Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 15, 2011

Trước đêm tối của Đại Hội 11: Các cựu lãnh đạo, cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu

Chỉ còn vài ngày nữa Đại hội 11 của ĐCSVN sẽ được triệu tập. Phần lớn những người mới nắm quyền lực trong 5 năm tới cũng vẫn là những người cũ hiện nay. Căn cứ vào nhiều diễn tiến chính trị trong thời gian qua từ đầu năm 2010 người viết đã đưa ra một số dự đoán về các cuộc vận động của những người cầm chịch và các hoạt náo viên ở cấp trung ương của chế độ toàn trị. Kết quả của Hội nghị Trung ương 14 vào giữa tháng 12 vừa qua cho thấy chiều hướng này đang trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, những tính toán và mưu đồ của những người đang sắp leo cao hơn, ngồi lâu hơn có được sự chia sẻ, đồng tình và kính nể của các cán bộ đảng viên, chuyên viên và nhân sĩ trí thức hay không? Họ vẫn nắm quyền, nhưng còn giữ được sự đồng thuận trong Đảng và sự đoàn kết trong nhân dân không? Họ dựa vào đâu để nắm quyền tiếp tục: Vào bạo lực và tiền bạc? Vào sự bao che và đỡ đầu của Bắc kinh? Cán bộ đảng viên còn tâm huyết và quí lòng tự trọng cũng như đa số nhân dân còn tin vào tư cách và năng lực lãnh đạo của họ hay không? Họ có biết lắng nghe những lời tâm huyết và thẳng thắn của các đồng chí không? Có dám thực hiện lời khuyên „Đằng sau quay“ của nhà dân chủ Hà Sĩ Phu không?

Những ai theo dõi sát thời cuộc VN thì sẽ thấy, các câu hỏi trung tâm này đang được ngay một số cựu lãnh đạo, nhiều cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu, các văn nghệ sĩ và nhà báo tên tuổi trình bày khá rõ ràng trong thời gian gầy đây và chính cả một số người đang có quyền lực cũng không còn úp mở.

Ngày 15.9 nhóm cầm đầu chế độ toàn trị công bố ba văn kiện dự thảo của Đại hội 11: « Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội », »Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 “ và « Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng ». Họ kêu gọi đảng viên và nhân dân „đóng góp ý kiến“. Nhưng trước đó vào ngày 10.9 Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương –ngôi sao đang lên và cực kì bảo thủ- đã ra bản Hướng dẫn số 112 HD/BTGTW rất độc tài, tha hóa và phản động ra lệnh cấm báo chí chế độ:
“…Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng; những vấn đề cần giữ bí mật về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; những ý kiến đả kích cá nhân hoặc tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.”

Thái độ như vậy đã chứng tỏ những người có quyền lực ngày càng kiêu ngạo ngay cả với các đồng chí và chủ trương khủng bố những người khác chính kiến giữa lúc tình hình đất nước càng đen tối. Bên trong thì nạn tham nhũng, cửa quyền và các hoạt động kinh tế với việc duy trì tiếp tục chủ trương „kinh tế quốc doanh là chủ đạo“ chỉ phục vụ lợi ích phe nhóm và phí phạm tài nguyên của đất nước và bòn rút tài sản của nhân dân. Còn bên ngoài thì chủ quyền trên các hải đảo và biển Đông đang bị trực tiếp đe dọa ngày càng nguy hiểm do chính sách bá quyền Bắc kinh và sự nhu nhược của nhóm cầm đầu CSVN. Giữa khi đó các văn kiện dự thảo của Đại hội 11 đã cho thấy, những người có quyền lực lại vẫn mù quáng chủ trương đi theo con đường mòn của Chủ nghĩa xã hội đã hoàn toàn thất bại ở Liên xô và Đông Âu từ 20 năm trước và tiếp tục cột chặt tương lai của VN vào chế độ bành trướng Bắc kinh!

Trước các nguy cơ gia tăng cả trong lẫn ngoài nên nhiều cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu đã không còn biết sợ, không còn tin tưởng vào tư cách lẫn năng lực của nhóm cầm đầu hiện nay. Trong cuộc „Hội thảo khoa học“ ngày 7.10.2010 nhiều người tham dự đã lên tiếng phê bình thẳng thắn và cảnh bảo về những nguy hại không thể lường được nếu cứ nhắm mắt đi theo con đường sai lầm. Cựu Phó Thủ tướng Trần Phương chủ trì cuộc Hội thảo này đã khẳng khái nhìn nhận „Cái gọi Chủ nghĩa cộng sản đã là ảo tưởng rồi!“. Còn cựu Đại sứ Nguyễn Trung đòi “phải xây dựng hiến pháp mới!” và TS Lưu Bích Hồ hô hào „không thông qua Cương lĩnh!“ GS Phan Văn Tiệm nói thẳng nguyên nhân của tham nhũng và đòi dứt khooát: „Từ nay từ bỏ chủ đạo. Không nên lập ra các tập đoàn kinh tế, vì đó là sân sau của quan chức“!

Trong quan hệ Việt-Trung một số cựu lãnh đạo và nhiều cán bộ cao cấp cũng chỉ trích thái độ nhu nhược và cúi đầu trước Bắc kinh của những người cầm đầu chế độ toàn trị. Nhiều đồng chí đã tỏ từ kinh ngạc tới rất bất bình khi nghe ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ngay trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do chính ông đứng đầu là, tình hình biển Đông „không có gì mới“ , trong khi giữa lúc Bắc kinh đang gia tăng các hoạt động quân sự ở biển Đông, bắt giữ trái phép và đối xử rất tàn tệ hàng trăm ngư dân VN. Và thậm chí cả Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh còn bênh vực thế lực xâm lược và kết tội những ai lên tiếng chống lại Bắc kinh: „ Không để các lực lượng xấu sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam-Trung quốc, chia rẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân chúng ta“. Thái độ này cho thấy, họ đang đứng về phía nào, cùng với nhân dân gìn giữ chủ quyền hay bám chân thực dân mới Bắc kinh? Không những thế còn chứng tỏ tinh thần vô trách nhiệm trong các chức vụ họ đang giữ và thái độ vô cảm đối với ngư dân VN.

Đối với nhiều cán bộ cao cấp tới cả đảng viên cấp dưới thì những lời tuyên bố trên của những người cầm đầu chế độ càng lộ liễu thái độ nhu nhược và cúi đầu trước bọn bành trướng phương Bắc! Mọi người đều thấy rõ, để bảo vệ địa vị và quyền lợi trong Đại hội 11, nên những người này đang lấy cái dù Bắc kinh để che chở! Cựu đại sứ Nguyễn Trung lưu ý mọi người tham dự Hội thảo ngày 7.10 là :“Vấn đề phụ thuộc vào Trung quốc rất nguy hiểm…“. Cũng trong cuộc Hội thảo này bà Dương Thu Hương, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, còn nói rõ hơn những nguy hiểm mà Bắc kinh đang gây ra cho VN: „An ninh quốc phòng, tôi đang rất lo sợ. Bauxite Tây nguyên, cho thuê rừng, lao động nước ngoài… không được giải quyết dứt điểm. Trong các báo cáo [ba văn kiện dự thảo của Đại hội 11-ghi chú của người viết] đề cập rất mờ nhạt!“

Trong khi ấy cựu ủy viên Bộ chính trị kiêm Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên trong thời gian vừa qua cũng đã công khai cảnh báo sự nhu nhược của những người cầm đầu trước những đòi hỏi ngang ngược của Bắc kinh. Trước đây hơn một năm Tướng Nguyên và nhiều tướng lãnh đã lên tiếng ủng hộ đòi hỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã lên tiếng phản đối việc để Bắc kinh khai thác Bauxit ở Tây nguyên. Không những thế, Tướng Nguyên còn phê phán việc bán rẻ các khu rừng đầu nguồn cho các nhà thầu Trung quốc „ thuê một ha rừng một năm, nhà đầu tư chỉ mất 18 nghìn đồng, chưa bằng một bát phở ở Hà Nội với thời giá bây giờ.“ Cựu ủy viên Bộ chính trị Đồng Sỹ Nguyên đã cảnh báo nhóm cầm đầu chỉ biết hám lợi riêng trước mắt mà bỏ qua những hậu quả khốc hại cho nhân dân và đất nước:
"Ngoài chuyện nhà đầu tư chặt rừng đầu nguồn gây lũ lụt, tôi còn băn khoăn ở chỗ nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa chính trị trọng yếu. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải có thể làm lại được, còn mất đất là mất hẳn."

Còn về tình hình sinh hoạt trong nội bộ Đảng nhất là ở các cấp cao, nhiều tham dự viên trong cuộc Hội thảo ngày 7.10 đã khinh miệt tư cách đạo đức của những người đang nắm quyền lực. Bà Phạm Chi Lan đã phê phán „toàn là giả dối cả“. Nhiều vị đã nói thẳng „dân không tin vào Đảng nữa“. Cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Dương Thu Hương khẳng định „Tôi nghĩ trong Đảng là mất dân chủ nhất.“ Chính vì thế TS Lê Đăng Doanh đã đòi hỏi: „Đổi mới thể chế phải là then chốt! Phải ngăn chặn lợi ích nhóm, kiểm soát sự lãnh đạo của Đảng. Cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng.“

Ngưỡng mộ thái độ can đảm của nhiều đồng chí và chia sẻ các nhận định đúng đắn về nạn độc tài trong Đảng và sự tha hóa của nhóm cầm đầu, cũng vào dịp góp ý kiến về các Văn kiện của Đại hội 11, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Sài gòn Lê Hiếu Đằng đã cho phổ biến bài „Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước“ công khai cảnh báo những hậu quả khốc hại của chế độ độc tài đang phá hoại đất nước. Ông kêu gọi, hiện nay hơn lúc nào hết “dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước” là đòi hỏi chính nghĩa và rất khẩn thiết. Chính vì thế ông Đằng đã kêu gọi cán bộ và đảng viên các cấp: “Tại sao chúng ta phải sợ ? Và ông đã đưa ra kết luận rất chí lí:
“ Những người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận !”

Cũng với tấm lòng can đảm như vậy, nhà thơ và nhà văn 70 tuổi Bùi Minh Quốc cùng nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khác cũng đã phải lên tiếng đòi “cởi trói” lần thứ hai cho các người cầm bút, sau gần một phần tư thế kỉ kể từ Đại hội 6:
“Nhân dân nghiêm mặt, nhưng ôn tồn tiếp: Các con thì ú ớ, nhưng mấy thằng quen xài tiền thuế của dân như xài giấy bạc giả (ý thơ Phùng Quán) thì chúng nó chẳng ú ớ tí nào đâu. Chúng nó nắm rất chắc tình trạng các con tự trói mình trong sự ú ớ khó bề cựa quậy này từ lâu rồi.”

Trong khi đó cựu Ủy viên Bộ chính trị và nguyên Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên đã kết án những người cầm đầu tự vỗ ngực là bảo vệ quyền lợi của công nhân, nông dân và công bằng xã hội, nhưng thực sự họ đang tham nhũng làm giầu cho bản thân, bất kể tới cuộc sống đói nghèo của hàng triệu công nhân và nông dân :
"Vì trách nhiệm nên tôi phải lên tiếng để chúng ta cảnh giác. Một đất nước ai cũng thi đua làm giàu là mừng, nhưng việc thi đua này chỉ dành cho một số người có cơ hội và không ai quan tâm giúp người nông dân, công nhân nghèo (những người có ít cơ hội hơn) thì phải buồn chứ làm sao vui được. Một đất nước mà cuộc sống được cải thiện là đáng mừng, nhưng nếu được cải thiện nhờ tham ô, tham nhũng thì cũng buồn chứ chưa thể mừng được".

Điều đáng lưu ý đặc biệt nữa là, chỉ ít ngày trước Hội nghị trung ương 14 vào giữa tháng 12 vừa qua cựu Chủ tịch Quốc hội và nguyên Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Văn An trong bài phỏng vấn đã công khai đòi phải “đổi mới hệ thống chính trị”. Ông đã cảnh cáo về nguy cơ cho chế độ, nếu một số người đang thao túng quyền lực lại tìm cách leo cao hơn ngồi lâu hơn trong Đại hội 11 bằng cách cố duy trì những bất công và những sai lầm nghiêm trọng.

“Chính những người cộng sản chân chính, chính liên minh giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động, chính đội ngũ trí thức cũng không muốn bảo vệ một Đảng đã thoái hóa biến chất như vậy. Đó mới là nguyên nhân chính, chứ không phải do kẻ thù của chủ nghĩa xã hội phá hoại là chính. Chính những người cộng sản chân chính cũng muốn giải tán Đảng đã biến chất để xây dựng Đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu.“

* * *

Trước những lời rất tâm huyết, trung thực và thắng thắn của nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ cao cấp và chuyên viên hàng đầu thì nhóm cầm đầu hiện nay đã có thái độ cám ơn và nhìn nhận những sai lầm và có dám thay đổi đường lối hay không?

Trong Hội nghị Trung ương 14 vừa qua sau khi đã thỏa thuận chia ghế giữ phần với nhau, họ vẫn ngang ngược giữ nguyên những phần chính của ba Văn kiện dự thảo. Không những thế, trong diễn văn bế mạc, với sự đồng ý của những người đang thao túng quyền lực, Nông Đức Mạnh đã lên tiếng mạt sát những lời tâm huyết của nhiều đồng chí và còn tuyên bố “dứt khoát bác bỏ”, không thèm nghe:
“Đối với một số ý kiến mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại, Ban Chấp hành Trung ương bày tỏ thái độ kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ.

Trong khi đó nhân dịp kỉ niệm 65 năm ra đời Quốc hội của chế độ toàn trị (6.1.1946 -6.1. 2011) ngày 4.1 vừa qua Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là Chủ tịch Quốc hội đồng thời là người sắp leo tới đỉnh cao của quyền lực, cũng đã cho mọi người biết sẽ không có gì thay đổi, kể cả Quốc hội trước sau vẫn là cái bóng, cây kiểng của một số người có quyền lực của chế độ độc tài toàn trị. Trong bài „65 năm – Một chặng đường lịch sử vẻ vang của Quốc hội Việt Nam“ được tờ Cộng sản điện tử và Chính phủ điện tử phổ biến rộng rãi ngày 4.1 ông Trọng đã lập đi lập lại nhiều lần, từ 65 năm qua Quốc hội luôn luôn dưới sự lãnh đạo trực tiếp và độc quyền của Đảng:
„Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng tạo khả năng xây dựng một cơ cấu tổ chức thống nhất của Quốc hội và là tiền đề bảo đảm cho Quốc hội phát huy được các hoạt động của mình. „ Và „Quốc hội là một thiết chế của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là nơi tập trung cao nhất quyền lực của nhân dân trong hệ thống nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. „

Còn Nguyễn Tấn Dũng, trong tư cách là Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, đã vẫn để quốc nạn tham nhũng hoành hành như rươi nhưng lại cấm báo chí tố cáo, lạm phát năm 2010 lên tới gần 12% đang làm điêu đứng bao nhiêu triệu công nhân và viên chức có đồng lương thấp.
Không những thế, Nguyễn Tấn Dũng còn dung túng tiếp tục các doanh nghiệp nhà nước, chỉ riêng vụ Tập đoàn Vinashin đã gây ra một món nợ khủng khiếp cho ngân sách quốc gia trên 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD). „Quả đấm thép“ của hàng trăm Tập đoàn và Tổng công ti nhà nước không thấy đâu, nhưng nó lại đang trở thành hàng trăm quả tạ bắt nhân dân phải gánh vác! Thành tích thê thảm như thế nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh mất lòng tự trọng và không từ chức. Chẳng những thế, tại Hội nghị Công an toàn quốc ngày 4.1 Nguyễn Tấn Dũng lại ra lệnh tăng cường đàn áp và khủng bố:
„Lực lượng Công an phải nắm chắc âm mưu phá hoại đất nước của các thế lực thù địch, chủ động nắm chắc tình hình, không để xảy ra mất an ninh xã hội, đồng thời tham mưu cho cấp ủy và chính quyền thuyết phục, giáo dục, đấu tranh với các đối tượng đi ngược lợi ích của đất nước và dân tộc.“

Như thế Nông đức Mạnh đã không chịu lắng nghe mà lại còn kết án các lời can gián tâm huyết và thẳng thắn của nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ cao cấp, chuyên viên hàng đầu và các văn nghệ sĩ, nhà báo tên tuổi. Còn Nguyễn Phú Trọng thì không biết ngượng ngùng, hổ thẹn khi xác nhận vai trò bù nhìn của Quốc hội. Trong khi ấy Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh nhẹn tiếp tay bằng cách ra lệnh cho công an mật vụ đàn áp và khủng bố những ai có chính kiến khác và dám công khai chống lại họ.

Những sự kiện này đã cho thấy một thái độ rất ngạo mạn của những người đang giữ quyền lực một cách bất chính. Họ đang công khai ra mặt thách đố không chỉ nhân dân, chuyên viên, trí thức, nhà báo, văn nghệ sĩ mà ngay cả những đồng chí của họ nữa!

No comments:

Post a Comment