Bộ Tài chính Việt Nam chính thức quyết định cho tăng giá bán xăng, kể từ 10 giờ sáng ngày 24/2 lên mỗi lít từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng.Việc một mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế tăng giá với biên độ khá lớn cộng với việc giá điện cũng sẽ tăng hơn 15% tuần tới, chắc chắn sẽ tạo ra những biến động trong nền kinh tế.
Vũ Hoàng có buổi trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả để tìm hiểu những vấn đề kinh tế xoay quanh chính sách quan trọng này của Chính phủ Việt Nam.
Buộc phải tăng
Vũ Hoàng: Tại sao giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới nhiều, Chính phủ vẫn trợ giá, mà đến thời điểm này mới tăng giá?
TS Ngô Trí Long: Trong bối cảnh tình hình lạm phát leo thang, cho nên Chính phủ chưa muốn tăng giá, lý do thứ nhất là như vậy. Xăng là một nguyên liệu đầu vào, vì là nguyên liệu đầu vào nên khi xăng tăng sẽ tác động dây chuyền đến tất cả những mặt hàng khác.
Lý do thứ hai, trước Tết Nguyên đán, thường là tâm lý để an dân cho nên Nhà nước không muốn tăng. Nhưng chính vì những lý do đó mà trong bối cảnh ngân sách chịu đựng rất là lớn, cũng chỉ có khả năng chịu đựng ở một mức độ nhất định.
Chính vì điều kiện đó mà thời gian vừa qua, khi giá xăng dầu thế giới tăng trên 100 đô la, thì buộc Nhà nước phải tăng.
Vũ Hoàng: Vậy theo ông thì nguyên nhân chính của sự tăng giá xăng tại thời điểm này là vì sao?
TS Ngô Trí Long: Hiện nay ở Việt Nam nhà máy dầu Dung Quất mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước thôi, còn lại khoảng 70% xăng dầu phải nhập khẩu, đấy là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai nữa là do hội nhập.
Lý do thứ hai là trong điều kiện hội nhập, thì giá Việt Nam phải hoà nhập với giá thế giới, trong bối cảnh giá thế giới tăng thì giá trong nước phải tăng. Đây là nguyên nhân cơ bản.
Nếu để một cái giá như trước kia, trong thời gian qua thì Nhà nước không đủ khả năng bao cấp bù lỗ cho được. Do cơ chế hoạt động giá của Việt Nam là theo cơ chế giá thị trường.
Vũ Hoàng: Ngoài những yếu tố trên thì việc tăng giá xăng với biên độ khá lớn kỳ này cũng có phần bắt nguồn từ quỹ bình ổn đã cạn kiệt?
TS Ngô Trí Long: Thứ nhất là do quỹ bình ổn đã cạn kiệt rồi, không còn đủ lực để bù đắp lại phần Nhà nước đã bao cấp. Thứ hai là ngân sách cũng bội chi rất lớn mà đồng thời khả năng chịu đựng của ngân sách Nhà nước cũng có hạn.
Chính vì hai lý do đó, mà buộc Nhà nước phải điều chỉnh tăng giá xăng dầu lần này.
Những tác động…
Vũ Hoàng: Vâng, cũng liên quan đến vấn đề tỷ giá mà Chính phủ mới điều chỉnh thì theo ông tác động của đồng Việt Nam mất giá ảnh hưởng đến chuyện nhập khẩu xăng dầu ra sao, thưa ông?
TS Ngô Trí Long: Dù chưa điều chỉnh tỷ giá thì giá, thì giá xăng bán vừa rồi của Việt Nam vẫn còn thấp hơn thế giới rất nhiều, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Nhưng do điều chỉnh tỷ giá vừa rồi 9,3% nên cộng thêm vào đó, nên nó làm cho đồng tiền Việt Nam mất giá, nên chính vì vậy làm cho giá xăng tăng lên.
Vũ Hoàng: Lúc nãy ông có đề cập là cơ chế giá xăng dầu Việt Nam vận động theo cơ chế thị trường. Vậy thì ông đánh giá thế nào về cơ chế giá mà Chính phủ đang áp dụng cho mặt hàng xăng dầu hiện nay ạ, nhất là trong điều kiện tuần tới giá điện cũng sẽ tăng hơn 15%?TS Ngô Trí Long: Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh giá xăng dầu như thế này, chứng tỏ sự điều hành của các cơ quan chức năng hoàn toàn chưa thích ứng với cơ chế giá thị trường.
Đáng lý anh muốn điều hành theo cơ chế giá thị trường, anh phải điều hoà nhịp nhàng khi lên khi xuống với giá thị trường, nhưng để cả một quá trình rất lâu dài, dồn nén rất lớn, tạo ra một sự điều chỉnh tăng quá lớn chắc chắn tác động đến các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng rất lớn. Đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều nhân tố tác động đến lạm phát, tất cả các mặt hàng giá tăng lên rất mạnh, trong khi đó giá xăng dầu tăng rất cao như vậy, lại cộng với quỹ bình ổn là hoàn toàn bất ổn không nên. Chỉ thu quỹ bình ổn trong điều kiện giá thế giới đang hạ, thì giữ nguyên mức đó để thu, thì đỡ tạo tâm lý một cú sốc.
Bây giờ trong bối cảnh thế giới đang tăng, đồng thời lại tăng lên cùng giá thế giới, cộng với quỹ bình ổn làm cho biên độ tăng giá rất là cao. Mà biên độ tăng giá rất là cao, thì sẽ tác động đến tất cả các mặt khác vì đây là một loại nguyên liệu quan trọng, chiến lược, là nguyên liệu đầu vào của rất nhiều các hoạt động, cho nên sẽ tác động đến CPI của Việt Nam trong thời gian tới.
Vũ Hoàng: Quay lại một chút với quỹ bình ổn xăng dầu ạ. Các doanh nghiệp xăng dầu trích 300 đồng/lít xăng vào quỹ bình ổn. Vậy khi giá xăng dầu lên thì việc đóng góp vào quỹ bình ổn này có khả năng tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp?
TS Ngô Trí Long: Theo quan điểm của tôi, sử dụng quỹ bình ổn trong bối cảnh giá thế giới tăng cao, thì Nhà nước sẽ dùng quỹ này để bù lỗ, có nghĩa là để giảm bớt, làm cho giá thấp đi để doanh nghiệp cũng như những người tiêu dùng bớt thiệt thòi.
Nhưng trên thực tế sử dụng quỹ bình ổn như hiện nay, giá xăng tăng lên 2,900 và bối cảnh giá thế giới đang tăng cao thì tôi nghĩ chưa thực sự hợp lý. Chỉ hợp lý khi thu quỹ bình ổn, trong bối cảnh giá thế giới đang hạ, theo nguyên tắc, khi giá thế giới đang hạ, thì giữ cái giá đó, thông qua đó để thu lại tiền của quỹ bình ổn.
Trong bối cảnh giá thế giới đang tăng, mà nhiều mặt hàng khác trong nước, chẳng hạn như điện và một số nhân tố khác đang tác động đến mà rồi lại cộng thêm quỹ bình ổn, thì tôi nghĩ làm như thế sẽ gây ra một sức chịu đựng quá lớn cho các doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.
Vũ Hoàng: Vâng, vẫn liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu thì báo chí cũng đề cập đến chuyện người tiêu dùng bị gián tiếp đóng vào quỹ này thông qua phần đóng góp của doanh nghiệp, thì ông đánh giá ra sao?
TS Ngô Trí Long: Theo tôi hiện nay quỹ bình ổn cũng có rất nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. Có ý kiến chưa đồng tình, vì khi sử dụng quỹ bình ổn là phải lấy từ phía doanh nghiệp, chứ không phải người tiêu dùng, mà lại lấy từ người tiêu dùng bù đắp lại cho họ thì không đúng.
Sẽ còn tăng nữa?
Vũ Hoàng: Thời điểm hiện nay xăng dầu tăng 2,900 đồng/lít, ông có nghĩ còn khả năng nào để xăng dầu có thể sẽ điều chỉnh giá lên trong thời gian tới không?
TS Ngô Trí Long: Trong bối cảnh hiện nay, khi chính phủ dự tính tăng 2,900, thì Chính phủ cũng đã cân nhắc tính toán rất là nhiều. Có nghĩa là vẫn đảm bảo được lợi nhuận, đủ bù đắp được hoạt động của các doanh nghiệp.
Còn hiện nay Nhà nước có thể tăng giá xăng dầu nữa hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới vì 70% xăng dầu của Việt Nam là nhập khẩu xăng dầu thế giới.
Hơn nữa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, thì giá trong nước chỉ hoà đồng với giá thế giới không có gì khác biệt, việc tăng hay giảm phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược và giá xăng dầu hiện nay trên thế giới rất biến động, điển hình là cuộc chiến ở Libi đang xảy ra chắc chắn sẽ có những biến động đến giá cả nhiều hơn nữa. Vậy ông đánh giá thế nào về những biện pháp phòng chống rủi ro của thị trường xăng dầu, chẳng hạn như tham gia các thị trường phái sinh tài chính?
TS Ngô Trí Long: Hiện nay ở Việt Nam điều đó hoàn toàn mới, đang tiệm cận, Việt Nam nên sử dụng thị trường phái sinh để chống rủi ro về giá. Hiện nay các công cụ bình ổn thì Nhà nước đã sử dụng đến thuế mà thuế đã là 0% rồi, không còn nguồn nào khác nữa và cũng không thể lấy ngân sách nữa.
Cho nên với công cụ phái sinh, Việt Nam đang tiệm cận và phải thực hiện thì mới có khả năng đề phòng được rủi ro về giá.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông rất nhiều đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này!
No comments:
Post a Comment