Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, February 4, 2011

Trận cuồng phong lịch sử ở Úc

Trận cuồng phong mang tên Yasi lớn nhất lịch sử nước Úc đã chấm dứt nhưng hậu quả để lại cho người dân thật nặng nề.
AFP photo
Hậu quả trận cuồng phong ở Úc. Ảnh chụp tại Cardwell hôm 04/2/2011.
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn nhà báo Lưu Tường Quang hiện sống và làm việc tại Sydney để biết thêm chi tiết.

Cơn bão mạnh kỷ lục

Mặc Lâm : Thưa anh, qua thông tin chúng tôi được biết thì tại Úc đang có một cơn bão rất lớn, xin anh vui lòng cho biết diễn tiến của nó như thế nào vậy anh?
Nhà báo Lưu Tường Quang : Thưa anh Mặc Lâm, Úc Đại Lợi vừa trải qua một cơn bão nhiệt đới chưa từng có trong lịch sử kể từ khi người da trắng đến đây lập nghiệp vào năm 1788.
Trận bão nhiệt đới này có tên là Yasi và ở cấp 5, tức là cấp cao nhất và mãnh liệt nhất của bảng xếp hạng bão nhiệt đới.
Nếu chúng ta so sánh với những cơn bão mà mọi người ở Hoa Kỳ cũng như đồng bào ở trong nước từng biết tới, ví dụ như so sánh với cơn bão Katrina đã thổi qua và tàn phá thành phố New Orleans (Tiểu Bang Louisiana, Hoa Kỳ) vào năm 2005 thì cơn bão Yasi này mạnh hơn, vận tốc lên tới gần 290 cây số/giờ, và bề rộng của cơn bão Yasi là 500 cây số, và chiều dài từ đầu đến đuôi là 2.000 cây số.
Mặc Lâm : Thưa anh, anh có thể cho biết vị trí tâm bão nằm cách xa bờ bao xa?
Nhà báo Lưu Tường Quang : Tâm bão mở rộng ra đến 35 cây số cho nên nếu mà nó đã vào bờ tại một thành phố lớn ở Miền Bắc Queensland thì quả thật nó đã tàn phá dữ dội không những về phương diện vật chất mà còn về phương diện nhân mạng.
Tuy nhiên, vào giữa đêm giao thừa Tết Nguyên Đán Tân Mão, tức vào khuya Thứ Tư và rạng sáng Thứ Năm (Mùng Một Tết) thì cơn bão này vào bờ giữa hai thành phố lớn tại Miền Đông-Bắc bờ biển Úc Đại Lợi, tức là giữa hai thành phố Townsville và Cairns. Cho nên vì lý do đó, nó đi vào bờ ở một bờ biển không có đông dân cư, chỉ có vài ba thành phố nhỏ, và do đó mà nó gây ra thiệt hại vật chất rất là đáng kể nhưng nó không gây ra thiệt hại về nhân mạng. Đó là một điều may mắn!
Vùng Đông-Bắc Úc Đại Lợi thuộc về Tiểu Bang Queensland là một nơi cũng giống như Miền Trung Việt Nam, cứ hàng năm vào tháng 12 cho đến tháng 4 dương lịch là mùa bão nhiệt đới, cho nên dân chúng tại đây đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm của một trận bão trước đây đã tàn phá thủ phủ Darwin của Lãnh Thổ Bắc Úc vào năm 1974, do đó luật lệ địa phương về vấn đề xây dựng nhà cửa đã được thay đổi để bảo vệ nhà cửa qua cơn bão.
Và cũng vì cơn bão Katrina đã tàn phá và làm chết rất nhiều người tại New Orleans mà Úc Đại Lợi đã học hỏi được kinh nghiệm của sự thất bại của chính quyền địa phương cũng như chính quyền tiểu bang và liên bang do trận bão Katrina vào năm 2005.

Được dự báo trước

Mặc Lâm : Nước Úc là một quốc gia tân tiến, vậy thì họ đã có những dự báo về cơn bão này bao lâu, và khi họ đã dự báo như vậy thì chính phủ đã có những biện pháp nào để đối phó hay là giúp đỡ gì dân chúng, thưa anh?
Chính phủ Úc Đại Lợi từ cấp địa phương cho tới cấp tiểu bang cũng như cấp liên bang, các dịch vụ khẩn cấp đều đã báo động trước hai ba ngày và đã yêu cầu dân chúng di tản, dân chúng cư ngụ tại những vùng thấp di tản. Và nếu họ không di tản thì chính quyền có quyền cưỡng bách họ di tản, cho nên khoảng 220.000 người đã di tản trước khi cơn bão tràn tới. Và đó cũng là lý do tại sao tuy có thiệt hại vật chất rất nặng nề nhưng sự thiệt hại về nhân mạng thì rất ít, chỉ có một người chết thôi, thưa anh, so với chẳng hạn như cơn bão Katrina tại New Orleans thì có tới 1.800 người chết, và so với cơn bão Trasi tại thành phố Darwin của Úc Đại Lợi vào năm 1974 có tới 71 người chết.
000_Hkg4541475-250.jpg
Tàu thuyền dạt lên bờ ở Cardwell, Úc sau trận cuồng phong hôm 4/2/2011. AFP photo
Nhà báo Lưu Tường Quang :

Đó là nói một cách tóm tắt về cơn bão đã thổi qua, và cơn bão này cũng tạo ra vài kỷ lục rất đáng kể, mặc dầu những kỷ lục này là tiêu cực. Thứ nhất, về bề rộng của cơn bão là 500 cây số, bề dài là 2.000 cây số trước khi tràn vào bờ.
Thông thường những cơn bão nhiệt đới khi tràn vào bờ thì nó yếu đi và nó không đi sâu vào nội địa, chẳng hạn như cơn bão Katrina tại New Orleans sau khi nó đã vào bờ thì nó di chuyển vào nội địa có 250 cây số mà thôi, trái lại cơn bão Yasi cách đây 2 ngày một khi nó đã tràn vào bờ thì nó vẫn tiếp tục di chuyển sâu vào trung tâm nội địa Úc Đại Lợi tới 600 cây số đến thành phố Mount Surprise là một thành phố kỹ nghệ hầm mỏ, cho nên đó cũng là một điều hy hữu, ít khi xảy ra, mặc dù khi đã tràn vào bờ thì sức mạnh của cơn bão đã giảm đi từ cấp 5 xuống cấp 4, rồi cấp 3, và khi tới thành phố Mount Surprise cách bờ biển 600 cây số thì nó trở thành cơn bão cấp 1, không còn mạnh mẽ nữa, nhưng nó vẫn đem lại mưa to và gió lớn.

Thiệt hại vật chất

Mặc Lâm : Liên quan tới đồng bào mình ở Úc thì cộng đồng Việt Nam có ở thành phố nào bị ảnh hưởng bởi cơn bão này hay không, thưa anh?
Thưa anh, cơn bão này xảy ra giữa hai thành phố lớn là Townsville và Cairns thì ở hai thành phố lớn này có một số người Việt Nam cư ngụ, tuy nhiên cái may mắn cho Úc Đại Lợi là cơn bão này tránh được thành phố Cairns ở phía Bắc có 130.000 người, và nó cũng tránh được thành phố Townsville lớn thứ nhì có 180.000 người ở phía Nam, cho nên vì lý do đó mà lần này không có sự thiệt hại lớn, không có sự thiệt hại liên hệ tới người Việt.
000_Hkg4130025-250.jpg
Người dân đang dọn dẹp căn nhà của mình tan hoang sau cơn bão tràn vô Quảng Bình hôm 09/10/2010/ AFP photo
Nhà báo Lưu Tường Quang :

Tuy nhiên, sự thiệt hại về vật chất thì rất là quan trọng, tại vì vùng mà cơn bão vào bờ là vùng sản xuất hầu như khoảng 80-90% thị trường nội địa Úc Đại Lợi về trái cây, nhất là về chuối, vì 80% đồn điền chuối đã bị thiệt hại, cũng như nhiều đồn điền khác về đường mía hay là về trái cây bị thiệt hại.
Chúng ta còn nhớ rằng chỉ riêng vùng này thôi về đường mía đã cung cấp cho 10% thị trường thế giới, và sự thiệt hại chỉ riêng cho kỹ nghệ đường mía đã lên tới 500 triệu đô la. Đó là không kể những sự thiệt hại khác.
Mặc Lâm : Thưa, anh có thể cho biết là sau khi cơn bão xảy ra thì chính phủ đã có những hành động nào trợ giúp cho địa phương, đặc biệt là cho các nạn nhân của cơn bão này không?
Nhà báo Lưu Tường Quang : Để giúp đỡ dân chúng địa phương thì chính quyền tiểu bang đã huy động dịch vụ khẩn cấp, chính quyền liên bang đã huy động 4.000 quân nhân đồn trú tại Townsville để làm công tác dân sự vụ.
Mặc Lâm : Một lần nữa xin cảm ơn nhà báo Lưu Tường Quang về thời gian ông dành cho chúng tôi trong ngày hôm nay.
Nhà báo Lưu Tường Quang : Cảm ơn anh Mặc Lâm và kính chúc quý vị thính giả của Đài RFA được khang an và thịnh vượng trong Năm Con Mèo.

No comments:

Post a Comment