Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 15, 2011

Vai trò của quân đội với tương lai Ai Cập



Sau khi Tổng thống Hosni Mubarack chính thức từ chức vào ngày 11/2/2011, giờ đây việc điều hành đất nước Ai Cập được chuyển giao cho lực lượng quân đội nắm giữ.
Quân đội có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình nền dân chủ mới ở đất nước này. Vậy lực lượng này có thể sẽ mang đến cho đất nước Ai Cập những gì trong giai đoạn chuyển giao này?

Quân đội Ai Cập

Lực lượng quân đội đóng một vai trò rất quan trọng đối với an ninh quốc phòng của bất kỳ một quốc gia nào và Ai Cập cũng không phải là một ngoại lệ. Nhất là vào thời điểm này, khi mà người dân Ai Cập mới giành được dân chủ, sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak chính thức từ chức sau hơn 30 năm cầm quyền. Chưa bao giờ, người ta thấy được vai trò của lực lượng quân đội với 468,000 binh lính, có số quân ngũ hùng hậu nhất ở Châu Phi và đứng hàng thứ 10 trên thế giới, lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến như vậy tới người dân ở đất nước này.
Cho đến thời điểm hiện nay, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang đang chịu trách nhiệm quản lý các công việc của đất nước, nhằm đảm bảo mọi công việc thường nhật của Ai Cập vẫn được tiến hành một cách bình thường.
Chủ tịch hội đồng tối cao, Bộ trưởng quốc phòng Hussein Tantawi sẽ đại diện cho Ai Cập trên cả 2 phương diện đối nội lẫn chính trường quốc tế. Lực lượng quân đội hứa sẽ giám sát giai đoạn quá độ cho tới khi một chính phủ được nhân dân bầu ra. Đồng thời, họ cũng cam kết giữ lời đối với tất cả những hiệp ước khu vực và quốc tế đã được ký kết trước đó.
Hai nhân vật chủ chốt trong quân đội đang được giới quan sát quốc tế chú ý nhiều là Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ai Cập, ông Hussein Tantawi; và trung tướng Sami Anan, Tổng tham mưu trưởng và đồng thời là người chỉ huy toàn bộ binh lính Ai Cập.

Ông Sami Anan được biết đến là người giữ liên lạc với Hoa Kỳ trong những ngày biểu tình vừa qua, và chính ông là người công khai tuyên bố, cam kết quân đội không đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ.
Trong khi đó, ông Tantawi là thành viên đầu tiên của Chính phủ ghé đến quảng trường Tahrir hôm 4/2 gặp gỡ cả binh lính quân đội lẫn những người biểu tình, và các cuộc gặp gỡ này được đánh giá là ôn hòa, mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào từ những người phản đối.
Có một điều cần lưu ý, trong hàng ngũ quân đội, nhiều sỹ quan cao cấp được đào tạo tại các nước phương tây Anh, Pháp và Hoa Kỳ và lực lượng này có thể được xem sẽ là những nhân tố mới, sẽ có những tư tưởng dân chủ tiến bộ hơn. Cụ thể là trung tướng Sami Anan đã có thời gian học tập tại Pháp và Hoa Kỳ sau khi được đào tạo ở Liên Xô cũ. Hay Phó Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân, đô đốc Moha Mamish được đào tạo ở Anh và Mỹ. 

Cần cải cách dân chủ

Trong bài phỏng vấn với đài CBC của Canada, giáo sư Robert Springborg chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường sau Đại học Hải quân tại Montery, California cho biết:
“Những nhà lãnh đạo cao cấp nhiều tuổi không phải là những người tạo ra cuộc cách mạng, mà cách mạng được tạo ra từ những người trẻ tuổi, những người này đòi hỏi rất nhiều những cải cách dân chủ. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo nhiều tuổi không sẵn sàng cho những đổi mới căn bản.” 


Trong suốt 18 ngày biểu tình sôi sục của những người ủng hộ dân chủ Ai Cập, lực lượng quân đội vẫn được đánh giá là có thái độ trung lập và có sức ảnh hưởng mạnh hơn hẳn so với lực lượng cảnh sát, cùng lúc này, giới cảnh sát bị xem là một “công cụ đàn áp của chính quyền.”
Nếu chỉ trước đó ít ngày, người ta còn cho là phó Tổng thống Omar Suleiman sẽ có thể là người định hướng chủ đạo cho những bước tiếp theo của quá trình cải cách dân chủ ở Ai Cập, thì đến lúc này, chính lực lượng quân đội mới là thành phần quyết định đến tiến trình ấy.
Hai ngày sau khi Hosni Mubarak từ chức, quân đội Ai Cập tuyên bố giải tán quốc hội và đình chỉ hiến pháp, đây là 2 đòi hỏi cốt lõi mà những người ủng hộ dân chủ kêu gọi thay đổi. Cùng với việc đình chỉ hiệu lực Hiến pháp, các hoạt động của Toà án Hiến pháp cũng ngưng hoạt động.
Những nhà cải cách và người biểu tình đón chào sự can thiệp của quân đội. Tại nhiều quốc gia, sự mở lối của quân đội có thể gây những quan ngại, nhưng trái lại, người dân Ai Cập lại có lòng tin vào quân đội hơn bất kỳ một chính trị gia hay một thể chế nào khác. Phóng viên Terry McCathy, đài CBS của Hoa Kỳ bình luận về vai trò của quân đội trong những ngày biểu tình vừa qua, họ cho biết:
"Lực lượng quân đội có 2 chọn lựa, một là họ đứng lên bảo vệ chính quyền của Hosni, hai là họ xả súng vào những người biểu tình. Tuy nhiên, những người biểu tình đã chiến thắng. Với 468,000 binh lính và kiểm soát gần một phần ba nền kinh tế Ai Cập, quân đội là định chế được tôn trọng nhất tại đây. Và trong những tuần lễ vừa rồi, quân lính Ai Cập lại càng được tin tưởng hơn khi họ đứng ra bảo vệ những người biểu tình ở quảng trường Tahrir, chống lại bè lũ đánh thuê của Mubarak."

Tin nhưng vẫn lo

Giờ đây ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ai cập chính là việc duy trì an ninh và đảm bảo sinh hoạt của người dân được trở lại bình thường.
Tuy thế, còn quá sớm để nói bất kỳ một điều gì về những ảnh hưởng của quân đội đến tương lai của đất nước này. Trong một bài phân tích mới đây, trên đài CBC của Canada cho thấy, người ta nhắc lại rằng chính phủ Ai Cập từng chủ trương chiến dịch cổ phần hoá, nhưng lực lượng quân đội lại đi ngược lại những cải cách này, vì họ thấy điều đó “đe dọa đến vị thế kinh tế của họ.”


Còn đại sứ Hoa Kỳ tại Ai Cập cho hay “vai trò của quân đội trong nền kinh tế xứ này như một thế lực, nói chung là bóp nghẹt cải cách kinh tế thông qua sự can thiệp giám sát trực tiếp ngày càng nhiều hơn vào thị trường.”
Ngoài vấn đề kinh tế, quân đội cũng tăng sức ảnh hưởng của mình thông qua những sỹ quan nghỉ hưu nắm giữ những vị trí chủ chốt trong hệ thống quan chức và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống Ai Cập.

Và thời điểm để hình thành chính quyền mới không còn xa, lúc này đây, lực lượng quân đội vẫn còn nhiều cơ hội để vừa có thể bảo toàn được sự ảnh hưởng, chi phối của mình lên nền dân chủ còn non trẻ của Ai Cập, cũng như vẫn tận dụng được quyền lợi của mình ở đất nước này.
Trong những ngày tới đây, đất nước Ai Cập hẳn sẽ phải tự điều chỉnh rất nhiều để thích nghi với những thay đổi mạnh mẽ mà họ vừa trải qua, đòi hỏi cả sự kiên nhẫn và tin tưởng của cả 2 phía, đúng như lời một người dân nói: "Chúng tôi muốn trao cơ hội cho ủy ban tướng lĩnh quân đội lên nắm quyền, nhưng chúng tôi vẫn lo sợ họ sẽ đi ngược lại ý nguyện của người dân và nền dân chủ Ai Cập."

Và thời điểm để hình thành chính quyền mới không còn xa, lúc này đây, lực lượng quân đội vẫn còn nhiều cơ hội để vừa có thể bảo toàn được sự ảnh hưởng, chi phối của mình lên nền dân chủ còn non trẻ của Ai Cập, cũng như vẫn tận dụng được quyền lợi của mình ở đất nước này.
Trong những ngày tới đây, đất nước Ai Cập hẳn sẽ phải tự điều chỉnh rất nhiều để thích nghi với những thay đổi mạnh mẽ mà họ vừa trải qua, đòi hỏi cả sự kiên nhẫn và tin tưởng của cả 2 phía, đúng như lời một người dân nói: "Chúng tôi muốn trao cơ hội cho ủy ban tướng lĩnh quân đội lên nắm quyền, nhưng chúng tôi vẫn lo sợ họ sẽ đi ngược lại ý nguyện của người dân và nền dân chủ Ai Cập."

No comments:

Post a Comment