Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, February 2, 2011

Người dân các nước đón năm mới

Việt Nam vừa bước vào năm mới, người Việt trên cả nước hay khắp năm châu, bốn bể đều đang nô nức chúc tụng và hân hoan đón chào một mùa xuân mới.
Hòa cùng trong không khí nhộn nhịp của những ngày đầu năm mới này, Vũ Hoàng cùng với các người bạn nước ngoài tìm hiểu một chút về phong tục và cách thức đón chào năm mới của các nước này.

Các nơi đều đón năm mới ...

Vậy là năm mới Tân Mão đã về cùng với muôn nhà tại Việt Nam và giờ này thì đâu đâu những tiếng cười nói, chúc tụng cũng đang vang lên hòa với tiếng xuân của đất trời. Xuân mới đã về và ai cũng mong muốn một năm mới thật an bình, hạnh phúc và vui vẻ cho gia đình, người thân và bè bạn.
Cũng giống với Việt Nam, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của các bạn bè trên khắp thế giới cũng được đón chào một cách nồng nhiệt. Với mỗi một quốc gia, một nền văn hóa khác nhau, thì cách thức đón năm mới cũng có những khác biệt.
Ở phía bên kia địa cầu, đất nước Mexico tươi đẹp, thân thiện đón Tết như thế nào, mời các bạn cùng nghe lời tâm sự của bà Anna, người mặc dù đã sống gần 30 năm tại Hoa Kỳ, nhưng gần như năm nào cũng trở về nhà để đón năm mới cùng gia đình. Bà chia sẻ:
"Ở Mexico, chúng tôi bắt đầu đón mừng năm mới vào buổi tối cuối cùng của năm cũ, trước lúc giao thừa, thường thì chúng tôi đi đến nhà thờ để cám ơn Thượng đế đã cho chúng tôi một năm vừa qua an lành.
Món ăn truyền thống của chúng tôi gồm có bánh pancake (một loại bánh ăn sáng phổ biến của người Hoa Kỳ và người Mexico) ăn với mật mong, với thịt gà tây nướng. Chúng tôi cũng uống những nước ép trái cây, chẳng hạn như nước ép táo.
Có một nghi thức đặc biệt là mỗi người chúng tôi trong đêm giao thừa sẽ có 12 trái nho mang biểu tượng của may mắn cho năm tới. Và gần như là chúng tôi thức suốt đêm từ giao thừa cho đến 6-7 giờ sáng ngày mùng một, chúng tôi nhảy múa, ca hát đón mừng năm mới. Thường như vậy, thì sáng mùng một chúng tôi không đi đâu cả mà chỉ dành thời gian để ngủ thôi."
Bà nói với chúng tôi rằng, bà không nhớ rõ nguồn gốc của câu chuyện 12 trái nho, nhưng bà chỉ biết rằng những trái nho này là tượng trưng cho may mắn trong suốt 12 tháng tới của năm mới.
Cùng với những điệu nhảy náo nhiệt và âm thanh rộn ràng của những tiếng còi xe, người Bồ Đào Nha bắt đầu một mùa lễ hội đón chào năm mới bằng việc đổ dồn về trung tâm thành phố, ở đó, người ta bắt đầu ca hát từ xẩm tối cho đến tận giao thừa. Một điều đặc biệt là ai cũng cố gắng mặc trang phục mầu đỏ, vì người dân xứ này tin rằng mầu đỏ sẽ mang lại cho họ nhiều may mắn trong năm mới. Chia sẻ với chúng ta, cô Mary Hein cho biết:


"Theo truyền thống người Bồ Đào Nha thì vào đêm giao thừa trẻ nhỏ sẽ viết những điều ước của chúng lên những mảnh giấy, đó là những điều mà bọn trẻ mong muốn năm mới chúng sẽ cố gắng thực hiện được.
Vào thời khắc giao thừa, thì gần như tất cả chúng tôi đổ ra đường nhảy múa, hát hò với bạn bè. Chúng tôi bấm còi xe hoặc mang các vật dụng gây tiếng ồn để gây huyên náo các con phố. Nhìn chung là chúng tôi rất thích hội hè và vui vẻ vào lúc giao thừa, chúng tôi cũng đốt pháo bông để chào mừng năm mới nữa
Điều đặc biệt là chúng tôi sẽ mặc quần áo mới và thường là các trang phục có màu đỏ để hi vọng mang lại nhiều điều may mắn cho năm mới. Nếu chẳng may trong gia đình có chén đĩa vỡ, thì chúng tôi sẽ vứt hết đi mà không giữ lại trước khi năm mới tới.
Về đồ ăn uống, thì cũng giống như nhiều nước khác, chúng tôi có pho mát, rượu vang đỏ, đỗ, bánh mỳ và khoai tây cho bữa ăn năm mới."
Thế còn phong tục đón năm mới của người Pháp có gì đặc biệt, một trong những người bạn đến từ kinh đô ánh sáng Paris, cô Medeleine Rogues cho chúng tôi biết:
"Tết Châu Á, đặc biệt là Tết Việt Nam hay Tết Trung Hoa rất truyền thống, trong khi đó, ngày đầu năm Châu Âu thì không mang đậm nét văn hoá truyền thống giống như Châu Á về mặt lễ nghi.
Dường như người ta chỉ chú trọng đến Giáng sinh là nhiều, người ta tặng quà cho nhau trong những dịp ấy và họ tập trung đến chuyện sum họp gia đình nhiều hơn. Tết dương lịch chỉ là lễ lạt ăn uống mà thôi.
Người ta không tặng quà cho nhau trong dịp Tết Dương lịch, mà người ta tặng hoa, rồi khiêu vũ và ăn uống, nghĩa là vui chơi là chính. Tuy nhiên đến giao thừa, người ta ôm hôn và chúc tụng nhau và cũng thường nói “một năm mới an lành, muốn gì được nấy.”
Vào thời điểm linh thiêng đón năm mới, ai ai cũng muốn được quây quần đoàn tụ bên gia đình và bè bạn, và cũng muốn dành cho nhau những lời chúc tụng đẹp đẽ, cám ơn một năm cũ đã qua đi và mong chờ một năm mới với nhiều thành công và may mắn hơn sẽ tới.
Và một người bạn Đức của chúng tôi, chị Helen Lamberty cũng chia sẻ những gì mà chị và gia đình làm trong những ngày đầu năm mới:
"Như tất cả các nước Châu Âu, chúng tôi ăn Tết với gia đình và bạn bè. Đêm giao thừa 31/12, chúng tôi đốt pháo bông, ăn uống thật là ngon, uống sâm panh nữa. Chúng tôi chúc tụng sang năm mới được may mắn, nhiều sức khoẻ và đạt được những gì chúng ta hằng mong đợi.
Người Đức chúng tôi không có truyền thống đi chùa trong lễ giao thừa hoặc mùng một đầu năm như những người Á Châu."

... theo phong tục truyền thống

Quay về với các nước bạn Châu Á, trước hết là anh Karama Zurkhang, người Tây Tạng, anh cho biết về tục lệ cũng như nguồn gốc ngày đầu năm mới ở đất nước mình như sau:
"Ở Tây Tạng, chúng tôi dựa theo sự kết hợp của tử vi tính theo mặt trăng và mặt trời, và lịch của chúng tôi dựa theo lịch vua. Nghĩa là năm mới sắp tới đây sẽ là ngày 1/3 và đó sẽ là năm vua 2138 chứ không phải 2011 và con vật tượng trưng sẽ là con thỏ.
Ở Tây Tạng nói chung, bây giờ chúng tôi ăn mừng năm mới 3 ngày. Ngày đầu tiên của năm mới, chúng tôi không ra khỏi nhà đi chúc tụng bạn bè hay họ hàng, chúng tôi cũng không tiếp khách mà chỉ dành cho gia đình mà thôi.  


Đồ ăn đặc trưng của người Tây Tạng chúng tôi vào dịp năm mới là bánh tsampa, loại bánh này được làm từ lúa mì, ngoài ra chúng tôi cũng có thịt, những tảng thịt lớn được nướng lên rồi cắt thành từng lát và chúng tôi uống bia." 
Giống đất nước Tây Tạng, nước bạn láng giềng Myanmar cũng tổ chức đón chào năm mới trong vòng 3 ngày. Vì là đất nước của Phật giáo nên những nghi lễ cũng có những nét đặc trưng. Chẳng hạn, thường thì vào dịp đầu năm mới, 3 ngày lễ đầu năm người ta gọi là thời điểm kết hôn, kết hôn ở đây không có nghĩa là kết hôn trai gái, mà đó là thời gian, người dân Myanmar cố gắng làm những việc có ích để mong muốn sẽ nhận được nhiều tốt lành trong suốt một năm mới.
Người bạn Myanmar cho chúng tôi biết:
"Cũng giống lễ hội năm mới ở Lào hay Campuchia, chúng tôi có lễ hội té nước đón mừng năm mới. Sau 3 ngày lễ hội té nước, chúng tôi sẽ đến chùa chiền, miếu mạo để cầu may.
Sau 3 ngày lễ chính, các gia đình có con trai trong độ tuổi từ 10 đến 18 sẽ đưa con lên chùa, những cậu bé này sẽ làm quen với chùa chiền và ở lại chùa từ 5-7 ngày. Khi ở lại chùa, các cậu bé chỉ ăn ngày một bữa, từ sáng cho đến trưa và nhịn ăn từ trưa cho đến ngày hôm sau. Mục đích là để cho những cậu bé này làm quen với cuộc sống của kẻ tu hành.

Thời gian đầu năm mới này, chúng tôi cũng nấu những món ăn tráng miệng ngọt và biếu tặng lẫn nhau. Những món ăn chủ yếu làm từ dừa, nước trái cây và gạo nếp. Điều đặc biệt là chúng tôi không ăn thịt."
Mỗi quốc gia đều có một phong tục, tập quán đón chào năm mới khác nhau, thể hiện sự đa dạng và đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc. Nhưng nhìn chung, bước sang năm mới ai cũng mong muốn có được may mắn, sức khoẻ và sự an lành.
Và xuân mới đang về trên đất Việt, nhà nhà đang tưng bừng đón Tết, không khí rộn ràng khắp nơi, Vũ Hoàng xin được gửi đến quý thính giả gần xa lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới, tràn đầy hi vọng, sức khoẻ, may mắn và yên bình.

No comments:

Post a Comment