Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 21, 2011

Lại thêm một luận điệu xuyên tạc tình hình Việt Nam

Để  chứng minh hùng hồn rằng đảng và nhà nước ta nhất định không bịt mồm, bịt miệng nhân dân, xây tường chận tin, đào cống phá mạng, đảng đã biểu Nhân Dân (báo chứ không phải người) đăng đàn một bài phản pháo gọi là: “Lại thêm một luận điệu xuyên tạc tình hình Việt Nam“.
Trong bài viết này có đề cập đến việc bà Clin-tơn đề cập vấn đề “tự do in-tơ-nét”  tại Trường đại học G.Oa-sinh-tơn và phê phán một số nước hạn chế không cho công dân tự do sử dụng in-tơ-nét, bắt giữ blogger chỉ trích chính quyền. Bạn nào muốn biết bà Clin-tơn nói cái chi chi thì… chịu khó trèo tường lửa mà tìm (đây chỉ là “sự cố hy hữu” chứ không là ý đồ bậy bạ gì của đảng).
Bài viết cũng nói chắc nịch là “Luận điệu của bà H.Clin-tơn tuy không mới nhưng vẫn gây phản ứng gay gắt trong dư luận”. Muốn biết phản ứng gay gắt trong dư luận như thế nào, dư luận ở đâu, các bạn làm ơn hơn hỏi ông nhà báo Trần Quang Hà, chứ Dân Làm Báo thì chịu. Hổng biết!
Có 1 điều vui vui là ông Hà này cũng lò mò trèo tường từ hẻm Cháo gà Hà Nội leo tuốt qua quán Cà phê Cali chui vào cái ổ tuyên truyền phản động Người Việt Online để chộp cái tin Tổng thống Ô-ba-ma bí mật ra lệnh cho các cố vấn an ninh soạn thảo một bản báo cáo mật về những nơi trong thế giới A-rập có khả năng xảy ra biến động…
Mời các bạn xem Nhân Dân (một lần nữa cụm từ này hổng phải ám chỉ người) nói làm sao.

Lại thêm một luận điệu xuyên tạc tình hình Việt Nam

Theo báo chí nước ngoài, ngày 15-2, phát biểu ý kiến tại Trường đại học G.Oa-sinh-tơn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn đã đề cập vấn đề “tự do in-tơ-nét”. Trong đó, bà phê phán một số nước hạn chế không cho công dân tự do sử dụng in-tơ-nét, bắt giữ blogger chỉ trích chính quyền; đồng thời thông báo: Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tung ra trang mạng Twitter bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Ấn Ðộ, sau khi đã cho hoạt động mạng Twitter bằng tiếng A-rập, tiếng Farsi. Bà H.Clin-tơn còn tuyên bố năm 2011, Mỹ “sẽ chi 25 triệu USD để bảo vệ các bloggers đang bị ngăn cấm hoạt động” tại một số quốc gia…
Luận điệu của bà H.Clin-tơn tuy không mới nhưng vẫn gây phản ứng gay gắt trong dư luận, bởi qua đó cho thấy, Mỹ vẫn theo đuổi tham vọng áp đặt quan điểm riêng của mình lên các quốc gia khác; và nhân danh ‘tự do in-tơ-nét’, Mỹ đã có kế hoạch, ngân sách cụ thể, để phụ họa, thúc đẩy, khuyến khích hoạt động chống đối ở một số quốc gia. Vì thế, không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng, bất chấp các vấn nạn do in-tơ-nét đưa lại, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng in-tơ-nét làm công cụ để gây bất ổn ở nhiều nước trên thế giới? Trên thực tế, câu hỏi này hoàn toàn hữu lý, nhất là khi liên hệ tới bài Tổng thống Ô-ba-ma bí mật ra lệnh nghiên cứu những nơi có thể nổi dậy đăng trên nguoi-vietonline mới đây. Bài báo cho biết, từ tháng 8-2010, Tổng thống Ô-ba-ma đã ‘ra lệnh cho các cố vấn an ninh soạn thảo một bản báo cáo mật về những nơi trong thế giới A-rập có khả năng xảy ra biến động… Lệnh của ông Ô-ba-ma, tên chính thức là Chỉ thị nghiên cứu của Tổng thống (Presidential Study Directive), đưa ra những nơi có khả năng biến động, đặc biệt là Ai Cập, và yêu cầu đề nghị cách thức mà chính phủ có thể thi hành để thúc đẩy có sự thay đổi chính trị’!
Như cách nói của bà H.Clin-tơn, thì ngày nay in-tơ-nét đang trở thành ‘không gian công cộng của thế kỷ 21′. Ðúng vậy, in-tơ-nét thật sự đã mở ra một không gian tri thức, hỗ trợ đắc lực cho việc tăng cường các mối quan hệ trong cuộc sống của loài người. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, in-tơ-nét cũng nhanh chóng bị biến thành một ‘thế giới ảo’ để một số người truyền bá các ‘phản giá trị’ và các sản phẩm ‘phi văn hóa’, tuyên truyền ý kiến cá nhân nằm ngoài chuẩn mực chính trị – đạo đức – văn hóa chung của cộng đồng; rồi nữa là lừa đảo thương mại, ăn cắp tài khoản cá nhân, tung tin bịa đặt để bôi nhọ và làm mất uy tín của một số cá nhân, tổ chức, chính phủ… Hẳn là bà H.Clin-tơn khó có thể bác bỏ tình trạng cùng tồn tại giữa ‘vàng’ và ‘rác’ trên in-tơ-nét đang đòi hỏi mỗi người khi tiếp xúc – sử dụng in-tơ-nét phải tăng cường khả năng chọn lọc, không đẩy mình vào tình thế ‘lây nhiễm’, đồng thời cũng đòi hỏi chính phủ các nước phải quan tâm quản lý để ‘tự do trên in-tơ-nét’ không tác động tiêu cực tới định hướng phát triển, tới an sinh xã hội, tới sự hoàn thiện của nhân cách. Từ quan niệm và từ góc nhìn nhân văn, liệu bà H.Clin-tơn có thể đồng tình với việc trên in-tơ-nét người ta trình bày cả kỹ thuật chế tạo bom mìn để phục vụ việc khủng bố, hướng dẫn kỹ năng giết người, quảng bá lối sống chạy theo bạo lực và trụy lạc? Bà H.Clin-tơn sẽ suy nghĩ, hành động ra sao nếu có kẻ sử dụng in-tơ-nét để kích động và gây rối xã hội Mỹ, thậm chí còn hung hăng kêu gọi phải lật đổ Chính phủ Mỹ? Thêm nữa, lẽ nào bà Bộ trưởng sớm quên sự kiện website Wikileaks đã làm cho Chính phủ Mỹ phải loay hoay đối phó, vì công bố hàng vạn trang tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ? Phải chăng, hàng loạt biện pháp đã được thực hiện để cô lập, vô hiệu hóa Wikileaks là phù hợp với quan niệm của Mỹ về ‘tự do in-tơ-nét’?
Năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng in-tơ-nét toàn cầu. Từ đó đến nay, sau 14 năm, in-tơ-nét trở thành ‘người bạn thân thiết hằng ngày’ của hàng triệu người Việt Nam. Các con số như: 27 triệu người sử dụng in-tơ-nét, hàng trăm báo điện tử, hàng nghìn trang điện tử của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội và cơ quan báo chí, cùng hàng triệu blog,… đã đặt Việt Nam vào vị trí của một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng in-tơ-nét hàng đầu trong khu vực, vào hàng cao trên thế giới. Các con số đó cũng đã trực tiếp khẳng định nếu không có quan niệm đúng đắn và nghiêm túc thì làm sao in-tơ-nét lại được Nhà nước Việt Nam quan tâm phát triển? Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia có chủ quyền, có sự lựa chọn con đường phát triển phù hợp các điều kiện chính trị – kinh tế – văn hóa riêng của mình, phát triển in-tơ-nét ở Việt Nam không phải là tạo ra cơ hội cho việc truyền bá các quan niệm ngược chiều với định hướng phát triển xã hội, cản trở, phá rối và gây bất ổn xã hội, xâm phạm lợi ích chung của cộng đồng, cổ vũ các hành vi bạo lực và trụy lạc… Bởi dù thế nào thì ‘tự do in-tơ-nét’ cũng không thể nằm ngoài khuôn khổ pháp luật và các giá trị nhân văn. Phát triển in-tơ-nét nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của mọi thành viên xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần, đó là nguyên tắc không chỉ Việt Nam, mà mọi quốc gia lấy sự hoàn thiện của xã hội – con người làm mục đích phấn đấu đều luôn luôn cố gắng tuân thủ. Liệu Mỹ có tự đặt mình ra ngoài nguyên tắc này?
Trong khi phê phán Nhà nước Việt Nam về vấn đề ‘tự do phát biểu quan điểm’, một số nhân vật trong chính giới Mỹ, các thế lực thù địch với Nhà nước và nhân dân Việt Nam thường viện dẫn từ Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc. Nếu một mặt họ coi đó như là văn bản ‘luật pháp chung và bắt buộc cho toàn thế giới’, thì một mặt, họ lại có các hành xử rất đáng ngờ. Chẳng hạn khi viện dẫn khoản 2 Ðiều 19 Công ước về các quyền dân sự và chính trị có nội dung ‘Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm’ làm chiêu bài, thì họ tảng lờ khoản 3 cũng Ðiều 19 bảo lưu cụ thể: ‘Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Ðiều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a – Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b – Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng’. Tại sao họ tảng lờ khoản 3 này? Ðơn giản vì, đó là một bảo lưu rất chính đáng và cần thiết, nó đặt ‘quyền tự do phát biểu quan điểm’ trong khuôn khổ của luật pháp của mỗi quốc gia, trong khuôn khổ quan hệ giữa nghĩa vụ và trách nhiệm, trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội… Cũng có nghĩa là Công ước về các quyền dân sự và chính trị không thừa nhận tự do phát biểu quan điểm theo lối ‘vô chính phủ’, không thừa nhận việc lạm dụng ‘quyền tự do phát biểu’ làm phương hại tới an ninh quốc gia, tới xã hội và con người. Vì vậy, chắc chắn ‘tự do in-tơ-nét’ không phải là trường hợp loại biệt, nằm ngoài quan niệm này.
Khác với các giai đoạn trước, ngày nay thế giới đã và đang vận động trong các điều kiện riêng, đi cùng với các điều kiện đó là sự ra đời của các chuẩn mực mới trong quan hệ giữa các quốc gia. Trong đó, việc tôn trọng sự lựa chọn và con đường phát triển của mỗi quốc gia đã trở thành một tiêu chí quan trọng để xác định thái độ văn hóa và văn minh trong ứng xử quốc tế. Ðặc biệt, khi sự lựa chọn và con đường phát triển mang lại hiệu quả tích cực, có ý nghĩa ‘ích nước, lợi dân’ thì cộng đồng quốc tế cần khích lệ, ủng hộ, giúp đỡ. Quan hệ song phương giữa Việt Nam với Mỹ cũng vậy. Sau 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước ngày càng được tăng cường và mở rộng. Không ai khác, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, bà H.Clin-tơn từng phát biểu: ‘Chúng ta đã quên đi quá khứ và đi xa hơn nữa. Chúng ta phải làm sao để có tương lai chung… Ðể ăn mừng ngày hôm nay cho hai chúng ta, chúng mình hãy hứa với nhau cùng nhau làm việc với nhau để đưa mối quan hệ lên tầm cao mới, tiếp tục đối thoại, tiếp tục hợp tác chứ không chia rẽ hay rời xa nhau’. Thiết nghĩ, đó là ý kiến cầu thị và tích cực. Cho nên, có thể coi ý kiến của bà H.Clin-tơn về ‘tự do in-tơ-nét’ ở Việt Nam, hôm 15-2 vừa qua, là hết sức đáng tiếc. Bởi phát biểu sai trái của bà vừa can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam, vừa là một ý kiến không góp phần nâng quan hệ giữa hai nước ‘lên tầm cao mới’.

No comments:

Post a Comment