Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 15, 2011

Đóng cửa trại tị nạn người Thượng ở Campuchia

Campuchia đóng cửa trại tị nạn dành cho người Thượng đến từ Việt Nam vào ngày hôm nay (15/2).
Liên quan đến việc này, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HWR) ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Campuchia phải bảo đảm quyền tị nạn cho người Thượng, đồng thời nêu lên quan ngại về những quy định mới đối với người tị nạn trong tương lai.

Nghĩa vụ của chính phủ Campuchia

Khánh An phỏng vấn ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức HRW và được ông cho biết như sau:
Thông cáo báo chí lần này tập trung vào vấn đề trại tị nạn của người Thượng bị đóng cửa ở Campuchia vào ngày hôm nay (15/2) tại thủ đô Phnom Penh. Chúng tôi đưa ra một vấn đề rất đáng quan ngại là sau khi trung tâm này bị đóng cửa thì sẽ tiếp tục có những người Thượng tị nạn sang Campuchia nhờ trợ giúp, mà chính phủ Campuchia đã ký kết Công ước về người tị nạn năm 1951 và Nghị định thư năm 1967, họ có bổn phận phải nhận người tị nạn ngay cả trong trường hợp trại tị nạn đã bị đóng cửa. 
Khánh An: Như vậy thưa ông, nói cụ thể hơn, đâu là những nghĩa vụ mà chính phủ Campuchia phải thực hiện đối với những người tị nạn?
Ông Phil Robertson: Chính phủ Campuchia có nghĩa vụ phải tiếp tục nhận những người thượng đến Campuchia và phỏng vấn xem họ có đủ tiêu chuẩn tị nạn hay không. Điều quan trọng là chính phủ Campuchia đã cam kết tôn trọng quyền của người tị nạn theo như Công ước về người tị nạn mà họ đã ký kết. Vì vậy, họ có nghĩa vụ rõ ràng là phải bảo đảm cho những người Thượng tị nạn trong tương lai được xem xét bằng một quá trình công bằng, theo những tiêu chuẩn quốc tế, và việc đóng cửa trại tị nạn hoàn toàn không làm thay đổi các nghĩa vụ này của chính phủ Campuchia.
Khánh An: Vâng, theo đánh giá của ông thì tình trạng thực sự của người Thượng hiện nay ở Việt Nam như thế nào?
Ông Phil Robertson: Người Thượng hiện vẫn đang bị chính quyền Việt Nam khủng bố nghiêm trọng. Rất nhiều người Thượng đã bị đàn áp, đánh đập, bắt giữ trong năm 2010 vừa qua. Nhiều trường hợp là vì việc tổ chức các giáo hội tại gia trong cộng đồng người Thượng. Chính quyền Việt Nam luôn muốn kiểm soát tất cả các giáo hội này. Đây là điều mà chúng tôi không đồng ý. Điều chúng tôi kỳ vọng là chính phủ Việt Nam nên vui mừng vì có những tổ chức cộng đồng tôn giáo nằm bên ngoài sự kiểm soát của mình.
Khánh An: Riêng đối với một nhóm nhỏ trong số những người Thượng tại trại tị nạn bị đóng cửa ở Phnom Penh, chính quyền Campuchia có liên quan gì trong việc họ bị trả về Việt Nam không?
Ông Phil Robertson: Nói về nhóm người Thượng trong trại tị nạn bị đóng cửa, nhiều trong số họ đã được đi định cư ở nước thứ ba là Canada hoặc Hoa Kỳ, một nhóm nhỏ phải đồng ý trở về Việt Nam. Nhóm này mới đến và được Cao uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc phỏng vấn và cho rằng họ không đủ tiêu chuẩn tị nạn.
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người Thượng trong tương lai tiếp tục đến Campuchia, bởi vì như tôi nói lúc đầu, tình trạng đàn áp nhân quyền đối với người Thượng không có mấy thay đổi. Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục làm như thế. Vì vậy, chúng tôi cho rằng người Thượng trong tương lai sẽ tiếp tục đến Campuchia xin tị nạn. Chính vì thế, chúng tôi ra thông cáo báo chí để nhắc nhở chính phủ Campuchia về cam kết thực hiện quá trình xét tị nạn một cách công bằng và đúng theo quy định quốc tế để những người Thượng ở Tây Nguyên khi đến Campuchia thì sẽ được bảo vệ.

Quyền của người tị nạn

Khánh An: Thưa ông, trong bản thông cáo báo chí của HRW còn đề cập đến bản Nghị định bổ sung của Campuchia…Ông Phil Robertson: Vâng, vấn đề nằm ở đây. Bản thân của Nghị định bổ sung không phù hợp với các quy định quốc tế. Chúng tôi đã nghiên cứu và phân tích về bản nghị định bổ sung ra đời vào năm 2009 này và thấy rằng quá trình xác định tình trạng của người tị nạn đã bị tước khỏi tay Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc và đưa vào tay Bộ Nội vụ Campuchia. Tuy nhiên, điều này cũng không sao vì ai thực hiện quá trình xác định tình trạng tị nạn cũng được, vấn đề là ở chỗ nghị định phụ đã đưa ra định nghĩa về người tị nạn không phù hợp với Công ước quốc tế về người tị nạn mà Campuchia đã ký kết.

Đồng thời, nó còn có lỗ hổng rất lớn cho phép chính quyền Campuchia từ chối và trục xuất những người đến Campuchia xin hưởng quy chế tị nạn. Chúng tôi quan ngại nếu trong trường hợp chính phủ Việt Nam tạo áp lực trên chính phủ Campuchia buộc phải từ chối cấp quy chế tị nạn cho người Thượng, thì Nghị định bổ sung này sẽ tạo điều kiện dễ dàng để chính quyền Campuchia thực hiện việc này.
Khánh An: Và cũng chính từ những biến chuyển gần đây mà nhiều người cho rằng Campuchia không còn là nơi an toàn cho người tị nạn nữa. Theo ông thì liệu điều này có đúng?
Ông Phil Robertson: Tôi rất tiếc là điều này có thể đúng, đặc biệt là đối với những người tị nạn từ Việt Nam và Trung Quốc. Như trường hợp xảy ra vào tháng 12 năm 2009 đối với nhóm người thiểu số Uyghur chạy trốn khỏi Trung Quốc để đến Campuchia và tại đây, họ được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc công nhận tình trạng tị nạn. Tuy nhiên, chính quyền Campuchia đã ép buộc họ phải trở về Trung Quốc. Vì vậy, rõ ràng là vấn đề bảo vệ người tị nạn tại Campuchia không được bảo đảm.
Ngoài ra, lời phát biểu của Ngoại trưởng Campuchia rằng “chúng tôi đóng cửa trại tị nạn vì Việt Nam bây giờ không còn chiến tranh hay xung đột vũ trang”, điều này cho thấy Ngoại trưởng Hor Namhong chẳng hiểu gì về những nghĩa vụ của Campuchia với tư cách là bên đã ký kết Công ước về người tị nạn.
“Người tị nạn” là người có mối lo sợ chính đáng về việc bị đàn áp, nghĩa là không nhất thiết phải có sự liên hệ với vấn đề xung đột vũ trang. Chẳng hạn như trong trường hợp của những người Thượng, việc đàn áp liên quan đến vấn đề tôn giáo và cộng đồng người Thượng. Tất cả những yếu tố này đều có thể gây ra mối lo sợ bị đàn áp trong cộng đồng người Thượng hay với người lãnh đạo các giáo hội tại gia.
Khánh An: Vâng, cảm ơn ông đã dành cho Đài Á châu Tự Do cuộc phỏng vấn này.

No comments:

Post a Comment