Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 15, 2011

SàiGòn ngày cúng đất

SÀI GÒN - Sau mấy ngày ăn Tết, một năm mới bắt đầu bằng việc cúng Trời Ðất. Ai nấy đều mong cho bản thân, gia đình, chuyện học hành, làm ăn được mọi điều may mắn, hanh thông, phát đạt...

Tục ngữ có câu:
Mồng Chín vía Trời,
Mồng Mười vía Ðất


Trời và Ðất được cúng liên tiếp hai ngày liền.

Cúng Trời thanh tao chỉ gồm hoa quả hương nến, buổi tối bày mâm lễ nhỏ trên chiếc bàn thấp trước nhà cúng ngoài trời.


Chắc Trời bên trên cao xa vòi vọi không ai với tới, còn đất gần gũi dưới chân, dễ dàng chạm đến, gắn bó với các hoạt động trong cuộc sống ngày thường nên lễ Ðất cúng mặn và trọng thể hơn cúng Trời.

Ðất để ở, là chốn buôn bán, nơi gieo cấy, trồng trọt... Ðất cung cấp cho mọi nhu cầu con người. Từ đất sinh ra lương thực, thực phẩm... Ðất làm ăn tạo nên sự hanh thông, thịnh vượng, đất thổ cư khiến gia đình vững chãi, êm ấm...

Do là xứ nông nghiệp chuyên trồng lúa nên ý niệm về đất đai rất quan trọng đối với người VN. Ðặc biệt miền Nam là vùng đất mới hoang vu. Khi đặt bước chân đầu tiên đến ngụ cư, người dân phải cúng tiền chủ, cáo với thần Ðất sự có mặt khai phá của mình. Việc cúng đất đầu năm mới vốn là một nghi lễ quan trọng thủa ban đầu. Ðến nay, đa số dân chúng vẫn cố duy trì tục lệ này.

Cúng đất tại tư gia hay cơ quan, cúng đất ở cửa hàng buôn bán làm ăn hay công ty, cúng tại từng phân xưởng sản xuất... Có chỗ nào cuộc sống không dính líu đến mặt đất để khỏi cúng được.

Mỗi vùng đất đều có thổ địa riêng. Thổ chủ rành rẽ đất đai, gia đạo, đường làm ăn... của nơi mình trấn giữ. Cư ngụ trên mảnh đất nào, con người cũng nên tỏ lòng biết ơn Thổ Ðịa cai quản khu đất đó. Qua Tết cùng lúc là thời điểm bắt đầu gieo hạt cho vụ lúa Xuân Hè. Vì thế việc cúng Ðất xem như lễ cáo với Thổ Ðịa, xin Ông Chủ Ðất, Bà Chủ Ðất phù hộ trước khi mỗi người bắt tay vào công việc của một năm dài trước mắt, đồng thời cũng là chính thức chấm dứt việc ăn chơi Tết nhất.

Năm nay, học sinh và nhân viên đi học, đi làm vào ngày mùng 6. Thông thường mọi năm người sản xuất, mua bán cũng nhân đó khai trương. Các công ty, nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, quán ăn... tùy nghi chọn ngày mở hàng năm mới. Nơi mùng 4, mùng 6, mùng 9... Hoặc có nơi vì thuê mướn nhân công ở tỉnh xa, tàu xe qua Tết khó kiếm nên chọn ngày 10. Ðồng thời mùng 10 cũng là ngày cúng đất nên vừa cùng đất vừa cúng khai trương luôn. Một công đôi việc. Chưa kể có lời bàn mùng 6 năm Tân Mão không phải ngày đại cát nên chọn ngày 10 hay hơn.

Cúng vía Ðất đai đầu năm cũng rượu trà, hoa trái nhưng đặc biệt không thể thiếu cá lóc nướng trui.
Thức cúng cho thấy ngay phong tục của miền Nam có phần ảnh hưởng Khmer. Ðây vốn là món ăn đặc trưng của thời khai hoang khi cuộc sống của di dân giữa thiên nhiên còn thiếu thốn nhiều, cũng là món ăn thường của người Khmer địa phương. Cá bắt được không đánh vảy, mổ bụng, cũng chẳng cần ướp, sau khi rửa sạch, vùi ngay vào đống rơm thui chín. Sau đó, bỏ lớp da cháy ngoài, gỡ lấy thịt chấm muối ớt hoặc mắm nêm ăn với rau lang luộc hay các loại rau dại mọc chung quanh.

Phẩm vật cúng bái khi ấy chính là những thức ăn đơn giản quen thuộc thường ngày có sẵn chung quanh. Gà vịt phải nuôi có khi không sẵn, heo bò không dễ vật nhưng tôm cua cá lội đầy sông ngòi ao hồ bắt ngay lúc nào cũng được. Trong đó cá lóc quý nhất vì ngoài đặc tính là loại cá mạnh thì thịt nạc và thơm ngon.

Thời khẩn hoang đã lùi xa cách đây ba trăm năm. Mặc dù đối với cư dân thành phố làm những nghề nghiệp thuộc lãnh vực công, thương, dịch vụ,... đất đai không còn gắn liền với cuộc sống như nông thôn nhưng phong tục vẫn được giữ gìn. Vả chăng xét đến cùng thì đất đai lúc nào cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, nếu không cúng đất đai trồng trọt thì cũng cúng đất gia cư. Ðất nào cũng có chủ cả. Ngoài ra, vì Thần Tài và Thổ Ðịa thường ngồi chung trong một trang ở góc nhà nên nhiều người gộp luôn Thần Tài vào khấn vái.
Sáng mồng 10 âm lịch, các ngôi chợ to nhỏ, đi từ đầu đến cuối chợ san sát các hàng cá lóc. Ðúng ra theo tục xưa, mâm lễ cúng hai loại: cá lóc và cá rô. Nhưng hiện nay, chắc là giản đơn đi thì ngoài chợ chỉ thấy bán toàn cá lóc, rất ít cá rô.

Thành phố không vùi rơm như dưới quê. Ngày xưa, mỗi nhà mang một lò than ra trước cửa quạt cá lóc. Nay thì nhà nội thành, chung cư ngày càng chật chội, chủ nhà đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Bày ra cúng vái được là tốt lắm rồi, đâu ai có thời giờ ngồi nhóm than, phe phẩy quạt lửa. Vì thế vào ngày này, khắp chợ đều rộ cá lóc nướng sẵn. Không những hàng cá mà hàng rau, hàng đậu hũ... đều đặt thêm khay cá lóc với bếp lò bên cạnh. Rất nhiều hàng cá ngày thường không thấy, bỗng ở đâu thình lình mọc ra. Ðó là những người tận dụng cơ hội đặc biệt buôn bán chớp nhoáng. Chỉ trong một buổi chợ sáng mồng Mười này, họ bán được mấy chục ký cá lóc.

Khách hàng lựa con cá đang quẫy trong chậu, trả tiền xong, đi vòng quanh chợ mua rau, bún... rồi quay lại xách con cá nướng thơm phức. Hoặc cá nướng rồi xếp sẵn trong khay còn nguyên que tre dài ghi rõ trọng lượng, giá tiền. Khách cứ coi đó mà lựa cá.

Cá nướng không ướp tẩm gia vị gì cả. Vì thế một số hàng bán kèm thêm mắm nêm và hành mỡ đóng bịch sẵn thật tiện lợi. Ông bán cá chợ Hòa Bình xoay sở giữa khách bu đông vòng trong vòng ngoài, quay sang hét con trai:

- Ra lấy hai ký hành lá về biểu má phi liền.

Vì cúng đất được coi là cúng Thần Tài, Thổ Ðịa luôn thể nên là buổi cúng lớn. Các trại nuôi cá ghìm cá lại để tung ra đúng dịp lễ. Trong ngày này, lượng cá lóc về chợ đầu mối Bình Ðiền tăng hằng chục tấn mới đáp ứng nổi nhu cầu thị trường đột ngột vọt lên gấp nhiều lần ngày thường.

Xuống đến chợ bán lẻ, giá cá lóc nuôi từ năm mươi lăm đến năm mươi tám ngàn một ký. So với ngày thường, một ký cá đắt hơn vài ngàn. Cá lóc ruộng vì giá tám mươi ngàn quá đắt, đã kén khách rồi nên không thể tăng giá lên nữa. Công nướng từ năm đến bảy ngàn một con khỏi mất công trả giá. Cá to gần hai ký cho nhà đông người, cá nhỏ cúng cho có không cần ăn. Cỡ nào cũng sẵn. Tuy nhiên mọi người thường mua ồ ạt lúc sớm chợ họp đông. Ðến khoảng 10 giờ, cá bắt đầu hạ khoảng mười ngàn một ký. Con cá lớn hơn cườm tay sớm mai kể cả công nướng bốn mươi ngàn, tới vãn chợ còn ba mươi lăm ngàn. Người bán hàng lo bán tháo kẻo đến ngày mai đâu còn ai mua nữa.

Nhưng không phải tất cả mọi nhà đều cúng cá lóc nướng trui. Bà bán cà phê vỉa hè cho biết:
-Tôi không cúng cá lóc vì mắc quá. Với lại một mình ăn không hết con cá. Tôi cúng tam sanh cũng được.

Tam sanh gồm một con cua hoặc quả trứng, một con tôm và miếng thịt ba chỉ. Vì thế buổi sáng này, không chỉ cá lóc mà cả tôm và trứng đều bán chạy. Một số hàng cá nướng nhân thể bếp than cũng nướng luôn cua và tôm. Thành thử tam sanh có thể cúng lẫn lộn, thứ luộc, thứ nướng. Thịt và trứng luộc, cua và tôm nướng.

Một phụ nữ đang lựa mấy con cua và tôm chín đỏ nguyên râu nguyên càng, cười xòa khi trả lời:
-Muốn cúng luộc hay nướng đều được. Tôi thấy nướng thơm quá cầm lòng không đậu.

Riêng dân chuyên nghiệp võ cổ truyền trong giới võ lâm không cúng cá lóc nướng trui vì cho rằng hình ảnh que tre hoặc gióng mía xiên qua con cá nướng ảnh hưởng đến mạng của chính mình!!!

Mâm cúng bày trong nhà ngay cửa ra vào cùng với hoa trái chứ không đặt hẳn ra ngoài hè trước nhà như cúng Trời. Tới trưa cúng xong, cả nhà sẽ có cá lóc cuốn rau và bánh tráng chấm mắm nêm với bún tươi hay bánh hỏi, rượu đế đưa đà...

Một năm mới sẽ bắt đầu với hy vọng Thổ Ðịa chứng minh lòng thành...


No comments:

Post a Comment