Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, February 25, 2011

Việt Nam chuẩn bị đối phó ‘Cách Mạng Hoa Nhài?’

Công an diễn tập chống biểu tình ở Bình Thuận


PHAN THIẾT (NV)
- Bộ Công An Việt Nam vừa mở một cuộc diễn tập chống biểu tình của dân chúng tại thành thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào sáng 23 tháng 2, năm 2011.


Báo Công An Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ Công An Việt Nam, cho biết cuộc diễn tập đã huy động hơn 500 sĩ quan và binh lính thuộc các lực lượng nghiệp vụ và công an các huyện, thị đặt dưới sự thị sát của Trung Tướng Trần Ðại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, thứ trưởng Bộ Công An cùng nhiều lãnh đạo cao cấp của tỉnh Bình Thuận và các tổng cục, cục nghiệp vụ của Bộ Công An, công an các tỉnh, thành khu vực miền Ðông Nam Bộ.

Tình huống mà cuộc diễn tập đưa ra là “Biểu tình, phá rối an ninh trật tự tại cổng trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh.”

Như vậy, cuộc diễn tập này không phải chỉ là chuyện tập huấn của riêng của ngành an ninh tỉnh Bình Thuận mà có thể là buổi huấn luyện mở đầu cho một kế hoạch đối phó với quần chúng trên cả nước nếu người dân nổi lên chống đối chế độ.

Trung Tướng Trần Ðại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, thứ trưởng Bộ Công An và các đại biểu dự buổi diễn tập ở Bình Thuận. (Hình: CAND)
Vẫn theo báo Công An Nhân Dân, cuộc diễn tập chống cuộc biểu tình tập thể của quần chúng có cả các biện pháp cứng rắn để đối phó. Bản tin không nói rõ ra nhưng người ta hiểu có thể gồm cả sự đàn áp bằng súng đạn, đổ máu.

Hiện hai thành phố lớn với dân số nhiều triệu người như Hà Nội và Sài Gòn, mỗi nơi đều có một trung đoàn Cảnh Sát Cơ Ðộng, mỗi tỉnh dân số ít hơn có một tiểu đoàn Cảnh Sát Cơ Ðộng. Mỗi tiểu đoàn khoảng 250 người được võ trang đầy đủ để đối phó với biểu tình, bạo loạn.

Không ai biết đích xác tổng số nhân sự công an, cảnh sát là bao nhiêu người. Một số người ước đoán con số khoảng 150 ngàn từ thành thị đến thôn quê mà riêng lực lượng cảnh sát Cơ Ðộng đã có 6 trung đoàn cộng thêm 3 tiểu đoàn Cảnh Sát Ðặc Nhiệm.

Bộ Công An là một có một hệ thống tổ chức cồng kềnh, lớn nhất trong số các bộ ở Việt Nam. Bộ này có tới 10 thứ trưởng và khoảng gần 100 tổng cục và cục khác nhau.

Không phải vô tình mà có cuộc diễn tập chống biểu tình ở Bình Thuận. Các cuộc biểu tình kéo dài ở Trung Ðông đã làm sụp đổ nhà cầm quyền độc tài ở Tunisia, Ai Cập và hiện nay đang diễn ra ở Libya, Bahrain, Yemen có thể làm nhà cầm quyền Hà Nội đề cao cảnh giác.

Tuy các hệ thống chính trị khác nhau, văn hóa xã hội và kinh tế khác nhau giữa các nước Trung Ðông và Việt Nam, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là đại đa số quần chúng sống trong cùng khổ trong khi tầng lớp thống trị sống xa hoa. Tầng lớp thống trị có tính cách bè đảng, độc tài, cha truyền con nối, thu gom hết quyền lợi kinh tế và chính trị.
Lực lượng Cảnh sát Cơ động trong lễ diễu binh mừng Ngày Truyền Thống của lực lượng CAND. (Hình: CAND)
Tất cả những ai kêu gọi cải cách, trả lại các quyền tự do căn bản cho nhân dân đều bị khủng bố, tù tội. Guồng máy thống trị tồn tại nhờ một hệ thống công an cảnh sát vừa to lớn, vừa được nuông chiều để đàn áp nhân dân.

Trong năm qua, tại Việt Nam, hơn một chục người đã bị công an đánh chết hoặc bắn chết trái với chính luật lệ của chế độ. Dù vậy, tất cả các vụ việc này đều cho chìm xuồng. Một số cuộc biểu tình của dân chúng đã xảy ra nhưng rồi không đi tới đâu.

Hồi tháng 11 năm 2010, một cuộc diễn tập qui mô “chống khủng bố” trên sông Hồng ở Hà Nội được tổ chức dưới sự quan sát của bộ trưởng Công an, bộ trưởng Quốc Phòng. Cuộc diễn tập này có cả các ca nô, trực thăng với sự tham dự của nhiều ngành khác nhau lên đến một ngàn người.

Nay thì cuộc diễn tập đang hướng về đối phó với quần chúng “bị kẻ xấu kích động, lợi dụng vào việc quấy rối.”
Cảnh sát Cơ động đánh dân ở Hải Phòng ngày 6 tháng 10, 2009 chỉ hai tháng sau khi thành lập Tiểu Ðoàn CSCÐ ở Hải Phòng. (Hình: TTVNOL)
Tin tức thời sự mới nhất cho thấy các cuộc biểu tình tự phát của quần chúng đã lan từ Trung Ðông tới Ấn Ðộ. Cả trăm ngàn người đã biểu tình ở thủ đô New Delhi để phản đối vật giá gia tăng. Bao giờ thì tới Việt Nam? Một số bloggers Việt Nam đã đặt câu hỏi này. (TN)

No comments:

Post a Comment