Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, February 25, 2011

Công nhân Việt Nam ở Libya thiếu lương thực và nước uống

Khoảng 10,000 công nhân Việt Nam diện lao động xuất khẩu hiện vẫn còn kẹt tại Libya. Một nhân viên sứ quán Việt Nam cho biết đang tìm mọi cách để di tản số công nhân này, nhưng ông nói thêm là tình hình “không được tốt lắm,” theo bản tin của thông tấn xã Pháp AFP ngày Thứ Năm, 24 tháng 2.
Tùy viên sứ quán Lê Hữu Hùng nói với phóng viên AFP qua điện thoại: “Cho đến nay chưa có người nào bị thương, tuy nhiên họ ở trong tình trạng khó khăn: thiếu lương thực, nước uống và phương tiện vận chuyển.”

Theo sự dàn xếp, công nhân Việt Nam làm việc tại Libya trong các hãng của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha sẽ được các hãng này trách nhiệm di tản. Việt Nam cũng can thiệp với các quốc gia có phương tiện tổ chức di tản để đưa những người khác rời khỏi Libya.

Hơn 30,000 dân Ai Cập và Tunisia đã chạy khỏi Libya bằng đường bộ. Máy bay vận tải quân sự của Ðức, Anh, Ý đã di tản một số công dân từ Libya tới đảo quốc Malta và đổi máy bay về nước.

Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức việc di tản quy mô nhất, chở kiều dân nhiều nước bằng các tàu đò (ferry), của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thuê của Hy Lạp, về tới trạm trung chuyển ở đảo Crete thuộc Hy Lạp trên Ðịa Trung Hải. Hàng ngàn người Trung Quốc, Âu Châu đã về tới Crete hôm Thứ Năm. Theo kế hoạch dự trù, các công nhân Việt Nam, Thái Lan, Philippines cũng sẽ được di tản bằng đường này, tuy nhiên cho tới ngày Thứ Năm chưa biết đã có bao nhiêu người được di tản.

Nhật báo Gulf Times ở Singapore loan tin một số trong 30,000 công nhân Philippines ở Libya tìm cách đi bằng đường bộ qua biên giới Ai Cập, hoặc qua Tunisia gần Tripoli hơn. Các công ty cung cấp lao động ở Manila nói rằng họ mất liên lạc với nhiều người và những người còn liên lạc được đều cho biết hết lương thực và không có ai trợ giúp.

Tổng Thống Benigno Aquino giải thích với các phóng viên, bác bỏ lời chỉ trích cho rằng chính quyền Philippines bỏ rơi những công dân này. Ông nói: “Chúng tôi đã và đang nỗ lực úng phó nhưng bị nhiều hạn chế về phương tiện cũng như nhân sự. Tòa đại sứ ở Tripoli chỉ có 25 người nên công việc tràn ngập quá khả năng.” Phó Tổng Thống Jejomar Binay sẽ bay đến vùng Trung Ðông trước cuối tuần này để tìm một kế hoạch khẩn cấp.

Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nam Hàn đã thuê tàu hoặc đưa máy bay quân sự đến lo việc di tản công dân của họ. Nhưng hàng trăm người Mỹ đến ngày Thứ Năm vẫn chưa đi được vì biển động và chính quyền Gadhafi không cho các máy bay thuê bao của Hoa Kỳ đáp xuống phi trường. (HC)

No comments:

Post a Comment