Khôi nguyên giải Nobel hòa bình và nhà tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi đang theo dõi sát những diễn biến trong vùng Trung Đông, là nơi mà những cuộc biểu tình ôn hòa đã buộc các chính phủ Tunisia và Ai Cập từ chức.
Bà Aung San Suu Kyi nói rằng quân đội Miến đã cố ngăn chặn việc phổ biến những thông tin về biến cố tại Trung Đông để người dân thường tại nước này không thể tiếp cận được, nhưng họ không mấy thành công. Bà đã lên tiếng với báo giới nước ngoài tại Kuala Lumpur qua đường truyền thanh từ Rangoon. Khôi nguyên giải Nobel hòa bình 65 tuổi cho biết những tin tức về việc lật đổ các chính phủ tại Tunisia và Ai Cập cùng các vụ đối đầu giữa những người ủng hộ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi và những người biểu tình chống chính phủ được nhân dân Miến theo dõi sát. Bà nói: "Họ đang so sánh những gì xảy ra tại đó với những gì đã xảy ra tại Miến Điện năm 1988 và một trong những điều họ lưu ý là tại Tunisia và Ai Cập, quân đội không nổ súng vào nhân dân, trong khi ở Libya thì tình hình lại khác."
Là lãnh tụ Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh cho Dân Chủ, năm 1998 bà Aung San Suu Kyi đã thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ nhưng phe quân nhân nước này đã bác kết quả đó, đàn áp các cuộc biểu tình phản đối và nắm giữ quyền bính quốc gia kể từ đó.
Hầu hết trong 20 năm qua, bà Aung San Suu Kyi đã bị quản chế, tù đày trước khi bà đươc phóng thích vào tháng 11 năm ngoái, sau cuộc bầu cử đã được ấn định trước, cuộc bầu cử bị hầu hết các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nước coi là trò bịp.
Dưới thời phe quân nhân nắm quyền, những bất mãn của dân chúng đã bùng nổ thành những vụ biểu tình trên đường phố thủ đô Rangoon, mới đây nhất vào năm 2007 khi hàng ngàn sư sãi Miến phải xuống đường biểu tình. Họ bị đánh đập tàn nhẫn, bị quân đội nổ súng giết chết và bị tống giam.
Bà Aung San Suu Kyi nói rằng số phận của nhân dân Miến khác biệt rõ rệt với những người sống dưới chế độ độc tài toàn trị ở Trung Đông.
Bà nói: "Quí vị cũng biết trước đây nhân dân Miến đã đứng dậy, và trong những lần như thế họ bị quân đội xả súng bắn giết, và theo tôi, sự kiện này là một khác biệt rõ rệt. Giờ đây ở Libya, quân đội dường như chia rẽ trong vấn đề đối phó với tình hình như thế nào. Tại Miến Điện tôi không nghĩ là có chia rẽ đáng kể khi nói đến những chính sách của quân đội."
Bà Aung San Suu Kyi nói rằng ngay cả Miến Điện cũng không thể tránh được công nghệ của thế kỷ thứ 21, những công nghệ đã giúp gia tăng lớn lao khả năng của mọi người tổ chức mà không bị các chính phủ của họ xen lấn vào, và bà cho biết ý định sẽ đăng ký Facebook và Twitter thật sớm.
Cũng có những kế hoạch mở rộng mạng lưới đảng của bà trong giới người Miến sống tại nước ngoài để tạo áp lực với giới quân nhân và chính phủ Miến, để theo hy vọng của bà, có thể khuyến khích họ ngồi vào bàn thảo luận để đi tới hòa giải quốc gia.
No comments:
Post a Comment