Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 1, 2011

Dấu hiệu Việt Nam sắp phá giá đồng tiền

HÀ NỘI (TH) - Nhiều khả năng, ngay sau Tết Nguyên Ðán, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ “đưa ra quyết định chính thức” về phá giá đồng bạc.

Bản tin của báo điện tử tamnhin.net hôm Thứ Hai 31 tháng 1, 2011 dẫn lời Nguyễn Xuân Phúc, bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ “đã khẳng định như vậy”.
Giới chuyên gia kinh tế tài chính quốc tế, trong mấy tháng gần đây, đều đưa ra các phân tích nói rằng chế độ Hà Nội, đúng ra, đã phải phá giá đồng bạc rồi. Nhưng trong khi vật giá đang gia tăng chóng mặt, lạm phát lên gần 12%, phá giá tiền sẽ làm hàng hóa tăng giá gấp bội vào lúc mua sắm ăn Tết. Dịp này, vật giá đã thừa cơ tăng giá theo mùa rồi, lại còn bị phá gia nữa thì lòng oán than của dân nghèo sẽ dậy trời dậy đất.
Ðó là lý do có sự trì hoãn chuyện phá giá đồng bạc ở Việt Nam.
Mấy ngày vừa qua, báo chí Nam Vang và báo tài chính Financial Times ở Anh Quốc kế chuyện một số người từ Việt Nam chạy sang Cam Bốt dùng thẻ ATM rút tiền đô la theo hối suất chính thức rồi mang về Việt Nam bán theo giá chợ đen, ăn lời chênh lệch tỉ giá. Số tiền đô bị rút ra lên đến $30 triệu.
Theo tờ Tuổi Trẻ ngày Thứ Hai, giá chợ đen ngày 31 tháng 1, 2011 phải 21,450 đồng ăn một đô la dù giá biểu chính thức nhà nước vẫn kềm ở mức 19,500 đồng/đô la.
Hai tháng qua, khi nghe phong thanh tiền sắp bị phá giá thêm lần nữa, những người có nhiều tiền đồng ở Việt Nam vội vàng đem đi đổi lấy vàng và đô la. Có lúc người ta phải đổi với giá biểu gần 22,000 đồng mới được một đô la. Trung bình, hối suất chính thức so với giá chợ đen chênh lệch nhau từ 8% đến 10%.
Không phải chỉ người dân có tiền đồng lo đẩy tiền đồng ra khỏi tay cho khỏi thiệt, “ngay cả các ngân hàng cũng lách luật trong trao đổi ngoại tệ” để tránh thiệt hại, theo tamnhin.net, trong khi các xí nghiệp cần ngoại tệ để kinh doanh phải mua ngoại tệ giới giá chợ đen.
“...Sự chênh lệch tỉ giá ở trên đã gây khó khăn các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Bản thân các ngân hàng chỉ là định chế trung gian cung-cầu. Ðiều đáng nói là khó khăn của các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu khi phải chấp nhận giao dịch ngoại tệ theo tỉ giá tự do. Thị trường, bao gồm cả các NHTM đã bằng cách này hay cách khác gần như đã chấp nhận giao dịch ở mức tỉ giá của thị trường tự do.”
Tầm Nhìn viết như vậy và nhiều phần tránh tiếng nhìn nhận sắp phải phá giá đồng bạc cho viên chức nhà nước nên báo này đã viết mồi rằng “việc điều chỉnh tỷ giá chính thức cho phù hợp với quy luật của thị trường là rất cần thiết. Vấn đề quan trọng hơn lúc này là lựa chọn mốc thời gian nào có lợi nhất”.
Khi phá giá đồng bạc, có lợi cho hàng xuất cảng để cạnh tranh trên thị trường ngoại quốc, thì đồng thời, hàng hóa và nguyên liệu nhập cảng sẽ phải chịu giá cao hơn. Hàng hóa sản xuất ra hay bán lại trên thị trường sẽ đắt hơn “là điều không thể tránh khỏi”.
Tầm Nhìn dẫn lời ông Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế trưởng của TSC, cho rằng “việc điều chỉnh tỉ giá sớm muộn cũng sẽ được thực hiện”.
Từ tháng 11 năm 2009 đến nay, Hà Nội đã phải phá giá đồng bạc 3 lần. Nhưng dù phá giá, đồng bạc trên thị trường chợ đen luôn luôn phải đổ ra nhiều hơn so với giá hối suất chính thức mới có.

No comments:

Post a Comment