Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, February 24, 2011

Hai vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam

Nhập siêu tăng mạnh và lạm phát là hai yếu tố nền tảng trong nền kinh tế Việt Nam đang được hầu hết các chuyên gia trong nước quan tâm và diễn giải dưới nhiều góc độ khác nhau.

Nhập siêu tăng mạnh

Chưa bao giờ trên các mặt báo kinh tế Việt Nam mà vấn đề nhập siêu tăng mạnh và lạm phát được nhiều chuyên viên kinh tế quan tâm nhiều đến như vậy. Nhập siêu tăng mạnh làm trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế vĩ mô như điều chỉnh tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng đến chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, chỉ số giá cả tiêu dùng leo thang lại trực tiếp tác động đến người tiêu dùng, mà nhất là những người nghèo và tầng lớp lao động có thu nhập thấp.
Trong năm 2010, Việt Nam nhập siêu khoảng 12 tỷ đô la. Đóng góp vào lượng nhập siêu này, Việt Nam nhập tới trên 20 tỷ đô la hàng hoá từ Trung Quốc, trong khi Việt Nam dù đã cố gắng hết sức cũng chỉ xuất sang được nước này chừng hơn 6 tỷ đô la.
Đáng lưu ý là trong năm vừa qua, Việt Nam nhập khẩu hàng xa xỉ lên đến hơn 10 tỷ đô la, dù chủ trương nhập siêu đã được hạn chế mạnh mẽ bằng các biện pháp như hạn chế cấp ngoại tệ nhập khẩu hàng xa xỉ hay tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hồi cuối năm ngoái, công ty Moody's đã hạ mức tín dụng ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ Ba3 xuống còn B1, với triển vọng tiêu cực. Ông Thomas Byrne, Phó tổng giám đốc Moody’s ở Singapore cho biết rằng “mối lo ngại chính là mối rủi ro về một vụ khủng hoảng cán cân thanh toán,” mà theo nhận định của công ty ông là đã tăng cao ở Việt Nam vì thâm hụt cán cân thanh toán trong 3 năm qua, và sự sút giảm của mức dự trữ ngoại hối.
Theo lý giải của ông Bùi Trinh, vụ Tài Khoản Quốc Gia vì sao Việt Nam lại có mức nhập siêu cao đến như vậy là do: Cơ cấu kinh tế. Khi chọn ngành sản xuất, cần phải chú ý đến 2 yếu tố là “chỉ số lan tỏa nội địa” và “chỉ số kích thích nhập khẩu.” Ở Việt Nam, một số ngành có chỉ số lan toả nội địa thấp, trong khi chỉ số kích thích nhập khẩu lại tăng cao bất thường.
Ngoài ra, theo ông Trinh thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề tại Việt Nam còn yếu dẫn đến Việt Nam phải nhập khẩu để bù lấp cho những khoản thiếu hụt này.
Diễn giải về hiện trạng cán cân thanh toán Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia kinh tế độc lập tại Việt Nam nhận xét:
“Nếu chúng ta có thể làm được vấn đề giảm thiểu cán cân thương mại bị thâm hụt thì mình tạo được lòng tin cho những người nghĩ đến đồng bạc Việt Nam. Nếu không làm được vấn đề giảm thiểu cán cân thương mại, thì sẽ kéo dài được bao nhiêu lâu như thế.
Dự trữ ngoại hối của chúng ta hai mươi mấy tỷ năm rồi xuống còn mười mấy tỷ, thì nó sẽ đi đến đâu. Dầu sao đi nữa trong một đất nước muốn phát triển thì cũng phải tổ chức làm sao cho vấn đề ngoại thương tốt, cán cân thương mại được cân bằng và xuất siêu như một số nước khác.”

Chỉ số giá tiêu dùng

Thông thường khi cán cân thanh toán thâm hụt, các nhà lập chính sách thường hay sử dụng tỷ giá hối đoái làm phương tiện cứu chữa khoản chênh lệch xuất – nhập khẩu. Vì khi đồng Việt Nam giảm giá trị, thì các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ rẻ tương đối so với các nước khác, và điều đó sẽ khuyến khích được xuất khẩu cho Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Kiến Thành thì việc giảm giá đồng bạc nhằm khuyến khích xuất khẩu cũng có mặt trái của nó, vì dĩ nhiên khi xuất khẩu thuận lợi, thì ngược lại nhập khẩu lại khó khăn. Ông Thành cho biết:
“Còn về vấn đề xuất khẩu, dùng tỷ giá làm biện pháp khuyến khích xuất khẩu thì chỉ hợp lý đến mức nào thôi chứ không phải ở Việt Nam áp dụng được các nước khác. Khi đồng bạc rẻ xuống, người ta xuất khẩu được nhiều hàng hoá có hàm lượng nội địa nhiều, còn Việt Nam nhập khẩu vào 80-90% nguyên liệu để mà sản xuất hàng hoá xuất khẩu, thì khi tỷ giá lên, giá thành lên thì mình chưa chắc xuất khẩu tốt hơn mà ngược lại làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong nước lên. Từ đó tạo ra những khó khăn khác.”
Vấn đề bất ổn thứ hai, mà hầu như bất cứ một tờ báo kinh tế nào cũng đề cập đến, đó là việc tăng chỉ số giá tiêu dùng hay còn gọi là lạm phát.
Trong kỳ họp quốc hội cuối năm 2010, Chính phủ ước tính chỉ số giá tiêu dùng chỉ dao động khoảng 7-8% nhưng trên thực tế, con số này của năm 2010 là 11,75%.

Theo lời Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên thì khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt chưa đến 7% mà “mức tăng giá cao gần gấp đôi 12% mức tăng trưởng kinh tế là vấn đề rất đáng phê bình.” Ông Kiên cũng nêu một thí dụ so sánh, nếu ở Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế khoảng 10% thì lạm phát chỉ xấp xỉ 5% còn Việt Nam thì ngược lại.
Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi 2 tháng đầu năm 2011, lạm phát tiếp tục là chủ đề được bàn thảo nhiều, nhất là giá xăng vẫn tiếp tục tăng và giá điện dự kiến sẽ tăng hơn 18% vào ngày 1/3 tới đây.

Ảnh hưởng đời sống người dân

Để tìm hiểu xem mức lạm phát như vậy, sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân thế nào, chúng tôi có nói chuyện với một chuyên viên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Anh Hải Minh cho biết, mặc dù năm vừa rồi anh cũng được hưởng mức lương tăng thêm do trượt giá, nhưng khoản này không bù nổi mức giá thay đổi đến chóng mặt tại Việt Nam và sau khi cộng mọi chi tiêu, thì gia đình không dư ra một khoản nào cho tiết kiệm:
“Mức lương của tôi có hệ số 3 phảy nhân với mức lương cơ bản khoảng 750,000 thì sẽ rơi vào khoảng độ 2,200,000, tương đương với 100 đô la Mỹ/ 1 tháng. Theo tình hình lạm phát năm vừa rồi, lương công chức cũng được tăng nhưng rất là thấp, so với tình hình chung, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ như chúng tôi, từ những thứ thiết yếu như điện nước, xăng dầu, điều đó gần như là bất khả kháng và chúng tôi phải chấp nhận trong một điều kiện hoàn cảnh chung của đất nước.”


Tuy nhiên, đối với tầng lớp có thu nhập thấp ở các vùng nông thôn thì lạm phát tác động trực tiếp đến đời sống họ và họ là những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong lần trao đổi trước đây với đài chúng tôi, một nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận xét về những gì mà mức trượt giá ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của anh:
“Vật giá tất cả đều tăng, giá lúa cũng tăng so với năm rồi và các năm trước, nhưng tôi thấy thu nhập của mình vẫn vậy. Bán lúa được nhiều tiền hơn nhưng khi mua lại các thứ cũng cao hơn. Cụ thể phân bón tăng khoảng gần 30%, có một số loại phân tăng trên 30%, thuốc sâu thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20% đến 30%. Cuộc sống bây giờ khó khăn vật giá cái gì cũng lên hết kể cả con cái đi học, tiền học phí tiền mua sách, tất cả mọi thứ linh tinh đều tăng.”
Điều người nông dân này trăn trở cũng là những quan ngại mà chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thừa nhận “xét về chất, về sự thật của mức tăng trưởng, ngoài yếu tố sản xuất kinh doanh tạo ra thì phần lớn lại nằm ở tăng giá, đồng tiền mất giá. Người dân vẫn hỏi là năm nào tăng trưởng cũng cao, con số đẹp nhưng đời sống không tăng kịp so với con số đó.”
Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Kinh tế quốc tế Hội nhập nhận xét về lạm phát tại Việt Nam:
“Ngoài những yếu tố tác động bên ngoài thì lạm phát cao là do ở Việt Nam có những câu chuyện liên quan đến nới lỏng chính sách tiền tệ, nới lỏng chính sách tài khóa và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao. Vì thế những nhóm giải pháp để bình ổn kinh tế vĩ mô và đưa lạm phát xuống, quan trọng nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, thắt chặt chính sách tài khoá và chi tiêu công thì đây là những điều rất cơ bản.”

Các chuyên gia kinh tế cho rằng để có được một mức lạm phát chấp nhận được thì Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách tiền tệ và tài khoá thắt chặt cũng như có mức kiểm soát mạnh hơn với vấn đề chi tiêu công. Ngay chính nội dung những bài báo được phổ biến tại Việt Nam ít nhiều cũng hy vọng bằng những nỗ lực của những nhà lập chính sách mà những vấn đề đau đầu như nhập siêu và lạm phát được khống chế và thu nhập thực của người dân được đảm bảo, để người dân được hưởng đúng giá trị của đồng tiền mà họ kiếm được.

No comments:

Post a Comment