Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, February 17, 2011

Hoạt động của Ủy ban Nhân quyền ASEAN

Những vụ thảm sát tại miền Nam Philippine, đốt phá nhà thờ ở Indonesia và các vụ bắt giữ những blogger của Việt Nam trong suốt năm 2010 đang đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả hoạt động của ủy ban này.
Vào cuối năm ngoái, diễn đàn châu Á cũng đưa ra bản báo cáo đánh giá hoạt động của Ủy ban nhân quyền ASEAN sau một năm đi vào hoạt động. Việt Hà phỏng vấn ông Yap Swee Seng, Giám đốc điều hành Diễn đàn châu Á để tìm hiểu thêm chi tiết.

"Chúng tôi rất thất vọng"

Việt Hà: Ủy ban nhân quyền ASEAN được thành lập với mục đích để cổ vũ và bảo vệ nhân quyền của các nước thành viên ASEAN. Vậy trong 1 năm hoạt động vừa qua, theo ông Ủy ban đã thực sự làm tốt được vai trò cổ vũ và bảo vệ nhân quyền của mình?
Yap Swee Seng: mặc dù ủy ban còn mới, nhưng chúng tôi hy vọng ủy ban thực sự hoạt động vì quyền con người ở ASEAN. Tuy nhiên, dựa theo các đánh giá của chúng tôi thì hoạt động của ủy ban thực sự là đáng thất vọng.
Có một số điểm chính để nói đến là: thứ nhất các văn bản khởi đầu cho ủy ban đã không thực sự được áp dụng hoặc có hiệu lực trong năm đầu tiên, ví dụ bản quy tắc hoạt động cụ thể của ủy ban cũng không có. Thứ hai là các trường hợp vi phạm nhân quyền mà diễn đàn châu Á đệ trình lên ủy ban cũng không được xem xét. Mặt khác việc không có một bản quy tắc hoạt động cụ thể nên  ủy ban lại càng không thể tiếp nhận các hồ sơ này. Chúng tôi rất thất vọng. Điểm thứ ba là ủy ban trong năm qua đã không hề tham vấn các tổ chức xã hội dân sự và các những bên có quyền lợi.
Chúng tôi đã đề nghị có các cuộc gặp và đối thoại với ủy ban nhưng đều không được chấp nhận với lý do không có bản quy tắc hoạt động. Các ủy ban nhân quyền của các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Thái lan cũng đề nghị được gặp ủy ban nhưng đều bị từ chối.
Vì vậy tóm lại hoạt động của ủy ban trong năm đầu tiên đã thấp hơn những gì chúng tôi mong muốn, chúng tôi rất thất vọng vì ủy ban đã hầu như không làm được gì cho việc cổ vũ và bảo vệ các quyền con người và quyền cơ bản của người dân ASEAN trong suốt năm qua.
Việt Hà: ASEAN có nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước thành viên và nguyên tắc này cũng được áp dụng trong hoạt động của Ủy ban nhân quyền ASEAN. Liệu đây có phải là lý do chính khiến cho hoạt động của ủy ban không được như mong muốn trong năm qua hay còn lý do nào khác?
Yap Swee Seng: Tất nhiên, ASEAN có nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau, nhưng lý do việc của việc thiết lập ủy ban này là để nhìn vào vấn đề quyền con người có ảnh hưởng trong khu vực. Từ cách nhìn của các tổ chức xã hội dân sự cũng như cộng đồng quốc tế, lý do tôn trọng chủ quyền của nhau hay không tôn trọng chủ quyền của nhau không thể là lý do biện minh cho việc không giải quyết các vấn đề nhân quyền trong khu vực.
Ủy ban được chính các thành viên ASEAN thiết lập và ủy ban phải có đủ khả năng để tiếp nhận các trường hợp vi phạm nhân quyền của các nước thành viên vì nếu không làm vậy thì việc thành lập ủy ban là không có ý nghĩa. Cho nên chúng tôi thấy không có lý do chính đáng gì mà ủy ban không thể xem xét các trường hợp nhân quyền ở khu vực.
Theo tôi lý do chính là do việc thiếu ý chí chính trị từ các nước thành viên có đại diện tại ủy ban. Một số đại diện này thực chất làm việc vì quyền lợi của chính phủ của nước họ thay vì vấn đề nhân quyền mà ủy ban phải quan tâm. Vì vậy ủy ban thực sự không có sự độc lập của mình khỏi các chính phủ của các nước thành viên. Theo tôi, ít nhất là có vài nước đã cử người đại diện vào ủy ban là những người trong bộ ngoại giao của chính phủ, ví dụ như Lào, Việt Nam, Campuchia và Miến Điện.

Vai trò chủ tịch ASEAN

Việt Hà: Theo ông Việt Nam đã làm tốt vai trò chủ tịch ASEAN của mình trong lĩnh vực nhân quyền trong năm 2010 hay chưa?
Yap Swee Seng: Theo tôi, vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam xét về khía cạnh nhân quyền trong năm qua đã làm không tốt. Theo nguyên tắc thì nước nào làm chủ tịch luân phiên ASEAN thì người đại diện nước đó tại ủy ban nhân quyền ASEAN cũng là chủ tịch luân phiên của ủy ban.


Năm ngoái dưới quyền chủ tịch của Việt Nam, chúng tôi rất thất vọng về hoạt động của ủy ban nhân quyền ASEAN. Ủy ban trong suốt năm qua đã không cởi mở tiếp nhận sự tham gia góp ý của các tổ chức xã hội dân sự. Và ủy ban cũng không chấp nhận xem xét bất cứ trường hợp vi phạm nhân quyền nào trong khu vực được đệ trình lên ủy ban.  Nói tóm lại hoạt động của ủy ban dưới quyền chủ tịch của Việt Nam là rất đáng thất vọng.
Việt Hà: Liệu chúng ta có thể hy vọng một tiến bộ nào trong năm nay khi Indonesia là chủ tịch của ASEAN?
Yap Swee Seng: Chúng tôi tất nhiên hy vọng là hoạt động của ủy ban sẽ có tiến bộ hơn trong năm nay dưới quyền chủ tịch của Indonesia vì Indonesia là một nước dân chủ và có một xã hội dân sự phát triển và chính phủ cũng sẵn sàng hợp tác với xã hội dân chủ. Họ đã cho thấy họ sẵn sàng làm việc với xã hội dân sự trong quá khứ. Chúng tôi nghĩ với Indonesia là chủ tịch chúng tôi có thể đóng góp tiếng nói xây dựng với ASEAN và có thể làm việc được với ủy ban nhân quyền ASEAN.
Việt Hà: ASEAN đề ra mục tiêu xây dựng cộng đồng chung ASEAN 2015, liệu việc tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức xã hội dân sự trong các cuộc họp và đối thoại với ASEAN và Ủy ban nhân quyền ASEAN có ý nghĩa thế nào trong việc thực hiện mục tiêu mà lãnh đạo ASEAN đã đề ra?
Yap Swee Seng: Tất nhiên, xã hội dân sự có thể đóng góp rất nhiều cho cộng đồng ASEAN đang được xây dựng. ASEAN nói rằng ASEAN tập trung vào con người, với khẩu hiệu này chúng ta hiểu rằng người dân ASEAN phải có quyền tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng ASEAN, và những quyết định phải được xây dựng lấy quyền lợi của người dân làm trọng tâm.
Với cách lập luận đó, ASEAN nên sẵn sàng chấp nhận sự tham gia của xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự trong khu vực đã làm việc trong nhiều năm ròng liên quan đến nhiều vấn đề cơ bản của các nước thành viên ASEAN cho nên chúng tôi có kinh nghiệm và thông tin. Vì thế chúng tôi có thể giúp các chính phủ nhìn vào các vấn đề một cách rõ ràng hơn và tìm giải pháp.
Chúng tôi có thể đưa ra các kiến nghị liên quan đến việc đưa ra các chính sách. Điều quan trọng hơn nữa là để ASEAN trở thành một khối thống nhất thành công, ASEAN không thể tránh khỏi việc để người dân tham gia đóng góp ý kiến vì chính phủ các nước thành viên ASEAN là do người dân bầu ra và do đó chính phủ các nước này phải có trách nhiệm trước người dân của mình.
Họ đưa ra mục tiêu xây dựng cộng đồng chung vào năm 2015, nhưng nếu họ không đưa vấn đề nhân quyền vào nghị sự thì sẽ rất khó thực hiện được mục tiêu mà họ đề ra là xây dựng một cộng đồng  hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Việc tham gia đóng góp ý kiến của người dân là yếu tố quan trọng, và việc tôn trọng quyền con người phải là nên tảng cho sự phát triển môi trường chính trị ổn định. Và nếu môi trường chính trị không ổn định thì việc phát triển kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

No comments:

Post a Comment