Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 1, 2011

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam không chạy đua vũ trang

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam không chạy đua vũ trang
Ảnh minh họa- Nguồn: baodatviet.vn

Báo Thanh niên vừa có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh về những bối cảnh ngoại giao- quốc phòng. Thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, diễn biến an ninh khu vực từ cuộc hội nhập sâu rộng của đất nước vào đời sống quốc tế… đã trở thành những chủ đề thảo luận sôi nổi của đông đảo giới trẻ Việt Nam.
Lý giải điều này như thế nào? Từ hàng ngàn năm nay, sự tồn tại của dân tộc ta đã là kết quả của một quá trình kháng cự đi đôi với tiếp biến không ngừng trước những sức ép từ  bên ngoài, thường là từ những thế lực hơn gấp nhiều lần về sức mạnh vật chất. Thế kỷ XXI – thế kỷ tăng tốc của toàn cầu hóa chưa bao giờ chúng ta có nhiều thuận lợi như thế dể chứng minh mình là một dân tộc không chỉ biết chiến đấu mà còn biết kiến thiết hòa bình và thịnh vượng, bình đẳng cùng các quốc gia khác. Nhưng càng trân trọng giá trị của hòa bình bao nhiêu, người Việt càng nhạy cảm với những biến động khó lường của môi trường quốc tế ngày nay bấy nhiêu, đặc biệt là trước tham vọng can dự nhiều hệ lụy của các siêu cường hiện hữu hay đang hình thành. Sự quan tâm lo lắng, thái độ bồng bột của một bộ phận xã hội, thể hiện rõ nhất ở tầng lớp thanh niên, phải được hiểu như là sự trỗi dậy của ý thức công dân mạnh mẽ mà có lúc, có người tưởng đã phai nhạt, hay nói rộng hơn đó chính là sự tuôn chảy liên tục, khi mạnh mẽ khi trầm sâu, của dòng máu yêu nước trong huyết quản mỗi con người Việt Nam.

Báo Thanh Niên đã cuộc trao đổi với trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, xoay quanh bối cảnh đầy những sự kiện ngoại giao – quốc phòng của năm vừa qua và ý nghĩa lâu dài của nó với sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tương lai.     


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Thanh niên
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Thanh niên


Công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam được đánh giá từ trong và ngoài nước là đã có một năm 2010 đầy thành công. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong triển khai chiến lược quốc phòng nói chung của Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Công tác đối ngoại quốc phòng đã được đặt ra ngay từ những năm đầu đổi mới, đến nay đã gần 20 năm, trong đó chúng ta đã phát triển từng bước vững chắc, hiệu quả nhằm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng quân sự của đất nước. Tuy nhiên năm 2010 có ý nghĩa rất đặc biệt khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Với sự phát triển chung của đất nước, vị thế, vai trò của quân đội cũng được nâng cao và công tác đối ngoại quốc phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật. Có thể nói 2010 là năm hội tụ kết quả của gần 20 năm phát triển đối ngoại quốc phòng từ khi bắt đầu đổi mới.

Cụ thể, chúng ta đã tái bản Sách trắng Quốc phòng với nội dung đáp ứng được sự phát triển của tình hình cũng như yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Sách trắng Quốc phòng lần này có 2 điểm nổi bật: Thứ nhất, có độ công khai, minh bạch cao, thể hiện sự tự tin và minh bạch của đất nước về quốc phòng; Thứ hai, chúng ta đã trình bày rõ ràng chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, trên tình hình độc lập tự chủ, bảo vệ Tổ quốc dựa trên sức mình là chính, sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước để xây dựng khu vực hòa bình ổn định, đóng góp cho sự phát triển chung của thế giới.

Với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, chúng ta đã tăng cường quan hệ hợp tác song phương, nhất là các nước bạn bè cũ, các nước láng giềng; chủ động tham gia các diễn đàn đa phương như ARF, ADMM, Shangri-la…Trên các diễn đàn này, chúng ta chủ động trình bày chính sách quốc phòng của đất nước, thể hiện mong muốn hòa bình và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình; mong muốn khu vực ổn định và phát triển; công khai, minh bạch, chủ động đề xuất các biện pháp giải quyết những khác biệt như tranh chấp lãnh thổ, các thách thức an ninh phi truyền thống…

Những thành tựu trong đối ngoại quốc phòng của chúng ta đã tăng cường xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực, hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và xung đột vũ trang. Đây là kết quả rất quan trọng nhằm đạt được mục tiêu của chiến lược quốc phòng là bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường hợp tác mà sức mạnh quốc phòng Việt Nam được tăng cường, không chỉ thể hiện qua việc tăng cường sức mạnh quân sự mà là sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân. Đối ngoại quốc phòng đã góp phần nâng cao vị thế của quân đội và của đất nước, qua đó tăng cường thế trận quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Thành tựu quan trọng nhất là đối ngoại quốc phòng đã góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước thông qua kết hợp giữa quốc phòng và ngoại giao, thực hiện chiến lược tối ưu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc mà không cần đến chiến tranh.

Năm qua, vấn đề biển Đông được đề cập trong nhiều diễn đàn quốc tế. Theo Thứ trưởng, chúng ta nhận thức như thế nào về việc bảo vệ được chủ quyền nhưng vẫn giữ được hòa hiếu trong giải quyết vấn đề này?


Tàu hải quân Việt Nam. Ảnh minh họa
Tàu hải quân Việt Nam. Ảnh minh họa


Trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, chúng ta cần có thái độ rõ ràng, minh bạch, đồng thời bình tĩnh xác định rõ hai mục đích sống còn phải bảo vệ bằng được. Trước hết là chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển Đông – đó là tài sản vô giá do tổ tiên ta để lại hàng nghìn năm nay, làm sao để một nghìn năm sau con cháu không trách chúng ta tại thời điểm này đã không giữ được trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Thứ hai là hòa bình, đó cũng là thứ không gì có thể đánh đổi được, Do đó, không thể nói bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà bất chấp tất cả, coi nhẹ hòa bình; hoặc vì hòa bình mà đánh mất chủ quyền lãnh thổ. Nhưng trước hết muốn có hòa bình thì phải giữ được chủ quyền lãnh thổ và độc lập tự chủ của đất nước – như lời Bác Hồ đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Vấn đề đặt ra là chúng ta giữ hòa bình bằng cách nào, nhất là khi xử lý các vấn  đề tranh chấp trên biển Đông? Trong lịch sử  dựng nước và giữ nước của cha ông ta, kế sách bảo vệ Tổ quốc thứ nhất là đánh thắng, thứ hai  là không đánh mà thắng. Chính sách quốc phòng của chúng ta hiện nay đang nhằm vào cái không đánh mà thắng. Trước hết cần kiên trì chủ trương xử lý các vấn đề trên biển Đông bằng các biện pháp quốc tế. Tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước đang có tranh chấp. Không thể bàn về lợi ích một cách bình đẳng, cùng có lợi nếu không có quan hệ hòa hiếu, hiểu biết lẫn nhau.

Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước hết chúng ta phải công khai, minh bạch chủ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam và khẳng định quyết tâm bảo vệ những lợi ích đó. Bên cạnh dó cần tích cực xây dựng tiềm lực quốc phòng mạnh và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Chúng ta không chủ trương sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực với các nước khác, nhưng chúng ta cũng không thể đàm phán với hai tay không mà phải khẳng định có đủ khả năng và đủ quyết tâm bảo vệ Tổ quốc khi bị xâm lược. Khi đó mới có thể ngồi vào bàn đàm phán một cách bình đẳng và tự tin.

Thời gian qua, việc Việt Nam nâng cấp, trang bị vũ khí liệu có khả năng tạo ra dư luận về cuộc chạy đua vũ trang mới đang tiềm ẩn trong khu vực không, thưa Thứ trưởng?

Việc hiện đại hóa quân đội nhằm đáp ứng các nhu cầu phòng thủ theo lộ trình phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, thể hiện tinh thần hòa bình, tự vệ trong chính sách quốc phòng của nước ta. Thời gian qua, Việt Nam đã mua sắm một số vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu có tính năng ưu việt hệ thống tên lửa phòng không mạnh, các tàu tuần tiễu tàu ngầm hiện đại… nhưng Việt Nam không chạy đua vũ trang, chúng ta bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của đất nước. Chúng ta đã công khai, minh bạch chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, trong đó khẳng định việc mua sắm vũ khí trang bị là một vấn đề hết sức bình thường, trên cơ sở khả năng kinh tế phát triển đến đâu, chúng ta mua sắm trang bị đến đó.

Tuy nhiên, đối với khu vực, chạy đua vũ trang thực sự là một nguy cơ cần đề phòng và ngăn chặn. Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của các nước trong khu vực đều tăng, có những nước tăng nhanh hơn bình thường, Việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự phản ánh chiến lược quốc phòng quân sự của các nước. Khi chúng ta trang bị các loại vũ khí, thiết bị quân sự có tính chất phòng thủ, tự vệ là chính, phù hợp với tiềm lực kinh tế của mình thì không thể gọi là chạy đua vũ trang. Ngược lại, khi một nước mua sắm vũ khí, trang bị quân sự một cách bất thường, có tính năng tấn công tầm xa, vươn ra ngoài phạm vi địa lý thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình, chắc chắn sẽ gây lo ngại từ các nước khác và có thể dẫn đến chạy đua vũ trang. Ở đây cũng cần nhấn mạnh là chỉ có một số ít các nước trên thế giới có khả năng và tham vọng để thực hiện những việc như vậy.

Việc các cường quốc cùng quan tâm và muốn can dự vào Châu Á – Thái Bình Dương, Đông Á, Đông Nam Á sẽ đặt các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước nhỏ, trước những vấn đề gì trong việc giữ vững chủ quyền của mình?

Việc các nước lớn cùng quan tâm và muốn can dự vào khu vực, trước hết chứng tỏ được vị thế và giá trị địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế, môi trường ổn định và tiềm năng phát triển lớn của khu vực, và cùng với nó vị thế, vai trò của từng nước trong khu vực cũng được nâng lên. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực sẽ tranh thủ đươc sự hổ trợ về tiềm lực đầu tư, kinh nghiệm, tri thức từ các nước lớn trong điều kiện các bên cùng có lợi để một mặt đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống.

Việc các cường quốc cùng quan tâm và muốn can dự  vào Châu Á – Thái Bình Dương tạo thuận lợi cho các nước đang phát triển trong khu vực bảo vệ  độc lập và chủ quyền. Trước hết, sự  tham gia của các cường quốc thể hiện xu thế chính của khu vực và thế giới là hòa bình, ổn định, hợp tác, trong điều kiện như vậy, các nước nhỏ có nhiều khả năng giữ vững độc lập và chủ quyền hơn. Mặt khác, với sự tham gia của nhiều cường quốc nhưng không nước nào chiếm ưu thế áp đảo nên vai trò, vị thế của các nước nhỏ tăng lên, tính bình đẳng trong quan hệ quốc tế được nâng cao, có tác dụng tích cực trong bảo vệ độc lập và chủ quyền. Việc các nước nhỏ tập hợp trong ASEAN có thế giữ vai trò chủ đạo trong các thể chế khu vực như ADMM+, ARF, EAS… là những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, xu thế này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nước nhỏ, đang phát triển. Nếu các nước này không vững vàng thì dễ bị lôi về một phía; dễ mất độc lập, tự chủ. Mặt khác, sự can dự của các cường quốc đòi hỏi các nước nhỏ phải tỉnh táo trong quan hệ với các đối tác nhất là các cường quốc trên những vấn đề mà các bên có quyền lợi mâu thuẫn nhau.

Như vậy, việc các cường quốc can dự vào khu vực tạo ra cả cơ hội và thách thức để phát triển, bảo vệ chủ quyền của các nước nhỏ trong khu vực. Để nắm bắt các cơ hội và vượt qua thách thức, các nước nhỏ phải giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế, hơn thế nữa cần tăng cường hợp tác với nhau và với các cường quốc để bảo vệ các lợi ích chung theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Đối với Việt Nam, điều quan trọng nhất để có  thể tận dụng các thuận lợi này là kiên định đường lối độc lập tự chủ trong quan hệ đối với từng nước, đồng thời tham gia giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong mọi mô hình hợp tác khu vực. Trong đó độc lập tự chủ là quan trọng nhất, Việt Nam không ngả về bên nào, không cùng với nước nào chống nước kia, không tham gia vào những “trò chơi quyền lực” của các nước lớn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng! 

No comments:

Post a Comment