Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, February 24, 2011

Dân Chúa hiệp thông theo Công đồng và Giáo luật – Phần II


Cùng quý vị độc giả Nữ Vương Công Lý
Sau khi Nữ Vương Công Lý đăng phần I bản góp ý của linh mục VinhSơn Trần Tam Tỉnh gửi Đại hội Dân Chúa năm 2010 với tựa đề “Kính dân Đại hội Dân Chúa 2010”, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi về bài viết cũng như nhiều ý kiến độc giả gửi cho chúng tôi.
Một số ý kiến hoan nghênh việc đăng bài viết có tác dụng lớn cho việc tìm hiểu đến các vấn đề về Giáo Luật khi mà kiến thức về Giáo luật của tín hữu và thậm chí một số trong hàng Giáo phẩm đang yếu kém. Do vậy nhiều khi, nhiều nơi Giáo luật không được thực thi nghiêm túc.
Cũng có một số ý kiến nêu lên vấn đề về nhân thân tác giả với một số tác phẩm đã gây nhiều thắc mắc, bàn cãi và đặc biệt là thái độ của tác giả trước đây với nhà nước Cộng sản Việt Nam.
Chúng tôi có quan điểm như sau:
Không riêng trường hợp này, mà quan điểm nhất quán của chúng tôi là không xem xét con người bằng chủ nghĩa lý lịch như cách hành xử của cộng sản. Con người ai cũng có thể có sai lầm bởi sự mỏng dòn và yếu đuối của mình. Điều quan trọng nhất là sự sám hối và sửa mình để trở về đường ngay, nẻo chính. Đó là ơn Cứu độ của Thiên Chúa có tác dụng thật sự với mọi người.
Chúng tôi không có quyền xét đoán và không xét đoán một ai, với tất cả mọi người dù đó là ai và đã làm gì, chúng tôi vẫn quan niệm điều quan trọng nhất là những việc làm, suy nghĩ và hành động hiện tại, những hướng tới tương lai của chính bản thân họ. Chúng ta tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do cá nhân của mỗi người.
Vì vậy, chúng tôi tiếp tục đăng một số phần còn lại với hi vọng bạn đọc sẽ tìm được cho mình những điều hữu ích qua các bài viết, các tác phẩm được đưa lên, củng cố cho mình những kiến thức cần thiết và tranh luận những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi để tìm ra chân lý trong khuôn khổ bài viết.
Hi vọng những điều đó đem lại lợi ích cụ thể cho quý vị và các bạn đọc thân mến.
Mọi ý kiến, xin gửi về nuvuongcongly@gmail.com.
—————————————————————————————-
Tiếp theo Phần I
C. Hiệp thông giữa Giám mục và linh mục, giáo dân trong Giáo phận.
Nhiều giáo hữu đôi khi chỉ được chiêm ngắm Giám mục trong những lễ trọng, khi ngài uy nghi ngự trên ngai. Nhiều người quên rằng chức vụ của Giám mục là lo lắng cho tất cả các giáo hữu không phân biệt nam nữ già trẻ, chức tước, điạ vị, người sống đạo cũng như người không sống đạo, các anh chị em không thuộc Giáo Hội cũng như anh chị em chưa theo Kitô giáo (GL.383). Với trọng trách “thánh hóa” đoàn chiên, sự hiệp thông này bao quát cuộc sống giáo hữu, vì theo Công Đồng Vatican II, giáo dân cũng được thông công chức vụ tư tế của Chúa Kitô, thông công đức tin và ơn sủng Chúa Thánh Thần để cùng với hàng giáo sĩ xây dựng Giáo Hội Chúa. Cộng đồng dân Chúa là Giáo phận, cùng hiệp thông với Giám Mục và các linh mục đưa Tin Mừng đến mọi người, nhất là những người chưa được nghe hay hiểu Tin Mừng đích thực.
Trong dịp các Giám mục Việt Nam dịp ad limina gặp đức đương kim Giáo Hoàng, ngài có ca ngợi và nhắn nhủ các Đức Cha:
Trong Thư Chung của Chư huynh hồi năm ngoái, Chư huynh đặc biệt tỏ ra chú ý đến các tín hữu giáo bằng cách làm nổi bật vai trò ơn gọi của họ trong lãnh vực gia đình. Điều thật đáng mong ước là mỗi gia đình Công Giáo, khi dạy con cái sống hợp với lương tâm ngay chính, trong sự trung thành và sự thật, trở thành một tổ ấm các giá trị đức tính nhân bản, một trường dạy tình yêu đối với Thiên Chúa. Về phần mình– qua cuộc sống dựa trên bác ái, lương thiện, yêu chuộng công ích – các giáo dân công giáo cần chứng tỏ rằng một tín hữu Công Giáo tốt cũng là một công dân tốt. Để được vậy, Chư huynh hãy chú ý giúp các giáo dân được huấn luyện tốt, thăng tiến nơi họ đời sống đức tin và trình độ văn hóa, để họ có thể phục vụ hữu hiệu Giáo hội và xã hội.
“Tôi muốn đặc biệt phó thác giới trẻ cho sự ân cần chăm sóc của chư huynh,  nhất là giới trẻ ở nông thôn bị lôi kéo về thành thị, để học cao hơn, và tìm kiếm công ăn việc làm tại đó. Nên phát triển một nền mục vụ thích hợp cho những người trẻ di cư trong nội địa bằng cách củng cố sự cộng tác giữa các Giáo phận nguyên quán của người trẻ và các Giáo phận tiếp cư, và giúp họ bằng  những lời khuyên bảo về luân lý đạo đức và chỉ dẫn thực hành”.
Để giáo dân cũng tham gia việc quản trị Giáo Phận với Giám mục và các linh mục theo Công Đồng,  Giáo phận cũng có những cơ cấu pháp định để sự hiệp thông trong Giáo phận không phải chỉ có trên giấy tờ: theo tinh thần Công Đồng, linh mục và giáo dân có bổn phận và có quyền tham gia với Giám mục trong mục vụ, trong việc quản lý tài sản Giáo phận (người ta thường nói “đồng tiền gắn liền khúc ruột”) và trong công tác bác ái xã hội.
C.1-  Mục vụ.
GMGP là vị có trách nhiệm chính trong Giáo phận: đó là trọng trách ngài phải thực hiện và minh chứng trong “tình bác ái, trong đời sống khiêm nhượng và đơn sơ… vì ngài là người ban phát chính cho giáo dân các mầu nhiệm Chúa” (GL.387). Ngài có bổn phận rao giảng các chân lý Phúc Âm và bảo vệ đức tin tinh tuyền và hợp nhất  (GL. 386). Nhưng Giám Mục không đơn độc, nên Giáo Luật đưa ra một số phương thức qua các cộng tác viên, trong đó có giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Và giáo dân không phải là những người chỉ biết nghe và vâng, nhưng là thành phần dân Chúa có nghĩa vụ và quyền lợi cộng tác với giáo sĩ trong Giáo Hội như  Hiến Chương Lumen GentiumGaudium et Spes đã nhấn mạnh .
Cộng tác thế nào ?
Nếu không có gì ngăn trở, mỗi Giáo phận nên có Hội Đồng Mục Vụ. Hội Đồng này gồm  giáo sĩ, tu sĩ và nhất là giáo dân. Thành phần của Hội Đồng phải diễn tả trung thành dân Chúa, về phương diện địa lý, xã hội, trình độ và sự thăng bằng giữa các xứ đạo để tiêu biểu cho sự sống tinh thần của Giáo phận (GL.512). Hội Đồng mục vụ trung ương có thể do Hội Đồng mục vụ các giáo xứ đề cử, nhưng trên nguyên tắc phải được GMGP công nhận. Điều quan trọng là thành phần phải là những ngườ , nam cũng như nữ, có đức tin vững chắc, có đời sống đạo hạnh và khôn ngoan (GL.512§3).  Khác với linh mục đoàn hay Ban tư Vấn, Hội Đồng mục vụ không tham gia vào việc quản trị Giáo Hội, nhung thông hiệp với Giám mục và Giáo sĩ trong  công tác mục vụ. Vì thế, Hội Đồng Mục Vụ có quyền tham gia với Giám mục và các cơ quan Giáo phận trong công nghị Giáo phận (GL.463 §1,5o), cũng như trong Công nghị giáo tỉnh (GL.443 § 5).
Hội Đồng Mục vụ là một cơ quan pháp định được  thành lập giúp GMGP, nên khi Giáo phận trống tòa, thì Hội Đồng mục vụ Giáo phận cũng ngừng hoạt động (GL.5132). [Chúng tôi có dịp sẽ bàn về Hội Đồng Mục vụ giáo xứ (GL.536) trong đó giáo dân cộng tác với linh mục quản xứ và Giám mục. Cũng không quên Ủy ban tài chính của Giáo xứ cộng tác với linh mục quản xứ (GL.537)] .
C.2- Hội Đồng Quản Trị tài chính.
Theo Giáo Luật 492 1: “Trong mỗi Giáo phận phải thành lập một Hội Đồng phụ trách các vần đề tài chính do Giám mục hay đại diện ngài chủ trì: Hội Đồng quản trị phải gồm  ít nhất ba giáo dân, có tài năng trong các vấn đề tài chính cũng như về dân luật và được công nhận là lương thiện.
Giáo Luật nhấn mạnh là Hội Đồng Quản Trị tài chính phải có trong Giáo phận và gồm ít nhất ba giáo dân. Sự có mặt của giáo dân trong việc quản trị  là điều mà Công Đồng mong muốn để các linh mục không bị vướng mắc về của cải, tiền bạc, mà xao nhãng những trọng trách mục tử của mình, đồng thời để tránh những “lời ra tiếng vào là giáo sĩ nắm hết tài sản do giáo dân đóng góp”.
Các thành viên giữ chức vụ trong 5 năm, và có thể tiếp tục 5 năm nữa (GL.492 §2), nhưng thành viên không được phép có họ máu với Giám Mục tới 4 đời (GL.492 §3). Dĩ nhiên, Hội Đồng Quản Trị tài chính phải dự thảo chi tiêu hàng năm cho Giáo phận và phải kiểm tra cuối năm (GL.493).
Mặc dầu, Hội Đồng Quản Trị tài chính chỉ có chức vụ cố vấn, nhưng GMGP có bổn phận phải tham khảo Hội Đồng này và Ban Tư vấn Giáo phận (gồm các linh mục như đã bàn ở trên), trong những trường hợp quan trọng liên quan đến tài sản Giáo phận (GL.1277). Hơn thế trong những trường hợp đặc biệt, GMGP phải có sự đồng ý của hai cơ quan này. Giáo Luật 1277 không ghi rõ khi nào là những trường hợp dặc biệt, nhưng theo các khoản 1285, 1291.1295, việc chuyển nhượng những tài sản “gia truyền” bất dịch của Giáo phận (patrimonium stabile), hay những tài khoản khổng lồ, GMGP phải có sự đồng ý của các cơ quan này. Vì hoàn cảnh kinh tế mỗi nuớc một khác, nên Giáo Luật đã dành quyền hạn định tài khoản này cho Hội Đồng Giám Mục quốc gia[1].
Sau khi hội ý với Ban Tư Vấn Giáo phận và Hội Đồng quản trị tài chính, Giám mục sẽ chọn một viên quản lý, nhiệm kỳ 5 năm. Giám mục không được cất chức nếu không có ý kiến của Ban Tư vấn và Hội Đồng Quản lý. Quản lý có nhiệm vụ quản trị tài sản Giáo phận theo chỉ định của Hội Đồng Quản Trị theo lệnh Giám mục, hay những vị được Giám Mục trao phó (GL.494). Nếu cần nên có phụ tá quản lý.
Theo Giáo Luật, Hội Đồng Quản Trị thường là giáo dân; Giáo Luật không ghi rõ quản lý là giáo sĩ hay giáo dân. Để bảo đảm quyền “mục tử” của GMGP, các cơ quan này không có quyền quyết định.
Hiện nay, theo chúng tôi được biết, trong nhiều Giáo phận, tất cả quyền quản trị tài sản nằm trong tay ĐGMGP. Có Giáo phận chẳng những không có Hội Đồng Quản Trị tài chính, mà cũng không có quản lý, hay vị quản lý này chỉ có chức, chứ tiền bạc nằm trong két sắt của ĐGM.
Tuy là đại gia đình dân Chúa, Giáo Hội cũng là một xã hội trần gian, nên Bộ Giáo Luật đã dành quyển V với 57 điều khoản (GL.1254-1310) về tài sản vật chất. Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Giêsu nghèo, nên tuy Giáo Luật 1083 nhấn mạnh đến khía cạnh nghèo, Giáo Hội cần tài sản vật chất để phục vụ chẳng những việc phụng tự của dân công giáo, mà cả các hoạt động từ thiện, bác ái xã hội, phục vụ mọi người nghèo túng, khổ cực không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo. Khác với Giáo Luật cũ, Giáo Luật 1983 không chú trọng đến bổng lộc, nên chỉ ra những quy định về tài sản, về nguyên tắc thủ đắc, về cơ cấu quản trị tài sản sao cho hợp công bình, hòa hợp với Dân Luật, và bác ái, ngỏ hầu nâng đỡ tự do tôn giáo cũng như sự tự do trong xã hội cộng đồng. Trong một xã hội mà các tổ chức tôn giáo, văn hóa, kinh tài đều có quyền có tài sản riêng để thực hiện các mục tiêu của mình, Giáo Hội cũng có những quyền căn bản đó.
Giáo Hội tôn trọng Dân Luật, khi những điều khoản của Dân Luật  không vi phạm Luật Chúa (GL. 22). Riêng trong lãnh vực tài sản vật chất, Dân Luật các nước trên thế giới thường thích hợp với những luật truyền thống được Liên Hiệp Quốc công nhận. Hoạt động kinh tài của các cơ quan Giáo phận kể trên phải được tổ chức để có giá trị về Dân Luật, thí dụ các văn bản thủ đắc đất đai, nhà cửa, tài sản hay thừa kế vân vân phải có giá trị pháp lý. Vì thế, các hoạt động có tính cách kinh tài phải thực hiện hoàn toàn hợp Dân Luật: Về phương diện kinh tế, mỗi Giáo phận, xứ đạo, dòng tu là một pháp nhân công có quyền thủ đắc, chuyển nhượng, và quản trị theo Giáo Luật với mang nghĩa “Giáo Hội” (GL.1258).
Giáo Luật chấp nhận giá trị pháp lý của Dân Luật (xem GL.197-199). Đồng thời Giáo Luật không chấp nhận bất cứ hành vi nào vi phạm quyền cơ bản về tư hữu của mình cũng như của nhân dân.
Ngoài những cơ quan có tính cách cộng đồng kể  trên, Giáo Luật 1983 đề cao những quyền lợi của giáo dân (tức là những tín hữu không thuộc hàng giáo sĩ), mà chúng tôi ghi vắn tắt sau đây.
C.3-  Quyền lợi giáo dân
Nhờ Công Đồng Vatican II, sự hiệp thông giữa Giám mục, giáo sĩ với giáo dân được sáng tỏ và thể hiện cụ thể hơn trước nhiều. Theo Công Đồng, một mặt giáo dân đón nhận nơi giáo sĩ những ơn ích thiêng liêng qua Lời Chúa và Bí tích, nhưng mặt khác, với tinh thần tự do của con cái Chúa và tình huynh đệ trong Chúa Ki-tô, giáo dân cho các nhà lãnh đạo biết những nhu cầu và ao ước của mình, đóng góp tài năng trí tuệ để xây dựng Giáo Hội[2]. Giáo dân không chỉ là người đón nhận mà còn là người tham gia sứ vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Đức Kitô[3], và nhất là có quyền tham dự vào sứ mạng của Giáo hội, quyền cổ vũ và nâng đỡ hoạt động tông đồ, kể cả bằng những sáng kiến riêng, tùy theo bậc sống và hoàn cảnh mỗi người (GL.216), có nghĩa vụ tham gia các hoạt động mục vụ và tông đồ của Giáo Hội, trong môi trường Giáo xứ, Giáo phận, hoặc khi có khả năng trong cả Giáo hội phổ quát (GL.225); có quyền hoạt động để cho sứ điệp cứu độ càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại, trong mọi thời và mọi nơi (GL.211); và có quyền thành lập và điều hành các hiệp hội có mục đích từ thiện hoặc đạo đức, quyền tự do hội họp để theo đuổi các mục đích đó (GL.215); có quyền hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo  được đào tạo thích đáng để đặt tới sự trưởng thành nhân bản, đồng thời, để biết và sống mầu nhiệm Phúc Âm (GL.217) .
Nhất là trong lãnh vực trần thế, giáo dân đóng vai trò chính của Giáo Hội tức là làm chứng về Chúa Kitô qua những công tác đặc thù và thánh hóa xã hội trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như loan báo Tin Mừng nơi anh em chưa biết  Chúa [4] trong môi trường tông đồ giáo dân và “truyền giáo”, hay tham gia hoặc tổ chức các công tác xã hội nâng đỡ những anh chị em sống trong những trường hợp khó khăn, thiếu thốn, bất hạnh về thân xác, về đời sống kinh tế v.v. [5]. Trong lãnh vực trần thế, giáo dân có quyền quyền tự do trong sự lựa chọn chính trị hay định hướng xã hội, miễn là  tôn trong sự tự do chính trị và trách nhiệm của mọi người[6]; có quyền và nghĩa vụ cổ vũ và thăng tiến quyền con người trong cuộc sống xã hội để mọi hành động của người Kitô hữu được thấm nhuần tinh thần Bác ái Phúc Âm (GL. 227).
Cụ thể theo Phúc Âm và Công Đồng,  mọi tín hữu đều bình đẳng, khác nhau là chức vụ. “Mọi người cùng  tâm linh, cùng được dựng lên như hình ảnh Thiên Chúa, nên cùng có một bản tính và một nguồn gốc như nhau; hơn thế, được Chúa Ki-tô cứu chuộc, mọi người đều hưởng một ơn gọi và đều hướng về Chúa, nên về cơ bản mọi người phải được hưởng một sự bình đẳng như nhau.” [7]
Giáo Luật nhắc lại nguyên tắc đó: “Nhờ được tái  sinh trong Đức Ki-tô, tất cả mọi giáo dân đều thực sự bình đẳng với nhau về phẩm giá, về hành động, nhờ đó, tất cả họ cộng tác vào việc xây dựng Thân Thể Đức Ki-tô, tùy theo hoàn cảnh và nhiệm vụ riêng của mỗi người” (GL.208). Mục đích của Giáo Luật là quy định cho mỗi người quyền lợi và trách nhiệm của mình, để biết Chúa mong mỗi người sống và hoạt động thế nào cho hợp chương trình cứu độ.
Tuy nhiên mọi người không bằng nhau vì không có khả năng thể chất như nhau, trí tuệ như nhau cũng như không có nhiệm vụ như nhau, nên trong xã hội có tôn ti trật tự. Sự bình đẳng về pháp lý phải được dung hòa với trách nhiệm mỗi người trong một xã hội bình đẳng. Vì vậy trong hành động của mình, giáo dân phải luôn luôn duy trì sự hiệp thông với cộng dồng dân Chúa, và chu toàn các bổn phận của mình đối với Giáo Hội và xã hội. (GL.209).
C.3.1- Giáo dân có những quyền gì trong Giáo Hội?
Thứ nhất, giáo dân có quyền được các chủ chăn truyền đạt đức tin, loan báo Tin Mừng để sống thánh  thiện và phát  triển đời sống đức tin (GL.212)
Thứ hai, giáo dân có quyền được cung cấp những nhu cầu thiêng liêng để bảo vệ tín lý và luân lý, cũng như đón nhận Lời Chúa và các Bí tích.(GL.213)
Thứ ba, giáo dân có quyền sống đời sống thiêng liêng phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (GL.214)
Thứ bốn, giáo dân có quyền tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, quyền cổ vũ và nâng đỡ hoạt động tông đồ, kể cả bằng những sáng kiến riêng, tùy theo bậc sống và hoàn cảnh mỗi người; tuy nhiên để một sáng kiến được mệnh danh là công giáo phải được sự đồng ý của Giáo Hội (GL.216)
Thứ năm, giáo dân có quyền hoạt động để cho sứ điệp cứu độ càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại, trong mọi thời và mọi nơi (GL.211)
Thứ sáu, giáo dân có quyền thành lập và điều hành các hiệp hội có mục đích từ thiện hoặc đạo đức, quyền tự do hội họp để theo đuổi các mục đích đó (GL.215)
Thứ bảy, giáo dân có quyền hấp thụ nền giáo dục Ki-tô giáo, được đào tạo thích nghi để đạt tới sự trưởng thành nhân bản, đồng thời, để biết và sống mầu nhiệm Phúc Âm  (GL.217)
Thứ tám, giáo dân có quyền được tự do nghiên cứu Thánh Kinh, cũng như thần học; tuy nhiên trong các lãnh vực chuyện môn này, giáo dân giữ tinh thần vâng phục chính đáng đối với huấn quyền của Giáo Hội (GL.218)
Thứ chín, giáo dân có quyền tự do lựa chọn bậc sống mà không phải chịu bất cứ một sự cưỡng bách nào (GL.219).
Thứ mười, trong lãnh vực trần thế, giáo dân có quyền tự do trong sự lựa chọn chính trị hay định hướng xã hội, miễn là không phản bội đức tin (Gaudium et spes, 75-76).
C.3.2-  Vì quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, giáo dân có những nghĩa vụ gì?
Thứ nhất, giáo dân có nghĩa vụ tuân giữ các điều Giáo Hội dạy khi những người đại diện Đức Ki-tô công bố với tính cách là thầy dạy đức tin hoặc ấn định với tư cách là  người lãnh đạo Giáo Hội  (GL.212§1).
Thứ hai, giáo dân có nghĩa vụ bày tỏ cho các vị chủ chăn những ý kiến liên quan đến Giáo Hội, hay đến công ích và phẩm giá của tha nhân  (GL.212§3).
Thứ ba, giáo dân có nhiệm vụ cho các vị chủ chăn biết những nhu cầu thiêng liêng chính đáng của mình (GL.212§2).
Thứ bốn, giáo dân có nghĩa vụ tham gia các hoạt động mục vụ và tông đồ của Giáo Hội, trong môi trường Giáo xứ, Giáo phận, hoặc khi có khả năng trong Giáo Hội phổ quát (GL. 211).
Thứ năm, giáo dân có nghĩa vụ trợ cấp những nhu cầu của Giáo Hội để Giáo Hội có những phương tiện cần thiết cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho những việc tông đồ và bác ái, cũng như cho việc nuôi sống các thừa tác viên (GL.222§1).
Thứ sáu, giáo dân có nghĩa vụ cổ vũ công bằng xã hội và giúp đỡ những người nghèo khó bất hạnh (GL.222§2).
Thứ bảy, giáo dân có nghĩa vụ cổ vũ và  thăng tiến quyền con người trong cuộc sống xã hội để mọi hành  động của người Kitô hữu được thấm nhuần tinh thần Bác ái Phúc Am (GL. 227).
Thứ tám, giáo dân có nghĩa vụ nghiêm ngặt giáo dục con cái, cổ vũ nền giáo dục công giáo cho thanh thiếu niên  (GL.226).
C.3.3- Quyền đặc biệt.
Ngoài những quyền lợi và nghĩa vụ chung đó, Giáo Luật 1983 quy định một số chi tiết cụ thể về vai trò của giáo dân không có chức thánh, trong một sứ vụ phụng tự, mục vụ, hành pháp. Theo Giáo Luật hiện hành, giáo dân có quyền tham dự trong:
Phụng tự :
a/ thừa tác viên trong Bí tích Thánh Tẩy (GL.861 §1);
b/ thừa  tác viên trao Mình Thánh trong Thánh lễ, hay cho kẻ liệt (GL.230 § 3; 910 § 2);
c/ thừa tác viên trong nghi thức Chầu Thánh thể (GL.943);
d/ đại diện chính thức của Giáo Hội nhận lời hôn ước (GL.1112);
đ/ thừa tác viên thực hiện một số á bí tích (GL.1168) .
Mục vụ :
a/ quản lý  Giáo phận (GL.494);
b/ quản trị tài chính của Giáo hội (GL.1282);
c/ giáo lý viên (GL.776);
d/ thừa sai truyền giáo (GL.784-785).
e/ công tác, cố vấn trong những sứ vụ và tác vụ trong Giáo Hội  (GL.2280).
f/ thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ, Giáo phận (GL.512; 536).
g/ công tác bác ái xã hội (GL.839 § 1).
Hành pháp :
a/  thẩm phán trong Giáo phận (GL.1421 § 2);
b/ phụ thẩm, công tố viên, trạng sư trong tòa án đạo (GL.1424, 1428, 1434).
Qua các khoản luật trên, cũng như trong một số trường hợp khác, giáo dân chẳng những có thể được trao các sứ vụ từ xưa đến nay dành cho giáo sĩ, mà giáo dân có thể thay linh mục trong những trường hợp đăc biệt thiếu linh mục, trừ những công tác dành cho người có chức thánh (thí dụ dâng lễ, giải tội). Giáo dân có thể được trao công tác đại diện Giáo Hội chứng giám hôn lễ, hay an táng người quá cố.
Sự hiệp thông giữa giáo sĩ và giáo dân, trong tinh thần mới,  xóa bỏ dần dần sự phân cấp và lợi dụng (hay lạm dụng) quyền bính trong Giáo Hội mà căn tính của quyền bính không phải là quyền lực mà là phục vụ[8].Hơn thế, thực tế cho thấy, trong rất nhiều lãnh vực và trường hợp, giáo dân có khả năng hơn giáo sĩ chẳng những về khoa học, văn hóa, mà cả về trí thức đạo. Trong môi trường canh tân Giáo Hội, khi giáo dân làm công tác quản lý tài chính cho Giáo phận hay giáo xứ, các  Giám mục, linh mục quản xứ khỏi phải vương vấn , lo lắng về tiền bạc và tránh những “tai tiếng” thường xảy ra trong lãnh vực khá tế nhị này. Nhất là trong hoàn cảnh khan hiếm linh mục, khi giáo dân đủ tài đức giữ các chức chưởng ấn, trưởng ban thánh nhạc, phụ trách các sứ vụ bác ái xã hội,  trưởng ban mục vụ  trong một số công tác không cần chức linh mục: môt mặt Giáo phận chứng tỏ giáo dân đã trưởng thành và tham gia vào chương trình chung, mặt khác giáo sĩ có thêm thời gian thao luyện về các khoa học thánh và dấn thân làm các công tác Phúc Âm hóa.
Trên đây, chúng tôi mới bàn sơ lược về giáo dân trong Giáo phận. Giáo dân còn nhiều quyền khác, chúng tôi sẽ bàn đến khi nói về Hiệp thông trong các Giáo Phận Việt Nam.


[1] Thí dụ ở Pháp, mua hay xây dựng một bất động sản trị giá cao hơn 25% mức thu nhập thường niên của Giáo phận; cho một thương nghiệp vay một món tiền vuợt quá 1/40 mức thu nhập thường niên của Giáo phận; đóng góp vào một doanh nghiệp mà hoạt động cần thiết hay có lợi cho sứ vụ của Giáo Hội.
[2] Lumen Gentium 37; GL 212, 213; GL  212 § 2;.
[3] Lumen Gentium, 35-36
[4] Sắc lệnh “de Activitate missionali Eclesiae”,  15,19. 41
[5] Hiến chế “Gaudium et Spes “ 29-3; GL 222 § 2. .
[6] Cơng Đồng Vatican II, Hiến chế  Gaudium et spes, 76; GL 222 § 2; 227
[7] Cơng Đồng Vatican II, Hiến chế  Gaudium et spes, 29
[8] Chúng tôi nhận thấy ở một số địa phương, giáo dân vẫn chưa đuợc hưởng các quyền lợi và tự do của con cái Chúa, “ con phải đeo ách”(sic) không do Giáo Luật đặt ra, nhưng do những truyền thống xa xôi, lỗi thời, (mà Giáo Luật 1983 đã đòi phải bỏ) hay do cha xứ tự ý đặt ra. Thí dụ giáo hữu không được tham dự cỗ cưới của người thân trong gia đình nếu người đó không thi hành Bí Tích Hôn Phối trong nhà thờ; giáo hữu đôi khi bị cha xứ “công khai rút phép thông công, nghĩa là không được phép xưng tội rước lễ (sic) vì không vâng lời cha xứ .
(Còn tiếp)
(Bài do tác giả gửi riêng cho Nữ Vương Công Lý)
Linh mục Vinh Sơn Trần Tam Tỉnh

No comments:

Post a Comment