Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 21, 2011

ASEAN tìm giải pháp việc tranh chấp đền Preah Vihear

Ngày 22/02 bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, sẽ gặp nhau tại thủ đô Jakarta của Indonesia để tìm giải pháp cho vấn đề tranh chấp biên giới quanh ngôi đền cổ Preah Vihear.

Campuchia hoan nghênh

Campuchia tỏ lời hoan nghênh Chính phủ Thái Lan đã có ý định mời các quan sát viên từ Indonesia đến giám sát tình hình xung đột ở khu vực biên giới, nơi quân đội của hai nước bắn nhau bốn ngày liên tiếp. Phát biểu trước phóng viên vào sáng thứ hai, ngày 21 tháng 2 trước khi máy bay khởi hành đến Jakara, Bộ trưởng Hor Namhong tin rằng, ý định mới của Thái Lan sẽ làm giảm bớt căng thẳng ở biên giới. Ông Hor Namhong cũng bày tỏ sự ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng bản án Tòa án Quốc tế năm 1962 của Nghị viện Châu Ấu.
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong nói với các phóng viên tại sân bay Quốc tế Phnom Penh trước khi bắt đầu cuộc họp với Bộ trưởng của các nước Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta rằng, Campuchia hoan nghênh ý định của Thái Lan yêu cầu Indonesia gửi các quan sát viên đến khu vực đang có xung đột biên giới gần đền Preah Vihear, một di sản thế giới được xây dựng từ thế kỷ thứ 11.
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết, Campuchia từng khiếu nại đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và yêu cầu Hội đồng Bảo an gửi các quan sát viên đến khu vực xung đột biên giới để đảm bảo ngừng bắn và quan sát những người xâm lược thật sự: “Tôi có thể nói, đây là kết quả của Campuchia đề nghị lên Hội đồng Bảo an LHQ để có quan sát viên ở khu vực biên giới, trong lúc phía Thái Lan cáo buộc Campuchia xâm lược Thái. Bây giờ Thái Lan đã đồng ý để có các nhà quan sát có mặt tại khu vực xung đột, do đó nó sẽ là một điều quan trọng cho cuộc họp tại Jakarta.”
Ông còn biết Campuchia sẽ yêu cầu Thái Lan ký một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn dưới sự chứng kiến của Chủ tịch ASEAN hoặc người đại diện, ký thỏa thuận hai bên không động binh, và hai nước Campuchia và Thái Lan sẽ yêu cầu các nước ASEAN tham gia kiểm soát ngừng bắn. Campuchia có một niềm tin mạnh mẽ vào ASEAN để tham gia giải quyết giao tranh ở khu vực Đông Nam Á.
Ông Hor Namhong phát biểu như vừa nêu sau khi Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya, lên kế hoạch mời Indonesia gửi các quan sát viên tới cài với binh sĩ Thái Lan ở biên giới, nơi quân đội Thái Lan đụng độ với quân đội Campuchia.

Kêu gọi tôn trọng Tòa án quốc tế

Thông cáo trên trang điện tử của Bộ Ngoại giao Thái được loan tải vào hôm Chủ Nhật, ngày 20 tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Kasit Piromya cho biết sự tham gia của ông trong cuộc họp tại Jakarta vào ngày 22 tháng 2 là sau khi Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi Thái Lan và Campuchia thảo luận về vấn đề biên giới ở cấp độ song phương với sự hỗ trợ và khuyến khích của ASEAN. Tại cuộc họp, Thái Lan sẽ tái khẳng định sự sẵn sàng của mình để sử dụng tất cả các cơ chế song phương hiện có với Campuchia, đặc biệt là Ủy ban hỗn hợp về phân định ranh giới Thái Lan-Campuchia (JBC), Ủy ban Biên giới chung (GBC), và Ủy ban Biên giới khu vực (RBC).

Ngoại trưởng Kasit còn nói rằng, trong cuộc họp không chính thức với Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Thái Lan sẽ bày tỏ sự sẵn sàng chào đón các quan sát viên của chính phủ Indonesia tới cài với quân đội Thái tại khu vực biên giới, nơi có cuộc đụng độ diễn ra từ ngày ngày 4-7 tháng 2 năm 2011. Đây sẽ là sự tái khẳng định rằng Thái Lan chưa bao giờ và sẽ không là bên nổ súng trước.
Đại diện Hội đồng giám sát, kiêm Chủ tịch Hiệp Hội giáo viên độc lập Campuchia Rong Chhun bày tỏ với Đài Á Châu Tự Do rằng, Campuchia và Thái Lan đã tổ chức cuộc họp song phương rất nhiều lần, tuy nhiên các cuộc họp song phương đó đều không đạt kết quả. Và tất cả các cơ chế song phương sẽ lỗi thời chính vì cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Ngoại của ASEAN sắp diễn ra. Ông Rong Chhun nhận định thêm, “Thái Lan luôn vi phạm các thỏa thuận của cuộc họp song phương. Chúng tôi cũng chưa tin vào Chính phủ Thái Lan, mặc dù họ có ý định kêu gọi Indonesia gửi quan sát viên đến khu vực giao tranh. Không tin, là vì Thái thường xuyên thay đổi lập trường, và điều này vẫn có thể xảy ra đối với Thái Lan.”
Cũng liên quan vấn đề này, vào ngày 17 tháng 2 vừa qua Nghị viện Châu Âu ra một thông cáo lên án các vụ đụng độ biên giới giữa các lực lượng vũ trang của Campuchia-Thái Lan và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa và thực hiện các bước cần thiết để giảm căng thẳng, để tiếp tục cuộc đối thoại nhằm giải quyết sự khác biệt của họ một cách hòa bình, và để chấp nhận sự hỗ trợ của ASEAN và Liên Hợp Quốc. Nghị viện Châu Âu kêu gọi cả hai Chính phủ đảm bảo rằng thường dân di dời do hậu quả của cuộc đụng độ vũ trang được cung cấp với sự trợ giúp cần thiết. Hai nước phải tôn trọng bản án của Tòa án quốc tế năm 1962, và kêu gọi các nhà chức trách Campuchia và Thái Lan thực hiện theo các Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á.
Nghị viện Châu Âu cũng hoan nghênh những nỗ lực thực hiện bởi Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, là chủ tịch ASEAN, để tạo điều kiện đối thoại giữa hai nước để các tranh chấp có thể được giải quyết một cách hòa bình. Hoan nghênh Thái Lan và Campuchia đã đồng ý tham gia vào một cuộc họp khẩn cấp của các quốc gia Đông Nam Á để thảo luận về cuộc xung đột biên giới, đặc biệt quyết định của Tổng giám đốc UNESCO gửi một phái đoàn đến khu vực đang có xung đột để đánh giá sự thiệt hại gây ra cho đền Preah Vihear.

No comments:

Post a Comment