Tết cổ truyền
Dân tộc ta có nhiều phong tục hay của ngày Tết cổ truyền, và dần dần một số phong tục đã trở thành như một thông lệ trong ngày Tết.Bước vào nhà nào trong thời điểm cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị các món ăn để đón tiếp người thân ở xa về. Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn.
Ai nấy cũng đều dọn sạch sẽ nhà cửa, vứt bỏ những thứ rác rưởi, dọn dẹp trang trí bàn thờ, đánh bóng lư hương, chân nến, lau chùi bàn ghế và mọi thứ vật dụng trong nhà. Ấy là tục Tống Cựu Nghinh Tân, để đưa tiễn năm cũ qua đi và chuẩn bị đón năm mới nhiều hứa hẹn.
Ngoài ra, trong mấy ngày Tết, các gia đình có trẻ nhỏ thường nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút Giao thừa trở đi không được quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không vứt rác bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, la phạt con em. Ra đường gặp nhau ai nấy cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dù lạ hay quen.
Phong tục Tết
Ngày Tết dân tộc ta có nhiều phong tục hay đáng được lưu giữ như những thuần phong mỹ tục.Điểm qua một số phong tục ngày Tết có tục dựng cây nêu. Người thành phố ít có điều kiện thấy cây nêu trong ngày Tết. Tục lệ này hiện nay vẫn còn lưu truyền ở một vài làng quê Việt Nam. Cụ Nguyễn Vinh Phúc mô tả về cây nêu như sau:
“Cây nêu ngày Tết là một cây tre được vót hết lá, chỉ giữ một số lá ở trên ngọn tre. Ở trên đó có treo một giải cờ vải, một cái khánh bằng đất nung, treo một con cá chép bằng giấy, treo một cái vành có buộc lá vào đó."
Nhà Hà Nội học này giải thích về ý nghiã của việc dựng cây nêu như sau:“Theo tín ngưỡng dân gian thì bảo rằng đó là sự tích, ngày xưa quỷ làm hại người ở trần gian nhiều, nên người ta kêu cứu với Đức Phật. Phật mới bảo hãy trồng cây nêu lên và ra lệnh cho quỷ rằng hễ nơi nào có bóng cây nêu này là nơi đó là đất Phật, có Phật bảo vệ thì quỷ không được hại ai nữa, cho nên trồng cây nêu là để trừ quỷ."
Xung quanh tục dựng cây nêu cũng có nhiều giả thuyết khác nhau. Ông Phúc nói:
“Một thuyết khác thì giải thích rằng là cây nêu kiểu như một cây vũ trụ, tức là nó thông từ dưới đất lên trời, và các vật hữu hình có thể đi từ đất mà theo cây tre lên cõi vô hình.
Cũng có thuyết người ta gọi rằng đó là dự báo khí tượng, bởi vì trồng cây tre lên, trên treo những cái khánh, những cái vật mỏng như con cá bằng giấy để quan sát chiều gió thổi. Khi mà chuông khánh rung lên, những con chim con cá bằng giấy bay lên theo hướng nào thì gió thổi theo phương hướng đó.
Người ta mới dự đoán rằng là đầu năm mà gió như thế thì cả năm sẽ là gió tốt hay là gió xấu, cả năm sẽ mưa thuận gió hòa hay sẽ khô hạn hoặc lũ lụt. Thành ra cũng chỉ một cây nêu mà có 3 cách giải thích như vậy."
Tục dựng cây mía tím ở hai bên bàn thờ hiện nay ít phổ biến và cũng ít người biết đến. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc giải thích về tục này như sau:
“Người ta gọi đó là cái thang vì cây miá có từng đốt, từng đốt chẳng khác nào các bực thang, và với cây mía đó thì các cụ từ dưới cõi âm đi về cõi trần gian này cùng với con cháu trong ba ngày Tết."
Đốt pháo, lì xì…
Một phong tục khác mà trước đây trẻ em rất thích chơi, là tục đốt pháo. Chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn hoá Hà Nội cho biết ý nghiã của việc đốt pháo như sau:“Tục đốt pháo cũng là để trừ quỷ thôi. Theo giải thích thì quỷ quấy rối dân gian nên người ta phải đốt pháo để xua đuổi nó đi. Từ cái chỗ xua đuổi quỷ đi thì nó biến thành ra một cái sự mừng vui, thế nên sau này người ta đốt pháo đôi khi không nghĩ tới chuyện trừ quỷ nữa, mà chỉ nghĩ tới chuyện nghe tiếng nổ thấy vui vẻ thôi."
Ngày nay ở Việt Nam phút Giao thừa thiếu hẳn tiếng pháo Tết mà thay vào đó là pháo hoa được bắn lên bầu trời đêm 30 Tết ở những thành phố hay đô thị lớn.
Một phong tục khác vẫn còn phổ biến hiện nay, là tục mừng tuổi hay còn gọi là lì-xì. Ngày Tết trẻ con chúc Tết người lớn để mong được nhận những phong bao lì-xì đỏ. Phong tục này cũng có ý nghiã riêng của nó. Cụ Nguyễn Vinh Phúc cho biết:
“Về tục mừng tuổi thì cho thấy rằng đó là một tinh thần cộng đồng, bởi vì ngày Tết thì người lớn mừng tuổi trẻ em đã đành, mà người lớn cũng mừng tuổi cho người lớn nữa, cho nên ngày Tết ai cũng mừng tuổi và ai cũng được mừng tuổi, có đi có lại như vậy nó thể hiện cái tinh thần cộng đồng. Lì xì cũng chỉ ít ỏi thôi mà chủ yếu là sự vui vẻ."
Sự tích dân gian
Bên cạnh các phong tục còn có những sự tích liên quan đến ngày Tết cổ truyền được truyền tụng trong dân gian với những biến tấu đôi khi hơi khác nhau. Ví dụ ngày Tết nhà nào cũng có bánh chưng, trong Nam thì có bánh tét, cũng được làm với các nguyên liệu và cách nấu giống như sau.Nói đến sự tích bánh dầy, bánh chưng thì hẳn ai cũng còn nhớ câu chuyện của Lang Liêu, con trai vua Hùng Vương thứ Sáu. Người con trai út này lấy gạo nếp, thịt, đậu xanh gói bánh mang lên dâng cho vua cha trong ngày Tết, và giải thích như thế này:“Thưa Vua cha đây là cả thiên nhiên cả vũ trụ đây, vì rằng hạt gạo - cái vỏ bánh là thực vật, đậu xanh cũng là thực vật, là cây cối, là rừng xanh, là đồng ruộng, và thịt là động vật, đại diện cho các động vật, thế cho nên cái bánh chưng vừa đại diện cho thiên nhiên, đại diện cho động vật, đại diện cho thực vật sinh sống trên mặt đất, cho nên con làm cái bánh chưng này là con dâng lên Vua cha cả thiên nhiên, cả mặt đất, cả sinh vật, thực vật. Thì Vua cha rất là quý và sau đó truyền ngôi cho Lang Liêu."
Chiếc bánh chưng mang ý nghiã: “Sự tích bánh dầy, bánh chưng nói lên sáng kiến của chàng Lang Liêu, nhưng đồng thời cũng là một triết lý của bình dân là thực ra cái quý nhất không phải là vàng bạc, ngọc ngà châu báu mà chính là cái nuôi sống con người: gạo nuôi sống con người, đậu nuôi sống con người, thịt nuôi sống con người. Cái gì nuôi sống con người thì cái đó là cái quý nhất."
Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, các bà nội trợ đều cúng ông Táo về Trời, và đêm 30 Tết vừa cúng Giao thừa, vừa cúng Táo Công đi chầu Trời trở về. Sự tích Táo quân là một câu chuyện cảm động về một bà hai ông được lưu truyền trong văn chương truyền khẩu. Nhưng cũng có một truyền thuyết khác về sự tích Táo quân như sau:
“Trong các thần thoại cổ thì nói rằng là các vị thần coi sóc dân gian thường trú ngụ ở nơi mà mọi người hay đến nhất, bởi ngày xưa nơi mà các gia đình hay tập trung nhất là cái bếp, và bây giờ ở các vùng đồng bào thiểu số cũng thế.
Bếp là nơi nấu nướng, nơi sum họp, nơi vui vầy, nơi uống rượu cần, nơi chuyện trò của mọi người vui vẻ với nhau, cho nên có vị thần trông coi nơi bếp núc đó.
Như vậy là có cả thảy 3 vị – hai ông một bà. Thế cho nên là cái ngày 23 tháng Chạp là ngày các ông bà táo lên trên Thiên Đình báo cáo về việc trần gian, nhất là về gia đình mà các ông bà Táo đó phụ trách. Cho nên mọi người lấy ngày 23 Tết làm ngày Tết ông Táo."Đi kèm với sự tích này là chuyện Táo Quân cưỡi cá chép đi chầu Trời, và khi cúng ông Táo người ta cũng thả cá chép ra sông. Tại sao Táo Quân lại cưỡi cá chép, mà không phải là cưỡi ngựa, hay sử dụng một con vật nào khác làm phương tiện về trời? Cụ Nguyễn Vinh Phúc giải thích về sự tích này như sau:
“Người ta không mua chim, người ta không mua cái gì khác mà người ta lại mua cá để cho ông Táo lên trời. Ấy chính vì con cá chép là cá hóa long mà người ta gọi là cá hóa rồng đấy. Hàng năm con cá đấy đến Long Môn, con nào mà nhảy được qua 3 cái thác nước thì tự khắc trở thành rồng. Thế cho nên ngày xưa ai mà thi đỗ thì cũng gọi là cá hóa rồng là như vậy.
Cho nên ở các nơi thờ tự như Văn Miếu thì đều đắp hình ảnh con cá vượt cửa Vũ Môn hay cửa Long Môn, thì tức là con cá chép coi như chuẩn bị thành rồng. Táo Quân là quan cho nên không thể cưỡi rồng được, chỉ có Vua mới cưỡi rồng cho nên chắc là người ta dùng hình ảnh cá chép để nói lên rằng cá chép là con vật thần thoại có thể bay lên trời được".
Chúc Tết
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng gởi đến quý thính giả của Đài lời chúc đầu năm :“Tôi là người Hà Nội, được bạn Quỳnh Như thay mặt cho Đài phỏng vấn một số vấn đề về tục lệ cổ của người Việt chúng ta trong dịp Xuân Mới. Tôi rất lấy làm vui và hân hạnh được đem tiếng nói của mình gởi đến đồng bào xa xứ để gợi nhớ lại một số những kỷ niệm và ký ức mà quý vị còn lưu giữ trong tiềm thức.
Tôi xin chúc các vị nghe Đài một năm mới tốt đẹp, an khang, thịnh vượng, và đạt nhiều thành tựu trong cuộc sống.”
Xin cảm ơn bác Phúc đã dành thời giờ quý báu cung cấp cho quý thính giả của Đài những thông tin vô cùng bổ ích và lý thú. Nhân dịp Xuân về Quỳnh Như xin thay mặt cho Ban Việt ngữ của Đài Á Châu Tự Do kính chúc bác và gia quyến được dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc!
No comments:
Post a Comment