Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 21, 2011

Dân Chúa hiệp thông theo Công đồng và Giáo luật


Lời Ban Biên Tập Nữ Vương Công Lý:
Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã kết thúc. Những cuộc lễ hoành tráng, Đại hội Dân Chúa ồn ào nhưng ít tác dụng, một Đại lễ bế mạc với nhiều ý kiến… Và chỉ có thế để đi qua một năm Giáo hội Công giáo Việt Nam đầy biến động.
Những hoạt động trong Năm Thánh 2010 với nhiều hình thức nhưng thiếu nội dung cần thiết nhất là sự đạo đức, sự liên kết hiệp thông trong lòng Giáo hội đã thể hiện ngày càng rõ nét hiện trạng của Giáo hội Công giáo đang đi theo đường lối “Tôn giáo lễ hội”.
Tín hữu Việt Nam hi vọng lớn lao vào Năm Thánh bao nhiêu, thì cũng thất vọng bấy nhiêu với một Năm Thánh đã qua. Trách nhiệm này thuộc vào hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội, trước hết là hàng Giám mục và cụ thể nhất là Chủ tịch HĐGMVN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, người mới “tái đắc cử” chức Chủ tịch HĐGMVN bất chấp những lời chỉ trích về việc không hoàn thành nhiệm vụ của mình thời gian qua đã đưa GHVN vào một giai đoạn thê thảm.
BBT Nữ Vương Công Lý nhận được bản góp ý cho Đại hội Dân Chúa 2010 của Linh mục Vinh Sơn Trần Tam Tỉnh là Tiến sĩ Giáo luật và Dân luật Roma, Tiến sĩ Sử học và Khảo cổ Thụy Sĩ, Viện sĩ Hòang Gia Canada, Giáo sư ưu tú Đại học Laval, Quebec, Canada gửi Đại Hội Dân Chúa 2010.
Bằng những thao thức của mình, bản Góp ý đã được chuẩn bị từ tháng 9/2009 gửi đến các Đức Giám mục với nhan đề “Kính dân Đại Hội Dân Chúa 2010”.
Tiếc rằng, cũng như các góp ý của nhân dân cho Cương Lĩnh đại hội Đảng CSVN, tất cả chỉ là trò mua vui cho đủ lễ bộ mà không được sự quan tâm nào của những người có trách nhiệm.
Bản góp ý là một tác phẩm khá dài, là một Tiến sỹ về Giáo luật, bản góp ý của Linh mục Trần Tam Tỉnh đã chỉ ra nhiều vấn đề lớn nhỏ thuộc vào giáo luật của Giáo hội Công giáo là điều mọi tín hữu Công giáo phải tuân theo dù là bất cứ là ai. Tiếc thay, hiện nay ngay từ những chức sắc thuộc GHCGVN từ cao nhất đến giáo dân, nhiều người và nhiều nơi đã và đang bị vi phạm trong quan niệm, trong hành động và thực tiễn.
Chúng tôi xin trích đăng một số phần Bản Góp ý này để bạn đọc tiện theo dõi và rộng đường dư luận.
Đây cũng là một cơ hội để tất cả mọi người nắm bắt, hiểu biết hơn về giáo luật của GHCG.

Xin chân thành cảm ơn Linh mục VinhSơn Trần Tam Tỉnh đã đóng góp những thao thức của mình cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Mọi góp ý xin gửi về BBT Nữ Vương Công Lý, hộp thư nuvuongcongly@gmail.com
Ban Biên tập Nữ Vương Công Lý
PHẦN I

1. HIỆP THÔNG  TRONG  GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG.

Giáo Hội địa phương:

Giáo Hội Việt Nam hiện nay gồm 26 Giáo phận. Mỗi Giáo phận, mặc dầu là một thực thể Giáo Hội, là một Giáo Hội địa phương [1],  là một bộ  phận Dân Chúa trao phó cho một mục tử  tức là Giám Mục với sự cộng tác của linh mục đoàn (GL.369). Trong Giáo phận có ba thành phần: 1)Giám mục;

2) Linh mục ;

3) Tu sĩ[2] v giao dân .

Sự hiệp thông của ba thành phần này là sức sống của Giáo hội địa phương.

Giáo Luật cống hiến cho Chương trình Đại Hội 2010 đầy đủ chi tiết, chỉ cần biết khai thác trong khiêm nhu và chân thành. Đây không phải là một khám phá của chúng ta, mà là một “mâm cơm” đã dọn sẵn, chúng ta phải nghiên cứu thế nào để đáp ứng lời mời rất phụ tử của Thiên Chúa:” Hỡi những người đang khát, hãy đến, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua; mua rượu và sữa, không phải trả tiền … Hãy chăm chú nghe Ta, thì các người sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị”. [3]


A. Hiệp thông giữa Giám Mục và dân Chúa


Nói đến hiệp thông trong Giáo Hội là phải nghĩ đến “hiệp nhất” vì Giáo Hội là Nhiệm thể của Chúa Kitô, Đấng đã liên kết mọi người trong Tình Yêu, đồng thời nghĩ đến “thông công, cùng chia sẻ tình yêu”, vì tình yêu đây là “bác ái” (agape như định nghĩa của ĐGH Bênêdictô XVI trong thông điệp Chúa là Bác Ái). Trong thông điệp Bác ái trong chân lý, ĐGH định nghĩa thêm : “Bác ái là tình yêu được nhận và cho đi. Bác ái là “ơn sủng” (charis). Bác ái phát nguồn từ tình yêu của Chúa Cha với Chúa Con trong Chúa Thánh Linh. Bác ái là tình yêu từ  Chúa Con tràn xuống chúng ta (…) Là sản phẩm của Tình yêu Chúa, loài người được là đối tượng của Bác ái, được mời gọi để trở nên những khí cụ của ơn sủng để phân phát tình Bác ái của Chúa và tạo nên mạng lưới Bác ái[4]. Tình Bác ái này phải là then chốt trong sự hiệp thông giữa Giám Mục và dân Chúa.

Vì Giáo Hội là một tập thể những con người, mặc dầu được thánh hóa trong Chúa Kitô, vẫn cần sống trong kỷ luật, và “ kỷ luật đó gắn bó chặt chẽ với giá trị cứu độ của Phúc Âm ”. Kỷ luật đó là Giáo Luật, “mà mục đích là tạo nên trong tập thể Giáo Hội một trật tự trong khi đề cao tình yêu, ơn nghĩa và các đặc sủng,  đồng thời giúp cho đời sống tập thể của Giáo Hội cũng như mỗi thành phần Giáo Hội thăng tiến một cách dễ dàng hơn[5]. Giáo Luật không thay thế đức tin, nhưng làm sáng tỏ “hình ảnh thực sự và nguyên tuyền của Giáo Hội theo đó Giáo Hội là Dân Chúa (Lumen gentium 2), quyền bính của giáo phẩm là phục vụ (ibid.3); “Giáo hội là Hiệp thông, và vì thế những tương quan giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội hoàn vũ, cũng như giữa các cộng đoàn giáo hữu với lãnh đạo tối cao; theo giáo huấn này, tất cả các thành phần dân Chúa được tham gia, mỗi người một cách, vào ba chức vụ của Chúa Kitô: chức vụ tư tế, chức vụ tiên tri và vương giả. Gắn liền với giáo huấn này là giáo huấn về nghĩa vụ và quyền lợi của tín hữu, đặc biệt là của giáo dân; và sau hết là nhiệm vụ của Giáo hội trong chương trình đại kết[6].

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh  trong Tông hiến “sacrae disciplinae leges”: “Xin Chúa cho niềm vui, an bình, công lý và đức tuân phục bảo đảm cho Bộ luật này….Tôi khuyến khích mọi tín hữu thành tâm và thành khẩn tuân giữ các khoản luật này, hy vọng rằng trong Giáo Hội sẽ nở rộ một bộ luật đã đổi mới, nhờ thế phát triển việc cứu rỗi các linh hồn, với  sự nâng đỡ của Đức Maria đồng trinh, Mẹ Giáo Hội ”.

Vì thế, mọi người – Hồng Y, Giám Mục, linh mục, tu sĩ , giáo dân -  phải tuân hành các khoản Giáo Luật, vì Giáo Luật có mục đích “tạo nên trong tổ chức giáo hội một trật tự vừa đề cao tình yêu, ơn nghĩa và các đặc sủng, vừa nâng đỡ sự thăng tiến toàn diện của tập thể giáo hội cũng như của từng thành phần trong Giáo hội”.

Qua giáo huấn của Công Đồng, sự Hiệp thông của Giám Mục với dân Chúa được sáng tỏ trong Giáo Luật. Trong Giáo phận, Giám Mục không phải là đại diện Giáo Hoàng (như nhiều người còn lầm tưởng) nhưng là người nối nghiệp các Tông đồ[7], ngài là mục tử được Chúa trao nhiệm vụ săn sóc đoàn chiên như người cha nhân lành đến để hầu hạ con chiên chứ không để được hầu hạ, biết con chiên, nhận biết tiếng chiên vì ngài là đại diện tình yêu Chúa Ki-tô[8]. Sứ vụ của Giám Mục là phục vụ (diaconia), phục vụ dân Chúa trong mọi lãnh vực của sự sống: phục vụ Tin Mừng trong công tác giảng dạy chân lý Cứu độ; phục vụ đời sống thiêng liêng qua các Bí tích; phục vụ đời sống thể xác thế tục  qua việc bác ái.  Trước hết với tính cách mục tử là thầy tối cao trong Giáo phận, nên Giáo Luật đòi Giám Mục  phải thật giầu  kiến thức về đạo, về Giáo Hội học [9] để chuyên cần dạy dỗ con chiên (GL.386; 762-780) và bảo vệ Đức tin; là cha thiêng liêng, ngài cầu nguyện và hoạt động cùng với dân thánh, thánh hóa mọi người bằng gương sáng đời sống bác ái, khiêm nhượng và đơn sơ (GL.387); là quản lý trung thành, ngài có trách nhiệm quản trị Giáo phận về mọi phương diện, và có trách nhiệm đưa Bác ái và Tin Mừng đến mọi người trong địa giới, nhất là những anh chị em chưa biết Chúa, những người bất hạnh, những người vô gia cư  v.v. (GL.383).

Để chu toàn nghĩa vụ này, Giám Mục phải có mặt trong địa phận ít nhất 11 tháng trong một năm (GL. 395) và thường xuyên kinh lý, thăm viếng các giáo xứ, các tổ chức, các đoàn thể tôn giáo, cũng như nhóm họp hội nghị giáo phận; Giám Mục thường xuyên làm mục vụ theo những cơ chế rõ rệt và với những cộng tác viên được chỉ định theo Giáo luật: linh mục đoàn (GL. 369; 495, 499); Uỷ ban tư vấn (GL.502): Hội đồng tài chính (GL. 492, 537, 1278, 1281, 1292), người quản lý giáo phận (GL. 494); tòa án đệ nhất cấp (GL. 1420-1427), Hội đồng mục vụ gồm giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân để cộng tác với Giám Mục (Christus Dominus, 27; GL.511-515). Tuy là người có quyền lập pháp (GL. 91, 466), hành chính (GL.391, 1740-1752) và hành pháp (GL.1315), Giám Mục không được vượt quá những quyền hạn đã ghi trong Giáo Luật .

Vài nét chính của Công Đồng và Giáo Luật,  chúng tôi vừa ghi ở trên, cho thấy Hiệp Thông trong Giáo Hội địa phương bắt nguồn từ Giám Mục, người có nhiệm vụ tạo mối hiệp thông đó trong đối thoại chứ không bằng quyền bính. Nhưng người mục tử không thể đối thoại nếu coi thường những cơ chế, những luật lệ có tính cách cộng đồng (vì cộng đồng Dân Chúa là mạng lưới hữu hình của một xã hội thần linh và thiêng liêng, gọi là Giáo Hội hữu hình ở trần thế).


B. Hiệp thông giữa Giám Mục và Linh mục[10] .

Trong chương trình hiệp thông, qua những cơ chế pháp định, Giám Mục làm việc với những cộng tác viên, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Những cộng tác viên gần nhất là linh mục.

Chính để cổ võ tinh thần hiệp thông, mà Giáo hội nhấn mạnh đến truyền thống hiện hữu từ thế kỷ thứ 2, Giám Mục phải thảo luận, bàn hỏi các linh mục như cha bàn hỏi các con, như anh bàn hỏi các em, như bạn thân bàn hỏi người tri kỷ[11]. Đầu thế kỷ thứ hai vào năm 107-110, trong các thư gửi  các Giáo Hội Magnesia, Ephesô, Smyrna, và Giám Mục Polycarpô, thánh Ignatiô, giám mục Antiochia, nhấn mạnh đến “Giáo Hội như một gia đình thánh trong đó Giám Mục là người cha, linh mục đoàn như  cộng đoàn các tông đồ, và các phó tế  như những người thừa hành các mầu nhiệm của Chúa Ki-tô cùng với Giám Mục và linh mục đoàn”. Theo Thánh Ignatiô, vị nối nghiệp trực tiếp các Tông đồ, Giám mục (episcopos) hợp nhất với linh mục đoàn, và mọi tín hữu phải hợp nhất với các Ngài để thực hiện Giáo Hội thánh thiện và duy nhất[12]. Thánh Cyprianô, Giám mục Carthage (249-258) cũng tuyên bố: “nguyên tắc của tôi là không tự ý làm gì, nếu không hỏi ý kiến các linh mục và nếu không được cộng đồng tín hữu đồng ý[13]. Để thực hiện sự hiệp thông có tính cách hữu cơ đó, Giáo Luật 1983 đặt ra những cơ chế cần thiết để dân Chúa được hưởng các hồng ân  của Chúa chẳng những qua các bí tích, mà qua công tác mục vụ thân tình của những vị có chức thánh. Vì thế, sự hiện diện đích thực và linh động của giới Linh mục (GL.369; 495§1; 499) là dấu hiệu sự có mặt của Thánh Linh trong Giáo Hội [14]. Giám Mục hiệp thông với các linh mục, nhất là linh mục quản xứ, như với những cộng tác viên thân tình, tức những cánh tay nối dài trong mục vụ cùng lo việc chung của Giáo Hội, như những môn đệ Chúa cộng tác với nhau trong tình huynh đệ vì cùng thông công một chức thánh.[15]

Dĩ nhiên, những người cần được Giám Mục ưu ái đầu tiên phải là các linh mục, những người con và em của mình, cũng là những cộng tác viên quan trọng nhất trong chương trình mục vụ. “những mối liên hệ giữa Giám mục và các linh mục trong Giáo phận phải được xây dựng trên tình bác ái siêu nhiên: vì thế, ý chí của Giám mục và linh mục càng tương đồng, thì hiệu quả mục vụ càng xúc tích… Giám mục phải khuyến khích linh mục đối thoại với mình, cũng như đối thoại với nhau. Nhất là về công tác mục vụ[16].

Trong bài đáp từ các Giám Mục Việt Nam viếng ad limina 2009, ĐGH Bênêdictô XVI gửi lời nhắn: “Tôi  xin Chư huynh vui lòng cám ơn các Linh Mục triều và Dòng tại đất nước yêu quí của Chư huynh vì cuộc sống thánh hiến của họ cho Chúa và vì những nỗ lực mục vụ nhằm thánh hóa Dân Chúa. Chư huynh hãy quan tâm đến các Linh Mục, đầy cảm thông đối với họ và giúp đỡ họ chu toàn việc thường huấn. Để là những người hướng dẫn đích thực và phối hợp với con tim của Thiên Chúa  cũng như giáo huấn của Giáo Hội, các Linh Mục phải đào sâu cuộc sống nội tâm và hướng đến sự thánh thiện như Cha sở khiêm hạ của giáo xứ Ars đã chứng tỏ. Ơn gọi Linh Mục và tu sĩ dồi dào, nhất là nơi đời sống thánh  hiến của nữ giới là một hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì những đoàn sủng của họ, những đoàn sủng mà Chư huynh khuyến khích họ tôn trọng và thăng tiến”.

Để thực hiện sự đối thoại cần thiết giữa Giám mục và linh mục, Giáo Luật thiết lập ba cơ cấu: linh mục đoàn,  ban Tư vấn và linh mục quản xứ.


B.1-  Linh mục đoàn: Ở đây, Giáo Luật chú trọng đến linh mục đoàn như một cơ cấu pháp lý chứ không chỉ là tập họp các linh mục trong Giáo phận.

Trong lãnh vực tổ chức pháp định, hình như trong nhiều giáo phận chưa có linh mục đoàn (consilium presbyterale) đại diện chính thức các linh mục trong Giáo phận. Cơ quan này là một cơ cấu pháp định, Giáo phận bắt buộc phải có linh mục đoàn (GL.495§1) giống như một thượng viện có bổn phận giúp Giám mục trong việc quản trị Giáo phận, ngõ hầu phát triển một cách hữu hiệu tối đa công tác mục vụ trong dân Chúa. Linh mục đoàn không được hiểu là những cuộc họp của các linh mục, nhưng là cơ cấu duy nhất trong Giáo phận, đại diện các thành phần, tuổi tác, cấp bậc và chức vụ của toàn thể các linh mục. Vì thế, theo Giáo Luật, phần thứ nhất(50%) linh mục đoàn phải do toàn thể các linh mục bầu lên (4971;4981); phần thứ hai gồm một số linh mục có nghiệp vụ (ex officio) GL.497§ 2 (thí dụ linh mục Tổng đại diện, chưởng lý, Giám đốc chủng viên v.v.[17]) và phần thứ ba là một vài linh mục do Giám mục chọn cách riêng để giữ thăng bằng trong nội bộ (GL.497 §3). Linh mục đoàn họp để thảo luận những điểm do Giám mục đề ra, góp ý kiến cho ngài. Tuy ý kiến của Linh mục đoàn không có giá trị quyết định (GL.500-501), nhưng nói lên sự hiệp thông cụ thể của giáo sĩ trong Giáo phận. Thường thường, linh mục đoàn không có quyền quyết định, độc lập với Giám mục. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, Giám Mục phải hội ý linh mục đoàn trước khi quyết đinh. Thí dụ  theo Giáo Luật, a) ngài có bổn phận bàn hỏi Linh mục đoàn khi thành lập giáo xứ mới, hay xóa sổ một Giáo xứ hiện hữu (GL.515§2) trong trường hợp thuyên chuyển hay hồi chức linh mục quản xứ một cách bất thường, Giám mục có bổn phận bàn hỏi hai linh mục do linh mục đoàn đề cử (GL.17421; 1750).


B.2- Ban tư vấn: Ngoài linh mục đoàn, mỗi Giáo phận phải có ban Tư vấn (collegium consultorum). Ban Tư vấn là một số thành viên của Linh mục đoàn được Giám Mục chọn (ít nhất 6 người; nhiều nhất 12 người) để thực hiện những công tác mà Giáo Luật đòi hỏi (GL.502). Thời hạn của thành viên là 5 năm. Ban Tư vấn là một cơ cấu mới trong Giáo Luật, nên bắt buộc phải có trong việc điều hành Giáo phận. Ban Tư Vấn đóng vai trò quan trọng vì nhờ con số thành viên hạn chế, Giám mục dễ họp thường xuyên hơn để thảo luận với các linh mục về những vấn đề hệ trọng cần có sự đồng thuận, có tính cách pháp lý hay không pháp lý, của các linh mục. Sự chấp thuận của ban Tư vấn còn cần thiết khi vị Giám quản quyết định nhận vào Giáo phận một linh mục ngoài Giáo phận, hay cho phép một linh mục thuộc Giáo phận nhập một Giáo phận khác (GL. 272). Trong giai đoạn trống tòa, Giám quản cần có sự đồng ý của Ban Tư vấn khi cất chức chưởng ấn hay các nhân viên trong văn phòng Giáo phân (GL. 485).

Theo Giáo Luật, giáo phận trống tòa khi GMGP từ trần, hay từ chức, hoặc chuyển đi nơi khác. Lúc đó, các chức vụ linh mục Tổng đại diện, hay linh mục đại diện Giám mục cũng chấm dứt, nên quyền hành sẽ chuyển sang Ban Tư Vấn. Trong thời gian trống tòa, Giám mục phó (nếu có) sẽ báo cáo ngay cho Tòa Thánh và triệu tập Ban Tư Vấn, để Ban này bầu một vị Giám quản . Nếu không có Giám mục phó, Ban Tư Vấn có quyền và bổn phạn báo cáo cho Tòa Thánh và chọn ngay một một thành viên lâm thời quản trị Giáo phận, trừ khi Tòa Thánh quyết định cách khác (GL.419; 502 § 2).


B.3-  Linh mục quản xứ: Theo Giáo Luật, “linh mục quản xứ là mục tử của Giáo xứ dưới quyền của Giám mục Giáo phận, có trách nhiệm mục vụ cộng đồng giáo dân trong công tác dạy dỗ, thánh hóa và quản trị với sự cộng tác – khi cần – của các linh mục hay phó tế, hoặc với sự đóng góp của giáo dân theo luật định ” (GL.519). Linh mục quản xứ (cha xứ, cha sở), là mục tử một xứ đạo dưới quyền GMGP và cùng chia sẻ với GMGP sứ vụ của Chúa Kitô để giáo huấn, thánh hóa và quản trị đoàn chiên (GL.519 và Christus Dominus. 30 ).

Một khi được bổ nhiệm quản xứ, linh mục được thi hành công tác một cách cố định (stabilitas), nhưng Hội Đồng Giám Mục có thể hạn định một thời hạn nhất định” (GL.522). Về điểm này, Giáo Luật 1983 khác với Giáo Luật 1917, trong đó bản văn dùng danh từ bất di bất dịch (inamobilis). Phương thức “bất di bất dịch” giữ dấu vết của thời xưa[18], nên theo Sắc lệnh Christus Dominus, Công Đồng Vatican II quyết định cho tất cả các linh mục quản xứ được tính cách cố định : cố định không có nghĩa là “bất di bất dịch”, nhưng có nghĩa là “ không có thể bị di chuyển bất  cứ lúc nào”, tùy sở thích của GMGP. Một khi được Giám mục cắt đặt ở xứ nào, Cha xứ là “mục tử chính thức” (pastor proprius) của cộng đồng Giáo xứ đó, dưới quyền Giám mục, “được hưởng sự cố định trong thời gian vô hạn định” (stabilitate gaudeat ad tempus indefinitum) [19] nhưng Hội Đồng Giám Mục mỗi nước, vì lý do mục vụ, có quyền hạn định tùy nghi. Hình như ở Việt Nam HĐGMVN chưa ra một quy luật về vấn đề này, nên ở một số Giáo phận, chúng tôi thấy nhiều nơi, các cha xứ đổi xứ như “chong chóng” tùy hứng của Giám Mục. Chúng tôi mong rằng, vì lợi ích của giáo dân, và để tôn trọng quyền linh mục quản xứ, HĐGM Việt Nam sớm ra những quy tắc chung. Không thể coi việc đổi xứ như một hình phạt (bỏ xứ lớn xuống xứ nhỏ) hay một phần thưởng (từ xứ nhỏ lên xứ lớn).


B.4- Thuyên chuyển hay cách chức linh mục quản xứ.

Linh mục quản xứ được coi như cánh tay phải của Giám mục trong mỗi xứ đạo; sứ vụ của ngài được Giáo Luật bảo vệ, nhất là trong những trường hợp “cách chức” hay “đổi xứ”. Vì thế, Giám Mục không thể tùy tiện cách chức linh mục quản xứ trước thời gian HĐGM hạn định – thí dụ 5 hay 6 năm – nếu không có lý do thật nghiêm trọng: “mặc dầu linh mục quản xứ không phạm trọng tội, nhưng khi Giám Mục nhận thấy công tác mục vụ của ông có hại cho giáo dân hay không có hiệu quả (GL.1740)”, Giám Mục có thể cách chức cha xứ[20].


Nhưng phải tuần tự qua nhiều công đoạn:

a/ Giám Mục bắt buộc phải cân nhắc các lý do theo khoản GL.1741, (thí dụ gây xáo trộn nếp sống cộng đoàn, bất lực, vi phạm các quy luật buộc làm quản xứ, mất tín nhiệm nơi giáo dân, gây thiệt hại tài chính năng cho giáo xứ  v.v);

b/ Để sự cân nhắc của mình có giá trị khách quan và pháp lý, Giám Mục phải tham khảo ý kiến của 2 linh mục do linh mục đoàn để cử, và lấy tình cha con yêu cầu linh mục quản xứ tự nguyện xin từ chức (GL.1742);

c/ Qua 15 ngày, nếu vị này không trả lời, Giám Mục nhắc một lần nữa; nếu đương sự không trả lời hay quyết không từ chức, Giám Mục sẽ ra nghị định cách chức bằng nghị định có văn bản (GL.1744)[21];

d/ Linh mục quản xứ có quyền kháng cáo bằng văn bản, và viện những lý do tại sao mình  bất tuân; lúc đó Giám Mục lại tham khảo ý kiến hai vị cố vấn kể trên và sau cùng ban bố lệnh cách chức.(GL.1745);

e/ Nếu đương sự kháng cáo lên cấp trên, lúc đó Giám Mục chưa được đặt linh mục quản xứ mới [22], nhưng nếu cần, GMGP sẽ đặt một giám quản lâm thời (GL.1747). Cách thức giải quyết này chứng tỏ Giáo luật rất thận trọng và tôn trọng quyền linh mục quản xứ, để tránh những lạm dụng và để trong Giáo phận có sự an hòa.

Trong trường hợp Giám Mục đổi một linh mục quản xứ, khi đương sự không mắc tội gì (thí dụ bị rút phép thông công hay treo chén), Giám Mục phải viết cho đương sự một văn bản yêu cầu đương sự, vì tình yêu Chúa và lợi ích các linh hồn, nhận chuyển sang một xứ đạo khác. Nếu đương sự từ chối, và Giám Mục thấy cần phải thực hiện lệnh này, Giám Mục sẽ tuyên bố một nghị đinh ghi rõ ngày đương sự phải rời xứ . Nếu đương sự kháng cáo lên cấp trên, thì Giám Mục không được chuyển linh mục khác tới làm cha xứ, nhưng vẫn đăt một linh mục giám quản trong thời gian tranh chấp (GL.1747 và 1752).

Hai trường hợp hy hữu kể trên cho hay, Giáo Luật tôn trọng sự Hiệp thông thực sự nhưng cũng đề phòng những tranh chấp hay lạm dụng quyền bính. Ngoài việc cách chức hay thuyên chuyển, GMGP cũng có quyền treo chén linh mục trong Giáo phận.


B.5 Huyền chức (treo chén).Về phương diện hành xử, Giám mục chỉ có quyền “treo chén” linh mục khi có lý do hết sức nghiêm trọng, và tuân theo các quy định rất chặt chẽ  trong Giáo Luật[23] (GL.1333-1335).


5.1-  Treo chén (Suspensio) là gì?

- Theo Giáo Luật 1333 1, treo chén (ngày nay dịch là huyền chức) là một vạ dành riêng cho giáo sĩ:

a/ hoặc cấm đương sự thi hành tất cả các quyền thuộc chức thánh hay một số quyền thuộc chức của mình;

b/ hoặc cấm thi hành các quyền quản trị hay một số quyền quản trị trong chức vụ của mình;

c/ hoặc cấm thi hành tất cả các quyền về chức thánh hay về quản trị, hay một phần các quyền này.

Theo định nghĩa trên, có ba loại treo chén: a/ treo chức, tức đương sự không được thi hành các quyền thuộc chức của mình, thí dụ linh mục bị phạt vạ này không được dâng lễ, giải tội; b/ treo quyền, nghĩa là không được thi hành quyền quản trị, thí dụ linh mục quản xứ bị treo không được thi hành chức vụ “cha xứ”; c/ treo tổng thể chức và quyền, khi đương sự  không còn quyền gì, như khi Giám mục Giáo phận hay linh mục chánh xứ “được hưu” trong một thời gian bị vạ.


5.2-  Có mấy loại vạ treo chén?

- Thưa: Cũng như vạ tuyệt thông (excommunicatio, GL.1331), vạ cấm chế (interdictus, GL.1332), vạ treo chén  hay huyền chức (suspensio, GL.1333) được phân thành hai loại: a/ tiền kết (latae sententiae); b/ hậu kết

(ferendae sententiae).

a/ Mỗi khi, người phạm lỗi nặng mà luật quy định hình phạt latae sententiae, [tạm dịch là vạ tiền kết] thì tức khắc mắc vạ đó không cần ai lên án. Vì thế, cũng gọi là vạ theo luật (a jure) GL.1314);

b/ Người phạm một lỗi mà luật không quy định hình phạt, nhưng sau đó bị một người ở Cấp trên có quyền lãnh đạo phạt vạ, lúc đó vạ gọi là ferendae sententiae (hậu kết), cùng gọi là ab homine.


5.3-  Về pháp lý, ai là người có quyền tuyên án tiền kết (latae sententiae).

- Theo nguyên tắc pháp lý, chỉ những người có quyền lập pháp mới có quyền ban hành luật hình sự tiền kết. Những luật tiền kết chung cho cả Giáo Hội đã được ghi trong Giáo Luật. Chỉ có Giáo Hoàng hay cơ quan Tòa Thánh nhân danh Giáo Hoàng, và sau đó Giám mục Giáo phận (GL.1341) – là những ngươi có quyền lập pháp và hành pháp – hay các vị được liệt vào cấp Bản quyền địa phương (Ordinarius loci GL.134 2) có quyền tương đương với GMGP  (GL.381 3) [24]

Chỉ có Luật có quyền thiết lập án treo chén tiền kết (GL.1334 § 2). Giáo Luật ghi rõ: “chỉ có Luật, chứ mệnh lệnh không đủ” nghĩa là muốn phạt treo chén một giáo sĩ, thì Bề trên có quyền lập pháp (thí dụ GMGP), phải ban hành một đạo luật – khác với những điều luật đã có sẵn trong Bộ Giáo Luật – theo đó một khi giáo sĩ vi phạm thì lập tức phải treo chén: mục đích để bảo vệ giáo sĩ.

Cụ thể, theo Luật chung, giáo sĩ phải vạ treo chén tiền kết trong những trường hợp sau đây:

a/ giáo sĩ hành hung Giám mục (GL.1370 2);

b/ giáo sĩ chưa có chức linh mục dám cử hành Thánh lễ, hay ban bí tích Giải tội (GL.1388 1,2);

c/ giáo sĩ dùng tiền để “mua” một bí tích (GL.1380) thí dụ hối lộ để được phong chức linh mục;

d/ giáo sĩ được một Giám mục Giáo phận khác Giáo phận của mình truyền chức, khi vị này không được ủy quyền hợp pháp (GL.1383)[25] ;

e/ linh mục dụ dỗ hối nhân phạm tội nghịch điều răn thứ sáu, trong khi giải tội, hay nhân dịp giải tội, hay viện cớ giải tội (GL.1387 );

f/ giáo sĩ cáo gian cha giải tội về việc vị này dụ dỗ  phạm tội điều răn thứ sáu (GL.1390 1),

g/ linh mục mưu toan  cưới vợ, dù cưới xin ở tòa đời (GL.1394 1);

h/ giáo sĩ tư hôn, hay thường xuyên phạm tội nghịch điều răn thứ sáu, gây gương mù gương xấu (GL.1395 1)[26].


5.4 Về pháp lý, ai là người có quyền tuyên án hậu kết (ferendae sententiae)?

-  Giáo Luật luôn luôn nhắc tới Bề trên có thẩm quyền (legitimus), và hành động hợp pháp.

a/ Giáo Hoàng là Bề trên tối cao có quyền treo chén hậu kết mọi linh mục trên thế giới.

b/ Đấng Bản quyền Giáo Phận khi đương sự phạm một hay những trọng tội công khai, và khi người này ngoan cố tiếp tục phạm trọng tội đó gây gương mù gương xấu, sau khi đã được Bề trên hữu trách khuyên răn. “Đấng Bản quyền chỉ nên xúc tiến thủ tục tư pháp hay hành chính để tuyên kết hay tuyên bố hình phạt này, sau khi ngài thấy không thể sửa chữa gương xấu bằng việc khuyên răn trong tình huynh đệ (fraterna correctio), hay khiển trách (correptio), hoặc dùng các phương thế khác trong đường lối mục vụ của mình, và không thể tái lập công lý và cải thiện phạm nhân một cách hoàn hảo” (GL.1341).

Theo tinh thần Phúc Âm và theo Giáo Luật, việc lên án không được tùy tiện, tùy hứng, hay vì quyền lợi riêng tư, hoặc để giải quyết những mâu thuẫn giữa Bề trên và bề dưới; Giáo Luật còn đòi Bề trên phải tự vấn lương tâm và hành động theo sự khôn ngoan để tránh lên án nặng khi không cần (GL.1315 và 1342).  Muốn giải quyết vấn đề hợp tình, hợp lý và hợp luật, nhà cầm quyền có thể ra luật hình sự riêng phạt phạm nhân, và ra án phạt mà ngài coi là tương xứng với mức tội phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chỉ nên ra luật đó vì những lý do rất cần thiết (ne faciat nisi ex gravissima necessitate GL.1325 3), và luật đó phải  thích hợp với luật hiện hành trong một nước, hay trong một miền (GL.1316), thí dụ một Giáo phận không thể ra một luật hình sự treo chén một linh mục, khi người này phê bình nếp sống không hợp Phúc Âm của Bề Trên.

Giáo Luật 1317-1319 nhấn mạnh đến việc phải hết sức thận trọng khi ra luật phạt vạ tiền kết (latae sententiae), trừ khi có gương mù rất nặng và không thể phạt hậu kết (ferendae sententiae). Giám mục cũng không có quyền cất chức linh mục, cũng như không được lạm dụng quyền ra nhiều luật hình sự. Những phạm trù rất quan trọng trong Giáo Luật về vấn đề phạt vạ không được phép coi thường.

Giáo Luật quy định rất rõ rệt về thủ tục phạt vạ: “Một vạ không có giá trị pháp lý khi phạm nhân không được cảnh cáo ít nhất một lần để ngừng ngoan cố, và có một thời gian thích hợp để sửa sai” (GL.1347§ 1).

Thế nào là ngừng ngoan cố?

–“khi người đó hối cải tội lỗi, và đã bồi thường tai hại hay xóa được gương mù, hoặc khi người đó hứa làm như vậy một cách nghiêm túc” (GL.1347§2).

Hỏi: Giám mục Giáo Phận có được phép phạt vạ “miệng” nghĩa là không qua sắc lệnh ngoại hình sự (a) hay qua Luật hình sự (b)?

Tuyệt đối Giám mục không có quyền đó.

Trong vấn đề này, người ra án có thể là GMGP, có thể là một vị mà Giáo Luật gọi là Đấng Bản quyền  (GL.134 1) hay Bản quyền địa phương (GL.134 2). Có hai cách làm:

a/ Phạt ngoại hình sự: Một vấn đề trọng đại như  vạ treo chén chẳng hạn không phải là truyện tầm thường. Nếu vì lý do gì chính đáng, ngăn cản việc tố tụng tại tòa, thì Đấng Bản quyền có thể tuyên kết hay tuyên bố hình phạt bằng sắc lệnh ngoại hình sự (decretum extra judicium) (GL.1342 1). Không thể  tuyên  bố án phạt mà không có văn bản ghi rõ  trọng tội và lý do phạt vạ.

Thiếu sắc lệnh đó, án phạt “miệng” không có giá trị pháp lý.

b/ Phạt hình sự: Trong trường hợp hết sức quan trọng, phải thi hành thủ tục hình sự khá phức tạp, xem Giáo Luật Q. VII .

1/ “Khi Đấng Bản quyền biết có trọng tội, ít nhất khi xem ra là đúng, ngài phải đích thân hay ủy cho người khác có khả năng điều tra cẩn thận về sự kiện, những hoàn cảnh và việc quy trách nhiệm”(GL.1717 1). Giáo Luật thêm: “đừng để việc điều tra này làm hại thanh danh bất cứ ai” (GL.17172); và “sau đó nếu việc tố tụng tư pháp được xúc tiến, thì điều tra viên không được làm thẩm phán” (GL.1717 3).

Khi các yếu tố được thu thập đủ, Đấng Bản quyền phải quyết định trong ba giải pháp sau đây:

a/ việc tố tụng có thể tiến hành;

Nên tiến hành hay không, theo GL.1341 (đã ghi ở trên);

b/ có nên dùng tố tụng tư pháp, hay tiến hành bằng sắc lệnh ngoại tòa (như ở trên).

c/ sau cùng, Đấng Bản Quyền phải xét xem có nên tự mình hoặc nhờ điều tra viên, với sự đồng ý của các bên, giải quyết vần đề cách hợp tình hợp lý hay không, để tránh việc xét xử vô ích” (GL.1718§4)

Giáo luật 1720  ra một số qui định khá khúc chiết về nghị quyết ngoại hình sự :

1) “Đấng Bản quyền phải trao cho người bị cáo một bản tội trạng có chứng cớ để người đó có thể tự bào chữa; trừ khi người đó, khi được triệu, không ra trình diện;

2) “Ngài phải cân nhắc cẩn thận cáo trạng và các chứng cớ với hai hội thẩm;

“Nếu nhận thấy một cách chắc chắn tội thực sự, và đương sự vẫn còn tiếp tục vi phạm, ngài sẽ ban bố một sắc lệnh chiếu theo các khoản 1342-1350, trong đó phải ghi, ít là vắn tắt, những lý do dựa theo luật và theo thực tế ”.

Giáo Luật quy định như thế thật minh bạch như thế nên Giám mục hay đấng Bản quyền không được  phép khinh thường. Tuyên bố “treo chén” mà không tuân thủ một trong hai quy định trên, thì lời tuyên bố phải được coi như vô hiệu  (invalide).



5.6- Người bị cáo có những quyền gì?

- Thưa: A/ Khi ra tòa, bị cáo có quyền tự chọn một luật sư (GL.17231) hay có một trạng sư do tòa chỉ định (GL.1723 2);

B/ Trong khi tranh luận trên giấy tờ hay bằng khấu biện, người bị cáo hay luật sư của người này có quyền viết hay nói sau cùng (GL.1725).

C/ Khi tòa án thấy bị cáo không phạm tội, thẩm phán phải tuyên bố bằng văn bản người đó vô tội và tha bổng ngay.(GL.1726).

D/ Bị cáo không bị buộc phải thú nhận tội phạm và cũng không bị buộc phải tuyên thệ (GL1728 2) .

E/ Nếu bị phạt, bị cáo có quyền kháng cáo (1727)

GL.1353: “Khi người bị phạt khiếu nại lên Cấp trên hay kháng cáo bản án hay sắc lệnh tuyên kết hay tuyên bố hình phạt, thì khiếu nại và kháng cáo đó có giá trị ngừng hiệu quả của án phạt (habent effectum suspensivum)”.

Những điều trên đây minh chứng Giáo Luật bao giờ cũng tôn trọng quyền con người, nhất là trong những trường hợp tổn thương đến nhân quyền và danh dự người bị phạt.

Đây là một điểm rất mới trong Giáo Luật 1983, vì không có trong Giáo Luật 1917.

Điều này cho phép người bị án minh oan, hay chứng minh là Bề Trên lên án đã vi phạm Giáo Luật trong khi thi hành quyền bính, một điều mà Giáo Hội không tha thứ.

Trong thời gian khiếu nại hay kháng cáo, thì vạ treo chén không có giá trị pháp lý và được coi như vô hiệu lực, nên linh mục bị phạt vạ vẫn có mọi quyền chức linh mục như thường, cho đến ngày Cấp trên quyết định.


5.7-  Kháng cáo ở đâu?

- Thưa: Nếu Giám mục xử theo đúng Giáo Luật, nghĩa là qua Tòa Án Giáo phận (GL.1419-1437), thì người kháng cáo đệ đơn lên Tòa án cấp trên tức là cấp tòa Tổng Giám mục (GL.1438), hay cấp tòa án chung cho cả nước do Hội Đồng Giám mục thiết lập với sự đồng ý của Tòa Thánh[27].

Nếu Giám mục xử không đúng Giáo Luật, thì chỉ còn việc “cầu nguyện và khóc”, vì không hiểu sao Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội đang mừng 50 năm thành lập Giáo Phẩm, và được coi như một Giáo Hội đã trưởng thành, mà hai mươi sáu năm sau ngày ban hành Giáo Luật 1983, vẫn không có các tòa án sơ thẩm hay thượng thẩm theo đúng Giáo Luật. Trong trường hợp bất đắc dĩ này,  thì có thể “kháng cáo” lên Tòa Thánh.


5.8 Hậu quả vạ treo chén  đối với linh mục bị  án?

- Thưa: a/ Nếu vị đó bị án treo chén về thánh chức, thì không được Hiến tế Thánh Thể, không được giải tội hay ban hành các bí tích gắn liền thánh chức  (GL.1333§ 1,2o). Đơn giản, bao lâu chưa được tha vạ, thì vị đó trở hành một tín hữu bình thường. Tuy nhiên vì lợi ích của giáo dân, khi tín hữu cần lãnh nhận bí tích trong giờ lâm chung (GL.1335) thì vạ phải đình chỉ;

b/ Nếu bị huyền chức trong hành vi quản trị (thí dụ không được thi hành quyền quản trị giáo xứ, quản trị tài sản Giáo Hội), thì vạ này cấm thi hành những quyền đó (GL.1333 § 1, 2o).

c/ Nếu bị huyền chức trong phạm vi thi hành  nghĩa vụ gắn liền với chức vụ (thí dụ chức vụ Giám Mục Giáo phận, chức vụ cha xứ, chức vụ Bề trên chủng viện, tuyên úy một dòng tu …) thì luật hay mệnh lệnh huyền chức phải chỉ định [28] (GL.1333 §1,3o ).

Tuy nhiên Giáo Luật cũng trừ một số ca đặc biệt:

1o. Vạ huyền chức không có giá trị đến những chức vụ hay quyền quản trị không thuộc quyền của Bề trên ra án phạt.  Thí dụ một cha quản xứ đồng thời được Tòa Thánh đặt làm tuyên úy một phong trào trong Giáo phận hay trong một Giáo tỉnh, nếu bị GMGP huyền chức về quản trị giáo xứ, thì ngài vẫn có quyền thi hành quyền và nghĩa vụ tuyên úy của mình.

2o Vạ huyền chức không chi phối quyền cư trú nếu phạm nhân có quyền ấy theo chức vụ. Thí dụ một Giám mục bị treo chén, thì trong thời gian bị án, ngài vẫn có quyền cư trú ở Tòa GM.

No comments:

Post a Comment