thành phố, các điểm kiểm soát quân sự mọc lên. Bộ Nội vụ cảnh báo người dân không được ra đường thông qua tin nhắn điện thoại di động. Ngân hàng và công sở đóng cửa, công nhân ở nhà bởi họ hầu như không dám hoặc không thể qua được các trạm kiểm soát của quân đội.
Quốc hội Bahrain họp phiên khẩn cấp hôm nay. Một nghị sĩ ủng hộ chính phủ òa lên khóc. Một thủ lĩnh phe đối lập cho biết có 18 nghị sĩ đã từ chức để phản đối việc trấn áp người biểu tình.
Trong khi đó, hàng nghìn người Yemen đã bất chấp lời kêu gọi bình tĩnh của quân đội, vẫn xuống đường biểu tình chống chính phủ, họ tuần hành trên đường phố thủ đô Sanaa, đụng độ với cảnh sát và những người ủng hộ chính quyền.
Hôm nay là ngày thứ bảy của cuộc biểu tình ở thủ đô Sanaa và các thành phố khác của Yemen. Người biểu tình đòi tổng thống Ali Abdullah Saleh, cầm quyền 32 năm qua và là đồng minh của Mỹ, từ chức. Yemen là quốc gia nghèo nhất thế giới Ảrập, tình trạng nghèo đói và tham nhũng tràn lan. Lời hứa của Saleh rằng sẽ không ra tranh cử năm 2013 và không tìm cách đưa con trai lên nắm quyền đã không làm dịu được nỗi tức giận của người biểu tình.
Tại Libya, người biểu tình đòi lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi xuống đường tại 5 thành phố, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng an ninh. Có thông tin cho hay ít nhất 20 người đã chết trong hai ngày đụng độ với cảnh sát và các nhóm thân chính phủ. Tại thủ đô Tripoli, những người ủng hộ chính phủ đã xuống đường chống biểu tình.
Làn sóng biểu tình chống chính phủ khắp Bắc Phi và Trung Đông, được tiếp sức bởi sự ra đi của các tổng thống Tunisia và Ai Cập, đang diễn ra mạnh mẽ. Mỹ tuyên bố ủng hộ một số cuộc biểu tình hòa bình như ở Iran, Ai Cập, trong khi Nga lên tiếng cảnh báo rằng những diễn biến ở khu vực này cần được xem xét thận trọng. Sau Tunisia và Ai Cập, cho đến nay, cơn địa chấn Trung Đông đã động chạm đến Bahrain, Yemen, Iran, Libya, Jordan, Algeria.

No comments:

Post a Comment