Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 21, 2011

SEAPA cảnh báo về tự do báo chí tại Đông Nam Á

Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA) vừa đưa ra báo cáo thường niên 2011, trong đó cảnh báo tình trạng các nhà báo bị tấn công, truyền thông bị đe dọa khiến cho thông tin không được tự do tại khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời báo cáo của Liên minh Báo chí Đông Nam Á cũng nêu ra những thách thức có thể gặp phải trong năm mới.

Đe dọa tính mạng nhà báo

Khánh An có cuộc phỏng vấn với ông George Amurao – Điều phối thông cáo của tổ chức SEAPA và được ông cho biết sơ lược về bản báo cáo:
George Amurao: Đây là báo cáo thường niên của tổ chức SEAPA tổng kết tình hình về quyền tự do diễn đạt và xu hướng sắp tới trong khu vực. Chúng tôi thực hiện trên 10 quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam… Chúng tôi đã thực hiện việc này 5, 6 năm nay và được trợ giúp bởi các tổ chức thành viên trong khu vực như Trung tâm Truyền thông Tự do và Trách Nhiệm của Philippines, Liên minh Ký giả Độc lập của Indonesia, Hiệp hội Ký giả của Thái Lan, Trung tâm Ký giả Độc lập của Malaysia, Hiệp hội bảo vệ các ký giả của Campuchia và các tổ chức truyền thông, cũng như những cá nhân quan tâm đến quyền tự do ngôn luận của Việt Nam và Singapore.
Khánh An: Như vậy theo Báo cáo thường niên năm 2011 thì tình hình tự do báo chí của năm ngoái ra sao, thưa ông?
George Amurao: Tình hình của năm ngoái, theo tôi, cũng giống như 3 năm qua, tồn tại một số vấn đề chính như sau. Thứ nhất là quyền không bị trừng phạt khi các ký giả tác nghiệp. Đây vẫn là một mối quan ngại chưa được giải quyết, đặc biệt là tại Philippines khi sự kiện giết hại các nhà báo của thị trưởng Apatuan xảy ra vào năm ngoái.
Trong năm qua, chúng tôi ghi nhận tình trạng các ký giả bị trả thù còn xảy ra ở Indonesia và Campuchia. Thứ hai, các nhà báo còn bị đe dọa, thậm chí bị nguy hiểm đến tính mạng như trường hợp hai ký giả quốc tế bị thiệt mạng khi tường thuật về tình hình bất ổn chính trị ở Thái hồi năm ngoái. Thứ ba là một số chính phủ đưa ra các công cụ luật pháp mới gây bất lợi cho quyền tự do diễn đạt. Có thể lấy ví dụ như trường hợp của Campuchia, chính phủ đưa ra Bộ luật hình sự điều chỉnh với các quy định về tội phỉ báng, vu khống, miệt thị, đồng thời đưa ra quy định mới trong việc quản lý các tổ chức phi chính phủ, dấy lên mối quan ngại là liệu đây có phải là công cụ để chính quyền đàn áp các nhóm chủ chốt.


Việt Nam vẫn kiểm soát báo chí

Khánh An: Vâng, như vậy với tình hình không mấy khả quan của năm ngoái, bản báo cáo có đưa ra dự báo về những thách thức có thể xảy ra trong năm nay không và đó là những vấn đề gì?
George Amurao: Cơ bản là chúng tôi thấy chiều hướng tiếp diễn của tình trạng trên. Năm ngoái có một số cuộc bầu cử diễn ra và quyền tự do diễn đạt bị đe dọa trong thời gian đó. Chẳng hạn như tại Việt Nam khi kỳ Đại hội Đảng Cộng Sản diễn ra vào tháng trước hay trong cuộc bầu cử tại Miến Điện. Sắp tới đây sẽ có cuộc bầu cử ở Singapore và Thái Lan. Mỗi sự kiện xảy ra trên đây đều có ảnh hưởng rất lớn đến quyền tự do diễn đạt. Đây là lúc mà các chính phủ có thể đưa ra một số luật hay quy định mới gây bất lợi cho quyền tự do thông tin. Tuy nhiên, nó cũng là dịp mà chúng tôi hy vọng các chính phủ có thể thông qua một số luật, chẳng hạn như Luật bảo vệ quyền tự do thông tin tại Philippines đã không được thông qua vào năm ngoái, nhưng các nhà hoạt động sẽ tiếp tục đòi hỏi luật này phải được thông qua trong năm nay.
Tương tự tại Campuchia và Việt Nam, các nhóm hoạt động cũng đang đòi hỏi các quyền này. Tại Indonesia thì luật này đã có một vài năm nhưng việc áp dụng nó ra sao trong thực tế lại là một vấn đề. Một mối quan ngại khác nữa là tình trạng trừng trị các ký giả tiếp tục xảy ra ở Philippines và Việt Nam.
Khánh An: Dựa theo bản báo cáo thì tình trạng tự do thông tin, tự do báo chí tại Việt Nam trong năm qua cụ thể ra sao?


George Amurao: Tại Việt Nam, Đại hội Đảng Cộng Sản vừa diễn ra vào tháng trước và tôi xem đây là một trường hợp mà cần phải có Luật bảo vệ thông tin. Truyền thông tại đây vẫn bị tình trạng kiểm soát của chính phủ. Theo tôi biết, tất cả các nhà báo trước khi lên làm lãnh đạo của một cơ quan truyền thông thì đều phải là đảng viên. Như vậy, tất cả lãnh đạo của ngành truyền thông đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng. Vì thế, chúng ta không thể kỳ vọng là họ sẽ tự do thông tin hay điều tra về những sự việc đang xảy ra vì họ cũng có những giới hạn nhất định. Chỉ có duy nhất trên mạng là thông tin còn chút tự do, chẳng hạn như giới blogger Việt Nam, họ đưa những thông tin về vấn đề khai thác bauxite ở tây nguyên.
Ngoài ra, kết quả của cuộc bầu cử vừa rồi với quyền thủ tướng thuộc về ông Nguyễn Tấn Dũng. Nguồn tin riêng của chúng tôi cho rằng chúng ta không nên trông đợi nhiều về những tiến bộ tích cực từ ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông ta có thể là người cởi mở trong lĩnh vực kinh tế, nhưng lại rất bảo thủ về vấn đề chính trị. Dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi nghĩ là vấn đề thông tin trên mạng sẽ trở nên khó khăn hơn đối với các bloggers. Vì vậy, những gì có thể làm để giúp cải thiện tình trạng này, ngay bây giờ, tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi sẽ hợp tác với các tổ chức khác để tìm cách giúp đỡ cho các bloggers.
Khánh An: Vâng, cảm ơn ông về cuộc nói chuyện ngày hôm nay.

No comments:

Post a Comment